35 năm - Văn xuôi Lâm Đồng

TAP CHÍ LANGBIAN|5/27/2022 4:04:23 PM

35 năm - Văn xuôi Lâm Đồng

   NGUYỄN CHÍ LONG

                                                                                                  

Lâm Đồng thuộc miền đất Nam Tây Nguyên hùng vĩ và xinh đẹp, giàu truyền thống văn hóa, truyền thống yêu nước và cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân các dân tộc Lâm Đồng đoàn kết, hăng hái lao động, sáng tạo xây dựng quê hương giàu mạnh, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hùng cường.

Gắn bó với sự nghiệp cách mạng, với cuộc sống của Nhân dân các dân tộc Nam Tây Nguyên, văn nghệ sĩ nói chung và các nhà văn Lâm Đồng nói riêng hòa mình, đắm say với đời sống lao động, sản xuất trong các công xưởng, nhà máy, nông trường, các buôn làng, các cánh đồng lúa, nương rẫy, các triền đồi ngút ngàn trà, cà phê, các trang trại rau hoa; trong các công sở, trường học, phố phường… Từ cuộc sống vô cùng phong phú, sinh động ấy, các văn nghệ sĩ đã tìm tòi, sáng tạo ra những tác phẩm văn học nghệ thuật, những áng văn chương hay, hấp dẫn làm say đắm lòng người, thu hút đông đảo công chúng, bạn đọc yêu văn học nghệ thuật trong và ngoài tỉnh.

Từ khi Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng ra đời - tháng 4-1987 tới nay, trải qua 35 năm xây dựng và trưởng thành, Hội đã thật sự trở thành sân chơi của văn nghệ sĩ Lâm Đồng, trong đó có các nhà văn. Lúc mới thành lập, Hội có 79 hội viên gồm các chuyên ngành: Văn học, Âm nhạc, Nhiếp ảnh và Hội họa… Nhiều người đã qua lửa đạn chiến trường, là công nhân, trí thức xây dựng hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa được tăng cường vào miền Nam, có thực tiễn chiến đấu và xây dựng đất nước, xây dựng quê hương Lâm Đồng… Đến nay, Hội đã có 281 hội viên với 11 chi hội.

Đội ngũ nhà văn Lâm Đồng khá hùng hậu, ngoài những người chuyên viết văn xuôi, còn có rất nhiều văn nghệ sĩ ở các chuyên ngành khác như: Các nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà điêu khắc, nghệ sĩ nhiếp ảnh… cũng tham gia sáng tác văn xuôi. Theo dõi việc sáng tác của văn nghệ sĩ, đến nay chúng tôi thống kê có khoảng 160 hội viên tham gia sáng tác văn xuôi trên tổng số 281 hội viên của Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng.

Tiêu biểu cho lực lượng sáng tác văn học Lâm Đồng những năm đầu thành lập, Hội có thể kể đến các anh chị: Hồ Phú Diên, Văn Thảo Nguyên, Phạm Vũ, Phạm Đức Chính, Huỳnh Chính, Trần Hữu Lục, Bảo Cự, Lâm Tuyền Tĩnh, Chu Bá Nam; Phạm Quốc Ca, Phạm Quang Trung (viết lý luận phê bình), Hoàng Trọng Hà, Hương Thủy, Dương Trần, Phạm Kim Anh, Phạm Mùi, Nguyễn Thái Huyền, Nguyễn Tùng Châu, Nguyễn Trung An, Nguyễn Khương Trung, Trần Ngọc Trác, Lê Công… và nhiều anh chị khác nữa, chưa kể hết được.

Thành quả nổi bật của văn xuôi Lâm Đồng 35 năm qua là đã in ấn, xuất bản được 3 tuyển tập văn xuôi: 30 năm văn xuôi Lâm Đồng 1978-2008, giới thiệu tác phẩm của 72 tác giả Lâm Đồng; 10 năm văn xuôi Lâm Đồng 1988-1998 của 29 tác giả; Tuyển tập văn xuôi Lâm Đồng 2012-2017 của 40 tác giả. Về xuất bản cá nhân đã có in ấn được hơn 200 ấn phẩm gồm tiểu thuyết, truyện dài, tập truyện ngắn, ký, kịch bản văn học… của gần 100 tác giả. Điển hình có một số nhà văn tiêu biểu như sau:

Cố nhà văn Phạm Kim Anh - ông là nhà văn, nhà báo, luật gia, nhà viết kịch... gắn bó nhiều năm với vùng đất Lâm Đồng. Trong sự nghiệp văn chương của mình, ông có một gia tài văn chương khá đồ sộ. Giải thưởng Văn học Lâm Đồng lần thứ II vừa qua, ông được trao Giải A với Tuyển tập thơ văn gồm 3 tập (tiểu thuyết, tập truyện ngắn, truyện ký, thơ, kịch bản phim với gần 2.000 trang in). Ông từng có kịch bản đã đạt Huy chương Vàng như “Mối tình qua Tết Lirboong”, nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết in rõ dấu ấn thành công như “Giọt nước mắt mối tình đầu, “Hoa mimosa”, “Chuyện tình HaLy”…

Nhà văn Nguyễn Thái Huyền - ông hiện là một trong những nhà văn cao tuổi nhất của Hội VHNT Lâm Đồng, sinh năm 1928. Năm nay đã 95 tuổi ông vẫn tiếp tục lao động sáng tác. Tại Giải thưởng văn học Lâm Đồng lần thứ II, tiểu thuyết “Thám tử đồi Hướng Dương” của ông được trao Giải B. Ông quê gốc Nghệ An, có mặt ở Đà Lạt năm 1935 và trở thành nhân chứng lịch sử của vùng đất này. Tiểu thuyết của ông không chỉ là sự kiện khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 ở Đà Lạt, mà còn có cả hồi ức khoảng thời gian phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh những năm 1930 ở quê hương ông. Đọc các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thái Huyền, độc giả cảm nhận được sức lao động miệt mài, mẫn cảm của tác giả. Ông chịu khó đọc văn chương, tài liệu, gặp gỡ nhân vật, quan sát, nắm bắt, ghi chép; trân quý và đắm mình vào lịch sử, say mê sáng tạo…

Nhà văn Chu Bá Nam - ông là nhà văn có bề dày sáng tác và số lượng  tác phẩm nhiều nhất ở Lâm Đồng. Ông vốn là giảng viên Trường đại học Dược Hà Nội, viết văn từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước và đặc biệt là thời gian gần 50 năm sống ở Lâm Đồng. Tại Giải thưởng Văn học Lâm Đồng lần thứ II, tập truyện ngắn “Khi hoa cúc nở” của ông được trao Giải Khuyến khích.

Tập truyện ngắn “Khi hoa cúc nở” của nhà văn Chu Bá Nam gồm 23 câu chuyện là từng lát cắt sâu sắc và thấm đậm tính nhân sinh. Đó là tài hoa, kiến thức văn chương rộng, là trăn trở của nhiều năm chiêm nghiệm của tác giả. Cuốn hút của văn Chu Bá Nam là ở ngôn ngữ linh hoạt, hình tượng sinh động, trần thuật, điềm tĩnh, chân phương, thấm đẫm triết lý nhân sinh và lòng vị tha…

Nhà báo, nhà thơ, nhà văn Uông Thái Biểu tuy bộn bề với công việc báo chí nhưng anh cũng đã cho ra đời 4-5 tập bút ký, tùy bút, tản văn và thơ. Tập ký “Gió thổi từ miền ký ức” của Uông Thái Biểu gồm 62 tùy bút, tản văn, dày hơn 300 trang, gồm ba chủ đề: “Mạch nguồn bất tận”, “Hơi thở đại ngàn”, “Những tản mạn rời” đã đạt Giải Khuyến khích Giải thưởng văn học Lâm Đồng lần thứ II...

Lâm Đồng còn khá nhiều nhà văn có bề dày sáng tác như:

Nhà văn Trần Thăng, với 10 tập tiểu thuyết và truyện ngắn…

Nhà văn Thanh Hương (hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) với 11 tập tiểu thuyết và truyện ngắn...

Nhà văn Nguyễn Khương Trung với tập tiểu thuyết “Đất Đình Gừng” và tập truyện ngắn “Đảo đàn bà” đạt Giải thưởng Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và một số tập truyện ngắn, tùy bút…

Nhà văn Lê Công với Tiểu thuyết “Thung lũng trắng” và 4-5 tập truyện ngắn…

Họa sĩ, nhà văn Vi Quốc Hiệp, cùng với hội họa, anh đã sáng tác 11 tập tiểu thuyết… Họa sĩ Phạm Mùi sáng tác truyện ngắn và kịch bản phim… Nhà thơ, nhà văn Trần Ngọc Trác, anh cũng đã in 5-6 tập thơ, tập văn xuôi; nhà văn Nguyễn Chí Long đã in 4 tập truyện ngắn và ký; nhà thơ Thanh Dương Hồng in 4 tập truyện ngắn, ký và thơ; nhà văn Ninh Thế Hùng cũng đã in sách cho riêng mình, nhà văn Duy Lưu tuy mới gia nhập Hội được mươi năm nhưng anh cũng đã trình làng 1 tập tiểu thuyết; nhà thơ, nhà văn Khuất Thanh Chiểu, Phùng Chí Cường, Nguyễn Nhiệt Thành, Trần Quang Ngân, Huỳnh Thanh Tâm, Nguyễn Đình Thăng, Võ Trần Phú… cũng rất tích cực viết truyện ngắn, ký, tùy bút… Nhà thơ Lê Hòa có truyện ngắn “Đất tươi màu lửa mới” đạt Giải thưởng cao của tỉnh…

Về các nhà văn nữ ở Lâm Đồng cũng khá đông đảo. Đặc biệt nhiều chị em vừa viết văn vừa làm thơ. Tiêu biểu như các nhà văn (những hội viên viết văn xuôi): Hà Thanh Thủy, Hương Thủy, Đặng Thị Thanh Liễu, Nguyễn Thị Phương Liên, Mỹ Hạnh, Huyền Thái Bi, Kim Chung, Ma Nhung, Thủy Tiên, Nguyễn Thị Bé, Hoài An, Đỗ Thị Nguyệt, Tạ Thị Ngọc Hiền… Các nhà văn nữ đã in, xuất bản tập truyện ngắn là Hà Thanh Thủy, Nguyễn Thị Phương Liên, Huyền Thái Bi, Đặng Thị Thanh Liễu… Tập truyện ngắn “Chỉ là tia nắng lạ” gồm 17 truyện ngắn của Thanh Liễu đã đạt Giải Khuyến khích của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam…

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận mặt tồn tại, hạn chế của văn xuôi Lâm Đồng là còn bình bình, chung chung, như nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét là đa số mới “ở dạng trung bình”. Chưa có tác phẩm đỉnh cao so với mặt bằng toàn quốc như các tác phẩm tiểu thuyết “Đất nước đứng lên” của Nguyên Ngọc; “Hòn đất” của Anh Đức (Bùi Đức Ái); “Thời xa vắng” của Lê Lựu; “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh; “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi; “Bến không chồng” của Dương Hướng; “Mắt biếc” của Nguyễn Nhật Ánh; “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư”… Ở Lâm Đồng, các nhà văn, tác giả viết ký thì nhiều nhưng số lượng tác phẩm tiểu thuyết, truyện ngắn thì còn ít… Tạp chí Lang Bian thường xuyên thiếu truyện ngắn của tác giả Lâm Đồng để in. Công tác bồi dưỡng sáng tác trẻ chưa nhiều, chưa thực sự quan tâm.

Trên đây là một số đánh giá về thành quả và hạn chế của văn xuôi Lâm Đồng 35 năm qua. Đó mới chỉ là đánh giá sơ lược, chưa thật đầy đủ… Mong sau buổi Tọa đàm sẽ được bổ sung hoàn thiện hơn. Cũng nhân đây xin đề nghị với Thường trực Hội sau Kỷ niệm 35 năm nên đầu tư viết, biên tập in ấn một tập sách “Chân dung văn nghệ sĩ Lâm Đồng” phác thảo chân dung của 281 văn nghệ sĩ của Hội. Chính là để tôn vinh sự cống hiến của văn nghệ sĩ Lâm Đồng trong 35 năm qua.

Về phương hướng phát triển của văn xuôi Lâm Đồng trong những năm tới, tôi nghĩ cần phải có một cuộc hội thảo, tọa đàm riêng của các nhà viết văn xuôi, để văn xuôi Lâm Đồng có bước phát triển bài bản hơn, chất lượng hơn.

Văn xuôi được đề cập ở đây bao gồm các thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết và ký. Thể loại ký gồm nhiều thể tài như bút ký, ký sự, phóng sự, tản văn, tùy bút… So với các thể loại khác trong đời sống văn học, văn xuôi đương đại là bộ phận đi tiên phong trong Công cuộc Đổi mới. Văn xuôi có lẽ là bộ phận được độc giả tìm đọc nhiều hơn bởi sự đổi mới được biểu hiện một cách rõ nét, mạnh mẽ, động chạm đến ngay cả những vấn đề thời sự, nóng bỏng của xã hội như: Tệ nạn tham nhũng, mua quan bán chức, thoái hóa biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức có quyền (điều mà thơ và các chuyên ngành khác khó thể hiện được).

Đề nghị Hội nên thành lập Ban Văn xuôi, Ban Thơ riêng để hoạt động có tính chất chuyên nghiệp, chuyên ngành hơn. Hằng tháng hoặc quý nên có sinh hoạt nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm sáng tác, bồi dưỡng chuyên môn sáng tác văn xuôi.

Về giải thưởng VHNT 5 năm nên có giải thưởng văn xuôi, giải thưởng thơ riêng (như Giải thưởng VHNT Lâm Đồng lần thứ I năm 2012). Củng cố “Câu lạc bộ sáng trẻ”, mở lớp bồi dưỡng sáng tác trẻ để trẻ hóa hội viên. Lớp bồi dưỡng đó phải có chất lượng như một Trại sáng tác, dành cho lớp trẻ dưới 35 tuổi, thời gian từ 5-7 ngày. Kết thúc Trại, mỗi trại viên phải có 1-2 tác phẩm để báo cáo. Quan tâm đến đội ngũ sáng tác trẻ là vấn đề cấp bách hiện nay, nếu không Hội sẽ không còn nguồn phát triển hội viên mới. Vì kết nạp hội viên mới phải đủ chất lượng và tiêu chí (đã có ít nhất 10 tác phẩm được đăng trên các báo, tạp chí được Bộ Thông tin Truyền thông cấp phép xuất bản), không châm chước về tiêu chí để kết nạp cho có nhiều hội viên.

Hằng năm Tạp chí Lang Bian nên có Cuộc thi sáng tác truyện ngắn dành riêng cho tác giả Lâm Đồng, để làm động lực cho hội viên sáng tác và có nhiều tác phẩm để đăng tạp chí. Mọi hội viên và công dân Lâm Đồng đều có quyền dự thi. Đây cũng là bồi dưỡng nguồn để phát triển hội viên mới.

Trong sáng tác văn xuôi cần quan tâm đúng mức đến đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, giải phóng dân tộc; đề tài về dân tộc thiểu số…/.

  

 

35 năm - Văn xuôi Lâm Đồng