Xây dựng Đà Lạt là thành phố du lịch nổi tiếng trong nước và khu vực*
Phỏng vấn đ/c TÔN THIỆN SAN - Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Thành ủy,
Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt
HÀ HỮU NẾT, thực hiện
1. Xin Chủ tịch khái quát thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội thành phố Đà Lạt 3 năm qua 2020 - 2022?
* Chủ tịch Tôn Thiện San: Khi đề cập đến giai đoạn 2020 - 2022, chúng ta thường sẽ nhắc đến sự bùng phát của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn diện, toàn cầu và để lại cho nhiều quốc gia, nhiều địa phương những tác động vô cùng nặng nề. Và điều đó cũng không ngoại lệ với một thành phố mà ngành dịch vụ du lịch chiếm trên 65% cơ cấu kinh tế địa phương.
Nhưng chính nhờ sự quyết liệt và đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, sự đoàn kết đồng thuận, chung tay góp sức của toàn thể Nhân dân địa phương, thành phố Đà Lạt đã kiên trì, tập trung thực hiện mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi phát triển kinh tế hướng đến phát triển an toàn và bền vững trong tình hình mới.
Đánh giá tổng quan trong 3 năm qua, có thể nói phát triển kinh tế, xã hội (KT-XH) thành phố Đà Lạt tuy có thời điểm khá khó khăn, nhưng đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giá trị sản xuất hàng năm đều tăng. Nguồn vốn đầu tư phát triển trong các năm qua đạt khá. Tỷ lệ huy động vốn đầu tư toàn xã hội tăng 17-18 %/ năm. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2020 - 2022 đạt 4.697 tỷ đồng. Mặc khác, công tác quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị, quản lý, bảo vệ rừng được chỉ đạo quyết liệt. Xây dựng cơ bản được chú trọng, hạ tầng đô thị được quan tâm đầu tư ngày càng khang trang, công tác cải cách hành chính được thực hiện có nhiều chuyển biến tích cực. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục giữ vững ổn định. Chính sách an sinh xã hội được quan tâm, thực hiện có hiệu quả.
Đến thời điểm này, 19/19 chỉ tiêu phát triển KT-XH của thành phố đều đạt và vượt kế hoạch năm 2022, thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới. Việc triển khai Đề án xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2018 - 2025 đạt nhiều kết quả, góp phần tích cực nâng cao chất lượng phục vụ người dân và hiệu quả quản lý Nhà nước trên các mặt, lĩnh vực. Chương trình nông nghiệp công nghệ cao và du lịch chất lượng cao được quan tâm thực hiện. Diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố đến nay đạt 7.050ha (tăng 100ha so với năm 2021) chiếm 67% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp, giá trị thu hoạch bình quân 01ha đất canh tác đạt 470 triệu đồng/ năm, tăng 70 triệu so với năm 2021. Thành phố chủ trương phát triển những sản phẩm du lịch phù hợp với trạng thái bình thường mới, lấy chất lượng làm trọng tâm, đón 6 triệu lượt khách du lịch đến tham quan, tăng 66,7% so với năm 2020 (năm 2020: 3,6 triệu, năm 2022: 6 triệu). Thu nhập bình quân đầu người hàng năm đều tăng (năm 2020 khoảng 100 triệu đồng/ người/ năm; năm 2022 khoảng 125 triệu đồng/ người/ năm).
Những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố trong phát triển KT-XH cũng đã được ghi nhận bằng một số Giải thưởng uy tín trong nước và quốc tế như: Giải thưởng Thành phố Thông minh Việt Nam do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam trao tặng, 2 lần nhận Giải thưởng “Thành phố Du lịch sạch Asean” do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á công nhận. Ngoài ra, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Đà Lạt được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua: Cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020; vinh dự được Thủ tướng Chính phủ trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích xuất sắc trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2000 - 2020.
Đặc biệt, sau 1 năm tạm hoãn vì đại dịch, thành phố Đà Lạt đang tập trung tổ chức Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IX - năm 2022 với chủ đề “Đà Lạt - Bốn mùa hoa” là sự kiện chính trị, văn hóa, du lịch lớn bao gồm 9 chương trình chính, 12 chương trình hưởng ứng và hơn 30 chương trình hưởng ứng khác của địa phương để tiếp tục quảng bá tiềm năng, thế mạnh, hình ảnh, con người Đà Lạt, tôn vinh hoa, nghề trồng hoa Đà Lạt, kích cầu du lịch, phục vụ nhu cầu thụ hưởng văn hóa, lễ hội của Nhân dân địa phương và Du khách.
2. Mục tiêu đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 của Đà Lạt là gì? Chính sách ưu tiên và giải pháp để đạt mục tiêu trên thưa Chủ tịch?
* Chủ tịch Tôn Thiện San: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XII nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết số 04 ngày 12/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng (khóa XI) xác định, tiếp tục triển khai đồng bộ, mạnh mẽ công tác cải cách hành chính, trong đó nâng cao trách nhiệm người đứng đầu với phương châm “Phát huy cao độ tinh thần đổi mới, kỷ cương, trách nhiệm nêu gương, dám nghĩ dám làm, biến thách thức thành cơ hội” phấn đấu vượt từ 5 - 10% các Chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội thành phố Đà Lạt lần thứ XII đề ra; xây dựng thành phố phát triển toàn diện, bền vững, văn minh, hiện đại; có mức thu nhập trung bình cao.
Giai đoạn 2025 - 2030, phấn đấu xây dựng thành phố tăng trưởng xanh, đô thị di sản; hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu; thành phố du lịch, dịch vụ phát triển, tiếp cận ngưỡng thu nhập cao.
Đến năm 2050, phát triển Đà Lạt là thành phố du lịch thông minh, hạ tầng hiện đại gắn với nền kinh tế số, xã hội số và có mức thu nhập cao.
Với mục tiêu trên và kỳ vọng đạt mục tiêu đó, thành phố tiếp tục khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương về phát triển du lịch, dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao, phát triển theo chiều sâu, khẳng định thương hiệu mạnh và khả năng cạnh tranh; tăng cường thu hút khách du lịch, kết nối vùng, hợp tác mạnh mẽ du lịch trong nước và quốc tế; phát triển các sản phẩm, sự kiện du lịch ban đêm để thu hút du khách. Huy động nguồn lực trong xã hội và nguồn vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, thông minh; sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn vốn; kêu gọi đầu tư, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực đầu tư du lịch Đà Lạt xứng tầm quốc gia và quốc tế tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH, phát triển đô thị; đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển KT-XH, phát triển đô thị. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ. Đảm bảo an sinh xã hội; phát huy phong cách người Đà Lạt “Hiền hòa, thanh lịch, mến khách”; tạo sự đồng thuận của người dân trong định hướng phát triển KT-XH, phát triển đô thị; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
3. Khâu đột phá và những công trình, dự án trọng điểm của Đà Lạt giai đoạn 2020 - 2025, thưa Chủ tịch?
* Chủ tịch Tôn Thiện San: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Lạt lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định 5 khâu đột phá đối với thành phố Đà Lạt, đó là: Phát triển du lịch dịch vụ chất lượng cao; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, bền vững, thân thiện môi trường, liên kết theo chuỗi; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển đồng bộ hạ tầng KT-XH và nâng cao chất lượng công tác quản lý theo quy hoạch.
Và xác định 5 dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố Đà Lạt: Nâng cấp hạ tầng quanh hồ Xuân Hương; Thi công đường Lữ Gia - hồ Xuân Hương, bờ kè (hồ lắng số 1 và suối Cam Ly); Mở rộng Công viên Yersin (giai đoạn 3); Xây dựng hạ tầng Đà Lạt - thành phố thông minh và Xây dựng Công viên Trần Quốc Toản.
Tuy gặp nhiều khó khăn và thách thức bởi đại dịch Covid-19, nhưng từ giữa năm 2021, ngay cả khi các hoạt động kinh tế, sản xuất, du lịch… đều bị ngưng trệ, thành phố Đà Lạt vẫn tận dụng thời gian này để chủ động, khẩn trương triển khai các công trình trọng điểm nhằm chuẩn bị một diện mạo thành phố Đà Lạt mỹ quan, khang trang đáp ứng yêu cầu phục hồi, phát triển. Đến nay các công trình, dự án trọng điểm của thành phố triển khai đều đảm bảo tiến độ. Một số dự án đã được đưa vào hoạt động phục vụ hiệu quả cho người dân địa phương và du khách, có thể kể đến như: Nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật và chỉnh trang công viên quanh hồ Xuân Hương; Xây dựng Trung tâm Điều hành thành phố thông minh.
Đối với các khâu đột phá, thành phố đã cụ thể hóa bằng các Đề án, Dự án, Kế hoạch… cụ thể, xác định lộ trình rõ ràng, triển khai đồng bộ các giải pháp tổ chức thực hiện, khai thác hiệu quả các nguồn lực, thế mạnh, phấn đấu với quyết tâm cao nhất để hoàn thành xuất sắc các mục tiêu đề ra.
Xin cảm ơn Chủ tịch!
Kính chúc TP. Đà Lạt ngày càng giàu đẹp, xứng tầm là thành phố du lịch nổi tiếng Việt Nam và thế giới!/.
--------
(*) Tít bài do Tòa soạn đặt