Đóng góp 35 năm của đội ngũ nữ văn nghệ sĩ Lâm Đồng
MA NHUNG
35 năm qua, kể từ khi thành lập Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Lâm Đồng cũng chừng ấy năm Tạp chí Lang Bian ra đời, phát triển, trở thành “diễn đàn” để các văn nghệ sĩ (VNS) giới thiệu, quảng bá tác phẩm, đóng góp cho sự phát triển VHNT địa phương; trong đó có vai trò của các nữ VNS.
Đến nay Hội VHNT Lâm Đồng có 51 hội viên (HV) nữ (4 HV là người dân tộc thiểu số, 12 HV Trung ương (trong đó có 2 hội viên dân tộc thiểu số), sinh hoạt ở các chuyên ngành: Văn học, Âm nhạc, Nhiếp ảnh, Mỹ thuật và Văn nghệ Dân gian (đông nhất ở chuyên ngành Văn học). Hòa chung với dòng chảy của VHNT cả nước, với lòng đam mê, tâm huyết và tích cực sáng tác, các thế hệ nữ VNS ở Lâm Đồng không chỉ chung sức đóng góp, xây dựng tổ chức Hội VHNT Lâm Đồng “Ngôi nhà chung”, họ còn là chỗ dựa tinh thần của đông đảo HV khác và những người cầm bút ngày một vững mạnh; tích cực tìm tòi, trăn trở, sáng tạo nên những tác phẩm VHNT có giá trị về nội dung và nghệ thuật, đóng góp một phần không nhỏ vào việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy những giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Lâm Đồng - Việt Nam. Làm nên diện mạo mới, sức sống mới trong đời sống VHNT trên mảnh đất Nam Tây Nguyên giàu truyền thống cách mạng được xã hội ghi nhận và đánh giá cao.
Chuyên ngành Văn học: Hình ảnh người lính trong chiến tranh là đề tài muôn thuở cho những người cầm bút. Điều đáng mừng trong những cây bút nữ Lâm Đồng, có nhà thơ Tạ Thị Ngọc Hiền và Nguyễn Thị Phương Liên đều là “Nữ chiến sĩ Trường Sơn”... Ngoài làm thơ, viết văn hai chị còn có chất giọng, ca hát rất hay của Hội. Với vốn sống phong phú, lối viết giản dị, trong sáng, dạt dào cảm xúc, hồn nhiên nhưng rất trữ tình, các nhà thơ Hà Thành Thủy, Đặng Thị Thanh Liễu, Vũ Dậu, Nguyễn Thị Thanh Toàn, Nguyễn Vĩnh, Mai Đình, Trần Hoàng Vũ Nguyên, Minh Hạnh, Mai Thành, Minh Nguyệt, Hoài An, Thủy Tiên, Nguyễn Thị Bé, Hồng Chinh, Đỗ Minh Nguyệt, Diệp Vy, Nông Quy Quy, La Ty, Trương Thị Tươi, Hồ Thụy Mỹ Hạnh, Tuyết Loan, Lan Anh... mỗi người đều có một phong cách riêng, giọng thơ khác nhau. Tác phẩm của họ thể hiện sự tinh tế, tâm hồn nhạy cảm, cái nhìn nhân ái, đầy trách nhiệm và tình yêu thương, vững tay bút sáng tác ra nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng, nội dung, nghệ thuật, đóng góp xứng đáng cho VHNT của tỉnh nhà. Song song với sáng tác thơ, có một số chị chuyển sang viết văn xuôi: Đặng Thị Thanh Liễu, Tạ Thị Ngọc Hiền, Nguyễn Thị Phương Liên, Hoài An… Các HV nữ đã xuất bản nhiều tập thơ riêng như: Nhà thơ Vũ Dậu với các tập thơ: Nụ hôn của gió (2003), Vạt áo quỳ (2007), Hát dưới hoàng hôn (2011); Hà Thanh Thủy với “Tuyển tập thơ văn Hà Thanh Thủy” (2008, 2019), Diệp Vy với các tập thơ Lời ru (2003), Nhặt lại thời gian (2008), Mùa rêu (2010); Hồ Thụy Mỹ Hạnh với các tập thơ Mảnh trăng mồ côi (1999), Tâm khúc (1999), Trăng ba mươi (2002), Mưa trên sông (2004); Thái Bi với tập truyện ngắn: Cái chết bí ẩn (2010); Nguyễn Thị Hồng Chinh với tập thơ Thơ Hồng Chinh; Trương Thị Tươi với tập thơ Cung trầm; Nông Quy Quy với tập thơ Miên man cung trầm, Chiều ơi chảy nhé… Tập thơ Chiều ơi chảy nhé của Nông Quy Quy và tập truyện ngắn Chỉ là tia nắng lạ của Đặng Thị Thanh Liễu… đã được nhận Giải thưởng của Liên Hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Mảng văn xuôi, nhà văn Kim Chung chuyên viết truyện ngắn, Ngô Hương Thủy viết truyện ngắn, lý luận… nhà văn Ma Nhung và nhà báo Quỳnh Uyển chuyên thể loại ký, bút ký. Ngoài ra, đội ngũ nữ VNS Lâm Đồng cũng có nhiều tác phẩm đã được công bố trên Tạp chí Lang Bian, Báo Lâm Đồng, đặc san Người làm báo và các tạp chí, báo các tỉnh và Trung ương. Nhiều tác giả có tác phẩm được in chung trong tuyển tập: “30 năm văn xuôi Lâm Đồng”, “30 năm thơ Lâm Đồng”, “Đất tươi màu lửa mới”… của Hội VHNT Lâm Đồng.
Chuyên ngành Âm nhạc: 35 năm qua, đội ngũ nữ VNS hoạt động trên nhiều lĩnh vực như: Sáng tác ca khúc, biểu diễn, ca sĩ, vũ công… tham gia nhiều sự kiện lớn được tổ chức ở trong và ngoài tỉnh, đạt nhiều thành tích nổi bật. Với khả năng sáng tác dồi dào, nữ HV hàng năm đều đem về nhiều Giải thưởng tại các Cuộc thi trong cả nước. Về sáng tác, tiêu biểu như: Nhạc sĩ Thu Hường đã sáng tác hàng trăm ca khúc, trong đó có hơn 60 ca khúc về đề tài thiếu nhi. Chị đã đoạt các Giải thưởng như: Giải Nhất nội dung hòa tấu Cuộc thi Đàn hát piano toàn quốc do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức; Giải Nhì “Cuộc thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Hội Nhạc sĩ Việt Nam” tổ chức và đạt nhiều giải trong các Cuộc thi do Hội VHNT Lâm Đồng tổ chức. Ghi nhận những hoạt động tích cực, chị được kết nạp vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ngoài lĩnh vực chuyên môn, một số HV nữ còn tham gia đạo diễn các chương trình nghệ thuật dân gian trong các dịp liên hoan, lễ hội khu vực và cấp tỉnh, huyện. Ngoài vai trò ca sĩ, MC, nữ VNS Thu Huyền còn sáng tác nhạc với nhiều tác phẩm đề tài khác nhau. Ca khúc đã được sáng tác, thu âm, biểu diễn... Với những tác phẩm viết cho dàn nhạc dân tộc và độc tấu thể hiện bước phát triển âm nhạc truyền thống mang tính cộng đồng (dân tộc và hiện đại) có tính học thuật cao như hòa tấu tre nứa và bộ gõ: “Đồng giao ngày mùa” Huy chương Vàng, “Suối Tía” viết cho đàn đá Huy chương Bạc, do nghệ sĩ Roda Nai Vy và tốp nhạc dân tộc Đoàn ca múa nhạc Lâm Đồng trình tấu…
Chuyên ngành Nhiếp ảnh: Có lẽ việc tác nghiệp trên thực địa của nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng giống như khi đã vào “chiến trường” cũng lăn, lê, bò, toài, cũng trèo leo, đu bám, không ngại nguy hiểm mới mong có góc độ độc, lạ, có hình đẹp. Chuyên ngành này chỉ có 02 hội viên nữ NSNA Vũ Thị Tịnh, NSNA Trương Thị Hạnh. Mặc dù số lượng ít nhưng các chị hoạt động rất tích cực và đã gặt hái những thành công lớn như: NSNA Trương Thị Hạnh đã đạt được bước đầu từ các Cuộc thi nhiếp ảnh khu vực, trong nước và quốc tế như một chất xúc tác, chị vượt qua hàng trăm tay máy chuyên nghiệp bước lên bục nhận Huy chương Bạc trong số hơn 267 người tham gia Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Đông Nam Bộ lần thứ 24. Chị đã mạnh dạn gửi tham dự Liên hoan Ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ VII tại Việt Nam và trong hàng chục ngàn tác phẩm của hàng ngàn tác giả từ các quốc gia trên thế giới gửi dự thi, tác phẩm “Trẻ em vùng cao” của chị được chọn trưng bày triển lãm. Liên tục các năm, tác phẩm của chị gửi đi và được chọn trưng bày tại Cuộc thi Ảnh nghệ thuật toàn quốc - 2014, Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Đông Nam Bộ lần thứ 23 và đạt được thành quả. Trong Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực lần thứ 24, Trương Thị Hạnh có 2 tác phẩm được chọn vào chung khảo, trưng bày triển lãm là “Người Mỹ với trái tim Việt Nam” và “Đua xe địa hình”; trong đó tác phẩm “Đua xe địa hình” đã đoạt HCB trong 13 tác phẩm xuất sắc đoạt Giải (1 HCV, 2 HCB, 4 HCĐ, 6 Giải Khuyến khích) trong 1.922 ảnh tham dự liên hoan. Ghi nhận những đóng góp tích cực, NSNA Trương Thị Hạnh đã được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.
Chuyên ngành Văn nghệ Dân gian: Ở chuyên ngành này, có đặc thù riêng không phải là sáng tác mà nghiên cứu, sưu tầm, giảng dạy và công bố. Đây là chuyên ngành có HV Trung ương đông nhất (6 HV). Đội ngũ nữ ở chuyên ngành là nhà nghiên cứu và giảng viên Trường Đại học Đà Lạt. Chi hội đã xác định các hướng nghiên cứu chính đã hình thành nên các nhóm nghiên cứu: Hướng nghiên cứu liên văn hóa gồm các HV: Phan Thị Hồng, Đinh Thị Nga, Võ Thị Thùy Dung, Lê Thị Thanh Đạm; Hướng nghiên cứu so sánh: Lưu Thị Hồng Việt, Lê Thị Quỳnh Hảo, Nguyễn Thị Quỳnh Như; Hướng nghiên cứu dân tộc học - nhân học có Lê Thị Nhuấn… PGS. TS Phan Thị Hồng là người có nhiều nghiên cứu, sưu tầm, công bố và xuất bản nhiều sách, nhà nghiên cứu Lê Thị Quỳnh Hảo đã xuất bản cuốn sách “Vị thế và vài trò của phụ nữ Ê Đê và M’Nông trong xã hội truyền thống”, Võ Thị Thùy Dung đã xuất bản cuốn sách “Tín ngưỡng và lễ hội của dân tộc M’Nông”…
Trong hoạt động sáng tác VHNT, 35 năm qua đội ngũ nữ VNS Lâm Đồng đã bám sát thực tiễn cuộc sống để sáng tác. Nhiều tác phẩm tham dự các Cuộc thi, liên hoan đoạt giải thưởng cao, nhiều tác phẩm được công bố trên các báo, tạp chí được dư luận đánh giá cao. Đánh giá công lao đóng góp của nữ VNS hoạt động ở các chuyên ngành, nhiều cá nhân đã được Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trao giải thưởng, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen, Chủ tịch Hội VHNT Lâm Đồng trao Giấy khen… Đơn cử một số Cuộc thi và Giải thưởng:
Cuộc thi sáng tác chào mừng 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển do Hội VHNT Lâm Đồng phối hợp với UBND TP. Đà Lạt tổ chức. Ban Tổ chức cuộc thi đã nhận được 251 tác phẩm của 96 tác giả. 42 tác phẩm VHNT thuộc 5 thể loại: Thơ, văn xuôi, âm nhạc, nhiếp ảnh, mỹ thuật của 42 tác giả đã đạt giải. Trong đó có 3 nữ hội viên đạt giải: Kim Chung, Thu Hường và Nông Quy Quy.
Hội VHNT Lâm Đồng tổ chức Cuộc thi Sáng tác VHNT với chủ đề “Lâm Đồng trên đường đổi mới, phát triển bền vững” lần thứ nhất. Cuộc thi nhằm chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI và hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Ban Tổ chức đã nhận được 308 tác phẩm văn, thơ, nhạc, họa, nhiếp ảnh của 159 tác giả dự thi. Hội đã trao 39 Giải thưởng cho các tác phẩm xuất sắc. Trong đó có 4 tác giả nữ đạt giải: Trương Thị Hạnh (Nhiếp ảnh), Kim Chung (Bút ký), Nông Quy Quy (Thơ), Ma Nhung (Ký), Trần Thu Hường (Âm nhạc).
Cuộc thi Thơ dành cho Phụ nữ trên Tạp chí Lang Bian lần II - 2021 đã tạo “sân chơi” trí tuệ, dành cho công dân nữ và nữ VNS trong cả nước; nhằm tôn vinh sức lao động sáng tạo của phái nữ, đã thu hút đông đảo nữ VNS trong cả nước tham gia. Ban Tổ chức đã nhận 186 tác phẩm; trao 15 giải thưởng cho các tác phẩm có chất lượng nhất. Riêng nữ văn nghệ sĩ Lâm Đồng đạt 12 giải; 02 Giải Nhì: Đinh Thị Lan Anh, Trà My; 02 Giải Ba: Vũ Dậu, Nguyễn Thị Thanh Toàn và 8 Giải Khuyến khích.
Cuộc thi Sáng tác VHNT trên Tạp chí Lang Bian năm 2021, đã nhận được 493 tác phẩm ở các chuyên ngành. Sau khi chấm theo từng chuyên ngành, Ban Biên tập Tạp chí Lang Bian đã thống nhất trao 41 giải thưởng cho các tác phẩm xuất sắc, trong đó có 5 tác giả nữ đạt giải: Thu Hường, La Ty - Ngọc Hiền (Âm nhạc), Nông Quy Quy (Thơ), Kim Chung (Truyện ngắn), Ma Nhung (Bút ký).
Đặc biệt, Giải thưởng VHNT tỉnh Lâm Đồng lần thứ II, mục đích lựa chọn các tác phẩm VHNT xuất sắc sáng tác về con người, quê hương Lâm Đồng mang tư tưởng tiến bộ, nội dung trong sáng lành mạnh giàu nhân văn, có tính thẩm mĩ cao, phản ánh tình hình thực tế của địa phương, vì lợi ích Nhân dân, thể hiện sự tìm tòi sáng tạo về cấu trúc tác phẩm, hình tượng nghệ thuật, ngôn ngữ biểu đạt trên cơ sở phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử, văn hiến Việt Nam, bản sắc độc đáo của con người và quê hương Lâm Đồng. Ban Tổ chức đã nhận được 75 hồ sơ tác phẩm thuộc 8 thể loại: Âm nhạc, Điện ảnh, Kiến trúc, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Sân khấu, Văn học, Văn nghệ Dân gian. Các tác phẩm dự giải đã công bố dưới các hình thức xuất bản, triển lãm, biểu diễn, phát sóng trên phương tiện truyền thông (2012-2019). UBND tỉnh Lâm Đồng đã quyết định trao giải thưởng cho 27 tác phẩm xuất sắc (3 Giải A, 9 Giải B, 5 Giải C, 10 Giải Khuyến khích). Trong đó nữ Hội VHNT Lâm Đồng đạt 4 giải: Thể loại Văn nghệ Dân gian: Nhà nghiên cứu Lê Thị Quỳnh Hảo đạt Giải B, Võ Thị Thùy Dung đạt Giải C, Đoàn Thị Bích Ngọ đạt Giải Khuyến khích. Thể loại Nhiếp ảnh: NSNA Trương Thị Hạnh đạt Giải C.
Có thể khẳng định, dù ở bất kỳ cương vị, lĩnh vực nào, nữ VNS Lâm Đồng cũng luôn phát huy truyền thống của Phụ nữ Việt Nam, chủ động, sáng tạo, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, vươn lên khẳng định vai trò, vị thế trong xã hội. Trong 35 năm thành lập và phát triển Hội VHNT Lâm Đồng, các nữ VNS đã được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Hội VHNT Lâm Đồng: Kiến trúc sư Đặng Thị Việt Nga - Ủy viên Ban Chấp hành khóa I (1988-1993), NSNA Vũ Thị Tịnh - Ủy viên Ban Chấp hành khóa IV (2007-2012), nhà nghiên cứu Lê Thị Quỳnh Hảo - Ủy viên Ban Chấp hành khóa V (2012-2017) và khóa VI (2017-2022).
Tuy nhiên, 35 năm hoạt động của nữ VNS Lâm Đồng bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế, chưa xứng tầm. Bản thân các nữ HV cũng nhìn nhận để nỗ lực trong những năm tới. Việc tổ chức quảng bá tác phẩm còn hạn chế, do điều kiện kinh tế của HV còn khó khăn; những tác phẩm (văn, thơ) về đề tài dân tộc thiểu số chưa được đầu tư đúng mức; việc sáng tác bằng ngôn ngữ dân tộc bản địa còn khiêm tốn, do lực lượng HV là người dân tộc bản địa quá ít. Phát hiện và phát triển HV nữ trẻ và người dân tộc thiểu số còn khó khăn. Đa số nữ VNS thường bị hạn chế việc viết lách, bởi công việc thuần túy của mình trong vai trò nội trợ, bếp núc, chăm sóc gia đình đã chiếm thời gian lớn trong ngày; chưa kể, một số chị em đang công tác trong các cơ quan, Ban, ngành… Nên không có nhiều thời gian dành cho sáng tác.
Để có tác phẩm hay, nữ VNS phải xác định được vị thế của mình, phải nhất quán "viết cho ai, viết để làm gì, viết như thế nào?". Trên cơ sở đó, xác lập kiên định lập trường, tư tưởng làm văn nghệ để phục vụ chính trị, phục vụ Nhân dân. Khi xác lập được nhân sinh quan, thế giới quan đúng đắn, tất yếu sẽ có một phương pháp luận khoa học khi mổ xẻ, phân tích vấn đề cuộc sống đặt ra và giải quyết một cách biện chứng, hữu ích đối với xã hội. Vì vậy mà mỗi nữ VNS phải có nhận thức rõ ràng về tư tưởng, chính trị, tự nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi, mang hiểu biết, vốn sống vào tác phẩm. Không ngừng trau dồi kiến thức, mở rộng giao lưu, tiếp thu cái mới, cái tốt đẹp, cái nhân văn để vươn tới có những tác phẩm đạt đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác VHNT của chính mình. Qua cảm nhận của mình mà sáng tạo cho người, tự đổi mới mình trong cách thể hiện, lấy chất lượng tác phẩm làm đầu và phải đi nhiều, đọc nhiều để nâng tầm nhận thức, qua thực tiễn để hình thành các tác phẩm có giá trị cao. Từ đó, nâng cao bản lĩnh của người cầm bút, có trách nhiệm với tác phẩm của mình.
Để làm được điều đó, Hội VHNT Lâm Đồng cần tạo điều kiện cho nữ VNS đi vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, bám sát thực tế và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương trong từng giai đoạn cụ thể. Tham dự các Trại sáng tác, những chuyến đi thực tế, giao lưu… Qua đó, chị em có cơ hội cọ xát với những vấn đề cấp thiết của xã hội, tiếp thu thêm nhiều vốn sống để tác phẩm không đơn điệu. Quan tâm hơn lĩnh vực VHNT các dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng; có kế hoạch phát hiện, bồi dưỡng, phát triển VNS là người trẻ, người đồng bào các dân tộc thiểu số (nhất là 3 dân tộc bản địa của Lâm Đồng: K‘Ho, Chu Ru, Mạ...)./.