KỶ NIỆM 74 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27-7-1947 – 27-7-2021)
Lâm Đồng với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
MA NHUNG
Cứ đến tháng 7 hàng năm, trong mỗi người con Việt Nam lại dâng trào những cảm xúc, nỗi niềm và lòng biết ơn sâu sắc; đồng thời ý thức rõ hơn về trách nhiệm của mình đối với đất nước, với những người có công với nước. Tháng tri ân, tưởng nhớ những người có công với nước đã trở thành một nét đẹp truyền thống, văn hóa tinh thần của người dân Việt Nam.
Thời gian cứ dần trôi, kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2021). Đây là một sự kiện có ý nghĩa lớn, vừa mang tính lịch sử, vừa thể hiện tinh thần dân tộc, tính nhân văn sâu sắc. Bởi toàn dân đều cảm nhận được công lao to lớn của thương binh, gia đình liệt sĩ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Thấm nhuần tư tưởng của Người về công tác đền ơn đáp nghĩa, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta luôn ra sức đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo nhiều việc làm ý nghĩa thiết thực, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong mọi tầng lớp Nhân dân, trở thành nghĩa cử cao đẹp tri ân các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng ngày càng có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, trở thành tấm gương tiêu biểu cho các thế hệ noi theo. Phát huy truyền thống cao đẹp "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân của tỉnh về sự hy sinh, cống hiến to lớn của các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng mãi mãi khắc ghi trong trái tim mỗi người Việt Nam. Là nguồn lực tinh thần quý báu tiếp thêm sức mạnh để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng.
Để đền đáp, tôn vinh sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”. Thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng luôn xác định công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng vừa là bổn phận, trách nhiệm, vừa là tình cảm, sự tri ân của các thế hệ đi sau đối với công lao to lớn của lớp cha anh đi trước. Tỉnh chú trọng thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ ưu đãi đối với người có công. Hướng dẫn các huyện, thành phố vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” để tăng nguồn lực cho công tác chăm lo đời sống các hộ chính sách, tổ chức tiếp nhận hồ sơ và làm thủ tục mai táng phí cho thân nhân người có công, cấp thẻ bảo hiểm y tế đối với người có công và thân nhân. Tạo điều kiện cho thân nhân liệt sĩ đi thăm viếng và di chuyển hài cốt liệt sĩ về an táng tại quê nhà được thuận lợi. Tích cực vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Tổ chức điều dưỡng luân phiên cho các đối tượng chính sách đầy đủ. Tổ chức gặp mặt tặng quà cho các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công tiêu biểu… Trong năm 2021, tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục giải quyết chế độ cho đối tượng theo Pháp lệnh, Nghị định và Thông tư mới. Thực hiện đầy đủ các chế độ cho người có công và thân nhân theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Với đạo lý và truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn trân trọng, ghi nhớ công ơn và làm nhiều việc tốt để tỏ lòng biết ơn thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với nước; hàng nghìn văn bản của Đảng, Nhà nước ta về thương binh, liệt sĩ, người có công với nước đã được ban hành; chính sách ưu đãi người có công với cách mạng ngày càng được hoàn thiện, từng bước đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của các đối tượng. Số người hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, đúng đối tượng, đúng chính sách đã có tác dụng khích lệ, động viên to lớn.
Bằng nguồn lực từ các chương trình kinh tế - xã hội của tỉnh, ngành lao động thương bình và xã hội cùng các cấp ở địa phương đã triển khai thực hiện và vận dụng các chính sách... giúp các gia đình chính sách ở địa phương từng bước ổn định nâng cao đời sống. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công đã trở thành hoạt động thường xuyên sâu rộng, ngày một đổi mới và đạt được những kết quả tốt đẹp. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ở Lâm Đồng đã thu được hàng chục tỷ đồng, hàng năm đều chi sửa chữa, xây mới hàng trăm ngôi nhà cho gia đình chính sách, người có công. Điều đáng nói là phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ở Lâm Đồng đã được triển khai và nhân rộng từ khu dân cư đến xã, phường, thị trấn, thành phố. Đại đa số các phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh - liệt sĩ, gia đình chính sách người có công có cuộc sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân cùng địa bàn cư trú. Cùng với sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước và của toàn xã hội, sự nỗ lực vươn lên của bản thân, nhiều thương binh, bệnh binh, người có công đã phát huy truyền thống tốt đẹp, là tấm gương điển hình, tiêu biểu cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó, giúp nhau cùng phát triển và thành công trên nhiều lĩnh vực. Nhiều người đã trở thành nhiều tấm gương tiêu biểu. Tôn vinh, biểu dương những tấm gương thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công góp phần phát huy ý chí tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên, tích cực lao động, sản xuất, tham gia các phong trào thi đua yêu nước... Kịp thời phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích, tích cực đóng góp giúp đỡ các gia đình chính sách khắc phục khó khăn, cải thiện đời sống.
Về công tác xây dựng phần mộ và nghĩa trang liệt sĩ, tỉnh đã thường xuyên tổ chức tìm kiếm và quy tập được nhiều hài cốt liệt sĩ vào 3 Nghĩa trang liệt sĩ Đà Lạt, Bảo Lộc. Di Linh. Ban Quản lý Nghĩa trang liệt sĩ đều thực hiện tốt việc chăm sóc, quản lý, di dời mộ đúng quy định. Các phần mộ liệt sĩ được tu bổ theo hướng bền vững và thường xuyên được chăm sóc sạch đẹp, xứng đáng là những công trình văn hóa truyền thống cách mạng mang tính giáo dục cao. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, Ban, ngành, chính quyền địa phương tổ chức dâng hương “Thắp nến tri ân”, “Đêm hoa hồng đồng đội” vào các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của đất nước. Tổ chức đón tiếp chu đáo thân nhân của các Anh hùng liệt sĩ, tạo điều kiện để thân nhân các Anh hùng liệt sĩ lập thủ tục di dời hài cốt liệt sĩ về quê an táng. Sở Lao động Thương binh và xã hội tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn; lập thủ tục trình Cục Người có công thực hiện việc giám định ADN với các liệt sĩ còn thiếu thông tin để xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.
Các chính sách về giáo dục và đào tạo, miễn giảm thuế trong sản xuất, kinh doanh... đã thiết thực hỗ trợ người có công với nước nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước; sự giúp đỡ của Nhân dân; tình nghĩa thủy chung của những người đồng đội đã làm vơi đi phần nào nỗi đau, sự mất mát của chiến tranh, góp phần giúp những thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công có cuộc sống ngày một ổn định, có mức sống bằng hoặc cao hơn bình quân chung. Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" ngày càng trở thành một nét đẹp tinh thần trong đời sống văn hóa, đời sống tâm linh của Nhân dân ta, có ý nghĩa chính trị - xã hội vô cùng to lớn.
Hiện nay 100% bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đã được các đơn vị, cá nhân nhận phụng dưỡng đến cuối đời. Cũng từ phong trào vận động, xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh nhiệt tình hưởng ứng. Năm 2020 tỉnh Lâm Đồng đã trích Quỹ xây dựng, sửa chữa được 11 căn nhà tình nghĩa (4 xây mới, 7 sửa chữa) với số tiền 360 triệu đồng. Đặc biệt, trong những ngày cận kề đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, khắp nơi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng liên tục diễn ra các hoạt động chung tay chăm lo Tết cho người nghèo và gia đình chính sách với nhiều hình thức phong phú và thiết thực như: Thăm, tặng quà, tặng bánh chưng, chăn ấm... cho hộ gia đình chính sách trong dịp Tết Nguyên đán đã lan tỏa muôn nơi, tạo không khí xuân đầm ấm, an vui trên khắp các vùng quê của tỉnh. Có được niềm vui ấy phải kể đến hiệu quả thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước.
Tri ân, tưởng nhớ về những người hy sinh cho đất nước, chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với nước, hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa"... là nghĩa cử cao đẹp, mang ý nghĩa chính trị - xã hội và nhân văn sâu sắc; thể hiện tính ưu việt, bản chất tốt đẹp của chế độ, của Đảng và Nhà nước ta. Thể hiện đạo lý: “Uống nước nhớ nguồn”, bằng những việc làm cụ thể, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc, sự tôn vinh của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với người có công, góp phần tô đậm nét đẹp văn hóa Việt Nam, làm giàu thêm truyền thống nhân văn của dân tộc ta. Việc duy trì, nhân rộng nghĩa cử cao đẹp này trở thành một nét đẹp truyền thống trong đời sống văn hóa - xã hội, làm cơ sở cho việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc./.