Tạp chí Lang Bian - 35 năm trong dòng chảy VHNT Việt Nam
KIM CHUNG
“Văn học là nhân học”. Văn học là khoa học về cái đẹp trong cuộc sống được biểu đạt bằng ngôn ngữ nghệ thuật… Trong dòng chảy của VHNT Việt Nam, yêu nước và nhân đạo là hai mạch ngầm xuyên suốt, cuộn chảy qua bao chặng đường lịch sử. 35 năm qua, Tạp chí Lang Bian đã chọn lọc, giới thiệu nhiều tác phẩm văn học có giá trị của văn nghệ sĩ (VNS) Lâm Đồng “hòa”cùng VHNT nước nhà.
Lang Bian phát hành số đầu tiên (tháng 10-1987), đến nay là số 222 (tháng 3-2022). Lao động sáng tạo những tác phẩm VHNT có chất lượng là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của các VNS; từ khi ra số báo đầu tiên cho đến nay, các thế hệ VNS Lâm Đồng cùng các cộng tác viên trên mọi miền đất nước đã đóng góp tích cực cho tạp chí. 35 thành lập và phát triển của Hội VHNT Lâm Đồng, cũng chừng ấy năm, Tạp chí Lang Bian trải qua bao nhiêu khó khăn, thăng trầm; những vui, buồn, hạnh phúc… đều được thể hiện trên trang văn nghệ Lang Bian, gắn liền tình yêu quê hương đất nước nói chung và mảnh đất Nam Tây Nguyên trù phú nói riêng.
Tạp chí Lang Bian 35 năm “song hành” cùng sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước
Ban Biên tập Tạp chí Lang Bian qua các thời kỳ liên tục thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng các thể loại VHNT, chính là làm nên vóc dáng và diện mạo của tạp chí. 35 năm qua, trong lòng bạn đọc, trong tình cảm của nhiều người cầm bút, Tạp chí Lang Bian luôn là một tờ báo với nội dung và hình thức chất lượng. Mặc dù trên con đường 35 năm, tạp chí còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng Tạp chí Lang Bian vẫn luôn giữ cho mình một giá trị riêng biệt vốn có của nó…
Giai đoạn đầu 1988-1993, Lang Bian được hình thành với sự hoạt động sáng tạo của 4 chuyên ngành: Văn học, Nhiếp ảnh, Mỹ thuật và Âm nhạc. Trong 3 số tạp chí phát hành đầu tiên (02-1987 đến tháng 5-1988) những hoài cảm, suy tư, những câu chuyện với nhiều phong cách, đề tài được thể hiện; nhiều tác phẩm mang dáng dấp Nam Tây Nguyên trầm lắng và cả những tình cảm mang hình bóng quê hương ngày đoàn tụ. Lang Bian phát hành được 3 số thì tạm ngưng do nhân sự biến động.
Giai đoạn 1995-2000, Lang Bian phát hành số thứ 4 (9-1995) đến số 29. Từ năm 2001-2005, Lang Bian phát hành số 30 (1,2-2001) đến số đặc biệt chào mừng Festival Hoa Đà Lạt tháng 12-2005 và phát hành đến số 63 (gồm 32 số). Từ năm 2007 đến 2012, Lang Bian phát hành từ số 64 (12-2007) đến số 101 (gồm 27 số). Giai đoạn 2012-2017, Lang Bian phát hành từ số 102 (01-2013) đến số 159 (12-2017) gồm 52 số, trong đó có những số ghép. Giai đoạn 2017-2022, Lang Bian phát hành số 160+161 (01-2018) đến số 222 (3-2022), gồm 48 số, có các số ghép. Bình quân mỗi số, Lang Bian đăng tải trên 700 tác phẩm các thể loại. Ngoài ra, Lang Bian còn phát hành 7 số “Đà Lạt trẻ” từ trước đến nay.
Trong bối cảnh kinh tế thị trường, VHNT phải tự đổi mới trên cơ sở tiếp thu các khuynh hướng mới, nhưng không xa rời tôn chỉ mục đích. Tạp chí Lang Bian vừa vinh danh văn hóa các dân tộc bản địa, vừa phát triển làm phong phú văn hóa các vùng miền, vừa tô điểm đậm đà thêm bản sắc văn hóa dân tộc, khẳng định vị trí của mình trong dòng chảy văn học Việt Nam. Lang Bian đang có những nỗ lực mang sắc thái riêng, tạo được hiệu ứng nhất định với bạn đọc. Kèm theo là bản sắc văn hóa vùng đất Nam Tây Nguyên được chuyển tải đậm nét trên mỗi số tạp chí; giúp cho bạn đọc hiểu đúng những gì mà các VNS đã viết trên con đường cầm bút của mình.
Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, người ta ngày càng ý thức được giá trị của văn học. Đảng ta đã xác định: VHNT là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa. Phát triển VHNT phải lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể, làm mục tiêu và động lực của sự phát triển, góp phần hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam, hướng đến giá trị cốt lõi của dân tộc: Chân - thiện - mĩ.
Đánh giá đúng giá trị văn hóa đích thực của tác phẩm là một trong những yếu tố chắp cánh cho những tài năng phát triển. Tạp chí đã thẳng thắn nhìn nhận: Trong sáng tác còn ít những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh sâu sắc, đúng đắn tầm vóc, tương xứng với những thành tựu Công cuộc đổi mới. Bên cạnh việc tìm tòi, phát hiện cái mới, còn thiếu tác phẩm phê phán cái xấu, hiện tượng tiêu cực, chống tham nhũng, lãng phí. Việc giáo dục thẩm mĩ, giáo dục thị hiếu nghệ thuật cho thanh, thiếu niên, nhi đồng chưa được coi trọng đúng mức. Chưa tạo nhiều điều kiện, cơ chế, sự hấp dẫn trong thu hút hội viên, dẫn đến nhiều chuyên ngành có lực lượng sáng tác còn mỏng. Giải pháp đẩy mạnh công tác xã hội hóa để huy động nguồn lực phục vụ sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT còn hạn chế. Các thể loại VHNT chưa phong phú. Hoạt động VHNT ở vùng sâu, vùng xa vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn trầm lắng...
Tạp chí Lang Bian in cũng như điện tử, là diễn đàn giới thiệu, quảng bá các tác phẩm VHNT của VNS Lâm Đồng đến với các tỉnh, thành trong cả nước; cung cấp thường xuyên, kịp thời, chính xác cho cán bộ, hội viên, VNS các thông tin về đời sống văn hóa, văn nghệ, hoạt động VHNT; chuyển tải các chủ trương, định hướng lãnh đạo, chỉ đạo của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng đến với người dân; qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội trong tình hình mới.
Từ khi ra đời đến nay, Lang Bian đã nhận được sự cộng tác nhiệt tâm của nhiều cây bút tài hoa trên mọi miền đất nước, góp phần đưa tạp chí thâm nhập vào thế giới văn chương Việt đầy sôi động. Theo Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới” là Tập trung mọi nguồn lực xây dựng nền văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tăng cường việc giao lưu, quảng bá tác phẩm đến bạn đọc trong và ngoài nước. Hoạt động của Tạp chí Lang Bian trong những năm qua, đã có bước phát triển mạnh mẽ và cũng không ít thăng trầm. Tạp chí luôn nhận được sự cộng tác nhiệt tình của tất cả anh chị em VNS tỉnh nhà và số đông VNS trên mọi miền đất nước. Về lực lượng sáng tạo, chúng ta còn thuận lợi, đó là sự cộng tác của các giảng viên và sinh viên Trường Đại học Đà Lạt. Có người trong số họ đã trở thành cây bút chủ lực của tạp chí. Nhiều cây bút sinh viên đã trưởng thành qua hoạt động của CLB Sáng tác Trẻ Lâm Đồng…
Tạp chí Lang Bian - diễn đàn văn nghệ của văn nghệ sĩ và Nhân dân Lâm Đồng
Lang Bian là tạp chí sáng tác, nghiên cứu, phê bình văn học nghệ thuật. Tạp chí là diễn đàn của Nhân dân tỉnh Lâm Đồng và báo chí văn nghệ nói riêng, một bộ phận quan trọng của Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Tạp chí Lang Bian luôn đồng hành vì lợi ích của Nhân dân và đất nước trong cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Định hướng đường lối văn nghệ của Đảng là hướng người nghệ sĩ dành tâm hồn, trí tuệ và tình cảm cho sáng tác nghệ thuật chân chính. Góp phần để VHNT Lâm Đồng phát triển, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, đất nước.
Những bài viết trên Tạp chí Lang Bian đều bám sát chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước để tuyên truyền, ca ngợi những gương điển hình tiên tiến trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Những tác phẩm thơ, ca, nhạc, họa… ca ngợi vẻ đẹp hùng vĩ của quê hương Đà Lạt - Lâm Đồng; qua đó giáo dục tinh thần yêu nước, đoàn kết, tiên phong bảo vệ vùng trời vùng biển của Tổ quốc cho thế hệ trẻ hôm nay.
Mục đích của người cầm bút trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa nhằm bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; vì sự phát triển nền văn hóa, VHNT tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân. Công tác xuất bản Tạp chí Lang Bian, đặc san Sáng tác trẻ và các ấn phẩm của hội viên cũng như các hoạt động nghiệp vụ khác như triển lãm, trại sáng tác, đi thực tế, hội nghị hội thảo... đều góp phần nâng cao nhận thức tư tưởng, bản lĩnh chính trị, văn hóa cho hội viên; động viên và giữ vững khối đoàn kết trong giới VNS, góp phần vào sự ổn định chính trị của tỉnh. Các VNS muốn tạo nên tác phẩm có giá trị cao thì cần có vốn sống, tay nghề và bản lĩnh chính trị vững vàng. Tác giả tài năng, tạo ra những tác phẩm VHNT xuất sắc là vốn quý của quốc gia. Tài năng của tác giả chỉ được khơi dậy và phát huy khi chúng ta có được cơ chế và lộ trình đúng hướng, phù hợp với xu thế thời đại. Việc chăm lo, phát hiện tài năng VHNT là trách nhiệm của toàn xã hội; mà trước hết là Đảng, Nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp, để họ sáng tạo ra những tác phẩm hay, phục vụ cho dân tộc và đất nước.
Cũng như tạp chí các tỉnh thành khác trên cả nước, Ban Biên tập Tạp chí Lang Bian nhiệt tình biên tập bài gửi cộng tác để Tòa soạn có tác phẩm tuyển chọn in ấn theo đúng chủ đề của mỗi số. Tạp chí củng cố và đang trên đà phát triển để nội dung được phong phú, hình thức đẹp và bắt mắt, chính quy hơn. Lang Bian luôn đưa mục đích phục vụ công tác chính trị lên hàng đầu, vì mục đích hoàn thành tốt công tác tư tưởng văn hóa. Mở các Cuộc thi trên Tạp chí Lang Bian hàng năm: Cuộc thi “Lâm Đồng trên đường đổi mới và phát triển”, Cuộc thi Thơ dành cho Phụ nữ… Qua các Cuộc thi: Thơ, truyện ngắn, bút ký, hội họa, âm nhạc... đã phát hiện nhiều gương mặt mới, tài năng mới làm phong phú thêm vẻ đẹp bức tranh văn học Lâm Đồng; tổ chức các Cuộc thi, Giải thưởng VHNT để chọn lọc những tác phẩm có chất lượng nhằm tuyên truyền quảng bá… đưa VHNT tỉnh nhà tiến lên một tầm cao mới.
Báo chí văn nghệ yêu cầu luôn bám sát định hướng là phục vụ nhiệm vụ chính trị; xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân. Đồng thời, báo chí văn nghệ góp phần tích cực trong việc đấu tranh với các luận điệu sai trái, thù địch và những tiêu cực của xã hội; đặc biệt chống lại các hiện tượng văn nghệ không lành mạnh, trái với đường lối văn nghệ của Đảng và lợi ích chính đáng của Nhân dân. Người làm báo chí văn nghệ với ưu thế và trách nhiệm của mình nhằm góp phần gìn giữ sự trong sáng và làm phong phú thêm tiếng Việt. Báo chí văn nghệ đăng tải, giới thiệu đến độc giả cả nước những tác phẩm sáng tác bằng ngôn ngữ đặc thù của chuyên ngành nghệ thuật như: Văn học, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Nhạc phẩm in, Họa phẩm kiến trúc… Ngoài ra báo chí văn nghệ dành cho lĩnh vực lý luận nghiên cứu, phê bình các loại hình VHNT, báo chí văn nghệ còn trân trọng giới thiệu đến bạn đọc những ấn phẩm văn học dịch; nhằm trao đổi ý kiến về chuyên ngành, nâng cao kiến thức chuyên môn cho bạn đọc.
VNS và người cầm bút, mở rộng giao lưu và hội nhập phát triển, khích lệ sự sáng tạo VHNT cả nước nói chung. VNS khi sáng tạo tác phẩm mới, ngoài những yêu cầu năng lực về chuyên môn của người làm báo chí văn nghệ; còn cần phải có chuẩn mực đạo đức của người cầm bút; phải là người thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ công dân, tuân thủ pháp luật. VNS phải là người tích cực tuyên truyền cho cái đúng, cái đẹp; phản bác và lên án cái xấu, cái ác… Như vậy tác phẩm báo chí văn nghệ ra đời mới có giá trị đích thực dành cho công chúng. Muốn được như vậy VNS cần nắm vững, tin tưởng tuyệt đối chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; mục tiêu của người cầm bút là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, hạnh phúc của Nhân dân.
35 năm ra đời và phát triển, Tạp chí Lang Bian đã chứng tỏ được vị trí của mình trong dòng chảy VHNT nước nhà. Lang Bian là ấn phẩm có chất lượng ca ngợi cái mới, cái đẹp trong tình hình văn học hiện nay. Tinh thần, bản sắc Nam Tây Nguyên được phát huy và lan tỏa. Với những gì mà Lang Bian đã hiện diện suốt 35 năm qua, cũng đủ để bạn đọc và tác giả tin cậy, đặt niềm tin một tờ báo văn nghệ mang đậm dấu ấn những cái mới, cái thể nghiệm để và khẳng định một điều: Văn học luôn đồng hành với dòng chảy của cuộc sống năng động, mới mẻ và sáng tạo; Lang Bian luôn đồng hành với dòng chảy VHNT Việt Nam./.