Thành tựu 35 năm Thơ Lâm Đồng
THANH DƯƠNG HỒNG
Khi viết về Thơ và đội ngũ văn nghệ sĩ (VNS) ở tỉnh ta sáng tác Thơ trong 35 năm qua, tính từ ngày thành lập Hội VHNT Lâm Đồng (năm 1987) đến nay, tôi khá do dự. Vì, tôi được kết nạp vào Hội năm 1994, sau Đại hội Hội VHNT Lâm Đồng lần thứ I 1988-1993; từ đó đến ngày 31-7-2021, tôi công tác ở các cơ quan khác, tham gia Hội với tư cách là một hội viên (HV), e ngại không nói hết những đóng góp của đội ngũ các nhà thơ và thành tựu Thơ tỉnh nhà...
Song khi nghiên cứu một số tài liệu quý (các Quyết định về thành lập Ban vận động Hội Văn nghệ Lâm Đồng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Kỷ yếu Đại hội Hội các khóa, các Tuyển tập Thơ, Văn của Hội; Tạp chí Lang Bian từ số 1 đến số 222…), tôi mạnh dạn sơ lược vài nét về Thơ Lâm Đồng và sự đóng góp của thế hệ các nhà thơ ở tỉnh ta chặng đường 35 năm hình thành và phát triển của Hội.
Có thể nói trong dòng chảy văn hóa Việt Nam qua bao nhiêu thế kỷ, VHNT nói chung, Thơ - Văn nói riêng luôn “song hành” trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người Việt Nam rất yêu thơ và dường như ai cũng có thể làm thơ, dù ở bất kỳ lĩnh vực nào của cuộc sống.
Đà Lạt - Lâm Đồng có khí hậu mát lành, cảnh quan thiên nhiên nên thơ, xinh đẹp; con người “Thanh lịch - Hiền hòa - Mến khách” và các di sản văn hóa bản địa độc đáo, là “chất liệu” phong phú cho thơ ca, nhạc, họa… khai thác; bởi vậy xưa nayvùng đất này hội tụ đông đảo VNS, các nhà văn, nhà thơ sinh sống và sáng tác.
Sau 12 năm, kể từ ngày thống nhất đất nước 1975-1986, dù giai đoạn này chưa có tổ chức Hội, nhưng ở Lâm Đồng có vài chục nhà thơ tên tuổi sống và lặng lẽ sáng tác nhiều tác phẩm (TP) ca ngợi Công cuộc khôi phục, xây dựng quê hương Lâm Đồng trong những năm đầu sau giải phóng đầy khó khăn, thử thách.
Đặc biệt sau khi có quyết định về thành lập Ban vận động Hội Văn nghệ Lâm Đồng (đầu năm 1987), một trong những hoạt động, ghi nhận sự nỗ lực của Ban vận động là biên soạn, in ấn, xuất bản Tạp chí Lang Bian - diễn đàn văn nghệ, “sân chơi” trí tuệ của VSN trong tỉnh. Ngay trong Tạp chí Lang Bian số đầu tiên (Số 1), xuất bản 10-1987, ngoài một số nhà thơ tên tuổi ở các tỉnh, thành tham gia bài vở, đã có 12 nhà thơ Lâm Đồng “góp mặt” như: Bùi Minh Quốc, Nguyễn Xuân Du, Hà Linh Chi, Lâm Tuyền Tĩnh, Trương Quỳnh, Phạm Quốc Ca, Nguyễn Trung An, Hoàng Như Thủy An, Nguyễn Tấn Cứ, Phạm Vũ, Nguyễn Lương, Nguyễn Thanh Toàn. Hai số Lang Bian kế tiếp: Số 2 (tháng 2-1988) và Số 3 (tháng 5-1988), tiếp tục đăng thơ của các nhà thơ Lâm Đồng (Lê Bá Cảnh, Phạm Vĩnh, Xuân Tràng, Hoàng Ngọc Châu, Trần Ngọc Trác…).
Phát hành được 3 số, Tạp chí Lang Bian bị gián đoạn một thời gian dài (6 năm), do biến động về nhân sự chủ chốt của Hội (từ giữa nhiệm kỳ Đại hội Hội khóa I đến trước Đại hội Hội khóa II). Dù vậy, trong thời gian này HV, VNS Lâm Đồng vẫn tiếp tục sáng tác, gửi đăng, công bố tác phẩm ở các báo, tạp chí Trung ương và các tỉnh, thành.
Về lực lượng, HV Chuyên ngành Văn học (giai đoạn đầu gọi là chuyên ngành) luôn luôn chiếm đông nhất trong tổng số HV toàn Hội. Trong đó đội ngũ các nhà thơ luôn chiếm đa số. Chuyên ngành Văn học là một trong 4 chuyên ngành hình thành sớm nhất của Hội VHNT Lâm Đồng gồm: Văn học, Nhiếp ảnh, Âm nhạc và Tạo hình (Mỹ thuật). Bốn chuyên ngành này (có tổng số 79 HV đầu tiên tham dự Đại hội Hội khóa I), là tiền thân để hình thành các chi hội, phát triển thêm các chi hội khác và các Câu lạc bộ trực thuộc Hội sau này.
“Điểm” qua 6 kỳ Đại hội Hội VHNT Lâm Đồng, số HV Chi hội Văn học (phần lớn là nhà thơ) chiếm số lượng đông trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Hội. Về chức danh Chủ tịch Hội, có 4 nhà thơ: Bùi Minh Quốc (khóa I); Trần Ngọc Trác (khóa IV), Phạm Quốc Ca (khóa V) và Nguyễn Thanh Đạm (Khóa VI). Chức danh Phó Chủ tịch Hội, có 02 nhà thơ: Nguyễn Trung An (khóa II) và Phạm Quốc Ca (khóa IV). Nói điều này để thấy rằng, đội ngũ các nhà thơ không những đông về số lượng mà còn có uy tín, năng lực lãnh đạo, được HV bầu giữ các chức danh chủ chốt trong các nhiệm kỳ Đại hội của Hội đã qua.
Trong 35 năm qua, lãnh đạo Hội luôn quan tâm phát triển HV mới (ưu tiên những người trẻ tuổi, nữ, dân tộc thiểu số); và trong số HV được kết nạp qua từng năm đều có HV thuộc Chi hội Văn học. Qua 6 nhiệm kỳ Đại hội Hội, với nhiều thay đổi về lực lượng; đến nay Chi hội Văn học có tổng số 55 HV; trong đó có 37 HV sáng tác Thơ (chiếm 67,27%) và 18 HV sáng tác Văn xuôi (chiếm 32,72%).
Về sáng tác, 35 năm qua hoạt động của Hội VHNT Lâm Đồng dù có những thời điểm khó khăn, thăng trầm; Tạp chí Lang Bian 2 lần bị gián đoạn, tạm ngưng xuất bản, (do nguyên nhân khách quan, chủ quan); song sức sáng tạo của đội ngũ VNS nói chung, Chi hội Văn học nói riêng (trong đó có các nhà thơ) “không gián đoạn”. Các VNS như những “con tằm rút ruột” cho ra đời nhiều tác phẩm VHNT mang hơi thở của cuộc sống, đóng góp tích cực vào sự nghiệp văn hóa và VHNT, phục vụ cuộc sống của Nhân dân và nhiệm vụ chính trị của địa phương, đất nước.
Nhiều nhà thơ lớn tuổi, “bút lực” khá dồi dào, sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị; bên cạnh đó các cây bút trẻ (trong Câu lạc bộ Sáng trác trẻ) tiếp tục được phát huy, tỏa sáng, đóng góp một lượng lớn TP Thơ - Văn để Ban Biên tập Tạp chí Lang Bian chọn đăng, công bố trên tạp chí, phục vụ nhu cầu thưởng thức VHNT của đông đảo VNS cả nước và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Lướt qua 222 số Lang Bian đã phát hành, TP Văn - Thơ chiếm tỷ lệ lớn, chủ đạo trong mỗi số của tạp chí.
Theo tổng hợp của nhà thơ Nguyễn Mộng Sinh, trong Tham luận “Đôi nét về Thơ trên Tạp chí Lang Bian”; tác giả chỉ tổng hợp 12 số Lang Bian năm 2020 (từ số 196-207), đã đăng 195 bài thơ (trung bình mỗi số đăng từ 15 - 20 bài thơ); trong đó thơ của các tác giả Lâm Đồng chiếm 62,2%. Và trong 11 số tạp chí năm 2021 (từ số 208 -2018), đã đăng 218 bài thơ, trong đó180 bài thơ của các nhà thơ trong tỉnh (chiếm 82,56%; đặc biệt Thơ của các nhà thơ nữ địa phương chiếm khoảng 40%.
Thơ của các nhà thơ Lâm Đồng ngoài công bố trên Tạp chí Lang Bian, trên 7 số Đặc san “Đà Lạt trẻ” (đã xuất bản) và trong nhiều ấn phẩm khác tại địa phương, các tuyển tập Thơ, Văn ở các tỉnh, thành như: “Thơ tình cao nguyên”, Nxb Trẻ và Tủ sách Sơn Ca - 2010; “Quán văn”- Số 19, Nxb Thanh niên, 12-2013…, các tác giả còn gửi Thơ đăng trên nhiều tờ báo, tạp chí ở Trung ương, các tỉnh, thành trong cả nước; tham gia và đoạt nhiều giải thưởng trong các Cuộc thi, Giải thưởng Sáng tác VHNT tổ chức trong tỉnh, trong nước và quốc tế. Nhiều nhà thơ đã đoạt các Giải thưởng VHNT như: Phạm Quốc Ca, Vương Tùng Cương, Xuân Tràng, Mộng Sinh, Phạm Vũ, Trương Quỳnh, Uông Thái Biểu, Nguyễn Tấn On, Nguyễn Thánh Ngã, Túy Tâm, Thanh Dương Hồng, Lê Đình Trọng, Lê Hòa, Diệp Vy, Nông Quy Quy, Vũ Dậu, Nguyễn Thị Thanh Toàn, Phan Thành Minh, Lê Văn Hiếu, Hồ Thụy Mỹ Hạnh…
Về số đầu sách cá nhân (tập Thơ, tuyển tập Thơ - Văn), trong 35 năm (chưa thể tổng hợp chính xác); nhưng ước tính trung bình mỗi nhà thơ đã xuất bản từ 2 - 4 tập sách riêng, số lượng cũng vài trăm đầu sách. Với người cầm bút, đây là “tài sản” vô giá, ghi giấu sức lao động nghệ thuật miệt mài, tâm huyết cả đời của mỗi nhà thơ.
Với lượng lớn tác phẩm Thơ được đội ngũ các nhà thơ trong tỉnh đã sáng tác và đoạt Giải trong các Cuộc thi, Giải thưởng VHNT… là “nguồn” tác phẩm dồi dào, phong phú để Hội VHNT Lâm Đồng qua các nhiệm kỳ đã phối hợp với các Ban, ngành liên quan ở địa phương và một số nhà thơ có uy tín tổng hợp, biên soạn, xuất bản hơn 10 Tuyển tập VHNT (in chung), phát hành trong cả nước.
Theo thứ tự năm ấn hành, xin giới thiệu một số Tuyển tập Thơ - Văn (in chung) đã xuất bản như: “Đà Lạt mộng mơ” - Thơ tuyển chọn, do Sở Văn hóa Thông tin - Thể thao (VHTT-TT) Lâm Đồng xuất bản, 11-1993. Đây là “món quà” gồm 41 bài thơ hay của 41 nhà thơ tên tuổi trong cả nước (trong đó, có 21 nhà thơ Lâm Đồng) tặng thành phố Đà Lạt tròn 100 năm tuổi 1893-1993. Tuyển tập “Đời và thơ”, Nxb Thanh Hóa, 8-1995, giới thiệu 50 bài thơ của 35 nhà thơ Lâm Đồng đã tham gia Cuộc thi sáng tác viết về “Đất nước, con người Lâm Đồng - Việt Nam anh hùng”. Tuyển tập “Cho những mùa hoa”, do Sở VHTT-TT Lâm Đồng phối hợp với Hội VHNT Lâm Đồng biên soạn, ấn hành tháng 8-1995; gồm 50 bài thơ của 33 nhà thơ Lâm Đồng. Đây là những “bông hoa” tươi thắm trong “vườn Thơ” Lâm Đồng chào mừng Kỷ niệm 50 năm 1945-1995 Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Tuyển tập “Đà Lạt thơ”, Nxb Văn học, Hà Nội -1996. Tập sách được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở VHTT-TT Lâm Đồng, Thành ủy, UBND thành phố Đà Lạt hỗ trợ. (Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoài Bảo viết Lời giới thiệu); nhà thơ Trinh Đường và Hội VHNT Lâm Đồng tuyển chọn, giới thiệu 108 bài thơ hay nhất của nhiều nhà thơ nổi tiếng trong cả nước viết về Đà Lạt- Lâm Đồng như: Thu Bồn, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Tế Hanh, Quách Tấn, Bùi Giáng, Nguyễn Duy, Huy Cận, Nguyễn Đức Mậu, Phan Thị Thanh Nhàn, Triệu Phong, Vũ Quần Phương, Vương Trọng, Trần Vạn Giã, Lệ Thu, Nguyễn Thế Kỷ, Lâm Thị Mỹ Dạ… (Trong đó, Lâm Đồng vinh dự có 28 nhà thơ tham gia). Tuyển tập “Thành phố thấp thoáng”, xuất bản tháng 5-2000, do UBND thành phố Đà Lạt và Hội VHNT Lâm Đồng phối hợp biên soạn, ấn hành, đã giới thiệu 16 TP Văn xuôi, 37 TP Thơ và 4 TP Âm nhạc của các VNS trong cả nước; trong đó hơn 80% TP của VNS Lâm Đồng. “Lâm Đồng chào thế kỷ XXI”- Tuyển tập VHNT, xuất bản 12-2000, do Sở VHTT và Hội VHNT Lâm Đồng phối hợp biên soạn, ấn hành; gồm 15 TP văn xuôi (trong đó 10 TP đoạt giải và 05 TP hưởng ứng; 10 TP Thơ (6 TP đoạt giải và 04 TP hưởng ứng); 13 TP Mỹ thuật (05 TP đoạt giải, 8 TP hưởng ứng); 10 TP Nhiếp ảnh (7 TP đoạt giải, 3 TP hưởng ứng) và 09 TP Âm nhạc, đã tham gia Cuộc thi sáng tác VHNT, chủ đề “Lâm Đồng chào thế kỳ XXI”. Tuyển tập “Đà Lạt trong thơ”, do UBND thành phố Đà Lạt và Hội VHNT Lâm Đồng phối hợp tuyển chọn, phát hành tháng 11-2003; giới thiệu 110 bài thơ của 110 nhà thơ trong và ngoài tỉnh (Lâm Đồng có 43 tác giả). Đây là công trình VHNT chào mừng thành phố Đà Lạt 110 năm hình thành và phát triển. “Festival Hoa Đà Lạt 2005”, do Sở VHTT và Hội VHNT Lâm Đồng tuyển chọn, ấn hành tháng 12-2005; giới thiệu 56 bài thơ của 37 tác giả (trong đó 8 TP đoạt giải và 29 TP hưởng ứng); 10 TP Âm nhạc (6 TP đoạt giải và 04 TP hưởng ứng); 68 TP Ảnh nghệ thuật (9 TP đoạt giải và 59 TP hưởng ứng), đã tham gia Cuộc thi “Sáng tác Thơ, Nhạc, Ảnh nghệ thuật chào mừng Festival Hoa Đà Lạt”.
Đặc biệt, “30 năm Thơ Lâm Đồng” 1976-2006, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 12-2006, được xem là công trình VHNT kỳ công, đồ sộ, đã tập hợp đông đảo, gần như bao quát nhất những TP Thơ tiêu biểu, tâm huyết của đội ngũ các nhà thơ đã và đang sinh sống, làm việc trên vùng đất Đà Lạt - Lâm Đồng sáng tác trong hơn 30 năm. Tập sách dày gần 500 trang, đã giới thiệu 235 bài thơ của 118 tác giả Thơ đều là người Lâm Đồng.
Sơ lược vài nét về Thơ Lâm Đồng trong 35 năm thành lập và phát triển Hội VHNT Lâm Đồng, có thể khẳng định sự đóng góp tích cực, tâm huyết và trách nhiệm của các thế hệ nhà thơ đối với quá trình xây dựng, phát triển Đà Lạt - Lâm Đồng giàu, đẹp. Bên cạnh Thơ - Văn, các loại hình: Âm nhạc, Nhiếp ảnh, Mỹ thuật, Văn nghệ Dân gian, Văn học các dân tộc thiểu số… trong 35 năm qua cũng đã sáng tạo hàng ngàn tác phẩm có giá trị, góp phần to lớn vào sự nghiệp phát triển văn hóa và VHNT, hoàn thành sứ mệnh thi sĩ - chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam dìu dắt, lãnh đạo.
Dù đã có nhiều cố gắng sưu tầm, tổng hợp tư liệu; song có thể sẽ còn những thiếu sót, rất mong các nhà thơ, độc giả cảm thông, chia sẻ…/.