Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của người phụ nữ trong xã hội

TAP CHÍ LANGBIAN|11/8/2021 9:55:53 AM

Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của người phụ nữ trong xã hội

MA NHUNG

 

Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Ngay từ buổi đầu lập nước, khi gặp nạn ngoại bang xâm lược, Bà Trưng Bà Triệu đã dấy binh khởi nghĩa đánh đuổi quân thù. Thế kỷ XX, qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, lịch sử đã ghi nhận hàng vạn tấm gương phụ nữ, các chị, các mẹ không ngại gian khổ, không tiếc máu xương, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, cống hiến không chỉ cuộc đời mình mà cả con em cho độc lập tự do của Tổ quốc. Phụ nữ không chỉ chiến đấu anh hùng mà còn lao động cần cù, chịu khó để vượt lên cảnh đói nghèo và lạc hậu, góp phần xây dựng đất nước ngày càng to đẹp và đàng hoàng hơn. Chính vì thế mà Đảng, Bác Hồ đã phong tặng phụ nữ Việt Nam tám chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” trong thời kỳ kháng chiến và “Trung hậu, đảm đang, tài năng, anh hùng” trong thời kỳ Đổi mới đất nước. Đây chính là sự khẳng định của Bác về vị trí, vai trò không thể thiếu của phụ nữ Việt Nam đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, cũng như trong Công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Đó không chỉ là sự khích lệ, động viên mà còn là ghi nhận vai trò to lớn của phụ nữ Việt Nam.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và đánh giá cao vị trí, vai trò của phụ nữ trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam. Người luôn trân trọng, thương yêu và không ngừng đấu tranh cho phụ nữ được hưởng quyền bình đẳng với nam giới. Với cách nhìn toàn diện, Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng phụ nữ chiếm một nửa nhân loại. “Nói đến phụ nữ là nói đến một nửa xã hội”, cũng tương tự “Phụ nữ Việt Nam chiếm một nửa tổng số Nhân dân ta”; Người còn chỉ rõ: “Phụ nữ là một lực lượng lao động rất quan trọng”. Vì vậy, theo Người “Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng”, “Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”. Bác phân tích có lý, có tình, rằng: Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội “Nhất định phải sản xuất thật nhiều. Muốn sản xuất nhiều thì phải có nhiều sức lao động. Muốn nhiều sức lao động thì phải giải phóng lao động của phụ nữ”.

Nói về vị trí vai trò của phụ nữ trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc, Người từng nhấn mạnh: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ” hay “Nhân dân ta anh hùng là nhờ có các bà mẹ Việt Nam anh hùng”, Người dạy: "Dân tộc ta và Đảng ta đời đời biết ơn các bà mẹ Việt Nam đã sinh ra và cống hiến những người con ưu tú, đã và đang chiến đấu anh dũng tuyệt vời bảo vệ non sông gấm vóc do tổ tiên ta để lại". Từ lịch sử dân tộc, lịch sử thế giới, Bác thấy rõ vai trò của phụ nữ thế giới nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng, Người rút ra kết luận: “Xem trong lịch sử cách mệnh chẳng có lần nào là không có đàn bà tham gia”, “An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công”… Trong tiến trình cách mạng, Hồ Chí Minh luôn coi lực lượng phụ nữ là một bộ phận không thể tách rời của cách mạng, một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm mọi thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân.

Họ đã cùng với đồng bào và Nhân dân cả nước đánh đuổi chủ nghĩa thực dân, phong kiến làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Khi đã giành được chính quyền, phụ nữ tham gia gánh vác công việc, họ đã giúp đỡ chiến sĩ, tăng gia sản xuất; chống nạn mù chữ; tham gia tổng tuyển cử… Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, phụ nữ cả nước đã đứng lên, hăng hái tham gia phục vụ chiến đấu góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phụ nữ Việt Nam đã gan dạ tham gia giao liên, liên lạc, xây dựng cơ sở cách mạng trong lòng địch, nuôi giấu cán bộ, bám đất, bám dân, kiên cường chiến đấu, nhiều chị em đã tham gia “Đội quân tóc dài”, đội “Nữ du kích”, “Nữ biệt động”… làm nổi bật lên hình ảnh người phụ nữ anh hùng, bất khuất nơi tuyến đầu Tổ quốc. Với ý chí quật cường “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, phụ nữ Việt Nam cũng đã tình nguyện tham gia Thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… làm nên chiến thắng vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với tinh thần quyết tâm chiến đấu trở thành hậu phương vững chắc, phụ nữ miền Bắc đã tham gia phong trào “Ba đảm đang” tích cực tham gia sản xuất, đảm đang trong công việc gia đình, khuyến khích chồng con tham gia kháng chiến. Khi đất nước hoàn toàn thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, phụ nữ Việt Nam cũng đã chung sức khắc phục hậu quả chiến tranh, tập trung xây dựng đất nước Việt Nam tươi đẹp.

Bác không chỉ là người đầu tiên đề cập đến vấn đề giải phóng phụ nữ, khẳng định vai trò, vị trí của họ đối với gia đình và xã hội, đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho họ mà còn luôn động viên, khuyên bảo, nhắc nhở chị em phải tự cố gắng học tập, sáng tạo vươn lên để khẳng định mình chứ không phải chờ Đảng, Chính phủ đề ra các chủ trương, chính sách. Người kêu gọi: Chị em phụ nữ nông thôn thi đua góp sức hoàn thành tốt cải cách ruộng đất và lập những tổ đổi công tốt. Chị em công nhân và công chức thi đua làm tròn nhiệm vụ của mình. Chị em trí thức thi đua góp phần vào việc phát triển văn hóa. Nữ thanh niên tùy theo cương vị của mình, thi đua học và hành, xung phong trong mọi công việc… Những lời dạy của Bác thể hiện sự quan tâm sâu sắc, đồng thời cũng tỏ rõ tình cảm của mình dành cho phụ nữ Việt Nam. Người luôn đấu tranh để cho phụ nữ được hưởng quyền bình đẳng với nam giới. Bình đẳng không chỉ về chính trị mà còn từ thực tiễn sinh hoạt của đời sống xã hội và trong gia đình.

Trước lúc đi xa, trong Di chúc thiêng liêng để lại cho dân cho nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn toàn Đảng, toàn dân "Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ".

Thấm nhuần lời dạy của Người, phụ nữ Việt Nam đã, đang và tiếp tục cố gắng học tập, công tác, cống hiến, khẳng định vị thế của mình trong xã hội. Tiếp nối truyền thống 91 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20-10-1930 – 20-10-2021) trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, phụ nữ Việt Nam tiếp tục vượt qua mọi thành kiến và thử thách, vươn lên đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội. Bên cạnh vai trò quan trọng trong gia đình, người phụ nữ còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội và khẳng định vai trò, vị trí của mình đối với sự phát triển của xã hội trên nhiều lĩnh vực như: Tham gia quản lý Nhà nước, tham gia xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình no ấm hạnh phúc, tham gia phòng chống tệ nạn xã hội, các hoạt động đối ngoại… Ngày càng có nhiều phụ nữ trở thành chính trị gia, nhà khoa học nổi tiếng, nhà quản lý năng động; những lĩnh vực trước đây chỉ dành cho nam giới, giờ đây phụ nữ cũng làm rất tốt. Người phụ nữ hôm nay luôn đóng một vai trò quan trọng không những trong đời sống gia đình mà còn trong đời sống xã hội. Trải qua nhiều thăng trầm của xã hội, chị em luôn luôn thể hiện vai trò tích cực, đảm đang với tấm lòng nhân hậu đã đóng góp nhiều công sức cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập cho đất nước./.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của người phụ nữ trong xã hội