Tuyên ngôn Độc lập giá trị pháp lý và trí tuệ Việt Nam

TAP CHÍ LANGBIAN|11/4/2021 10:44:11 AM

 

Tuyên ngôn Độc lập giá trị pháp lý và trí tuệ Việt Nam

                      HÀ HỮU NẾT

 

         Bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam, được Chủ  tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc trước công chúng tại Ba Đình, Hà Nội vào ngày 2-9-1945. Đây, được xem là bản Tuyên ngôn Độc lập thứ ba trong lịch sử Việt Nam, sau bài thơ thần Nam quốc sơn hà (thế kỷ XI) và Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi (thế kỷ XV). Bằng trí tuệ vượt trội, lòng yêu nước nồng nàn và kinh nghiệm 30 năm tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã dồn hết tâm lực, trí lực để viết bản Tuyên ngôn Độc lập tuyệt tác này.

         Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh không bao giờ nhận mình là nhà văn, nhà thơ mà chỉ là người bạn của văn nghệ, người yêu văn nghệ. Quá trình hoạt động cách mạng, Người nhận thấy văn chương phụng sự đắc lực cho tuyên truyền. Cùng với tài năng nghệ thuật và tâm hồn nghệ sĩ, nên Người đã sáng tác nhiều tác phẩm văn học có giá trị. Tiêu biểu trong số đó là bản “Tuyên ngôn Độc lập”. Tuyên ngôn Độc lập không chỉ là áng văn chính luận xuất sắc, mà còn mang ý nghĩa Tuyên ngôn - khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuyên ngôn Độc lập, mở đầu bằng một chân lý vĩnh cửu và phổ biến: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. Bác trích dẫn Tuyên ngôn Mỹ (1776) và Tuyên ngôn Pháp (1791), thể hiện lý lẽ đanh thép và ngầm xếp ngang hàng, bình đẳng giữa Tuyên ngôn Việt Nam với Tuyên ngôn Mỹ và Tuyên ngôn Pháp. Qua đó Tuyên ngôn Độc lập tố cáo và lên án những tội ác tày trời của thực dân Pháp: “Chúng đã lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta, thực hiện một chính sách cực kỳ phản động trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật xâm lược Đông Dương, thực dân Pháp đã quỳ gối đầu hàng, không “bảo hộ” cho ta, mà “bán” nước ta cho Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó dân ta càng cực khổ, nghèo nàn”. Sau ngày 9-3-1945, thực dân Pháp thất bại bỏ chạy “nhưng chúng còn nhẫn tâm, giết nốt số đông tù chính trị của ta ở Yên Bái và Cao Bằng”. Tuyên ngôn Độc lập nêu rõ sự nhân đạo, ngọn cờ chính nghĩa, chính sách khoan hồng của Mặt trận Việt Minh như cứu người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật, bảo vệ tính mạng, tài sản cho họ... Sau khi phân tích tình hình nước ta năm 1940 đến khi Nhân dân ta nổi dậy giành chính quyền, bản Tuyên ngôn Độc lập nhấn mạnh: “Sự thật là, dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp. Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay, để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ, lập nên chế độ dân chủ cộng hòa”. Bản Tuyên ngôn Độc lập trịnh trọng tuyên bố nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, thủ tiêu hoàn toàn chính quyền thực dân, phong kiến, khẳng định quyền tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam trước Nhân dân Việt Nam và toàn thế giới. “Một dân tộc, đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít Nhật, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập”. Tuyên ngôn khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam, quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải, để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử có giá trị pháp lý, tính tư tưởng và thực tiễn sâu sắc. Tuyên ngôn Độc lập là sự phát triển đỉnh cao của tư tưởng độc lập tự do, đã được thể hiện trong bản “Yêu sách” gửi Hội nghị Vécxây, trong “Đường Kách mệnh”, trong “Chính cương vắn tắt”, trong “Luận cương chính trị”, trong các văn kiện khác của Đảng và Mặt trận Việt Minh. Bản Tuyên ngôn Độc lập kế thừa và phát triển những tư tưởng yêu nước, tự lực, tự cường đã nảy sinh và phát triển từ ngàn xưa của dân tộc Việt Nam. Tuyên ngôn Độc lập là kết tinh những quyền lợi cơ bản và những nguyện vọng thiết tha nhất của Nhân dân Việt Nam, là biểu hiện hùng hồn khí phách, bản lĩnh kiên cường, ý chí bất khuất của dân tộc ta. “Bản Tuyên ngôn Độc lập là hoa, là quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh, của những người con anh dũng của Việt Nam trong tù, trong trại tập trung, trong những hải đảo xa xôi, trên máy chém, trên chiến trường. Bản Tuyên ngôn Độc lập là kết quả của bao nhiêu hy vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn 20 triệu Nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ. Nó chấm dứt thể chế quân chủ chuyên chế và chế độ thực dân áp bức. Nó mở ra một kỷ nguyên mới dân chủ, cộng hòa”. Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 là văn bản pháp lý, khẳng định thiết lập Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam với mục tiêu độc lập - tự do - hạnh phúc, xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Tuyên ngôn độc lập còn đóng góp cho sự nghiệp giải phóng nhân loại, mở đầu kỷ nguyên độc lập, tự do của các dân tộc thuộc địa, bị áp bức trên toàn thế giới. Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử, văn bản pháp lý quan trọng bậc nhất của nước ta. Với hệ thống lập luận chặt chẽ, lý lẽ sắc bén, giọng văn hùng hồn, cơ sở pháp lý vững chắc đã khẳng định mạnh mẽ chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới, mở ra thời kỳ mới của dân tộc ta trên con đường phát triển.

       76 năm đã trôi qua, nhưng chúng ta vẫn ghi nhớ lời thề trong Ngày Lễ độc lập: “Toàn thể dân tộc Việt Nam, quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Với tinh thần đó, cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Hiện nay, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, tình hình thế giới còn nhiều diễn biến rất phức tạp, tác động trực tiếp đến nước ta, tạo ra cả thời cơ và thách thức. Để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, toàn Đảng, toàn dân ta cần đoàn kết một lòng, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ Công cuộc đổi mới, phấn đấu: “Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thành nước phát triển, thu nhập cao” mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, vì “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

 

Tuyên ngôn Độc lập giá trị pháp lý và trí tuệ Việt Nam