Vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Cách mạng Tháng Tám
VŨ VĂN
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời. Sức mạnh làm nên thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa của dân tộc ta là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là chủ tịch Hồ Chí Minh. Lịch sử đã khẳng định: Cách mạng Tháng Tám giành chính quyền về tay Nhân dân nhờ vào vai trò lãnh đạo tài tình của Bác Hồ Chí Minh. Người là vị lãnh tụ toả sáng đức độ tài năng, mưu lược với sự chuẩn bị về tư tưởng, chính trị, lực lượng… để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Cách mạng Tháng Tám thành công mang lại thành quả lớn lao cho dân tộc là xây dựng một Nhà nước pháp quyền kiểu mới ở nước ta: Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Đây là một trong những thắng lợi vĩ đại nhất của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX, là mốc son chói lọi trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc ta…
Chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thời cơ và đường lối cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám
Hồ Chí Minh - Người đã kiên trì, nhẫn nại, chờ đợi thời cơ, trải qua bao gian nan, thử thách. Kiên định trong tư tưởng về giải phóng dân tộc của Người đã trở thành đường lối chung của toàn Đảng, toàn dân đã chứng tỏ sự trưởng thành vượt bậc về tư tưởng chính trị, về lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong con người Bác. Người coi trọng vai trò của giai cấp công nhân, nông dân và liên minh công nông. Người cũng không xem nhẹ vai trò cách mạng của các giai cấp, tầng lớp khác. Người từng nói: “Việc cứu nước là việc chung, ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm: Người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, có tài năng góp tài năng.”
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo trực tiếp mở các lớp huấn luyện chính trị, quân sự cho nhiều cán bộ cách mạng, có những lớp học Người trực tiếp giảng dạy. Người viết nhiều tác phẩm tuyên truyền, cổ vũ động viên, kêu gọi Nhân dân chờ đợi thời cơ sẽ đứng lên giành lại độc lập cho dân tộc. Các bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Khuyên đồng bào mua báo “Việt Nam độc lập”; Mười chính sách của Việt Minh; Dân cày; Phụ nữ… Hồ Chí Minh còn tranh thủ xây dựng lực lượng chính trị và vũ trang. Cơ sở chính trị mở rộng đến đâu, Người chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang đến đó. Người Chỉ thị thành lập đội vũ trang: Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên nêu rõ những quan điểm quân sự của Đảng ta một cách có hệ thống, là người đặt cơ sở cho lý luận quân sự hiện đại Việt Nam.
Tư tưởng đoàn kết toàn dân của Hồ Chí Minh: Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc trên tinh thần mở rộng đoàn kết dân tộc, thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất. Mặt trận Việt Minh được thành lập và đáp ứng yêu cầu của lịch sử, phù hợp với nguyện vọng của toàn dân tộc. Bác chỉ đạo nêu cao tinh thần đoàn kết, tự lực tự cường; phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, tranh thủ Đồng minh; xây dựng chủ trương thêm bạn, bớt thù cho cách mạng Việt Nam, tranh thủ mọi lực lượng có thể để thực hiện cho được mục tiêu độc lập, tự do. Đường lối giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta là phương thức đấu tranh khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám.
Chỉ đạo sáng suốt kịp thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám
Bắt đầu từ ngày 10-5 đến 19-5-1941, Bác Hồ triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8. Bác đã chỉ rõ tình hình trong nước và thế giới, đề ra chủ trương quan trọng là chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng. Đảng sẽ lãnh đạo cách mạng Việt Nam, phát động quần chúng Nhân dân nêu cao ngọn cờ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Đường lối chủ trương của Người là tư duy chiến lược cơ bản, nhất quán; phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng của người dân lúc bấy giờ: Là nhanh chóng thoát khỏi ách áp bức của thực dân Pháp và phong kiến tay sai.
Chủ tịch Hồ Chí minh đã đặt nền móng cơ bản chủ động xây dựng lực lượng cách mạng để chuẩn bị tiến tới tổng khởi nghĩa sau này.
Ngày 22-12-1944 Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập gồm 34 đồng chí. Bác đã viết trong Chỉ thị thành lập Đội: “Lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của Giải phóng quân. Nó có thể đi suốt từ Bắc đến Nam, khắp đất nước Việt Nam…”. Và Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đã đánh thắng lợi những trận đầu tiên ở Phai Khất, Nà Ngần. Người tiếp tục triệu tập Hội nghị quân sự Bắc kỳ, thành lập Việt Nam Giải phóng quân. Phong trào cách mạng cả nước dâng cao theo đúng tinh thần Chỉ thị của Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa vào ngày 18-8-1945: “Giờ quết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta tự giải phóng cho ta… Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên… Đồng bào hãy dũng cảm tiến lên.”. Và Bác đã chỉ rõ: “…Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Chớp đúng thời cơ, Người đã lãnh đạo toàn dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật. Ngày 19-8 Tổng khởi nghĩa thành công ở Hà Nội; ngày 23-8 ở Huế và ngày 25-8 ở Sài Gòn. Trong một thời gian ngắn, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước đã thành công, chính quyền về tay Nhân dân.
Cách mạng Tháng Tám thành công, nước việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời đã đem lại niềm tin tự giải phóng; cổ vũ mạnh mẽ cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức trên thế giới, báo hiệu thời kỳ tan rã của chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Chẳng những giai cấp lao động và Nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”. Thắng lợi này gắn liền với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã đi tìm và dẫn dắt con đường Cách mạng Việt Nam với thành công của Cách mạng Tháng Tám./.