Tri ân vùng đất tình người

TAP CHÍ LANGBIAN|10/26/2022 10:52:08 AM

 Tri ân vùng đất tình người

ĐỖ BÀN

Đã mấy chục năm về lại, trong ông vùng đất này lúc nào cũng mới, nó mới như ngày ông đến, ông đi rồi ông lại về. Về trong vòng tay ấm áp của tình đất, tình người mà ông luôn tri ân đã mấy chục năm qua và Nam Ban đã trở thành vùng đất tình người trong ông.

Ngày đất nước hòa bình thống nhất sau hân hoan vui mừng là ngập tràn gian khó, cả hai miền sống trong viện trợ, giờ phải tự cung tự cấp, rồi chính quyền mới vừa thành lập trong những vùng đất hoang hóa đầy bom đạn, với nhiều khó khăn trở ngại đã làm cho đất nước trải qua nhiều vướng mắc. Lương thực đang là thứ sống còn cho Nhân dân, việc phân công lao động sản xuất đang là quyết sách của Nhà nước trong lúc này. Đi kinh tế mới không chỉ là sản xuất mà còn làm nhiệm vụ bảo vệ khai phá những vùng đất bao năm bị bỏ hoang vì chiến tranh, đồng thời nó cũng làm cho mỗi người dân biết yêu quý lao động làm ra sản phẩm tự nuôi mình.

Khi được sở Văn hóa Thông tin thành phố Hà Nội điều về để tăng cường đi công tác phong trào, ông đã suy nghĩ rất nhiều, cha mẹ già các em còn nhỏ, vợ vừa mới sinh con chưa đầy năm, cả gia đình sống trong một căn nhà hơn bốn mươi mét vuông, hơn chục người trong phố Hàng Cháo gần sân Hàng Đẫy cũng là điều mệt mỏi. Người ta tham gia quân đội, Thanh niên xung phong đủ cả, gia đình mình chưa có ai kể cũng không phải đạo. Ông già biết vậy động viên: “Con cứ đi đi, ba hay bốn năm không sao đâu, ở nhà vợ con còn có bố mẹ và các em phụ giúp chăm lo. Đi đi cho có nhiều trải nghiệm để sau này thêm vững vàng trong cuộc sống…” Ông chia tay gia đình, Đoàn cải lương Kim Phụng sau bao năm gắn bó về Sở VHTT lên đường cùng khung cán bộ của vùng về đất mới Lâm Đồng. Năm 1977 vùng đất đã được khám phá và hình thành, lớp tình nguyện viên đi trước vào xây dựng cơ sở vật chất cho mỗi chuyến di dân, mình chỉ vào làm công tác văn hóa quần chúng, tuyên truyền động viên Nhân dân an cư lập nghiệp bằng ca hát thể dục thể thao… chắc cũng không có gì khó lắm. Lên tàu rồi xuống xe, cuốc bộ rồi cắt rừng, những ngày đầu còn vui vẻ nhưng rồi mọi thứ cứ đuối dần, nụ cười tắt ngấm khi đối diện với gió bụi rồi bùn đất khi gặp mỗi mùa mưa nắng. Đang là cậu ấm con cưng của gia đình, mà phải chịu cảnh này thì thật là cùng cực… Trước mặt ông là đồi núi rừng rú, là cây cao cây thấp chằng chịt, từ ngoài đường đi bộ vào gần hai mươi cây số, càng đi càng mất hút vào bóng tối, thỉnh thoảng lại có chút ánh sáng của mảnh đất căn nhà, của khu trung tâm rồi mỗi xã mỗi vùng đã được phân định. Đêm đầu tiên ngủ trong thấp thỏm rồi mê mệt sau một chặng đường dài, sáng ra được bữa cháo heo rừng bốc khói nghi ngút. Nhìn mọi người ông hỏi “các anh đi săn về à” - “không đâu, cọp vồ không ăn hết đó, cũng may mà mình còn được hưởng chút cháo. Tụi tôi gần cả năm nay chỉ rau rừng cá suối thèm thịt đến mớ luôn”.

Nhìn mọi người ăn, nhìn căn lán trên đồi cao ông nghĩ: Sẽ là gian khổ đây, nhưng dù sao thì không chiến tranh súng đạn, không thể chết được. Nghỉ vài bữa cho lại sức là ông xuống các xã tới cơ sở, bên túi sách, vai choáng khẩu AK, Fulro còn và vài nhóm tàn quân đang lẩn trốn thì không thể xem thường.

Cho đến bây giờ nghĩ lại quãng thời gian đó ông không thể thoát khỏi cảnh ớn lạnh, nổi da gà khi nghe tiếng cọp gầm nơi Lán Tranh, tiếng cú kêu, cầy cáo gọi nhau trong đêm mưa rả rích. Nhìn con suối nơi đầu Thác Voi ông nói với đứa cháu nội: “Ngày xưa buổi sáng sau khi làm vài động tác cho ấm người là ông mang khăn mặt bót đánh răng xuống đây làm vệ sinh” - “Ông nói sao chứ nước đục ngầu sao dùng được, có mà toét mắt hắc lào luôn”. Ông nhìn qua tôi rồi nói với cháu mình. “Cái thời của ông với ông Bàn đây là vậy đó, ông phải học các ông bộ đội, những người đi trước rồi dân quanh vùng. Khoét đất làm cái giếng cạnh suối, cháu biết không, mấy ngày đầu không biết thì làm liều, sau vài bữa có giếng là có nước sạch để dùng thôi, mọi thứ lọc qua đất cát đều sạch và trong lại, cháu hiểu không ?” - Hai đứa cháu nhìn ông và tỏ ra khâm phục ông cha mình.

Khu du lịch Thác Voi đang được tu bổ lại, người phụ trách trông coi tạm là ông Đại tá quân đội nghỉ hưu dán thông cáo không tiếp khách, nhưng khi nghe có gia đình người cán bộ thời đầu của vùng vào thăm thì đồng ý cho vào, ông căn dặn đi cẩn thận vì đường xuống thác trơn trượt rất nguy hiểm, người già trẻ nhỏ lại càng phải chú ý. Chúng tôi cám ơn ông rồi đi vào, cứ một đoạn lại đứng chờ nhau, mọi người vừa chụp ảnh vừa xuýt xoa khen đẹp. Từng làn bụi nước tỏa mờ mỗi khuôn mặt, chúng bám vào râu tóc vào lông mi, mấy đứa nhỏ cười vui như được đi trong sương mù Hà Nội, hay tuyết đầu mùa của xứ lạnh. Từ thác lên chúng tôi ngồi nghỉ uống nước và cám ơn những người trông coi thác, không biết rồi họ sẽ tu bổ ra sao, để hoang sơ hay tạo dựng hiện đại như bao con thác của vùng đất này, có con thác bị chết nghẹn vì thủy điện, có con thác bị bê tông hóa rối cáp treo đưa đến đầu nguồn. Thế thì còn gì là sinh thái là thi vị cho mỗi cảnh quan, mỗi bước đi về nguồn để về với ngày xưa của núi rừng hoang dã, của thác suối âm vang nữa nhỉ…

Đứng dưới chân tượng Phật cao nhất Việt Nam với những cây hoa vàng rực, gió mát rượi chúng tôi hể hả chụp ảnh kỷ niệm, anh Bạch Quang Thông chỉ cho vợ con và cháu mình những nơi mình đã ở đã đi qua rồi anh nhìn đồng hồ nói: “Nhanh nhanh rồi  đi kẻo hết thời gian”. Tuấn Cường cậu con trai người tiếp bước cha mẹ đang là diễn viên cốt cán của Nhà Hát cải lương Hà Nội và cũng là diễn viên của nhiều bộ phim truyền hình cười nói: “Bố cứ thoải mái đi, đi thăm và tri ân những vùng đất, những con người mà bố đã gắn bó bao năm gian khó thì thời gian đâu có thiếu”. Mọi người cũng đồng tình với cậu con trai độc nhất của vợ chồng ông, tôi nói thêm: “Anh còn muốn thăm ai gặp bà nào cứ nói, còn cả ối thời gian, cần thì ngủ lại một đêm, Đà Lạt với Nam Ban đi lại bây giờ chỉ hai mươi phút, có phải như ngày xưa anh đi bộ rồi tăng bo mấy chặng xe đâu”.  “Vẫn biết thế nhưng tối qua anh hẹn giờ rồi sợ họ chờ tội nghiệp… “Vâng thế thì ta lại lên đường”.

Nắng bừng lên trên những con đường mới, năm nào tôi cũng qua vùng này đôi lần nhưng nhiều lúc vẫn không nhận ra diện mạo đổi thay đến chóng mặt của nó, người dân kinh tế mới ngày xưa đã khác quá xa rồi. Ngày xưa nhìn thấy họ là thấy đất cát vàng ủng, áo quần nhàu nhĩ còn bây giờ họ chả thua ai đôi khi còn nổi trội hơn về tiện nghi sinh hoạt, nhà cửa đất đai rộng thênh thang, hàng quán sạch sẽ ngon lành như phố lớn, nghe nói giá đất nơi đây không hơn kém Đà Lạt là bao.

Tôi và ông đã gắn bó mấy chục năm, hiểu và thương nhau như anh em ruột thịt, người Hà Nội gốc sống thường có cái tình và chu đáo trong mọi mối quan hệ, anh hay nhắc lại thời gian khó, lúc ăn uống ngủ nghỉ bên nhau, xa gia đình mà có bạn tốt làm cho con người thấy vững tâm hơn. Khi hết thời gian công tác ở vùng, ông về lại Đoàn cải lương làm trưởng phòng tổ chức biểu diễn, mỗi khi có điều kiện đi biểu diễn hay thi thố tài năng là ông lại dẫn đoàn vào Lâm Đồng, vào vùng kinh tế mới (hiện nay là huyện Lâm Hà biểu diễn phục vụ Nhân dân). Đi thăm mấy nhà quen, mọi người hồ hởi giới thiệu con cái, cửa hàng chỗ làm ăn đang phát triển và mở rộng. Ông Hồng, bà Cảnh kể chuyện gia đình con cái, đứa Sài Gòn đứa Kiên Giang vùng nào cũng có, lấy vợ người Nam, làm ngân hàng rồi mở quán cà phê… đứa con đầu của ông thu mua rồi rang xay cà phê bỏ mối, bán khắp miền Nam, mỗi tháng vài ba tấn. Bà cụ - mẹ anh mới đi thi giọng hát ru toàn tỉnh đoạt Giải Nhì… Câu chuyện cứ kéo dài ra mãi cà phê rồi các sản phẩm của nhà của bạn cứ mời mọc nhau, mọi người đều vui vẻ hứng khởi với những kỷ niệm xưa kia, tiếng đàn câu hát.

Hơn mười hai giờ chúng tôi mới đi dùng cơm, nhà hàng nằm trên bờ thác cạnh chiếc ao nuôi cá, bóng mát ngập tràn thức ăn đủ cả, nào nem cuốn, gà ram, cá kho, bò xào, canh rau ngót… Thực ra ăn thì chả bao nhiêu nhưng ta thích cái phong cảnh, thích cái sự tiếp đón thật tình nhưng dân dã dễ thương. “Các bác cứ ngồi đó, cơm phần bia diệu có đủ cả, đừng lo, em nó mang đến nơi…”.  Ăn Bắc là thế. Vừa ăn xong anh em tôi ra uống nước (nhà hàng miền Bắc thường để nước thuốc ở bên ngoài, ai dùng thì ngồi không thì thôi). Thấy mấy người khách chạy xe bên ngoài bà chủ quán hét to. “Mấy thằng kia đi đâu đấy không vào ăn cơm à, lại léng phéng phải không.” Mấy ông tướng thợ hồ, thợ sắt bụi bặm thắng kít. “Dạ nắng quá có nhìn thấy đâu… hì hì bu làm gì mà hét to thế, không lẽ đang trưa thế này lại bia lạnh… à” - “Lũ mày chả phải bàn” - Hà Nội quê là vậy đấy nhưng mà vui, vẫn cứ oang oang không cần vặn nhỏ. Tôi và anh Thông cùng cười nhưng cười vui vì hình như nó vẫn còn cái chất đồng rừng… Tối về mấy anh em lại ra quán cà phê ven hồ Xuân Hương, mấy đứa nhỏ ăn kem xem máy, người lớn uống nước kể chuyện ngày xưa. Thời gian trôi đi nhanh quá, lớp người già đã khuất núi khá nhiều, cái nghĩa trang Nam Ban như đã đầy lên, nhà cửa to ra con người đông đúc nhanh quá và chúng tôi như cũng sắp đi vào dĩ vãng. Mỗi khi nhìn ảnh trên Facebook hay Zalo xem tin của nhau là lại thấy một thời tuổi trẻ, cái đẹp cái nhiệt thành luôn làm cho chúng tôi lớn lên tự hào thời mình đã sống luôn cảm thấy hạnh phúc và trân quý nhau hơn.

Kỷ niệm về vùng đất mới thì thật nhiều nhưng có lẽ cái đúng nhất là chúng ta thấu hiểu hoàn cảnh của đất nước của dân tộc khi trải qua chiến tranh. Đi mở đất, khai thác tài nguyên nuôi dưỡng con người, xây dựng tương lai là một việc làm đúng đắn. Mỗi giai đoạn, mỗi đời người, mỗi thời cuộc luôn có những đột phá để tạo dựng Tổ quốc luôn vững mạnh hơn, di dân phân bổ lao động phù hợp trên mọi miền đất là một việc làm đúng đắn và đầy sức thuyết phục đến hôm nay. Vâng, tri ân vùng đất con người trong cuộc đời ta bôn ba sinh sống là việc làm đáng quý. Cái gốc của một kiếp người là cái quý của sự tri ân mỗi mảnh đất, mỗi đoạn đời ta đã đi qua./.

 

Tri ân vùng đất tình người