Miền đất cổ kính và huyền bí

TAP CHÍ LANGBIAN|2/24/2023 10:06:28 AM

Miền đất cổ kính và huyền bí

                                                                                     ĐINH THỊ NGA

Ghi chép những truyền thuyết, huyền thoại tại đất rừng phương Nam, ngắm nhìn những cánh đồng bằng phẳng được bồi đắp phù sa sông Đồng Nai, tôi nói với đồng nghiệp Hồ Thanh Bình: Lẽ nào người xưa lại bỏ qua một vùng đất có địa thế tuyệt đẹp ở dưới chân Trường Sơn Nam này?

Nhắm thẳng hướng mặt trời mọc, chọn một gò đất trước mặt sông Đồng Nai, sau lưng là bầu sen trắng (lúc đó thuộc xã Đồng Nai, nay thuộc xã Đức Phổ), chúng tôi đào một hố thám sát rộng 1m2. Dưới mặt đất sâu 30cm, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi bắt gặp cặp ngẫu tượng Siva bằng bạc, ngay sau phát hiện này chúng tôi tìm thấy một khu đền đài hoành tráng chìm trong lòng đất ở bờ Bắc sông Đồng Nai cách hố thám sát đầu tiên 20km. Trong 3km từ đồi Độc Lập đến Dốc Khỉ có tới 20 đền tháp được nối liền với nhau bởi sân thạch phẳng đã bị phủ lấp và thời gian đã làm cho hoang phế, nhiều bệ  tượng, tượng, ngẫu tượng và hai cột đá có khắc 8 cánh sen… Những ngẫu tượng khiến chúng tôi ngờ rằng Cát Tiên là nơi hành lễ của cư dân thờ văn hóa phồn thực: Vào những ngày lễ, cổ dân văn hóa phồn thực hành hương về đô thị tôn giáo sờ và hôn ngẫu tượng Linga, uống giọt nước thần ở chóe lớn đựng nước mưa dưới Linga. Tại sân hành lễ, mọi người đều khỏa thân và được tự do quan hệ ái tình. Người được kết thành thai trong ngày hành lễ được coi là con thần…

Phải 10 năm sau, khi tra cứu các tài liệu của Viện Viễn Đông Bác cổ, chúng tôi mới biết các nhà khảo cổ Pháp có đánh dấu 10 phế tích của vương quốc Chăm Pa ở Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum. Thánh địa Bà La Môn giáo của vương quốc Phù Nam ở Cát Tiên đã lẩn chìm trong lòng đất suốt 100 năm lùng sục Đông Nam Á của người Pháp để trở thành di tích đầu tiên có tầm cỡ quốc tế, các quốc gia cổ đại ở phương Nam do người Việt Nam phát hiện, tổ chức nghiên cứu và khai quật.

Chủ nhân xa xưa của thánh địa này ở đâu? Họ đã yêu thương, giận hờn, tha thứ, chia ly thế nào? Chỉ biết họ để lại những cánh sen mềm mại khắc trên mi cửa tháp bằng đá, những ngẫu tượng Linga - Yoni như khát vọng sống bất diệt của con người, và đây nữa, tượng một thiếu nữ ngực trần thanh thản ngước nhìn mặt trời mọc. Nàng đã sinh ra ở Cát Tiên từ hàng ngàn ngăm trước, đã cùng với thời gian chứng kiến biết bao biến động trên mảnh đất của người đời.

Một nhân vật kích thích trí tưởng tượng của chúng tôi về cổ dân xưa ở vùng thánh địa là anh Tư Đờn, người Chăm, đến Cát Tiên hành nghề bắt trộm cá sấu. Anh thường cột cá sấu nhỏ ở trong bẹ chuối để lẫn vào sọt đu đủ che mắt kiểm lâm, sợ nhất là lúc cá sấu đói: Chúng giàn giụa nước mắt, bứt dây, rống ầm ầm lên như trâu nghé. Anh Tư bắt cá sấu dễ như ta bắt gà trong chuồng. Anh chỉ cần tìm cách lật ngửa con cá sấu để vô hiệu hóa miệng và đuôi của nó… Lạ lùng nhất là cách ngủ của anh Tư Đờn, anh có thể nằm lơ lửng trong nước, chỉ nghếch mũi lên để thở… Phải chăng những con người lạ lùng xây dựng những đền đài thành quách không mái che ở Cát Tiên đã dùng sông Đồng Nai để chuyển tải văn hóa từ biển qua Nam Bộ đến vùng Trường Sơn Tây Nguyên? Tất cả họ đều có thể bơi lội như cá và ứng xử với cá sấu như anh Tư Đờn chăng?

Quả thật dưới ánh trăng ngàn đời là miền Cát Tiên cổ kính và huyền bí./.

 

 

Miền đất cổ kính và huyền bí