Làng Vũ Đại ngày nay

TAP CHÍ LANGBIAN|2/14/2025 10:15:49 AM

Làng Vũ Đại ngày nay

Ký: UÔNG THÁI BIỂU

 

         Thật ra, không có cái làng Vũ Đại nào cả. Làng ấy được Nam Cao dựng lên. Tuy là dựng lên bằng hình tượng văn học sống động nhưng nhà văn đã mượn chất liệu thô mộc từ chính làng Đại Hoàng quê nhà. Vì thế, cái tên Vũ Đại trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi đối với những ai từng đọc tác phẩm của nhà văn từng ghép quê hương Cao Đà, Hà Nam làm bút danh. Tôi cũng vậy, ngay đến tận lúc đứng nhìn cái nền lò gạch bỏ hoang, nơi Nam Cao “đẻ” ra Chí Phèo, vẫn bị lẫn lộn giữa hai tên làng, Đại Hoàng và Vũ Đại.     

          Đến làng Vũ Đại thăm nhà Bá Kiến

          Trong thực tế, làng Đại Hoàng xưa thuộc tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lý Nhân nay là xã Hòa Hậu, Lý Nhân, Hà Nam. Hồi làm phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”, đạo diễn Phạm Văn Khoa đã chọn làng Đại Hoàng làm bối cảnh. Trên những con đường, những ngôi nhà, những vườn chuối, khúc sông Châu Giang bập bềnh bèo tây, người quê lại gặp những “người quen cũ” như lão Hạc, Bá Kiến, Chí Phèo, Thị Nở… và ngay cả nhà văn - liệt sĩ Nam Cao (Trần Hữu Tri) hiện lên qua nhân vật giáo Thứ với sự thủ vai của các diễn viên tài danh: Nhà văn Kim Lân, Bùi Cường, Đức Lưu, Hữu Mười… Sử xưa nhắc, làng có tên Đại Hoàng bởi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn nhặt được một bé gái ngay ở đất này, nhận làm con nuôi, đặt tên là Đại Hoàng. Dân lấy tên quận chúa đặt tên làng để lưu sự tích. Trong truyện “Chí Phèo”, Nam Cao viết: “Hồi năm nọ, một thầy địa lý qua đây có bảo đất làng này vào cái thế quần ngư tranh thực, vì thế mà bọn đàn anh chỉ là một đàn cá tranh mồi”. Đó là ông ám chỉ những gương mặt hắc ám của làng Vũ Đại như Bá Kiến, Đội Tảo, Tư Đạm, Bát Tùng…       

          Từ thành phố Phủ Lý - Hà Nam về Đại Hoàng chừng 30km. Nhờ bị lạc đường nên tôi tới làng nhanh hơn, chỉ khoảng năm cây số từ thành phố Nam Định tắt qua sông Châu Giang trên chiếc cầu bê tông. Chiếc bảng xi măng bên con đường lộ in nổi dòng chữ trắng “Ngôi nhà Nghị Bính (nhân vật Bá Kiến) trong tác phẩm Nam Cao - 800m” đã kéo bước chân tôi đến ngay nhà “cụ Bá”. Ở làng này, người dân cũng quen gọi là nhà Bá Kiến, vì thực ra Bá Kiến mới là người nổi tiếng khắp nước chứ Nghị Bính thì mấy ai biết mặt, quen tên.

         Thì ra, nhà cụ Bá cũng chẳng to tát. Nhưng vào cái thời dân ta chỉ tá túc trong lều tranh vách đất thì ngôi nhà này có lẽ là oách nhất nhì ở tổng Cao Đà. Không gì thì Nghị Bính, tức Trần Duy Bính, cũng là một quan sai nức tiếng hàng huyện. Theo trí nhớ dân làng, ông Bính xuất thân nông dân, khôn ngoan lọc lõi nên chóng giàu. Ông bỏ tiền mua chức phó lý rồi lý trưởng, ít lâu sau lên chánh tổng Cao Đà. Do “được việc” và cũng khéo giao thiệp với quan trên, ông ta làm đến chánh huyện hào, đứng trên 10 chánh tổng trong huyện, từng là Bắc Kỳ Nhân dân đại biểu, được triệu về kinh đô Huế dự tế Nam Giao…

         Tôi tần ngần đứng trước cổng ngõ, ngắm nhìn “ngôi nhà Bá Kiến” và lần về trang văn Nam Cao. Có phải đây là nơi ngày xưa cha con kẻ quyền lực nhất làng đã nghĩ ra trăm phương ngàn kế để triệt hạ đối thủ hoặc hùa nhau bóp đến lòi họng dân đen để giữ cái thế “ăn trên ngồi trốc?” Có phải đây là nơi mà cụ Bá mất ngủ hằng đêm để tìm cách cướp mảnh đất hương hỏa mà lão Hạc quyết giữ cho con, rồi chiếm tiền của Binh Chức và cướp tình vợ y? Chiếc ngõ gạch tôi đang đứng đây, thời tăm tối ấy là nơi Chí Phèo từng rạch mặt ăn vạ, kiếm tiền lẻ uống rượu. Sau cái đêm chung tình cùng Thị Nở, y đã thức tỉnh lương tâm, nhận ra kẻ đã cướp mất phần người của mình. Tiếng thét đòi lương thiện, tiếng đổ gục thân xác của Bá Kiến và tiếng rên rỉ trào máu sau nhát dao tự sát của Chí Phèo trong trang văn vẫn còn lay động đến bây giờ…

         Nhà Nghị Bính là nguyên mẫu của “ngôi nhà Bá Kiến”. Nhà có ba gian, 16 cột gỗ lim, chân kê đá tảng xanh được đẽo gọt công phu; mái lợp ngói nan, hai đầu bờ dốc có đấu vuông giật cấp; xà cái được chạm trổ hoa văn vảy rồng; cửa ghép bức bàn; ngoài hiên có hàng dại bằng gỗ lim để che mưa, che nắng. Nhà có chiều dài 9,6m, rộng 6,8m, sân gạch dài 9,6m, rất rộng nhưng nay chỉ còn hơn 2m. Hệ thống cổng, tường bao, tường hoa, cây cảnh, non bộ, bể nước ăn… nay không còn nữa. Ngoài nhà chính, còn có ngôi nhà năm gian phía Tây bên cạnh. Người làng nói, ngày xưa nhà này vợ ba của cụ Bá, người đàn bà mà trong truyện kể là thường bắt Chí Phèo bóp chân mà lần nào cũng đòi “bóp lên trên… trên nữa” độc chiếm. Bà ba đã tự vẫn lìa đời vào hồi cải cách.

        Ngôi nhà này đến Nghị Bính là đời chủ thứ tư. Ông ta lừa người chủ thứ ba (do chơi bời, nghiện ngập, cờ bạc thường vay tiền Nghị Bính) đến lúc phải ký vào văn tự bán nhà. Thời chống Pháp, gia đình Nghị Bính tản cư. Đến năm 1963, ông Trần Duy Tảo (con trai Nghị Bính) bán nhà cho ông Trần Hữu Hậu giá 4.500 đồng, khoảng 10 cây vàng thời đó. Khi ông Hậu mất, cháu ruột ông Hậu là Hòa sở hữu ngôi nhà. Năm 2007, ngành Văn hóa Thông tin tỉnh Hà Nam đã mua lại “ngôi nhà Bá Kiến” với số tiền lên tới 700 triệu đồng và giao cho Phòng Văn hóa Thông tin huyện Lý Nhân quản lý.     

        Hỏi chuyện… Thị Nở, Chí Phèo

        Cụ bà 76 tuổi mà tôi mạn phép hầu chuyện trưa nay là Trần Thị Hữu. Bà chính là vợ của ông Trần Duy Thảo, con cả ông Binh Tảo. Có nghĩa, bà là cháu dâu của Nghị Bính. Tôi hỏi: “Nhà ta bây giờ còn nhiều hậu nhân nữa không?”. Bà Hữu trả lời: “Còn chứ! Còn nhiều là khác…” Rồi bà kể tên, nào là ông Trần Duy Rĩ - cháu đích tôn Nghị Bính từng đi bộ đội chống Pháp giờ đã hơn 80 tuổi đang sống ở làng; nào là ông Trần Duy Bôi hiện đang sống trên Lào Cai; ông Trần Duy Thảo cũng là vai cháu mới mất năm 1993… Rồi cô Hạ, cô Thu em chồng bà Hữu nay đều hơn 80 tuổi và còn sống ở làng. Cháu chắt thì cả đàn. “Ông Binh Tảo, bố chồng của bà có làm việc quan không?” Bà Hữu cất giọng oang oang: “Bố chồng tôi chỉ giỏi mỗi việc đánh bạc, hết tổ tôm tới bài chắn. Đến thời tôi về làm dâu thì của nả trong nhà đội nón theo chiếu bạc của ông Binh Tảo hết cả…”. Tôi hỏi thêm: “Cụ Bính chết năm nào?”. “Năm 1948, do bệnh mà chết chứ không phải do Chí Phèo giết như ông Nam Cao kể đâu!…”   

           Bên hiên “ngôi nhà Bá Kiến”, câu chuyện cứ thế mà “nở” ra. Tôi cùng bà Hữu ngồi một lúc thì nhiều người trong làng kéo đến góp chuyện rôm rả. Chuyện về cái thời Nghị Bính còn làm mưa làm gió ở Đại Hoàng. Mọi người nhớ rằng, Nghị Bính có 5 vợ, 12 con, 3 trai, 9 gái. Các bà vợ đều được ông ta sắm sửa cơ ngơi riêng, có vườn cây, ao cá, ăn sung mặc sướng. Cũng phải, đang nắm quyền sinh quyền sát nên Nghị Bính muốn chiếm vườn tược, đoạt nhà cửa nhà ai mà chả được. Thế nên Nam Cao mới kể chuyện lão Hạc bị Bá Kiến cố chiếm bằng được mảnh vườn con. Lão bị ép đến mức phải ăn bả chó mà chết để giữ lại cho được mảnh vườn để thằng con lão đi làm ăn xa về còn có chốn mưu sinh.

          Nghe kể lại rằng, nhà văn Nam Cao lúc ấy cũng sống ở Đại Hoàng. Sau khi Nhà xuất bản Đời Mới ở Hà Nội đăng “Chí Phèo” lần đầu tiên vào năm 1941 với tên khai sinh là “Cái lò gạch cũ” lấy nguyên mẫu Nghị Bính vào nhân vật Bá Kiến, nhà văn đã phải chịu rất nhiều rắc rối. Nghị Bính đã thúc các quan làng gây sự, dọa cướp vườn ruộng, bỏ tù, gây khó dễ với người thân. Có người khuyên là nên chuyển nhà khỏi làng nhưng Nam Cao không nghe. Mãi đến khi có quan Tri huyện mới về nhậm chức, lý dịch làng Đại Hoàng mang quà mừng tới. Quan nói: “Ta có người bạn học là Trần Hữu Tri, các vị về cho ta gửi lời thăm”. Lý dịch làng Đại Hoàng từ đó không dám ho he dọa nạt gia đình nhà văn nữa. Cho đến ngày Nam Cao trở thành Chủ tịch Ủy ban kháng chiến xã Đại Hoàng rồi tiếp tục con đường viết văn, làm cách mạng cho đến lúc hy sinh tại vùng địch hậu Ninh Bình vào tháng 11-1951.         

          Thế nhưng, khi nghe tôi muốn tìm hiểu sâu về Nghị Bính, bà cháu dâu cụ Nghị cứ nói loanh quanh, vừa nói vừa cười: “Ờ… Thì cũng địa chủ đấy, nhưng mà địa chủ nằm chiếu tre. Tôi nghe bố chồng bảo là ông Bính xưa cũng hiền lành chứ đâu có ác như ông Bá Kiến mà Nam Cao kể”. Tôi hiểu hậu nhân gia tộc mà, ai lại kể tội tiền nhân, vậy nên không dám khơi chuyện với bà Hữu về Nghị Bính nữa…

         Cụ Trần Duy Ái năm nay 94 tuổi thì lại nói khác. Ông cụ này từng là người giã gạo thuê, bổ củi, làm việc vặt kiếm cơm trong nhà Nghị Bính. Cụ Ái kể khá nhiều câu chuyện về cha con nhà cường hào này mà tôi không nói hết ra đây. Chỉ có điều, khi bắt chuyện tiếp: Chí Phèo và Thị Nở có thật ngoài đời không? Cả cụ Ái và cụ Hữu đều đồng thanh quả quyết: “Có chứ!... Có chứ!...” Rồi họ kể rành rẽ. Ngày ấy, làng Đại Hoàng có ba kẻ côn đồ nát rượu là Chí Phèo, Hương Điền và Binh Bào. Họ không phải người gốc ở làng mà là quân trộm cướp dạt dưới miền biển lên, sống ngoài chợ, vừa bán bún thịt chó vừa đi rao mõ. Riêng lão Chí còn có thêm nghề mổ lợn thuê cho ông Trương Pháo, lúc mổ lợn Chí có tài “bắt phèo” nên chết với cái tên Chí Phèo. Ngoài ra hắn kiêm thêm nghề đòi nợ thuê. Nhà nào trong làng có việc, nếu muốn yên hàn thì bấm bụng mà dọn riêng một mâm rượu thịt đàng hoàng cho ba kẻ đầu gấu này, nếu không thì coi chừng nhà cháy. Ăn vạ ăn vật là nghề chính của họ; ngay Nghị Bính cũng thế. Dù là kẻ trên quyền cao chức trọng nhưng cụ Nghị vẫn ngán cái lũ cùng đinh, không còn gì để mất. Khi có mặt đám ma cô này, bao giờ Nghị Bính cũng ngọt nhạt, thậm chí sai đầy tớ cho tiền hoặc bày cơm, rót rượu. Cụ Ái nói: “Chí Phèo, Hương Điền và Binh Bào đều là tay chân của ông Nghị Bính đấy! Tôi sống lâu nhất ở làng này, tôi biết chứ!...”. Cụ Ái nói như vậy quả là khớp với Bá Kiến trong truyện Nam Cao: “Trị không lợi thì cụ dùng… Không có những thằng đầu bò thì lấy ai mà trị những thằng đầu bò?”           

          Còn Thị Nở? Hai cụ lại thi nhau kể. Hóa ra bà Thị Nở là người có thật, trời ạ! Họ tên đầy đủ là Trần Thị Nở, con gái ông phó Kính, thợ đóng cối xay. Thị Nở không xấu đến mức “ma chê quỷ hờn” như Nam Cao mô tả nhưng mà theo cụ Ái “bà ấy xấu lắm mặt rỗ chằng rỗ chịt…” Ông Trần Hữu Đạt, em ruột nhà văn Nam Cao còn “chi tiết” thêm: “Bà Thị Nở xấu xí, dở hơi, hay cười ngớ ngẩn. Bà chỉ biết làm việc vặt trong nhà. Đặc biệt, sờ vào việc gì một chút là lăn ra ngủ, ngủ ở đâu cũng được, đống rạ, đống rơm, bờ ao, gốc cây… Có lần bà ngoại tôi thuê Thị Nở đi kín nước về ngâm sợi, mãi không thấy về, người đi tìm thấy bà Nở đang há hốc mồm ngáy bên gốc chuối…”. Chỉ có điều, giữa Chí Phèo và Thị Nở trong đời thực chẳng có câu chuyện tình nào hết. Nhà văn Nam Cao đã tạo nên cuộc tình thiên thu của họ và biến cái lò gạch bỏ hoang có thật ở làng Đại Hoàng làm nơi sinh thành kết quả cho cuộc “tình một đêm”. Nhưng điều này, cụ Ái vẫn quả quyết: “Những lúc đi uống rượu say bét nhè về, mấy thằng đầu gấu kia vẫn thường lui tới túp lều bà Nở ngoài bãi sông vơ vơ quào quào…”. Cụ Ái nói rồi cười móm mém.

* * *

         Văn học phản ánh cuộc sống nhưng không mô tả một cách thô thiển. Nam Cao đã biến những con người có thật của làng quê ông, thậm chí ghép vài ba thân phận vào cho “đầy” một người, trở thành những nhân vật điển hình cho xã hội Việt Nam đương thời. Những nhân vật của ông đều mang một kết cục bi thương. Lão Hạc tự vẫn bằng bả chó. Chí Phèo đâm mình bằng chính con dao y đã đâm chết kẻ thù của mình. Sau khi hớt hải qua lò gạch bỏ hoang, Thị Nở cúi gằm mặt xuống cái bụng lùm lùm và chắc là xuống đò qua dòng Châu Giang. Cũng chẳng biết là Nam Cao dẫn cuộc đời bà Nở và “giọt máu” của Chí Phèo đi đến tận đâu…/.

 

 

Làng Vũ Đại ngày nay