Nhìn từ Quảng trường Hoa Dã quỳ
NGUYỄN VĂN UÔNG
Quảng trường Lâm Viên được xây dựng bên bờ hồ Xuân Hương, là điểm nhấn cảnh quan, là bộ mặt của thành phố Đà Lạt bởi vẻ đẹp thiên nhiên và mặt bằng kiến trúc thoáng đãng. Đây là một công trình có quy mô lớn. Để có không gian này, thành phố phải giải tỏa sân đá bóng, thao trường, câu lạc bộ thể thao và cả một khu dân cư. Quảng trường nằm cạnh công viên Yersin xây dựng mấy năm trước đó. Công trình khởi công từ năm 2009 đến năm 2016 hoàn thành, đưa vào sử dụng. Công viên Yersin, đồi thông đường Trần Hưng Đạo, quảng trường và đồi thông hồ Xuân Hương tạo một cảnh quan xanh thoáng rộng, dài hơn cây số, trọn hết cả bờ Nam hồ Xuân Hương. Quảng trường thiết kế dãy nhà chìm theo độ cao con đường Hồ Tùng Mậu, bên trong khai thác siêu thị. Sân rộng quảng trường hình vòng cung hướng về núi Lang Biang. Trên mái sân thượng tòa nhà trang trí hình tượng khổng lồ về 2 loài hoa biểu tượng của vùng cao Lang Biang: Hoa dã quỳ và bông atisô. Đây là một trong những điểm tham quan nổi tiếng của Đà Lạt. Khách du lịch đến Đà Lạt không ai bỏ qua mà không thăm nơi này; không ghi lại vài tấm hình check-in với đóa dã quỳ giữa khung trời Đà Lạt lộng gió và họ gọi nơi này với cái tên trìu mến thân thương: Quảng trường Hoa Dã Quỳ.
Tại đây phóng tầm nhìn về núi Lang Biang, du khách có hình dung được tầm nhìn của người khám phá ra cao nguyên này 131 năm trước đây khi lần đầu ông bước ra khỏi rừng, ở tầm cao phóng mắt về cao nguyên nhấp nhô đồi cỏ phía trước.
Trong Nhật ký hành trình khám phá cao nguyên Lâm Viên, bác sĩ Yersin ghi điểm xuất phát từ các làng Kréan (gần núi Mnil), Brenne (gần thác Prenn), đoàn đi về phía Tây Bắc, sau gần một giờ leo núi, đoàn của ông bước ra khỏi rừng thông và phát hiện ra cao nguyên Lang Biang. Cái nhìn đầu tiên ông phát hiện Lang Biang, ông chỉ ghi vắn tắt: “3h30: Cao nguyên lớn trơ trụi, nhấp nhô gò đồi”. Đó là vào lúc 15h30 ngày 21-6-1893. Trong hồi ký của ông, ông mô tả khung cảnh mới phát hiện như sau: “Khoảng 15 đến 20km trước khi đến chân núi, chúng tôi ra khỏi rừng và thấy mình đang đứng trước một vùng đất hoàn toàn trơ trụi, phủ toàn cỏ. Mặt đất như những lượn sóng dài làm cho ta có cảm tưởng đang đi trên một đại dương bị xao động bởi những đợt sóng khổng lồ. Dãy Lang Biang sừng sững ở giữa như một hòn đảo và dường như càng lùi xa khi ta đến gần. Trong những cánh đồng bao la ấy, ta sẽ dễ tính sai cự li. Dưới đáy thung lũng, đất màu đen và có than bùn. Những đàn nai lớn cho phép đến gần khoảng một trăm mét, rồi vụt bỏ chạy ra xa, ngoái đầu lại nhìn chúng tôi một cách tò mò”.1
Ông mô tả tiếp về cao nguyên Lang Biang: “Vùng đất này cư dân thưa thớt, một vài làng của người M’Lates tập trung ở chân núi, nơi đó họ làm những ruộng lúa nước rất đẹp”.
Và 15 phút sau, lúc 15h45, ông vượt qua dòng suối Cam Ly, đi tiếp về phía Tây Bắc, ngủ đêm ở Đankia, sáng hôm sau vượt dòng Đạ Dâng đến làng Ankroet2.
Như thế ông “ra khỏi rừng” và “đứng” ở đâu để nhìn “một vùng đất hoàn toàn trơ trụi” này? Từ làng gần thác Prenn “sau gần một giờ leo núi”, chỗ ông đến là trên đỉnh cao của dãy “Prenn”. Địa điểm đó gợi cho hậu thế nghĩ đến khu vực đồi đường Trần Hưng Đạo và vị trí quảng trường ngày nay.
Từ cảm nhận ấy, kỷ niệm 100 năm ngày đầu tiên ông và đoàn thám hiểm đặt bước chân đến đây, khám phá vùng đất này (1993), thành phố Đà Lạt đã xây dựng công viên mang tên ông ở vị trí này trong đó, đặt tượng ông nhìn về Lang Biang như một ghi nhận công lao của ông khai sinh ra thành phố này. Người Đà Lạt trân trọng tầm nhìn ấy và trong nhiều lần quy hoạch xây dựng thành phố, vẫn mặc nhiên không ai bảo ai, tuyệt đối giữ gìn thông thoáng tầm nhìn ấy của thành phố Đà Lạt.
Tiếp nối bước chân những người đi trước, những người con, người dân đến Đà Lạt; nhiều thế hệ nối tiếp nhau đã đổ bao công sức kiến tạo một thành phố trong rừng làm phong phú và đẹp hơn tầm nhìn thành phố. Trong không gian minh đường ấy từ năm 1919, một con đập chắn ngang dòng suối Cam Ly và “những ruộng lúa nước rất đẹp của người M’Lates” tạo thành một hồ nước trong xanh. Bốn năm sau, năm 1923 một con đập thứ 2 phía trên, xuất hiện thêm một hồ nữa; năm 1832, một cơn bão dữ và mưa lớn phá vỡ đập và hai hồ; năm 1934-1935, kỹ sư Trần Đăng Khoa xây một đập lớn ngang trước công đường quan Quản đạo, hình thành Hồ Lớn (Grand Lac), để cấp nước và làm đẹp thành phố. Đập vừa giữ và thoát nước, vừa là con đường cầu giao thông giữa bờ Nam và bờ Bắc suối Cam Ly, vì thế người dân cứ gọi là cầu Ông Đạo. Năm 1953, trong việc Việt hóa các địa danh ở Đà Lạt, nhà thơ - thị trưởng thành phố Đà Lạt Nguyễn Vĩ đã lấy tên 3 nhà thơ nữ Việt Nam thời trung đại đặt tên cho hồ và con đường cặp hồ phía Đông, con đường theo suối Cam Ly, hạ lưu hồ phía Tây: Hồ Xuân Hương, đường Bà Huyện Thanh Quan, đường Đoàn Thị Điểm. Năm 1984 -1985, một công trình quy mô sửa chữa đập, nạo vét hồ, xây dựng bờ kè quanh hồ được triển khai thi công, trả lại mặt hồ thoáng rộng, trong xanh phẳng lì từ cầu Sắt xuống cầu Ông Đạo với 2 hồ lắng sinh thái đầu nguồn được thiết kế có chức năng lọc nước, lắng tụ phù sa, ngăn chặn rác rưởi bảo vệ cho dòng nước chảy trước khi đổ vào hồ.
Hồ Xuân Hương là điểm trung tâm bố cục của thành phố công viên Đà Lạt. Các đồ án quy hoạch thành phố từ trước đến bây giờ hầu như không có sự thay đổi đáng kể nào. Hồ Xuân Hương là điểm nhấn tâm tình của người dân Đà Lạt, là niềm mơ ước của người phương xa cảm xúc về Đà Lạt, là nguồn cảm hứng của biết bao văn nghệ sĩ đã cho ra đời những tác phẩm văn, thơ, nhạc, hoạ về xứ sương lạnh hoa đào. Ngày 16-11-1988 Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao đã có quyết định công nhận hồ Hồ Xuân Hương là 1 trong 464 thắng cảnh quốc gia.
Tiếp bờ Bắc của Hồ Xuân Hương là những quả đồi thoai thoải xếp liền nhau, đã được nhà thám hiểm Yersin ghi nhận “cao nguyên lớn trơ trụi, nhấp nhô gò đồi”. Khu vực Đồi Cù hiện nay là điểm mở đầu. Theo dự án thiết kế đô thị của kiến trúc sư Hébrard năm 1923, dưới thời Toàn quyền Doumer, dự kiến tập trung dân cư quanh hồ Lớn về phía Đông Bắc và Tây Bắc, tức là khu vực Đồi Cù và vùng xung quanh. Nhưng dự án này không được thực hiện hoàn toàn. Năm 1942, dưới thời Toàn quyền Decoux, kiến trúc sư Lagisket hoàn tất đồ án xây dựng thành phố, thì Đồi Cù trở thành khu “bất khả xâm phạm”, nhằm tạo ra một tầm nhìn thoáng mát cho Đà Lạt. Một sân golf 9 lỗ theo thiết kế của một kiến trúc sư người Anh đã được xây dựng tại đây3.
Sau khi người Pháp không còn hiện diện ở Đà Lạt, Câu lạc bộ Golf (Golf club) xem như là người quản lý Đồi Cù, cơ sở chỉ là ngôi nhà văn phòng và đồi sân Golf sát đường Trần Nhân Tông, trước Viện Đại học Đà Lạt; hai đồi bên kia, sát đường Đinh Tiên Hoàng và bờ Hồ Xuân Hương trở thành công viên “dã chiến” ra vào tự do, là nơi dành cho người Đà Lạt vui chơi ngắm cảnh và các cặp tình nhân hẹn hò. Năm 1990, toàn bộ Đồi Cù được chính quyền tỉnh Lâm Đồng giao cho một doanh nghiệp nâng cấp sân golf thành 18 lỗ và khai thác kinh doanh.
Một số ý kiến cho rằng cái tên Đồi Cù có được là do người Đà Lạt gọi đánh golf là đánh cù như của ta và đồi đó được gọi là Đồi Cù, một cái tên dân dã nhưng gần gũi, ăn sâu vào tâm tình người Đà Lạt như cái tên Hồ Xuân Hương trìu mến.
Từ mái sân thượng quảng trường Hoa Dã quỳ - nhiều người gọi tên này là Quảng trường Lâm Viên - hướng mắt về Lang Biang, ai đó có cảm nhận được cái nhìn đầu tiên của nhà thám hiểm nhìn về ngọn núi mà ông mới khám phá và có cảm giác “Dãy Lang Biang sừng sững ở giữa như một hòn đảo và dường như càng lùi xa khi ta đến gần”. Nếu du khách đến đây thật sớm vào buổi sáng mùa sương thấy mình như ở trên cao nhìn xuống Đà Lạt. Thung lũng bao la phía dưới, ngập trắng một biển sương bạc, lô nhô vài cụm thông già nổi lên bồng bềnh như trong tranh thủy mặc; nhìn màn sương mỏng dần theo từng đọt nắng sớm trong veo đến khi những cụm mai anh đào, bãi cỏ xanh, đám hoa công viên nhiều màu hiện lên còn lấp lánh từng hạt sương mai lóng lánh; nhìn mặt hồ buổi sáng trong xanh, phẳng lặng như tờ; rồi nhà cửa, đường sá hiện ra, xe cộ nối nhau, người người qua lại ngược xuôi… sẽ bất chợt biết được cảm giác “Bất cao sơn nhi tiểu thiên hạ” của người xưa. Cũng một chiều đẹp trời nào đó, du khách đến đây để ngắm mặt trời vàng lặn dần dãy núi phía Tây; ngắm ráng trời đỏ ửng với nhiều đám mây bồng bềnh; ngắm hoàng hôn kéo đêm xuống dần thành phố; nhìn ánh điện sáng lên trên phố, dọc đường; nhìn nóc Giáo đường nhà thờ Chính Tòa, tháp chuông Trường Cao đẳng Đà Lạt, tháp ngôi sao Trường Đại học Đà Lạt dần dần vào giấc ngủ đêm.
Quảng trường Lâm Viên là nơi thường diễn ra những lễ hội, những sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch, diễn tập… tập trung đông người. Cũng tại quảng trường này, cứ hai năm thành phố tổ chức Lễ hội Hoa. Năm nay 2024, Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X với chủ đề “Hoa Đà Lạt - Bản giao hưởng sắc màu” khai mạc ngày 5-12 và kéo dài đến hết tháng 12. Lễ hội tôn vinh hoa và âm nhạc. Đây là 2 chất liệu làm nên con người Đà Lạt và thương hiệu du lịch đặc trưng của xứ sở ngàn hoa. Tại đây, dưới Quảng trường Hoa Dã Quỳ này, ta hướng theo tầm mắt của người khai sinh ra thành phố 131 năm trước, trong cái se lạnh Đà Lạt mùa Giáng sinh năm nay để chào đón các du khách bốn phương về đây dự hội. Cái nhìn “cao nguyên lớn trơ trụi, nhấp nhô gò đồi”,“thấy mình đang đứng trước một vùng đất hoàn toàn trơ trụi, phủ toàn cỏ” của người khai sinh ngày nào không còn nữa, thay vào đó cái nhìn về một thành phố trẻ “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” là một “thành phố trong rừng” và “rừng trong thành phố”; là nơi đến lý tưởng cho bao người mơ ước./.
----------------------
(1) Trích lại Đà Lạt thành phố cao nguyên - bác sĩ Alexandre Yersin và sự hình thành đô thị Đà Lạt. UBND TP. Đà Lạt chủ biên, Nxb TP. Hồ Chí Minh. trang 109.
(2) Sách đã dẫn. Trang 112.
(3) Đà Lạt trăm năm, Trương Phúc Ân - Nguyễn Diệp; Công Ty Văn hóa tổng hợp Lâm Đồng xuất bản 1993; trang 203-205.