Ca sữa của Bác Hồ

TAP CHÍ LANGBIAN|6/22/2021 3:05:03 PM

Ca sữa của Bác Hồ

“Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn” (Tố Hữu)

                                                                    Hồi ký: NGUYỄN CHÍ LONG

Chuyện cách đây đã hơn 50 năm, vậy mà cứ mỗi năm hè về trời bắt đầu nắng nóng, xem truyền hình thông báo thời tiết Hà Nội, Hải Phòng, Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị… lên 39-400C, thì những kỷ niệm của đời lính pháo cao xạ (bộ đội phòng không) bảo vệ bầu trời miền Bắc, đánh trả cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ lại hiện rõ trong tôi.

 Một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời bộ đội đối với tôi là: Trời nắng như đổ lửa của những ngày tháng 5, tháng 6 năm 1967. Các trận địa phòng không của bộ đội cao xạ, trên mâm pháo toàn là sắt thép, nhiệt độ lên tới hơn 500C cộng với bom đạn luôn trùm lên các trận địa làm sức lực của chúng tôi bị kiệt quệ, người như khô đét lại. Giữa lúc ấy, Bác Hồ đã mang đến cho chúng tôi những ca sữa bò. Bác đã truyền sức lực cho chúng tôi, tạo nên sức mạnh phi thường của người chiến sĩ, góp phần đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Mùa hè năm 1967, cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ diễn ra ngày càng ác liệt. Mỗi ngày hàng trăm máy bay “thần sấm”, “con ma”, “giặc nhà trời”, rồi mấy năm sau đó là cả “pháo đài bay B52”… của đế quốc Mỹ ồ ạt kéo vào đánh phá các cơ sở kinh tế, văn hóa, giao thông, quốc phòng của ta. Bộ đội phòng không phải trực chiến 24/24 giờ, có ngày nhiều đơn vị phải quần nhau với máy bay Mỹ suốt từ sáng sớm đến tối mịt.

Trung đoàn hỗn hợp cao xạ, tên lửa phòng không (E285, F363) của chúng tôi chiến đấu trên đất Hải Phòng, Quảng Ninh… Các trận địa phòng không đều phải đặt trên đồi cao, khoảng trống, không cây cối nên rất nóng bức. Ăn thì không đói, nhưng thiếu nước uống, nước tắm giặt, nhiều chiến sĩ bị ghẻ lở, hắc lào, sức khỏe giảm sút, có người còn bị say nắng, ngất xỉu trên mâm pháo.

Bỗng một hôm tất cả chúng tôi được uống sữa bò. Đó là vào khoảng tháng 5, tháng 6 năm 1967. Đồng chí nuôi quân gánh hai thùng sữa bò đã pha sẵn đến từng khẩu đội. Mỗi chúng tôi được uống một ca sữa đầy. Cái ca sắt “Quyết chiến quyết thắng” của bộ đội cỡ nửa lít, vậy mà đồng chí Sơn pháo thủ số 1 làm một hơi hết sạch. Đưa trả ca, Sơn còn năn nỉ anh nuôi: “Cho em xin tí nữa”… Đồng chí Trung, Chính trị viên đi cùng nói:” Đây là sữa bò của Bác Hồ mua gửi tặng bộ đội phòng không trực chiến đấy”. Anh em pháo thủ sung sướng reo hò như “mẹ về chợ”. Anh Hồng, pháo thủ số 7, tuổi đã ngoại tứ tuần, vừa bưng ca sữa vừa nói: “Đội ơn Bác Hồ! Sao Bác biết chúng con đang khát nước mà gửi sữa bò, nước ngọt cho chúng con!”. Dù nhường nhịn cho anh em uống trước, đến cuối buổi chiều tôi và anh Trung cũng được uống một ca sữa đầy. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời tôi được uống sữa bò. Tôi không uống ngay mà đổ ca sữa vào bình tông, mang đến chỗ công sự Khẩu đội 2. Ngồi xuống cạnh Sơn, hai anh em cùng nhâm nhi, uống từng ngụm sữa thơm ngậy, ngọt lịm. Và chúng tôi đã có sữa để uống suốt gần một tháng nóng nhất của mùa hè năm ấy. Sau đó, chúng tôi được nghe kể lại rằng: Một ngày đầu hè năm 1967 thấy trời oi bức quá, Bác Hồ hỏi đồng chí Vũ Kỳ (thư ký riêng của Bác):

- Nắng nóng thế này, các chú bộ đội trực phòng không trên nóc nhà hội trường Ba Đình thì chịu sao nổi, có đủ nước uống không? Chú thử lên tìm hiểu xem thế nào, về cho Bác biết.

Đồng chí Vũ Kỳ lên gặp một khẩu đội súng máy phòng không 14ly5, đứng một lúc đã hoa cả mắt vì nắng chói chang, đồng chí hỏi:

- Các đồng chí có nước ngọt uống không?

- Dạ, nước chè thường chúng cháu còn không có, lấy đâu ra nước ngọt ạ!

Đồng chí Vũ Kỳ về nói lại với Bác. Bác gọi điện ngay cho đồng chí Văn Tiến Dũng (Tổng Tham mưu trưởng quân đội) bảo: Sao các chú không lo đủ nước uống cho chiến sĩ trực phòng không? Rồi Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ đi lấy sổ tiết kiệm của Bác, xem còn bao nhiêu. Đó là số tiền lương hàng tháng còn dư của Bác và tiền các báo trả nhuận bút cho Bác. Bác viết bài cho nhiều tờ báo, có năm lên tới hàng trăm bài. Các báo gửi nhuận bút đến bao nhiêu, Bác dặn văn phòng cứ gửi hết vào sổ tiết kiệm cho Bác. Đồng chí Vũ Kỳ xem sổ tiết kiệm và báo cáo:

- Thưa Bác, còn lại tất cả hơn 25.000 đồng (lúc đó là một món tiền khá lớn, tương đương hơn 60 cây vàng).

Bác bảo:

- Chú chuyển ngay số tiền đó cho Bộ Tổng tham mưu và nói, đó là quà của Bác gửi tặng để mua nước ngọt, sữa cho tất cả anh em chiến sĩ đang trực chiến trên mâm pháo ở khắp miền Bắc. Nếu số tiền đó không đủ, thì yêu cầu địa phương nào có bộ đội phòng không trực chiến góp sức vào cùng lo!

Chính nhờ vậy, mà hàng vạn chiến sĩ canh trời Tổ quốc chúng tôi đã có sữa, nước ngọt uống trong những ngày nắng lửa ấy!

Kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Bác Hồ (19-5-1890 – 19-5-2021) và 110 năm Bác ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 – 6-6-2021), ngồi viết hồi ký nhớ lại chuyện của mùa hè năm ấy, tôi cứ ứa nước mắt. Thương nhớ Bác vô cùng. Tôi nhớ đến bài thơ “Bác ơi!” của nhà thơ Tố Hữu: “Bác sống như trời đất của ta/ Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa/ Tự do cho mỗi đời nô lệ/ Sữa để em thơ, lụa tặng già…” Và… “Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn/ Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi”./.

                     (Tập hồi ký “Nhật ký ra trận” của Nguyễn Chí Long)

              

 

Ca sữa của Bác Hồ