Dấu ấn đô thị từ một “Bức tường màu vàng”
TRẦN ĐỨC LỘC
Sự kiện “Bức tường màu vàng”
Tháng 4-2017, tiệm bánh mì - bánh ngọt với thương hiệu “Cối Xay Gió” ra đời, sau khi người chủ mới được phép cải tạo lại từ một nhà sách cũ - tại góc đường Nguyễn Văn Trỗi, số 1 khu Hòa Bình, Đà Lạt. Mọi người thấy cũng bình thường như bao tiệm bánh khác sau ngày khai trương; nhưng không ngờ chỉ ít lâu sau, những “công dân Facebook” xôn xao, lan truyền về một góc chụp ảnh của tiệm bánh có “bức tường màu vàng”. Có lẽ bắt nguồn từ những tấm ảnh “selfi” của cư dân trẻ Đà Lạt, cộng với sức mạnh của mạng xã hội đã gợi nên sự chú ý, gây ấn tượng với du khách tứ phương không chỉ trong nước, mà cả khách quốc tế. Họ bắt đầu biết đến và tìm kiếm bằng được tiệm bánh Cối Xay Gió khi lên Đà Lạt, chủ yếu là để chụp ảnh với “bức tường màu vàng” phía trước, đồng thời không quên mua “ủng hộ” những sản phẩm bánh mì, bánh ngọt được bày bán bên trong cửa hàng, trong khi chờ tới phiên mình chụp ảnh.
Qua thời gian, khách hàng đến ngày càng nhiều bất kể với lý do gì, vậy là tiệm bánh “sống” được và Đà Lạt có thêm nhiều du khách đông vui. Nhiều người gọi đó là “tín hiệu du lịch” đáng mừng, có người xem đó là “chiêu thức marketing” của chủ doanh nghiệp. Các nhà quản lý văn hóa liên tưởng đến câu chuyện “ký ức và hoài niệm” của những người yêu Đà Lạt, còn các nhà quy hoạch lại nghĩ đến vấn đề dấu ấn “bản sắc và diện mạo” của đô thị cũ, gắn với nền kinh tế phát triển - nhất là với Đà Lạt, một thành phố trẻ đang tìm kiếm lộ trình và giải pháp hướng đến xây dựng danh hiệu “Đô thị di sản” của Việt Nam...
Tháng 11-2020, đột nhiên chủ tiệm bánh Cối Xay Gió thông báo “sắp đóng cửa” vào cuối năm vì lý do hết hợp đồng thuê nhà và không thỏa thuận gia hạn được với người chủ cũ (Công ty cổ phần Sách Thiết bị Trường học tỉnh Lâm Đồng), nhưng không hé lộ bất kỳ thông tin nào về địa điểm mới. Cư dân mạng nhiều ý kiến khác nhau: Nhiều người tiếc nuối vì chưa kịp lên Đà Lạt chụp ảnh lưu niệm với “bức tường màu vàng”; người được chụp thì khoe ảnh cũ trên trang facebook hoặc zalo của cá nhân, với chú thích về một kỷ niệm khó quên đối với tiệm bánh Cối Xay Gió; cũng có người “ta thán” việc kẹt xe tại khúc cua (trước cà phê Tùng) vì du khách đứng chụp ảnh lưu niệm ngày càng đông, làm cản trở giao thông, nên cũng đồng tình với việc đóng cửa... Không ai thấu hiểu và chia sẻ đến tâm trạng của một doanh nhân trẻ trước sự biến mất đột ngột của một cửa hàng vừa khởi nghiệp, kéo theo sự tổn thất về kinh tế của doanh nghiệp và mất việc làm của bao nhân viên... Cũng không ai quan tâm, sau đó địa điểm này sẽ làm gì có giải quyết được vấn đề “ùn tắt giao thông” tại khúc cua này không?
Dư luận thật đa chiều và nhiều cảm xúc! Tiệm bánh cũ bây giờ trở thành tiệm cà phê - bánh ngọt “123” và bức tường bên ngoài cũng đã đổi màu. Cũng có du khách đến chụp hình với bức tường này nhưng không “hot” như thời của “bức tường màu vàng”. Bắt đầu có sự xuất hiện đâu đó trong thành phố này những bức tường sơn vàng tại các quán cà phê, homestay, nhà ở... nhưng du khách không gọi là “bức tường màu vàng” - vì ở đó không phải là tiệm bánh Cối Xay Gió. Lạ thật! Màu vàng - một màu vàng xưa cũ - không chỉ là màu sơn của một bức tường, còn là dấu hiệu nhận dạng của một thương hiệu: Tiệm bánh Cối Xay Gió. Có người còn dự báo xa hơn, biết đâu nó sẽ trở thành một trong những “biểu tượng mới” của Đà Lạt, ghi dấu về ký ức của một thời.
Cho đến khi chủ tiệm bánh Cối Xay Gió thông báo trên Facebook sự hồi sinh cửa hàng tại số 19 Tăng Bạt Hổ, cách địa điểm cũ đi bộ vài chục bước chân. Cộng đồng mạng lại một lần nữa xôn xao lên tiếng, chúc mừng, đón chào sự kiện của “bức tường vàng mới” (có thêm từ “mới”) với niềm háo hức, mến thương... Điều ấy, khiến tôi tò mò muốn tìm hiểu rõ hơn về ý niệm khai sinh “bức tường màu vàng” của chủ doanh nghiệp - trong góc nhìn về kiến tạo “bản sắc mới nơi đô thị cũ” của thành phố Đà Lạt.
Bước thăng trầm trên đường khởi nghiệp
Tôi gặp Nguyễn Đăng Phong - chủ doanh nghiệp Cối Xay Gió, để tìm hiểu rõ hơn về câu chuyện khởi nghiệp với lắm thăng trầm của chàng trai trẻ; cùng với sự hình thành ý niệm và tái sinh “bức tường màu vàng” - dưới góc nhìn về “quản lý đô thị” của thành phố Đà Lạt.
Về câu chuyện khởi nghiệp như bao doanh nghiệp khác khi bước vào thương trường, Đăng Phong luôn quan tâm đến “thị hiếu” và “thị giác” của khách hàng. Đó là sự nhận diện thương hiệu, bao gồm: Vị trí, phong cách thiết kế, bài trí nội thất, tên gọi cửa hàng, logo và màu sắc đặc trưng của nhãn hiệu… Đối với ngành thực phẩm và thức uống (F&B) lại càng chú trọng đến sự mới lạ của sản phẩm chào bán, bao bì và khẩu vị thức ăn, đồ uống thật ấn tượng để chinh phục khách hàng. Về hình dáng kiến trúc bên ngoài, thực tế chứng minh, hàng loạt cửa hiệu và thương hiệu tại các vị trí “đắc địa” mà Đăng Phong làm “chủ sở hữu” như: Cà phê Windmills (đường 3 tháng 2 và Phan Đình Phùng), Cà phê bánh Vuông Pizza (đường 3 tháng 2), Tiệm bánh Cối Xay Gió (đường Tăng Bạt Hổ), Lẩu Xuyên tiêu Hồng Kông (đường Hai Bà Trưng), BBQ & Beer Cút Kít (đường Phan Bội Châu)... đã đem lại những thành công nhất định khi chọn thị phần là khách nội địa. Mỗi thương hiệu có một sản phẩm độc đáo và tên gọi dễ thương, kèm theo một phong cách trang trí trẻ trung, lạ mắt. Nếu như Windmills và Vuông Pizza ấn tượng với những tấm cửa sổ lá sách gỗ xưa cũ, Cút Kít được tạo dáng với kiến trúc tôn-sắt-kính và hình ảnh chiếc xe đẩy quen thuộc của dân xây dựng, Lẩu Xuyên tiêu Hồng Kông mang nét văn hóa ấn tượng “quán Tàu của người Việt” trên phố lạnh cao nguyên, thì Cối Xay Gió lại gợi nhớ đến màu vàng của lớp vôi quét tường, cùng với kiểu chữ xưa cũ (font “Saigon Classique”) của một thời bao cấp và trước năm 1975...
Dấu ấn kiến trúc tạo điểm đến cho đô thị
Đăng Phong nói với tôi: Khi làm thủ tục xin phép xây dựng, cháu rất ngại trước các kiểu dáng thiết kế lạ lẫm, như trường hợp cửa hàng trên đường Trương Công Định, vì muốn tạo một lớp vỏ khác biệt cho mặt đứng kiến trúc, phủ kín bằng những chiếc ghế nhựa màu xanh lá được ghép trên khung sắt tạo hình - thật ra là “học lại” qua Internet, từ một kiến trúc ở nước ngoài, chỉ khác là họ ghép từ các ghế nhựa có lưng tựa, màu xám. Cứ tưởng sẽ được cấp phép, nào ngờ bị cơ quan chức năng từ chối và yêu cầu tháo bỏ các ghế xuống vì cho rằng “công trình tạo sự phản cảm trong đô thị” và không được phép của cấp có thẩm quyền (do công trình vội thi công trước cho kịp ngày khai trương). Hay như việc du khách đến chụp ảnh trước tiệm bánh Cối Xay Gió, nay muốn mở lại, yêu cầu trong thiết kế phải có “khoảng lùi” để chừa chỗ cho khách đứng “selfi” - điều mà không áp dụng đối với các nhà ở hay cửa hiệu khác có thiết kế bình thường…
Bẵng đi một thời gian không gặp, tôi lại được tin: Đăng Phong sắp đóng cửa Cà phê Windmills và tiệm bánh Vuông Pizza trên đường 3 tháng 2, do không thắng nổi giá thuê nhà từ một ngân hàng tư nhân. Dĩ nhiên, hình thức kiến trúc sẽ thay đổi theo công năng và nhu cầu của người chủ mới; nhưng trong tôi vẫn cứ tiếc cho một cơ hội bị đánh mất, khi các doanh nghiệp trẻ (hoặc người trẻ) muốn thỏa sức “làm mới mình”, bởi chính khát vọng vươn lên và niềm đam mê sáng tạo của sức trẻ sẽ kích hoạt, làm thay đổi cuộc sống và cả diện mạo của thành phố trẻ hơn trăm tuổi của Đà Lạt.
Việc giữ gìn các di sản kiến trúc đô thị là cần thiết, nhưng xu hướng kiến tạo các không gian công cộng và nơi ở của cộng đồng, hướng đến một cuộc sống tích cực, một “thành phố đáng sống” và “đô thị sáng tạo” cũng quan trọng không kém trong quy luật phát triển. Một khi những kiến trúc và cảnh quan đô thị tạo nên sự khác biệt, nếu được làm cẩn trọng, sẽ góp phần lưu dấu những đặc điểm của nơi chốn và dấu ấn cho đô thị, giảm bớt sự nhàm chán của một điểm đến trong lòng cư dân và du khách. Các chuyên gia cần lý giải cho những vấn đề phát sinh từ thực tiễn trên cơ sở lý luận và khoa học; những nhà quản lý đô thị cần tìm kiếm những giải pháp, chủ trương nhằm nâng đỡ, tạo điều kiện cho những sáng tạo mới trong lĩnh vực quy hoạch và phát triển đô thị. Theo tôi, thành phố Đà Lạt cần phát triển theo nguyên tắc: Khai thác bản sắc, tôn tạo (và kiến tạo) di sản đô thị, độc đáo về kiến trúc và cảnh quan…; nhưng điều quan trọng nhất là luôn duy trì trên nền tảng: Kinh tế đô thị bền vững, làm phong phú các tiện ích công cộng và kiến tạo nhiều điểm đến (là không gian sáng tạo) mang tính vui chơi, giải trí, văn hóa… cho cộng đồng./.