Giải phóng Phụ nữ theo tư tưởng Hồ Chí Minh
ĐOÀN MẠNH TIẾN (Nghệ An)
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đánh giá cao vai trò, vị trí của người phụ nữ mà còn luôn luôn quan tâm đến vấn đề giải phóng phụ nữ. Tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ ba (1963), Người đã khẳng định: "Nói đến phụ nữ là nói đến một nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng được một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ thì mới xây dựng chủ nghĩa xã hội được một nửa". Người cũng nhấn mạnh rằng: "Giải phóng phụ nữ cũng bao gồm những vấn đề về quyền bình đẳng của phụ nữ. Giải phóng phụ nữ là một trong những mục tiêu của cách mạng giải phóng dân tộc". (Hồ Chí Minh toàn tập - tập 3 - trang 523). Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ bao gồm những vấn đề chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ vì sao phải giải phóng phụ nữ.
Theo Người, trong xã hội, người phụ nữ phải chịu nhiều thiệt thòi, nhất là trong xã hội còn chịu nhiều ảnh hưởng tàn dư của chế độ phong kiến và xã hội thực dân, đế quốc. Người khẳng định: "Chế độ thực dân, tự bản thân nó đã là một hành động bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu rồi. Bạo lực đó lại đem ra đối xử với phụ nữ thì lại càng bỉ ổi hơn nữa. Do đó, chỉ khi nào đánh đổ được bọn thực dân cướp nước, giành được độc lập tự do cho dân tộc thì người phụ nữ mới được giải phóng" (Hồ Chí Minh toàn tập - tập 3 - trang 526).
Không những thế, phụ nữ còn là một bộ phận quan trọng và đông đảo trong xã hội. Phụ nữ là lực lượng có nhiều đóng góp cho xã hội. Nhiều lần Người đã khẳng định: “Dân tộc và Đảng ta đời đời biết ơn các bà mẹ anh hùng đã sinh ra và cống hiến cho Tổ quốc những người con ưu tú, những người con đó đã và đang chiến đấu anh dũng tuyệt vời để bảo vệ non sông gấm vóc do tổ tiên ta để lại" (Bài nói chuyện tại Đại hội Phụ nữ chống Mỹ cứu nuớc - 1966). "Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức thêu dệt mà thêm tốt đẹp, rực rỡ" (Bài nói chuyện tại cuộc gặp mặt các phụ nữ tiêu biểu toàn quốc - 1959).
Cũng theo Người, sở dĩ phải giải phóng phụ nữ bởi vì xã hội Việt Nam còn chịu ảnh hưởng sâu sắc, mạnh mẽ của tư tưởng phong kiến phương Bắc do hậu quả nặng nề của nghìn năm bị bọn phương Bắc thống trị, đặc biệt là ảnh hưởng của tư tưởng "trọng nam khinh nữ". Những quan niệm đó đã không cho phụ nữ được cơ hội học tập, không cho họ có điều kiện để tham gia các hoạt động ngoài xã hội, từ đó làm cho phụ nữ có tâm lý tự ti, an phận. Và Người đã kêu gọi phụ nữ: "Các chị em phải hăng hái nhận lấy trách nhiệm của người làm chủ đất nước, phải xóa bỏ tâm lý tự ti và ỷ lại, phải có ý chí tự cường, tự lập" (Hồ Chí Minh toàn tập - tập 6 - trang 263).
Thứ hai, Người chỉ rõ nội dung của việc giải phóng phụ nữ bao gồm những gì?
- Giải phóng phụ nữ trước hết là giải phóng về mặt chính trị
Theo Bác, về phương diện chính trị, phụ nữ có quyền bình đằng với nam giới trong việc ứng cử, bầu cử vào các cơ quan dân cử, vào các hệ thống chính trị theo Hiến pháp và pháp luật. Ngày 2-9-1945 trong Bản Tuyên ngôn độc lập đọc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Người đã trịnh trọng tuyên bố trước Nhân dân thế giới và trước toàn thể Nhân dân Việt Nam rằng: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Bác đã nhấn mạnh rằng tất cả mọi người nghĩa là cả nam giới và nữ giới. Vì vậy, khi sắp đến ngày bầu cử Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa Khóa 1 (ngày 6-1-1946), Bác đã kêu gọi: "Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và ứng cử" (Bác đã nhấn mạnh là cả trai và gái). Và ngay trong bản Hiến pháp Việt Nam năm 1946 đã viết: "… Tuyên bố với thế giới: Phụ nữ Việt Nam đã đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân".
Như vậy, điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đầu tiên trong sự nghiệp giải phóng phụ nữ là phải giải phóng họ về mặt chính trị.
- Giải phóng phụ nữ còn là giải phóng về mặt xã hội
Trước hết, phụ nữ phải được bình đẳng với nam giới trong việc tham gia các công việc xã hội. Phụ nữ phải được tham gia vào Ban lãnh đạo, Ban quản lý, tham gia chính quyền… để cùng với nam giới điều hành công việc của đất nước, điều hành các công việc trong xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần kêu gọi phụ nữ phải luôn luôn có ý thức và có hành động để tự giải phóng mình, tự vươn lên làm tốt vai trò của mình trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, văn nghệ, ngoại giao, giáo dục, y tế, thể dục thể thao… Người cũng đã nhiều lần kêu gọi mọi người Việt Nam phải lên án và tiêu diệt tư tưởng phong kiến và đầu óc gia trưởng, loại trừ tư tưởng trọng nam khinh nữ. Người nhấn mạnh: "Mỗi người phụ nữ phải vượt mọi khó khăn, tích cực vươn lên học tập để ngày càng hoàn thiện bản thân mình, dần dần tiến lên ngang hàng với nam giới. Chúng ta kêu gọi thực hiện bình đẳng nam nữ thì sự bình đẳng đó phải được thể hiện trên mọi mặt: Chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội…" Từ Cách mạng Tháng Tám 1945 đến nay, địa vị phụ nữ trong xã hội ngày càng được nâng cao. Trong giai đoạn hiện nay, đã có 1 Phó Chủ tịch nước là nữ (Đặng Thị Ngọc Thịnh), 1 Chủ tịch Quốc hội là nữ (Nguyễn Thị Kim Ngân), 1 Phó Chủ tịch Quốc hội là nữ (Tòng Thị Phóng), 1 Trưởng Ban Dân vân Trung ương là nữ (Trương Thị Mai), 17 nữ (9,1%) là Ủy viên Trung ương Đảng… Cũng cần nói thêm rằng trước đây chúng ta từng có 03 Phó Chủ tịch nước là nữ (Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Bình, Trương Mỹ Hoa), 01 Phó Tư lệnh quân giải phóng miền Nam là nữ (Nguyễn Thị Định)…
- Giải phóng phụ nữ còn là giải phóng tâm lý tự ti, tư tưởng ỷ lại, an phận.
Ngày trước, dưới chế độ phong kiến, chế độ đế quốc thực dân, thân phận người phụ nữ bị khinh rẻ, người phụ nữ phải chịu nhiều tầng áp bức, bóc lột, bị đày đọa, khổ cực. Ngày nay, trong chế độ mới, mỗi người phụ nữ phải biết tích cực phát huy những phấm chất truyền thống trong điều kiện xã hội mới, người phụ nữ phải thật sự có ý thức giải phóng tư tưởng cũ, để không ngừng vươn lên, làm chủ bản thân, làm chủ gia đình, làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội và làm chủ tương lai của cuộc đời mình. "Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa và Cộng sản chủ nghĩa, nếu người phụ nữ dũng cảm vượt mọi khó khăn quyết tâm phấn đấu vươn lên thì sẽ có thể hoàn thành mọi nhiệm vụ mà người đàn ông dũng cảm có thể làm, dù nhiệm vụ ấy đòi hỏi rất nhiều tài năng và nghị lực" (Hồ Chí Minh toàn tập - tập 2 - trang 273). Bác đã nhiều lần nhắc nhở rằng người phụ nữ phải luôn luôn biết vươn lên để bình đẳng với nam giới về trình độ, về năng lực quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Theo Người, mỗi phụ nữ phải không ngừng cố gắng học tập, chủ động, tự tin, tự lực cánh sinh, tự cuờng trong mọi tình huống. Người phụ nữ không nên mặc cảm, tự ti, không nên ngồi chờ Chính phủ giải phóng cho mình. Phụ nữ phải năng động, nhạy bén, chủ động tham gia vào đời sống mọi mặt của đất nước.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ là tài sản tinh thần vô giá đã trở thành động lực tinh thần mạnh mẽ, bền bỉ giúp người phụ nữ phấn đấu vươn lên để tiếp tục có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.