Hà Lâm - đừng nghĩ điều đó quá xa vời

TAP CHÍ LANGBIAN|5/31/2021 3:03:48 PM

Hà Lâm  - đừng nghĩ điều đó quá xa vời

                                                                                                    VĂN TÒA

Hà Lâm - xã không nghèo, nghe cứ tưởng đùa nhưng có về Hà Lâm mới nhận ra rằng: Hà Lâm đúng là xã không nghèo…

Hành trình xóa nghèo

Xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai chạy dọc theo Quốc lộ 20, nằm giữa thị trấn Đạ M’ri và thị trấn Madagui. Gần 20 năm trước, Hà Lâm nằm trong danh mục xã nghèo. Khác chăng, cái nghèo của Hà Lâm không là cái nghèo đầu bảng...

Hà Lâm hiện có 926 hộ dân, hầu hết là người từ những vùng quê khác đến xây dựng kinh tế mới, trong đó hơn 70% là người Hà Tây (nay là Hà Nội). Những con người phía bờ Nam sông Hồng, nổi tiếng với các làng nghề đặc sắc: Lụa Hà Đông, khảm trai Chuyên Mỹ, mây tre Phú Vinh... Họ rất cần cù, chịu khó, khéo tay, giỏi tính toán, bền bỉ cùng với những người dân định cư lâu đời vùng đất này quyết tâm vượt khó. Bí thư Đảng ủy xã Hà Lâm phân kỳ: Từ năm 1986, khi người dân từ đất Hà Thành vào lập nghiệp, lúc bấy giờ chủ yếu là khai hoang, sống bằng nghề đan mây tre, cuộc sống cơ cực, khốn khổ với những cơn sốt rét rừng hành hạ. Giai đoạn 1990-1995, vùng đất này còn lắm cơ hàn; giai đoạn 2000-2004, cuộc sống đỡ hơn vì lúc này đã có thu nhập từ cây điều với sự hiện diện của nhà máy chế biến hạt điều xuất khẩu. Nhưng vì thời tiết thất thường, lúc cần mưa thì nắng và ngược lại nên cây điều cho năng suất không cao. Giá cả lại lên xuống thất thường; có năm, người đi nhặt hạt điều mà nước mắt rưng rưng… Vì vậy, người Hà Lâm vẫn phải “bám rừng” nhờ vào cây mum, cây nứa để mưu sinh.

  Hơn 20 năm sau, cuộc sống người dân Hà Lâm mới tạm ổn. Từ năm 2005 đến năm 2010 được coi là giai đoạn ghi dấu ấn quan trọng trong cuộc hành trình “bươn chải” khi Hà Lâm không còn hộ đói. Tuy vậy, số hộ nghèo vẫn còn khá cao với tỷ lệ 26%, số còn lại chủ yếu có mức sống trung bình. Điều đáng nói, trong khi cuộc sống còn nhiều thứ phải lo, thì người dân Hà Lâm đã “dũng cảm” cải tạo vườn điều, trồng cây sầu riêng ghép giống mới theo chủ trương của huyện; giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2013, Hà Lâm tăng tốc giảm nghèo từ 26% xuống còn 8%. Năm 2015, khi nhiều diện tích sầu riêng cho thu hoạch thì Hà Lâm chỉ còn 0,57% hộ nghèo và chỉ 2 năm sau đó, Hà Lâm chính thức không còn hộ nghèo, xóa cả hộ cận nghèo - một bước chuyển ngoạn mục, một sự đổi thay diệu kỳ mà chưa bao giờ người dân Hà Lâm nghĩ tới.

Xóa nghèo từ sự chuyển hướng ngoạn mục

Hà Lâm có địa hình khá đặc biệt với 2 dạng: Dạng đồi cao, chủ yếu ở phía Nam, độ cao trung bình từ 300-550m. Dạng đồi thấp có hình bát úp thoai thoải, chủ yếu ở khu vực phía Bắc của xã, độ cao trung bình từ 150-200m. Vì vậy, tuy chung một huyện nhưng địa hình Hà Lâm khá lạ và độc đáo. Mặt khác, Hà Lâm nằm trong vùng nhiệt đới, gió mùa; mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11, nhiệt độ dao động trong năm từ 26-36oC. Địa hình và khí hậu Hà Lâm khá lý tưởng cho việc phát triển nhiều loại cây trồng, nhất là các loại cây ăn trái. Đảng bộ, chính quyền và người dân Hà Lâm trăn trở: Tại sao Hà Lâm cứ mãi là cây điều mà không phải cây khác? Tại sao ở Đạ M’ri được coi là thủ phủ cây ăn trái còn Hà Lâm thì không? địa hình Hà Lâm đẹp; thời tiết khí hậu thuận lợi chẳng thua kém các nơi khác… Hà Lâm sao không là sầu riêng, chôm chôm, mít, bơ, măng cụt…

Sau vài năm trồng thử và được khuyến khích của Đảng bộ, chính quyền địa phương, năm 2005 người dân Hà Lâm chuyển hướng trồng các loại cây ăn trái gồm: Sầu riêng, chôm chôm, mít, măng cụt, ca cao và một số loại cây trồng khác như tiêu, cà phê, chè… Sự chuyển hướng này đã đem lại hiệu quả bước đầu, đời sống người dân được cải thiện. Đến đây người dân Hà Lâm nhận thức rằng khi đời sống được nâng lên thì sự hiện diện các loại trái cây trong những bữa ăn là nhu cầu không thể thiếu. Hà Lâm là vùng đất phù hợp cho việc phát triển cây ăn trái, nhất là các loại cây ăn trái “hạng sang” như sầu riêng, bơ… Vì vậy việc tập trung phát triển một số loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao được Hà Lâm chính thức khởi động từ năm 2010, sau đó đồng loạt chuyển đổi theo chủ trương và sự hỗ trợ mạnh mẽ của huyện. Đến nay, tổng diện tích sầu riêng chất lượng cao của Hà Lâm có gần 1.365ha (sầu riêng hạt 254ha), trong đó 1.000ha đã cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt khoảng 13,5 tấn/ha. Toàn xã có hơn 80% hộ chuyên canh sầu riêng, không ít hộ sở hữu diện tích từ 5 đến 10ha. Thì năm 2019 vừa qua, người dân Hà Lâm đã cung cấp ra thị trường gần 11 ngàn tấn sầu riêng, giá trị thu nhập từ 500 đến 600 tỷ đồng. Dự kiến đến năm 2023, Hà Lâm sẽ cung cấp ra thị trường gần 16.700 tấn sầu riêng. Tính theo giá hiện nay từ 50 ngàn đến 60 ngàn một ký thì nguồn thu của Hà Lâm từ loại cây ăn trái cao cấp này sẽ từ 800 đến hơn 1.000 tỷ đồng/ năm. Đó là chưa kể nguồn thu từ các loại cây trồng khác như mít, măng cụt, điều, chôm chôm… Và như vậy, bình quân thu nhập hộ gia đình ở Hà Lâm đến năm 2023 không thể dưới hai con số 800 triệu hoặc một tỷ đồng/ năm. Đây là con số rất lý tưởng so với mặt bằng thu nhập chung ở các vùng đô thị… chúng ta không quá lời khi nói rằng kết quả xóa nghèo, tăng giàu ở Hà Lâm là thành quả rất diệu kỳ.

Sự đổi đời thấy rõ

Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hà Lâm - chị Nguyễn Thị Dưỡng so sánh: “Nếu hơn 10 năm trước, không ít người dân Hà Lâm phải chuyển nhượng một phần đất canh tác của mình để mưu sinh thì ngày nay họ mua lại đất. Nhiều người đã mua lại toàn bộ diện tích đất của mình trước kia”.

Hơn 10 năm trước, người dân Hà Lâm có mấy ai nghĩ đến việc chăm lo học hành cho con cái, hôm nay hầu hết họ đều tập trung đầu tư cho con em mình học Đại học, học nghề, nhiều người mua nhà ở thành phố Hồ Chí Minh cho con em mình. Trong số đó nhiều em đã đỗ đạt, đem kiến thức về xây dựng quê nhà.

10 năm trước, phần lớn người dân Hà Lâm chật vật vay từng đồng vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất, thì nay rất nhiều người dân Hà Lâm trở thành “chủ nợ” với số tiền gửi ngân hàng lên đến hàng chục tỷ đồng.

Nhiều người Hà Lâm hôm nay đã sắm xe hơi, xe tải. Khi còn nghèo, chính quyền xã Hà Lâm đau đầu với các loại tệ nạn, nhậu nhẹt, đánh nhau; nay thì Đảng ủy, chính quyền xã không còn phải lo điều đó nữa. Bây giờ ở Hà Lâm, ai ai cũng đều chí thú làm ăn, đua nhau làm giàu với tư duy tiền tỷ. Họ dành mọi thời gian cho vườn, cho đất; tham quan, học hỏi kinh nghiệm làm ăn ở các địa phương khác. Chính điều đó đã làm cho người Hà Lâm hiền lành, chân chất, thân thiện…

Câu chuyện tương lai

“Hà Lâm, xã không nghèo” - hoàn toàn không phải chuyện đùa hay khen ngợi quá lời. Đó là “một bước tiến ngoạn mục, một thành quả có hậu” được làm nên từ: Chủ trương huyện, quyết liệt xã, đồng lòng dân. Từ thành tựu vẻ vang đó, Đảng bộ, chính quyền xã Hà Lâm đã hoạch định cho mình hướng đi khá vững trên tinh thần chỉ đạo chung của huyện. Trong đó điều phải làm cho bằng được là giữ vững xã không có hộ nghèo và hộ cận nghèo; tập trung thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới nâng cao; Chương trình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và thực hiện phát triển chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng đảm bảo phát triển nông nghiệp toàn diện và bền vững. Đảng bộ, chính quyền xã đặt chỉ tiêu nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 125 triệu đồng/ năm; đưa công nghệ cao vào vùng sản xuất cây ăn trái với diện tích 300 ha; Đến năm 2025, Hà Lâm sẽ ổn định 300ha cây điều, trên 1.500ha sầu riêng (trở thành thủ phủ sầu riêng của huyện); khoảng 130ha chôm chôm; 110ha mít các loại; 32ha măng cụt… Đảng bộ, chính quyền xã sẽ chỉ đạo tập trung thâm canh diện tích cây trồng, phấn đấu nâng giá trị sản phẩm bình quân trên một đơn vị diện tích đến năm 2025 đạt khoảng 300 triệu đồng/ ha…

Đường đi đã rõ, vấn đề còn lại là Hà Lâm phải đi hiên ngang trên con đường dẫn tới phồn vinh. Rồi đây Hà Lâm sẽ có những làng tỷ phú; Hà Lâm sẽ là xã tỷ phú. Đừng nghĩ rằng điều đó quá xa vời!/.   

 

Hà Lâm - đừng nghĩ điều đó quá xa vời