Hồ Tây
NGUYỄN TIẾN QUỲNH
Tôi không sinh ra ở Hồ Tây, nhưng lấy vợ người làng Yên Phụ, nên vẫn thường “Đường Cổ Ngư xưa chầm chậm bước ta về… Hồ Tây, Hồ Tây tím mờ”.
Hồ Tây, hay còn có tên Lãng Bạc (sóng lớn), Dâm Đàm (sương mù), Kim Ngưu (trâu vàng), Xác Cáo, vốn là một đoạn song Hồng cổ còn sót lại sau khi đổi dòng, rộng khoảng 500ha, nằm phía Tây Hà Nội (cũ). Xung quanh hồ là hệ thống di tích dày đặc với 40 điểm, trong đó có nhiều di tích nổi tiếng: Chùa Trấn Quốc, danh thắng bậc nhất; phủ Tây Hồ, nơi nam thanh, nữ tú dập dìu lễ bái chốn linh thiêng; chùa Kim Liên, chùa Vạn Niên… cùng các làng nghề trông hoa cây kiểng nổi tiếng như đào Nhật Tân (gồm đào phai, đào bích); quất Tứ Liên có gia đình trồng hàng ngàn cây; cá cảnh Yên Phụ, sen Quảng Bá. Bao quanh Hồ Tây, trên quãng đường 17km là hàng chục ngôi đền, chùa, đình cổ kính đã được xếp hạng với 102 bia đá, 165 câu đối, 140 bức hoành phi, 18 chuông cổ, trên 300 pho tượng đồng, gỗ, đá cùng khoảng 60 sắc phong. Điểm đặc biệt là tất cả các di tích ven Hồ Tây đều lấy trung tâm Hồ Tây làm hướng của mình.
Trên vùng đất Hồ Tây đã phát triển và tồn tại các làng nghề truyền thống đặc sắc: Nghề chăn tằm dệt lụa ở Nghi Tàm, Quảng An (nơi vinh dự được đón Bác về thăm); dệt lĩnh ở Bưởi; nghề làm giấy dó tiến vua ở làng Hồ Khẩu, Yên Thái (năm 1969, giấy làm ở đây được in hàng trăm bản đặc biệt Di chúc Bác Hồ).
Quanh Hồ Tây còn có rất nhiều làng cổ với bề dày văn hóa đặc sắc. Mỗi ngôi làng lại có nét đẹp văn hóa riêng, với nghề truyền thống từ xa xưa đã mang lại cho họ cuộc sống phồn vinh. Làng cổ Nghi Tàm nổi danh với hai di tích - chùa Kim Liên và đình Nghi Tàm được xây từ thời Lý, gắn với sự hình thành và phát triển của đất Thăng Long kinh kỳ. Cụm làng Bưởi gồm 6 làng cổ. Di tích đền Đồng Cổ, Thiệu Yên, Thanh Hóa, gắn với truyền thuyết quan quân nhà Lý, nằm mộng thấy đánh thắng giặc, bèn cho dựng đền . Sau dân làng ở đó ra Thăng Long đã cho dựng đền Đồng Cổ, nay tọa lạc trên đường Thụy Khuê để cúng vọng. Trong đền còn lại đôi câu đối: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, Trời tru đất diệt” được răn dạy trong các Hội thề.
Những chiếc cổng làng cổ như làng Yên Thái, cổng Xanh làng An Thọ, cổng Đông làng Hồ, cùng là di tích nổi tiếng… Không chỉ có phong cảnh đẹp, làng Quảng Bá, Nhật Tân còn mang theo mình “thương hiệu” đào và quất cảnh, một thú vui tao nhã của người Hà Nội. Hoa làng Ngọc Hà thì đa dạng và phong phú. Nhà tôi ở cạnh nhà bác Kim Cương, cứ ngày rằm, mồng một, quảy gánh hàng hoa gồm hoàng lan, ngọc lan, ngâu, sói, thiên lý, mẫu đơn… ra bán ở Quán Thánh. Phụ nữ bận đồ nâu sồng, áo tứ thân, đầu chít khăn mỏ quạ gánh hàng hoa đi bán.
Gần đây các nhà nghiên cứu phát hiện tại địa danh Hồ Tây còn là nơi giam giữ tù binh Chăm, trong các cuộc chinh phạt vệ quốc ở Tây Nam giải về.
Pháo đài bay B52 bị bắn rơi, mảnh vỡ còn lưu lại tại hồ Hữu Tiệp (làng Ngọc Hà) thành nơi minh chứng sức sống trường tồn của dân tộc. Đường Thanh Niên, xưa là doi đất nhỏ, hẹp có tên Cố Ngự (Giữ cho vững). Những năm 58-59 thế kỷ trước, thanh niên, học sinh, sinh viên Hà Nội tới đắp nên con đường này dưới sự chỉ huy của ông Vũ Quang, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn. Ông kể lại tại công trường, mọi người hát hò vui vẻ qua loa, vọng đến Ba Đình nơi Bác Hồ đang làm việc. Có ý kiến nói ảnh hưởng tới Bác bởi tiếng ồn, nhưng Bác nói cứ để thanh niên sôi nổi thì lao động mới hăng
… Cũng tại đường Thanh Niên, còn lưu giữ bức phù điêu kỷ niệm việc ông Mc Cain, ngày 26-10-1967 bị bắn rơi khi máy bay sà thấp ném bom nhà máy nhiệt điện Yên Phụ…
Hồ Tây còn được mệnh danh là “lá phổi” của Hà Nội. Người Pháp gọi đây là “Grand Lac” (Hồ Lớn). Quả thực, tại đây thực sự có cả một Tiểu khí hậu. Khi là “mặt gương soi”, khi nổi dông bão bùng.
Hồi nhỏ chúng tôi thường đi trẩy hội, rồi nhảy xuống hồ lặn ngụp giữa ngày hè oi ả; chỉ ở đây mới được thỏa chí vẫy vùng, được “pông nhông từ tháp cao”. Được nghe nói chim sâm cầm tiến vua khi xưa. Đặc biệt không thể không nhắc tới món ốc Hồ Tây. Khi tiết trời trở gió heo may se lạnh, các quán ốc dọc đường đến phủ Tây Hồ rất đông thực khách. Điều thú vị là những quán ăn này đều nằm sát cạnh bờ hồ, khách có thể vừa xuýt xoa ăn món ốc nóng hôi hổi, vừa được thỏa thích thả tầm mắt phiêu diêu ngắm cảnh trời nước Hồ Tây… đắm mình trong không gian yên tĩnh của khung cảnh xung quanh. Món ăn chế biến từ ốc rất phong phú: Ốc luộc lá chanh, ốc hấp lá gừng, ốc hấp thuốc bắc, ốc xào xả ớt, ốc nướng… Nhà hàng chọn ốc bươu vỏ mỏng, to vừa hay loại ốc đá vỏ mịn, ánh màu xanh biêng biếc, lót dưới đáy nồi gừng, sả, lá chanh. Không gian ấm cúng, sực nức mùi gừng cay quấn quýt cùng hương thơm của rượu. Ăn kèm với các loại rau sống và bát nước chấm sóng sánh có tỏi, ớt, gừng, lá chanh. Thích nhất là có thể được ngắm phong cảnh ngay tại quán ăn, tự do hướng ánh nhìn dàn trải lên những ngôi nhà nhấp nhô sau rặng cây mờ xa, tập trung vào chiếc thuyền đang canh cá giữa hồ hay bao ánh đèn màu lung linh nhấp nháy soi bóng nước khi Hồ Tây vào đêm…
Yêu mùa thu Hà Nội là một tình yêu chung, còn yêu mùa thu Tây Hồ lại là chút tình riêng. Bởi vậy nó da diết hơn và cũng khắc khoải hơn. Một mùa thu Hà Nội mang đến cho ta một tình cảm ấm áp và mang đến cho ai đó ở nơi xa một niềm riêng khắc khoải. Lịch sử hơn trăm năm của Đà Lạt nằm trong dòng chảy lịch sử chung 4000 năm của cả dân tộc để bây giờ Đà Lạt cùng chung lưng đấu cật với Hà Nội và các tỉnh thành trong cả nước, xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh, công bằng và văn minh./.