Khi mùa xuân về với rừng

TAP CHÍ LANGBIAN|2/11/2022 8:58:36 AM

Khi mùa xuân về với rừng

KIM CHUNG

 

Mùa xuân đến là mùa cây lá đâm chồi nảy lộc, những hạt mầm bật nở muôn ngàn mầm xanh trên vùng đất Nam Tây Nguyên hùng vĩ, đất trời nơi đây ưu đãi cho con người có một bầu không khí trong lành, mát mẻ. Khí hậu tốt cho sức khỏe con người là nhờ vào sự ưu đãi của rừng xanh. Con người có mối tương quan với rừng cho nên phải có trách nhiệm gìn giữ rừng.

Vườn quốc gia (VQG) Bidoup - Núi Bà ở Lâm Đồng, nơi ẩn chứa những giá trị nguyên sơ kỳ thú và hấp dẫn cho những ai có sở thích nghiên cứu và khám phá thiên nhiên. VQG nằm trên cao nguyên Lâm Viên, có độ cao trung bình 1500-1800m, địa hình chia cắt mạch được chắn bởi các dãy núi cao như đỉnh Hòn Giao 2.060m, Bidoup 2.287m, Lang Biang 2.167m. Vườn có diện tích 69.663ha, VQG có giá trị tài nguyên đa dạng sinh học, hệ sinh thái của rừng nguyên sinh nơi đây là á nhiệt đới, có nhiều loài thực vật đặc hữu quý hiếm, là tài nguyên vô giá của Lâm Đồng nói riêng và của đất nước nói chung. Thảm thực vật của rừng nơi đây rất đặc trưng. Rừng kín, xanh mưa ẩm á nhiệt đới ở độ cao 1.700m. Nhưng rừng càng bạt ngàn xanh, các hạt mầm trong rừng đua nhau đâm chồi nảy lộc mỗi năm khi mùa xuân về. Rừng kín hỗ hợp cây lá rộng, lá kim cũng ở độ cao 1.700m. Rừng rêu, rừng lùn có độ cao 2.000m…

Thực vật ở VQG có 2.077 loài, 131 loài thú, 304 loài chim, 15 loài hạt trần, 302 loài lan… VQG Bidoup - Núi Bà là rừng phòng hộ đầu nguồn của sông Đồng Nai và sông Sêrêpôk. Đến với VQG, du khách như lạc vào một câu chuyện cổ tích của những quần thể cây đại cổ thụ, quý hiếm duy nhất trên thế giới có nguồn gốc từ thời tiền sử hàng ngàn năm tuổi. Nhiều cánh rừng bạt ngàn được tô điểm bởi những nhánh lan rừng đủ màu sắc tươi đẹp, pha lẫn các âm thanh bất tận của rừng mưa nhiệt đới, của muông thú hòa quyện hát ca. Cùng những nét mộc mạc, đằm thắm và chân tình của cộng đồng dân tộc bản địa đã gắn bó bao đời nay với núi rừng Tây Nguyên. Họ giờ đây là những người chủ của rừng xanh, ngày đêm ra sức bảo vệ rừng và tài nguyên quý giá của rừng…

Thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025 về công tác giữ rừng, Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm của đơn vị phối hợp lực lượng chức năng của huyện, UBND các xã, thị trấn Lạc Dương, các đơn vị chủ rừng có liên quan triển khai thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trên lâm phần được giao quản lý và đạt được nhiều kết quả. Tổng diện tích rừng cần quản lý là 69.663ha; rừng khoán cho cộng đồng bảo vệ 53.750ha; Vườn tự quản lý bảo vệ 12.830ha; có 1.553 hộ nhận khoán; kinh phí Nhà nước chi trả bình quân cho việc vảo vệ rừng là 33 tỷ đồng/ năm. Vấn đề bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học là cần thiết và ưu tiên. Để mỗi người dân có ý thức bảo vệ rừng - nguồn tài nguyên vô giá của quốc gia, Nhà nước tăng cường giáo dục cộng đồng dân cư sống cạnh rừng phải hiểu biết về lợi ích mà rừng mang lại cho con người. Ban quản lý rừng kết hợp với các cấp chính quyền địa phương tuyên truyền chủ trương chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ và phát triển rừng hàng năm cho người dân. Lồng ghép các chương trình thông qua các buổi họp tổ, thôn xóm; các hoạt động tập thể thanh niên, phụ nữ, sinh hoạt tôn giáo cần thông qua công tác bảo vệ rừng quốc gia… Người dân cùng với chính quyền địa phương và Ban quản lý VQG xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng, tuyên truyền đến từng người dân sống gần rừng trong việc sử dụng lửa, hướng dẫn cách thức khi họ đốt nương làm rẫy không ảnh hưởng đến rừng. Rừng ở VQG có một số loài đặc hữu, quý hiếm nên cần có giải pháp bảo tồn nguyên vị (insitu), muốn thực hiện được trước tiên cần phải bảo vệ hệ sinh thái rừng. Vấn đề tái sinh tự nhiên của chúng khó khăn, nên bảo tồn insitu là quan trọng. Mùa xuân đến là lúc cần thu thập hạt giống và cây con tái sinh về để gây trồng thử nghiệm; song cần bảo đảm nguyên tắc là thu hái hạt từ nhiều cây mẹ, từ nhiều điểm trong vùng phân bố và từ nhiều vùng trong vườn, để bảo tồn nguồn gen có được nền tảng di truyền đủ lớn.

Khi mùa xuân về công tác trồng rừng, chăm sóc, nuôi dưỡng rừng trồng ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng. Các chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng, hỗ trợ cộng đồng dân cư vùng đệm, dự án JICA… được triển khai thực hiện có hiệu quả, giúp tạo thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh tại địa phương. Đồng thời đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, kết hợp với phát triển văn hóa bản địa như khôi phục và xây dựng một số làng nghề dệt thổ cẩm, văn hóa cồng chiêng, văn hóa ẩm thực… tạo công ăn việc làm cho người dân, tăng thu nhập… Ngoài ra chương trình hoạt động của vườn quốc gia còn kết hợp xây dựng chiến lược bảo tồn và phát triển rừng, sử dụng bền vững tài nguyên rừng bằng các chương trình đầu tư như: Hợp tác quốc tế, hợp tác với các Trường Đại học và các Viện nghiên cứu. Tích cực đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ vườn quốc gia nhất là công tác bảo tồn, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học góp phần cho việc bảo tồn đa dạng sinh học cho vùng Nam Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, đồng thời bảo vệ phòng hộ đầu nguồn nước cho hệ thống sông Đồng Nai.

 Trong tương lai Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà trở thành điểm đến của du khách khi đã đặt chân đến Đà Lạt, Lâm Đồng nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương; làm lan tỏa tình yêu rừng, yêu thiên nhiên và trách nhiệm bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống./.

 

 

Khi mùa xuân về với rừng