Kỷ miệm ba lần xuất ngoại
HẢI SƠN
Tuổi trẻ ôm ấp những niềm tin và khát vọng, năm 1984 tôi vào làm việc trong ngành Công an tỉnh Lâm Đồng, công tác tại PA.15 - Phòng chống gián điệp, nay gọi là Phòng An ninh Đối ngoại. Tôi trở thành anh trinh sát với cấp hàm Thiếu úy.
Lần đầu tiên xuất ngoại
Năm 1996 tổ chức “Hợp tác khoa học kỹ thuật” Ấn Độ dành cho Công an tỉnh Lâm đồng 4 suất tham dự tập huấn và các ứng viên phải vượt qua kỳ phỏng vấn tiếng Anh tại Tổng Lãnh Sự số 49 Trần Quốc Thảo thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi gồm K Pa Thế Lâm, Hoàng văn Thiện, Phạm Quang Thuật và tôi. Anh em tôi háo hức lên đường, kết quả có mình tôi đậu. Cảm xúc của tôi lúc đó đan xen buồn vui lẫn lộn. Vui vì sau nhiều năm tự học và lấy chứng chỉ Preliminary English Test do Đại học Cambridge tổ chức lần đầu tại Đại học Đà Lạt, nhưng chỉ có tôi là được chọn. Buồn vì giá như cả 4 anh em được đi cùng nhau thì vui biết mấy.
Rời Đà Lạt vào ngày 6 -2- 1997 (29 Tết). Ngày mọi người về nhà sum họp gia đình thì tôi một mình kéo hành lý ra sân bay. Chuyến bay 12h của Vietnam Airlines đi từ TP. Hồ Chí Minh phải mất 1h đồng hồ để đến Bangkok. Lần đầu ra nước ngoài, tôi thật sự choáng ngợp vì sân bay Bangkoc đồ sộ và quy mô hơn nhiều so với Tân Sơn Nhất. Mãi đến 18h hãng hàng không Air India mới mở cửa xuất vé cho hành khách đi New Dehli. Check in lên máy bay xong cũng đã gần 19h. Chiếc Boeing cất cánh khi trời bắt đầu vào đêm. Hành trình đến New Dehli mất 4h đồng hồ bay trong đêm. Vì múi giờ New Dehli lệch 2h so với Bangkok nên đến sân bay nước bạn đã hơn 1h sáng. Xe của NCRB - Cục hồ sơ lưu trữ tội phạm quốc gia Ấn Độ - nơi tôi đến học đưa tôi về nghỉ tại khách sạn Nirman lúc 2h sáng. Thấy tôi nhận phòng, các bạn người Mauritius, Nepal, Philippines đến bắt chuyện. Tôi vui vẻ chào hỏi mọi người và nói với họ bây giờ là thời khắc năm mới - Lunar New Year Festival - ở Việt Nam, các bạn đồng thanh nói: “Happy New Year - Chúc mừng năm mới!” với tôi.
Lớp học gồm 16 người: 1 người Việt Nam, 2 bạn Philippines, 2 bạn Mauricius, còn lại là các bạn người Nepal. Hàng ngày, 9h sáng có một chiếc xe đưa chúng tôi từ khách sạn Nirman đến Cục hồ sơ lưu trữ tội phạm quốc gia mất 30 phút. Cứ sau 60 phút học chúng tôi được nghỉ giải lao, ăn bánh và uống trà sữa. Chương trình học về “Finger print - Dấu vân tay và Information Technology for Police Application - Ứng dụng công nghệ tin học cho ngành công an” rất vui và thú vị. Thời gian đó, ở Việt Nam truy dấu vân tay tội phạm còn làm thủ công thì nước bạn đã xây dựng kho lưu trữ dấu vân tay tội phạm trên toàn quốc, nên việc truy xét rất nhanh và chính xác.
Ấn Độ là đất nước của tôn giáo và sắc tộc, là quốc gia có nền dân chủ lớn, nhưng xã hội lại chia thành 4 đẳng cấp.
Tình hình an ninh ở Ấn Độ rất phức tạp. Nơi đây thường xuyên xảy ra các vụ đánh bom. Hàng ngày ngoài việc học trên lớp, chúng tôi còn được đi tham quan những nơi xảy ra bạo động, như dinh thự của bà Thủ tướng Indira Gandhi mà sau này trở thành Bảo tàng Indira Gandhi. Tôi đã đứng chụp hình ngay tại phiến đá ghi dòng chữ: “Đây là nơi 2 tên cận vệ đã sát hại bà Indira Gandhi”. Để đảm bảo an ninh, các nơi chúng tôi đến đều phải qua máy quét người, vật dụng cá nhân và tuyệt đối không được mang máy chụp hình vào, ngay cả khu chợ ngầm Palika Bazaar cũng được kiểm tra nghiêm ngặt. Ấn độ là quốc gia rộng lớn có thủ đô Delhi xinh đẹp, nhiều khu rừng trải dài nằm ngay trong lòng thành phố. Ngày nghỉ cuối tuần chúng tôi được xe chở đi tham quan danh lam, thắng cảnh như công viên, đền đài, thành quách cổ của nước bạn, đặc biệt nổi tiếng là đền Taj Mahal được xây dựng bằng đá cẩm thạch trắng cùng nhiều loại đá quý khác…
Kỷ niệm nhớ nhất đối với tôi là trong lần tổ chức chuyến đi tham quan 1 tuần về miền Nam Ấn Độ bằng tàu lửa. Sau 1 ngày 1 đêm vượt qua 1.800km, chúng tôi nghỉ tại nhà nghỉ của cảnh sát thành phố Hyderabad, bang Andhra Pradesh. Sáng hôm sau trước giờ tham quan đập thủy điện, phía bạn dặn các thành viên không được tách đoàn vì mới có 2 du khách người Nhật bị bắt cóc. Xe chở đoàn ra khỏi thành phố thì khoảng chừng 3-4km lại thấy trên đường bị chặn lại bởi những cục đá to và cây cối. Trên xe có cảnh sát đi cùng, các anh xuống nói chuyện với đám người mặt mũi bôi đủ thứ phẩm màu xanh đỏ vàng thì họ mới mở cho xe chạy qua. Mãi đến chiều khi đoàn quay về nhà nghỉ, tôi hỏi chuyện mấy bạn người Nepal, anh bạn cười nói: “…Hôm nay là ngày Lễ hội sắc màu - Festival of Colors hay còn gọi là Lễ hội Holy nên dân tụ tập chặn xe để xin tiền và ném bột màu lên những người qua đường”. Thật là một phong tục thú vị trên đất nước bạn.
Lần xuất ngoại thứ hai
Kinh tế quốc tế hội nhập, tiếng Anh trở nên cần thiết. Sau lần làm việc của Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh với lãnh đạo Bộ Nội vụ Singapore, hai bên đã ký thỏa thuận: Singapore sẽ giúp đào tạo nâng cao trình độ tiếng Anh cho sĩ quan Bộ Công an Việt Nam.
Năm 2012 tôi lại có cơ hội đặt chân đến đất nước Ngư Sư - Merlion để tham gia khóa học tiếng Anh nâng cao. Tôi xuất phát từ sân bay quốc tế Nội Bài. Đoàn gồm 10 người đều là sĩ quan của các Cục nghiệp vụ Bộ Công an, chỉ có tôi là sĩ quan của Công an tỉnh Lâm Đồng. Trưởng đoàn là đồng chí Nguyễn Văn Năm - Đại tá, Phó Cục trưởng Cục chống khủng bố; Phó đoàn là đồng chí Bùi Trung Thành - Đại tá, giáo sư, tiến sĩ, Phó Giám đốc Học viện An ninh Việt nam. Cán bộ Cục Đối ngoại nước bạn ra đón chúng tôi tại sân bay quốc tế Changi và làm thủ tục nhập cảnh rất nhanh, sau đó xe đưa chúng tôi chạy thẳng về Trung tâm đào tạo ngoại ngữ khu vực - Regional Language Centre. Học viên đến đây từ nhiều nước như Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Lào, Trung Quốc… Các buổi giao lưu giữa các đoàn diễn ra vui vẻ. Tòa nhà 20 tầng chúng tôi ở có đầy đủ nhà hàng theo kiểu Âu - Á, thư viện, phòng học được trang bị máy tính nối mạng Internet, phòng tập gym, bể bơi và hệ thống 3 cầu thang máy. Mỗi học viên được cấp cho một thẻ quét để có thể sử dụng phòng học, phòng gym; Thầy giáo dạy tiếng Anh là người Singapore và Úc. Giáo trình học tiếng Anh chủ yếu soạn thảo để thực hành 2 kỹ năng nghe và nói. Sau một ngày học tập chúng tôi thường rủ nhau đi bộ, vì ở đây chỗ nào cũng sạch sẽ và đẹp như công viên.
Singapore có nhà lãnh đạo tài năng và tâm đức Lý Quang Diệu và đất nước này may mắn nằm ở vị trí địa lý mà hàng năm không bị ảnh hưởng sự tàn phá do thiên tai bão lụt gây ra; đất nước bạn có nền công nghiệp sản xuất hàng điện tử không thua kém Nhật Bản; công nghệ hóa dầu tiên tiến.
Sau hơn 1 tháng ở Singapore, ngoài việc học tập, tham quan và đi thực hành tiếng Anh ở các cơ sở Cảnh sát quốc gia, Trường đào tạo phòng cháy chữa cháy, Trại giam, Cơ quan phòng chống ma tuý, Trung tâm có 16.000 camera giám sát toàn bộ đường phố… Trình độ nghe nói tiếng Anh của chúng tôi tiến bộ rõ rệt.
Một tháng là thời gian đủ cho chúng tôi đi khắp nơi để khám phá, khó mà tả được cảm xúc ban đêm lên nóc tòa nhà hình con tàu Marina Bay Sands để vừa ngồi uống nước giải khát vừa xem chiếu phim, nơi họ lấy mặt nước sông Singapore làm màn hình. Ai đã đến Singapore cũng một lần muốn leo thử lên “Vòng quay cuộc đời” - Flyer - để từ trên cao quay một vòng. Người Singapore chọn con số 8 - số phát và không phải ngẫu nhiên mà lấy số 28 là 2 lần phát đạt để thiết kế ra “Vòng quay cuộc đời” với 28 cabin, mỗi cabin chứa được 28 người, mỗi vé giá 28 đô Singapre, mỗi vòng quay hết 28 phút và một ngày chỉ quay có 28 vòng. Tôi đặc biệt ấn tượng với hệ thống tàu điện ngầm MRT - Mass Rapid Transport ở đây. Chính vì thế buổi tối trên đường phố rất vắng xe cộ đi lại, bởi lúc đó con người đang sinh hoạt dưới hệ thống tàu điện ngầm, có nơi âm đến 2- 3 tầng.
Lần thứ ba kỷ niệm
Tôi may mắn được đến đất nước Ba Lan vào những ngày đầu tháng 4- 2019 theo chương trình hợp tác đào tạo giữa Tổng cục Biên phòng Ba Lan và Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Việt Nam. Từ Hà Nội chech in hãng hàng không Emirate chúng tôi mất 7 tiếng vượt qua chặng đường 5.151km để đến Dubai, nơi lệch 3 múi giờ so với Hà Nội. Từ Dubai lại mất gần 5 tiếng bay qua 4.161km để tới thủ đô Varszawa gần 12h đồng hồ ngồi máy bay. Tưởng đến thủ đô là xong, ai ngờ lại thêm 6 tiếng ngồi tàu lửa nữa để đến thành phố Núi Nai - Jelenia Góra, rồi xe của Trung tâm đào tạo chuyên gia biên phòng nước bạn chở chúng tôi về nghỉ tại resort Blue Mountain lúc 12h đêm.
10 người trong đoàn, mỗi người được bố trí một phòng khép kín có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt cho 1 gia đình của resort tiêu chuẩn quốc tế 5 sao. Đến 7h sáng hôm sau, anh Le Sech - thông dịch viên tiếng Ba Lan, có vợ người Việt Nam cùng đoàn tập trung điểm tâm rồi lên xe đến Trung tâm đào tạo chuyên gia biên phòng ở Luban. Xe băng qua những sườn đồi bạch dương, thời tiết đã vào xuân nhưng cây cối vẫn trơ trụi bao phủ bởi những đống tuyết dày trắng xóa. Dưới nắng mặt trời, phía xa những đỉnh núi tuyết lấp lánh vẫn còn chưa tan hết, nơi chúng tôi ở là resort dành cho khách du lịch đến chơi trượt và nhảy cầu tuyết.
Mất 1h để đến Luban. Đại tá Jacek Wysolanski đón chúng tôi vào lớp học. Phía Việt Nam ngoài 10 học viên, chúng tôi còn được Trung tướng Bùi Mậu Quân, Tổng Cục phó Tổng Cục An ninh đến tham quan Trung tâm và phát biểu với nước bạn, đồng thời chúc đoàn gặt hái nhiều kiến thức về áp dụng.
Trong 2 tuần chúng tôi lần lượt nghe các bài giảng liên quan thiết bị sử dụng kiểm tra các loại giấy tờ giả, cũng như các phương pháp kỹ thuật in làm giả của tội phạm. Các bài giảng đều do chuyên gia của Frontex - Tổ chức Biên phòng chung châu Âu, người Ba Lan, Latvia, Croatia, Đan Mạch truyền đạt bằng tiếng Anh.
Bài giảng về Giao lưu văn hóa thật bổ ích. Bởi lẽ hành động, cử chỉ ở mỗi nền văn hóa có thể hiểu khác nhau dẫn đến dễ bị hiểu lầm, nên sĩ quan biên phòng phải nắm rất kỹ. Ngoài việc lên lớp, đoàn được đưa đi thực tế ngã ba biên giới 3 nước Ba Lan - Đức - Séc. Công việc của đồn biên phòng biên giới là bảo vệ ngăn chặn nhập cảnh trái phép và tình trạng buôn bán người, ma túy, xe hơi và hàng hóa bị ăn cắp. Tại đây, có sự phối hợp tuần tra chung 3 bên, họ mặc quân phục, đeo súng và có thể đi qua lại biên giới của nhau. Các chiến sĩ được học và nắm vững pháp luật của mỗi nước. Có rất nhiều điều thú vị về lịch sử đất nước và con người Ba Lan mà chúng tôi gặt hái được qua những chuyến tham quan lâu đài Wojnow được xây dựng từ thế kỷ XVII.
Sau gần 2 tuần học tập ở Luban, chúng tôi đáp tàu lửa về lại thủ đô Varszawa và nghỉ tại khách sạn Novotel. Chúng tôi tiếp tục dự các buổi hội thảo và thuyết trình về “Xác định nhân thân và tổ chức bắt buộc cho hồi hương” do Tổng Cục biên phòng Ba Lan và đại diện của Trung tâm hồi hương châu Âu thực hiện. Đoàn đi thăm đồn biên phòng PSG Varszawa Okecie, thăm khu vực nhà tạm giam đối tượng nhập cảnh trái phép.
Chúng tôi đi thăm phố cổ Varszawa, nơi có con sông dài nhất Balan chảy ngang qua. Tại đây du khách đi bộ ghé những cửa hàng bán đồ lưu niệm hay đứng xem những chú bé kéo đàn Accordion. Đi thăm công viên Lazienki rộng 70ha, nơi bảo tồn di sản lịch sử hoàng gia, có cung điện mùa Hè còn gọi là Cung điện trên mặt nước của vua. Ấn tượng nhất là được ngồi trên ghế đá đã lắp đặt máy nghe nhạc để thả hồn theo những bản nhạc của Sô-panh, rồi kính cẩn nghiêng mình khi đi qua nhà thờ nơi chôn cất trái tim của nhà soạn nhạc thiên tài Ba Lan F. Sô-panh. Thể xác của ông được chôn ở Paris, nhưng trái tim luôn hướng về Tổ quốc…/.