Ký ức về một công trình: Đài tưởng niệm liệt sĩ chống pháp
TRẦN ĐỨC LỘC
1
Khách lữ hành phương xa mỗi bận đi về ngang ngã ba thị trấn Dran (huyện Đơn Dương - tỉnh Lâm Đồng) sẽ cảm thấy nơi đây thật bình thường như bao giao lộ khác. Hiện diện trong mắt mỗi người là hình ảnh một phố thị cấp huyện nhỏ bé, êm đềm nơi cao nguyên, nếu như không được đọc những dòng lịch sử cách mạng oai hùng tại đây. Có nhiều dấu ấn lịch sử độc đáo tại ngã ba Dran, nhưng đặc biệt nhất là sự kiện: Gần bốn mươi chiến sĩ cách mạng và quần chúng yêu nước bị chính quyền thực dân Pháp bắt và xử bắn trong các tháng cuối năm 1946, đầu năm 1947. Những con người đó đã hô vang khẩu hiệu trước khi chết, mà đến nay chính quyền địa phương mới truy tìm được danh tánh của chín liệt sĩ…
Nơi đây năm 1950, Nhân dân địa phương trồng cây nhãn ven đường để tưởng nhớ những người đã hy sinh năm ấy. Khoảng năm 1972, chính quyền chế độ cũ cho san dọn mặt bằng để xây một dãy nhà trệt làm Cục Cảnh sát Đơn Dương (cũ), ngoài mục đích lập chốt trấn giữ, còn ngăn chặn phong trào đấu tranh cách mạng tại địa phương - mà từ đây sẽ lan tỏa nhanh về hai hướng Đà Lạt và Bảo Lộc; chủ ý là mong cho cảnh vật nơi đây sớm đổi thay, để xóa mờ đi nỗi ám ảnh của tội ác ngày nào.
Cùng năm ấy, người dân đã truyền miệng một vài anh lính cảnh sát buông lời lẽ và hành vi xúc phạm đến những người đã khuất. Tự dưng có tảng đá mồ côi trên núi cao lăn xuống giữa ban ngày đè chết hai người. Mượn cớ cái chết này, năm 1972 Nhân dân địa phương đề nghị cho lập miếu thờ và được đơn vị đóng quân tại đây chấp nhận nhường bớt một gian nhà phụ để bố trí làm nơi hương khói, thờ tự, vừa để cho bà con đến viếng. Đồng thời qua đó thuận tiện cho việc canh phòng, kiểm tra nghiêm ngặt hơn. Để che mắt chính quyền cũ, bà con kẻ vẽ bia thờ với hai chữ “Anh Linh” (bằng chữ Hán) và chọn ngày giỗ Tổ Hùng Vương (10 tháng 3 âm lịch) làm ngày cúng giỗ hàng năm cho các liệt sĩ.
Sau năm 1975, có ông chủ lò bánh mì đến dựng nhà tá túc trong khuôn viên, định bụng nay mai sẽ tỉa bớt cành nhánh của cây nhãn đang sum sxuê trong khu đất để về làm củi đốt lò. Chưa kịp xuống tay, nào ngờ một hòn đá tảng to lăn nhẹ xuống giữa đêm khuya và đi xuyên qua cửa sổ của ngôi nhà tạm đơn sơ lúc ông đang say ngủ. Đá tuy không hại người nhưng vô tình gióng lên một lời cảnh báo răn đe người đời không được vô lễ với tiền nhân. Nhân dân địa phương càng tin về việc thờ tự hơn kể từ dạo ấy.
Vì vậy chính quyền Dran cho dựng bia tưởng niệm, ghi lại các mốc sự kiện lịch sử tại nơi này; vẫn duy trì miếu thờ, chăm sóc hương khói và giữ gìn cây nhãn tồn tại đến ngày nay.
Công trình có tên gọi “Khu tưởng niệm liệt sĩ chống Pháp, thị trấn Dran” được lập hồ sơ báo cáo đầu tư và thiết kế (6-2001). Với diện tích 483m2, nhưng không gian quy hoạch trải dài giáp mặt hai phía của tuyến đường Quốc lộ 27, nên tổng mặt bằng được bố trí thành hai khu chức năng: Khu nhà bia tưởng niệm ở bên trái để kết hợp với vị trí cây nhãn và khu giao lưu văn hóa ở bên phải (gồm: Bể cảnh, suối nước thiên nhiên, kè bê tông chắn núi, phù điêu, tượng đài, hoa viên). Ý tưởng thiết kế mong muốn: Nơi đây không chỉ để thờ tự và tưởng niệm, mà là nơi để người lớn tuổi có thể đến tập thể dục dưỡng sinh vào buổi sớm mai; trẻ con có thể vui đùa trên sân rộng đầy bóng mát trong ngày nghỉ học cuối tuần; các cháu học sinh có thể đến ôn bài luyện thi vào buổi trưa hè; hoặc thanh niên nam nữ có thể ngồi tâm tình nơi ghế đá, hoa viên lúc xế chiều; khách vãng lai cũng có thể dừng chân, viếng cảnh và chụp ảnh lưu niệm với không gian kiến trúc tượng đài của khu di tích… Thông qua các sinh hoạt của cộng đồng trên công trình, mang lại ý nghĩa cao đẹp của sự hy sinh xương máu của đồng bào, chiến sĩ cách mạng trong giai đoạn đất nước còn chiến tranh xâm lược; đồng thời từ đó góp phần nâng cao tính giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau…
Từng hạng mục công trình được thiết kế cẩn thận. Kiến trúc nhà bia cách tân từ mô típ đình chùa Việt Nam: Mái bê tông dán ngói âm dương xuôi về bốn hướng; đường diềm mái trang trí với bốn góc mái đính hoa văn. Các cột tròn hơi thắt nhỏ ở hai đầu, tạo sự thanh thoát mềm mại; mỗi chân cột là một đài sen nở rộ. Trên bàn thờ đặt bài vị ốp đá granit đen. Mặt trước khắc lõm dòng chữ “Tổ quốc ghi công” xếp theo chiều dọc, sơn nhũ vàng. Mặt sau ghi danh tánh chín liệt sĩ mới tìm được. Chân bàn có hình hai chữ C tựa lưng nhau, tạo điểm kết nối thêm bền vững. Bia di tích là cuốn sách mở, trát đá mài màu vàng, như trang sử vàng khắc ghi cô đọng nội dung các sự kiện lịch sử của di tích. Bia đặt thấp, gắn với bể cảnh, đầu sách hơi chếch cao, để người xem dễ đọc và tạo thế đứng như nghiêng mình, mặc niệm trước các anh linh. Bể cảnh âm thấp so với nền sân, lòng bể phủ lớp sơn nước pha dầu màu xanh trời - màu của sự thanh bình, hy vọng. Kè bê tông chắn núi làm phông, có nét nhấp nhô, mềm mại. Mặt phông có màu xám khói được sơn nước, kết hợp với mảng xanh trần của đá chẻ, vừa để chia tách màu xanh lá đậm đặc của núi rừng phía sau, vừa để trang trí cho không gian di tích tưởng niệm của công trình ở phía trước. Phù điêu mang chủ đề “Những đám mây ký ức”, nhằm khắc họa đậm nét những sự kiện truyền thống tiêu biểu của di tích không hề phai mờ trong tâm trí của Nhân dân địa phương.
Nổi bật là cụm tượng đài có hình khối ba cánh tay bằng bê tông cốt thép, dáng khỏe, phủ lớp sơn nước màu trắng, đặt thành ba hướng - khái quát đặc điểm địa lý của khu vực “ngã ba Dran”. Bệ đỡ tượng có hình ba trái tim, tụ lại thành bông hoa sáu cánh màu hồng tươi, đặt giữa lòng bể cảnh màu xanh trời. Phía sau là bức tường chắn đất, điểm xuyết với mảng gạch satic đỏ, trên nền màu hồng nhạt của gạch ceramic, tạo thành một hậu cảnh làm tôn vinh chủ điểm của cụm tượng và chủ đề của khu di tích. Toàn bộ cụm tượng liên tưởng đến hình ảnh những cánh tay của chiến sĩ, đồng bào đang trong vòng tù đày, xiềng xích, nhưng vẫn một lòng kiên trung với niềm khát vọng chiến thắng và hòa bình mãnh liệt. Hai cánh tay phía trước đối xứng nhau, bàn tay hơi ngửa ra hai bên, hai cổ tay bị xích (sợi xích được tạo hình từ kim loại mỏng, nhẹ, uốn cong, tạo thành những mắt xích rỗng ruột, sơn đen) - tượng trưng cho sự kết đoàn và khát vọng. Ở giữa là một cánh tay giương cao hơn, cổ tay đeo thòng một sợi xích sắt đen như vừa bị đứt; bàn tay nắm chặt lại (cao cách mặt sân 2,5m), có dáng hình tựa chú chim câu trắng cách điệu… Tất cả tạo nên hình tượng: Những cánh tay vươn lên đầy khát vọng và tự tin, xuất phát từ tâm điểm là những trái tim tràn đầy nhiệt huyết. Một bàn tay nắm lại, phá thế xích xiềng, vung cao lên giữa nền cờ đỏ thắm. Giữa làn nước trong xanh tĩnh lặng, lung linh bóng hình những cánh tay mang màu trắng trinh nguyên. Qua cơn gió thoảng, chợt nghe đâu đây như có tiếng xích sắt khua nhẹ từ quá khứ vọng về…
Ý tưởng chủ đích của nhóm tác giả (KTS. Trần Đức Lộc - chủ trì thiết kế và họa sĩ điêu khắc Đinh Thanh) mong làm sống lại một triết lý nhân nghĩa tự bao đời: Sự hy sinh cao cả của đồng bào, chiến sĩ đã kết hoa thắng lợi, đem lại thanh bình cho quê hương và cuộc sống ấm êm cho mọi người, luôn được Tổ quốc ghi công và Nhân dân đời đời ghi nhớ không quên. Trong một không gian nhỏ hẹp, lại yêu cầu tính hoành tráng và mỹ thuật cao… thật không dễ có được một giải pháp kiến trúc hoàn hảo và tâm đắc. Nhưng những người thực hiện đã tâm nguyện góp chung một tấm lòng khi làm “nhà” cho những “Anh linh” bất tử./.