Một gam màu tươi sáng
Ký sự: NINH THẾ HÙNG
Buổi sáng sớm cuối mùa mưa, chưa tới sáu giờ rưỡi, trời Bảo Lộc vừa hửng ánh ban mai, báo hiệu một ngày nắng đẹp. Con đường trải bê tông nhựa phẳng lì dẫn vào Trường THCS Phan Chu Trinh đã tấp nập học sinh đi bộ, đi xe đạp, phụ huynh học sinh đi xe máy chở con đến trường. Ai cũng khẩu trang kín mít, sau gần ba tháng học theo phương thức online, hôm nay học sinh các trường học trong thành phố Bảo Lộc được đến trường, học trực tiếp với thầy cô.
Sau gần chục năm không có dịp đến thăm trường cũ, tôi cũng hòa mình vào dòng học sinh, phụ huynh đó đến Trường THCS Phan Chu Trinh, lòng tràn ngập niềm vui.
Ngôi trường với cảnh quan khác hẳn ngày xưa
Đứng ở cổng trường nhìn tấm bảng trường chuẩn quốc gia gắn trên một trụ cổng, tôi hết sức ngạc nhiên trước sự thay đổi của ngôi trường mà mình đã có nhiều năm công tác ở đó. Những dãy phòng học cấp bốn lợp tôn thấp lè tè ngày xưa không còn nữa, sân trường đất đỏ phủ rêu trơn trượt với hai hàng phượng vĩ nổi rễ quanh gốc như những con rắn khổng lồ cũng mất đi, đám cây tràm ở cuối sân cũng đã biến mất. Thay vào đó là dãy phòng học ba tầng sơn màu vàng nhạt nhìn ra khoảng sân rộng lát gạch với những bồn xây cao trồng cây ngọc lan, bằng lăng, bàng lá nhỏ và một hai cây phượng vĩ. Văn phòng trường vuông góc với một dãy phòng chức năng hai tầng cùng khoảng sân nhỏ với các bồn cây cảnh và hoa làm cả khoảng sân trở nên tươi mát, dễ chịu. Thấy tôi lặng đứng ngắm, một phụ huynh chở con đến trường mỉm cười hỏi: “Ngôi trường thiệt đẹp phải không anh?”. Tôi gật nhẹ, “trường xây xong cũng gần chục năm rồi anh ạ, bằng ngân sách của tỉnh đấy, phụ huynh không phải đóng góp đâu”. Nói xong, chị rồ ga xe máy đi thẳng. Nhìn những em học sinh hồn nhiên, tung tăng chân sáo qua cổng trường, tôi tự nhủ, một ngôi trường với cảnh quan đẹp thế này thì chắc rằng các em học sinh đều thích đi học.
Chất lượng của trường cũng tăng cao
Tiếp tôi trong phòng làm việc, cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Kim Huế cho biết: Năm học 2021-2022 trường có 24 lớp; 1014 học sinh, trong đó có 04 lớp với 145 học sinh theo mô hình trường học mới.
Khi tôi nói rằng: Ngôi trường mình đẹp thế thì chắc học sinh rất yêu trường yêu lớp, nhờ thế chất lượng học sinh cũng tăng lên. Kết hợp cô cho biết: Trong gần 10 năm học, nhà trường đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, thiết bị dạy học phục vụ đủ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên làm việc và học sinh học tập, xây dựng được cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Trường đã đạt Giải Khuyến khích trong Cuộc thi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện do Phòng Giáo dục và Đào tạo Bảo Lộc tổ chức. Kết hợp với các hoạt động giáo dục trên lớp, giáo dục ngoại khóa, hoạt động Đội Thiếu niên Tiền phong được tổ chức chu đáo, đầy đủ tác động tốt đến giáo dục đạo đức, văn hóa cho học sinh, giúp học sinh yêu trường yêu lớp hơn.
Cô cho biết thêm:
Năm học 2020-2021 trường có: 03 học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh, 14 học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp thành phố, 03 học sinh đạt giải Khoa học kỹ thuật cấp thành phố (01 Giải 3, 02 Giải Khuyến khích). 212 đạt học sinh giỏi toàn diện trong đó có 38 học sinh xuất sắc. Kết quả chất lượng giáo dục toàn diện, học lực: Giỏi 21,1% ; Khá 48.1% ; Trung bình 29.7%, Yếu 1.1%; Hạnh kiểm: Tốt 89.2%; Khá 10.4%; Trung bình 0.4%,
Còn giáo viên thì có 01 dạy giỏi cấp tỉnh, 03 giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp thành phố. Số lượng giáo viên giỏi cấp thành phố để đạt trường chuẩn quốc gia đã khó, nhưng có giáo viên giỏi cấp tỉnh để có chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và đạt tập thể lao động tiên tiến cấp tỉnh còn khó hơn nhiều; vậy mà trường đã đạt tập thể lao động tiên tiến cấp tỉnh 3 năm liền, được nhận cờ thi đua của tỉnh ở cụm THCS. Cuối năm học trường đạt 46 lao động tiên tiến, 8 chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 01 chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Trường cũng vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen. Cô vừa nói vừa cho tôi xem quyết định.
Tôi nghĩ: Trong vòng khoảng 10 năm trường có thành tích như thế thì quả là nỗ lực không nhỏ của tập thể cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh trong trường. Không phải trường học nào cũng làm và duy trì bền vững được, việc đó phải có sự đóng góp không nhỏ của lãnh đạo nhà trường.
Như đóa dã quỳ cao nguyên B’Lao
Cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Kim Huế là người chính gốc Hà Nội, nhưng học tập và lớn lên tại vùng cao nguyên B’Lao, tốt nghiệp khoa Toán - Tin của Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt năm 1997, cô về làm giáo viên Tổng phụ trách Đội tại Trường THCS Lộc Nga, TP. Bảo Lộc. Từ năm 2005, giữa lúc trường THCS Phan Chu Trinh gặp khó khăn về mọi mặt, cô được điều về trường với cương vị phó hiệu trưởng. Cô liên tục đạt danh hiệu lao động tiên tiến và từ năm 2011 cô được bầu làm bí thư chi bộ. Với vị thế mới, cô cùng với hiệu trưởng nhà trường từng bước xây dựng mối đoàn kết trong tập thể cán bộ, giáo viên, tạo sự tín nhiệm trong phụ huynh học sinh, tầm nhìn chiến lược “tạo lập môi trường giáo dục mà học sinh và phụ huynh tin tưởng”. Góp phần không nhỏ để Trường THCS Phan Chu Trinh được tiếng tốt mà trường vốn để đạt được tập thể lao động tiên tiến cấp thành phố. Năm 2016 cô được bổ nhiệm làm hiệu trưởng của trường. Năm 2018 Trường THCS Phan Chu Trinh đạt trường chuẩn quốc gia, đạt kiểm định trường học mức độ 2. Từng bước cô điều hành, tổ chức hoạt động dạy và học để trường đạt hiệu quả cao. Từ năm học 2019-2020 đến nay, trường luôn đạt tập thể lao động tiên tiến cấp tỉnh. Năm 2020 được nhận Cờ thi đua dẫn đầu khối THCS, được nhận Bằng khen của tỉnh với thành tích 5 năm liền là cơ quan văn hóa. Đến nay trường lại được bộ Giáo dục và Đào tạo cấp Bằng khen. Thành tích của một trường đi lên từ điểm xuất phát thấp, không phải hiệu trưởng nào cũng làm được, mà hiệu trưởng là nữ thì càng hiếm hoi. Đúng như nhận định của ông Huỳnh Văn Lợi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Lộc Tiến: Trên đất đỏ cao nguyên, dã quỳ phát triển xanh tốt và khi trời mùa mưa vừa dứt thì hoa dã quỳ bừng nở, làm sáng lên cả vùng. Cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Kim Huế là một người như thế. Như một đóa dã quỳ trên cao nguyên B’Lao, mạnh mẽ và luôn hướng về phía ánh mặt trời.
Dạy học trong hoàn cảnh phải sống chung với Sars-Cov-2
Khi được hỏi về việc cho học sinh học trực tuyến trong thời gian qua, nhà trường thực hiện như thế nào? Thầy Đào Trọng Lực, Phó Hiệu trưởng của trường cho biết:
- Trong năm học trước phải nghỉ học một số ngày do dịch Covid-19, nhà trường đã thực hiện điều chỉnh kế hoạch dạy học, triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng: Dạy học trực tuyến, trên trang web và các ứng dụng khác. Ngoài ra nhà trường tổ chức các chuyên đề tin học, kỹ thuật soạn thảo văn bản; sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học; chuyên đề trường học kết nối; dạy học STEM… Cả năm có 1.254 tiết dạy ứng dụng công nghệ thông tin, đây là một hoạt động chuyên môn mà nhà trường đã thực hiện thành nề nếp.
Bước vào năm học 2021-2022, giáo viên và học sinh cũng không bỡ ngỡ lắm khi nhà trường triển khai học trực tuyến. Ban đầu có 16/ 42 giáo viên còn gặp khó khăn, nhưng đến nay thì ai cũng thực hiện tốt các tiết dạy.
Đầu năm học nhà trường đã tổ chức quán triệt, thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Hội nghị BCH Trung ương VIII (Khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện sự nghiệp giáo dục và đào tạo”, tập huấn chuyên môn, bồi dưỡng thường xuyên tiếp cận với chương trình GDPT 2018, cũng bằng phương thức trực tuyến cho cán bộ, giáo viên. Về phía học sinh, gần 70% học sinh có máy tính, hơn 30 % học sinh phải dùng điện thoại, nên dễ mỏi mắt khi theo dõi bài giảng trên màn hình nhỏ. Một vài học sinh khi ngồi học một mình thì mở cửa sổ khác chơi game. Một buổi học trực tuyến có khoảng từ 10 đến 15 học sinh vắng mặt, còn ít hơn số vắng trong tháng 10-2021.
Thầy nói thêm: Tất nhiên không thể so sánh với việc được truyền đạt kiến thức và kỹ năng sống bằng cách trực tiếp, nhưng học bằng phương thức trực tuyến cũng có hiệu quả và có tác động không nhỏ đến việc tự học, tự rèn luyện của học sinh. Khi các em được đến trường, dù trong điều kiện bình thường mới và phải thực hiện tốt 5K, nhưng hiệu quả của họat động giáo dục vẫn đạt cao hơn.
Thầy Nguyễn Văn Nhớ, chủ tịch Công đoàn của nhà trường cho biết:
- Trong điều kiện phải phòng chống dịch Sars-Cov-2, tất cả các hoạt động tập thể như sinh hoạt Đội, hoạt động chủ điểm, chào cờ… đều thực hiện trong lớp học. Giờ ra chơi, trường cử giáo viên, đoàn viên… trực, nhắc nhở học sinh không tập trung đông, nhất là ở khu vệ sinh. Chương trình phát thanh Măng non của Đội cũng liên tục nhắc nhở học sinh thực hiện giãn cách trong giờ ra chơi và các quy định phòng chống dịch.
Dù nhiều khó khăn ngay từ đầu năm học, một số hoạt động giáo dục không thể thực hiện, đến nay điều kiện học tập vẫn chưa được như những năm học trước, nhưng Trường THCS Phan Chu Trinh vẫn xây dựng kế hoạch và tìm giải pháp thích hợp để cuối năm học, nhà trường duy trì được kết quả cao và giữ vững danh hiệu tập thể lao động tiên tiến cấp tỉnh.
Rời cổng trường khi gần giữa buổi, tuy chỉ mới chấm phá một chút hiện thực sinh động của ngôi trường đang trên đà phát triển ngày càng đi vào chiều sâu, tôi cảm nhận được gam màu tươi sáng đang bừng lên trên ngôi trường xinh đẹp của quê tôi./.