Mùa xuân về với làng hoa
VÕ TRẦN PHÚ
Ngày mồng 7 tháng giêng âm lịch, là lễ khai hạ đầu năm, dân gian thường gọi là lễ hạ nêu. Tôi chọn ngày này khai bút đầu xuân mong gặp nhiều may mắn trong công việc viết báo, viết văn.
Hướng tôi về là một làng hoa ven thành phố Đà Lạt. Làng Xuân Thành, nay là thôn Xuân Thành thuộc xã Xuân Thọ. Đây là một trong năm làng hoa nổi tiếng ở thành phố Đà Lạt. Năm 2020, thôn đón bằng công nhận “Triển khai xây dựng, nhân rộng mô hình khu dân cư kiểu mẫu”. Trong chương trình thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh” của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng.
Làng Xuân Thành ngày ấy
Tôi nhớ không nhầm cách đây gần 70 năm, làng nằm sâu tít trong rừng thông, thôn xóm lưa thưa vài nếp nhà tôn rỉ sét. Ngày ấy, người nông dân làm ra từng bắp sú, củ khoai tây đều bằng sức lao động chân tay, gieo trồng và chăm sóc, rất vất vả. Thậm chí ba ngày Tết cũng phải đi tưới, tưới rau bằng đôi thùng gánh nước có gương sen, nếu không thì rau sẽ bị khô héo. Việc vận chuyển hàng hóa cũng bằng đôi vai gánh gồng, nhà nào khá giả hơn thì sắm được chiếc xe trâu kéo hàng ra đến Đường 11 (nay là Đường 27) mới giao cho xe vận chuyển.
Bà con nơi đây phần lớn là những cư dân nghèo ở đồng bằng miền Trung, họ vào đây để tìm cuộc sống mưu sinh. Trong đó có những gia đình theo cách mạng bị địch o ép, khủng bố buộc họ phải chuyển vùng lên cao nguyên. Đây là những nhân tố mà cán bộ đội công tác huyện Lạc Dương ngày ấy bắt liên lạc và xây dựng thành những cơ sở cách mạng kiên trung. Địch đã nhiều lần bắt bớ, bố ráp, ra sức xây dựng ấp chiến lược hòng cách ly không cho dân tiếp xúc với cách mạng, nhưng dân làng vẫn một mực trung thành với lý tưởng mà mình đã chọn. Địch bất lực, nên giữa năm 1968, chúng lùa hết cả làng ra ven đường xe lửa, sát Quốc lộ 27 lập nên ấp Xuân Thành ngày nay. Mục đích của chúng là “Tách cá ra khỏi nước” để dễ bề kiểm soát, khống chế những nhà cơ sở. Những năm tháng này, mối liên lạc giữa cán bộ ngoài rừng với bà con vô cùng khó khăn, phải dùng hộp thư chết. Bà con vẫn giấu gạo, muối trong các nhà phân, chòi máy tưới để nuôi cách mạng.
Xuân Thành hôm nay
Làng Xuân Thành ngày nay là một thôn trực thuộc UBND xã Xuân Thọ - thành phố Đà Lạt. Có diện tích tự nhiên 300 hecta, dân số 295 hộ, 1.740 nhân khẩu. Phần lớn bà con sống bằng nghề trồng rau, trồng hoa. Qua cuộc phát động xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, trong cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh, đời sống bà con từng bước đổi thay. Kinh tế ổn định, toàn thôn không có hộ nghèo, hộ cận nghèo. Mức thu nhập bình quân đầu người 80 triệu đồng/ năm. Phương châm sạch từ trong nhà ra đến ngõ, đường thôn sáng, xanh, sạch đẹp, hàng tháng toàn thể cán bộ thôn cùng bà con ra quân ngày chủ nhật xanh, dọn cỏ, trồng hoa, nạo vét mương, thu gom rác… Đường đi đến đâu điện kéo dài đến đó, nhờ thế bà con có điện lưới sản xuất rau, hoa nhất là khâu tưới tiêu trong công việc trồng trọt.
Ngồi sau lưng xe gắn máy của anh Lê Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thọ lượn qua những con dốc đi vào khu dân cư. Hai bên đường những ngôi nhà mới xây kiên cố mọc lên khang trang sạch đẹp, đi xa hơn về khu sản xuất thỉnh thoảng có những ngôi biệt thự mới xây bên những thửa rau bậc thang tạo nên nét chấm phá giữa núi rừng cao nguyên. Chúng tôi gặp anh Bồ Long, người trưởng thôn và bác nông dân Nguyễn Hiển đang ở trang trại: “Chào anh, chào bác năm mới, ở thôn mình ăn Tết có vui không?”. Qua cái bắt tay xã giao anh Bồ Long nói như phân trần: “Năm nay bà con ăn Tết không được vui vẻ như mọi năm, thu nhập chính ở đây là nhờ vào cây rau, cây hoa, nhưng đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng nhiều đến giá cả, nông sản không tiêu thụ được. Tuy thu nhập không bằng những năm trước, nhưng bà con cũng lo sắm Tết, vẫn duy trì những nét văn hóa truyền thống ngày xuân từ những làng quê miền Trung vào đây. Trên bàn thờ tổ tiên nhà nào cũng có mâm ngũ quả, bánh tét, đĩa mứt để đón ông bà về vui xuân với con cháu”, từ đó có câu ca:
Bánh, mứt, dưa hành, tai heo
Lai rai cho đến hạ neo thì vừa
Phong cách đón xuân của người nông dân nơi đây có một nét gì riêng, phong tục miền Trung pha lẫn chút ít Nam Bộ tạo nên cái Tết riêng biệt. Anh cho biết thêm: “Qua việc triển khai xây dựng mô hình khu dân cư kiểu mẫu, đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong cán bộ, đảng viên đến Nhân dân là một thể thống nhất. Khi dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân hưởng thụ về những thành quả của mình đóng góp, tạo nên sự đồng thuận nhất trí cao. Con đường lúc nãy anh đi qua, đó là trục đường chính xuyên qua làng. Sắp tới sẽ được trải thảm nhựa nóng, con đường có chiều rộng 6,5m, chiều dài 780m chạy dài qua các khu dân cư 1,2,3. Hiện nay đang được mở rộng và đang làm lại hệ thống thoát nước. Kinh phí đầu tư hơn 3 tỷ đồng, trong đó 50% Nhân dân tự đóng góp tùy theo diện tích canh tác của từng hộ mỗi sào đóng 970.000 đồng. Con đường hoàn thành sẽ tạo thuận lợi cho các em đi học, cho bà con vận chuyển nông sản hàng hóa dễ dàng. Ngoài ra còn những con đường nhánh về các hộ dân cư qua những sườn đồi đến các nhà lồng, chúng tôi đã kéo điện và xây dựng bằng đường bê tông xi măng, đủ để xe trọng tải dưới 3 tấn vào chở hàng.
Quay qua bác Nguyễn Hiển, lúc này ông đang nghe điện thoại từ TP. HCM, điện báo tạm nhưng cung cấp hoa các loại do dịch Covid kéo dài. Nét mặt người nông dân già vẫn trầm tĩnh, cương nghị, ông đã từng trải qua bao thử thách trong cuộc đời, kể cả lúc vào tù ra khám (ông là cơ sở cách mạng trong khán chiến chống Mỹ). Năm nay ông bước qua tuổi 78, nhưng trí óc, tinh thần vẫn luôn luôn lạc quan, trên môi lúc nào cũng nở nụ cười dù chỉ còn vài chiếc răng. Hàng ngày sáng sáng ông thường ra vườn, ra nhà lồng tưới rau, tưới hoa, tỉa cành. Ông tâm sự: “Bây giờ làm nông sướng quá chừng, toàn bằng cơ giới, từ khâu làm đất gieo trồng đến thu hoạch, vận chuyển đều bằng xe. Ngày xưa, tôi trồng rau khổ lắm, mới sáng tinh mơ, sương mù chưa tan đã ra vườn đi tưới bằng đôi gánh nước. Làm ra sản phẩm, gánh từng gánh sú lên dốc oằn vai mới đến chỗ giao hàng. Có được sự nghiệp như hôm nay, cơ ngơi như ngày nay, gia đình tôi đã trải qua những năm tháng thăng trầm, khổ ải”.
Gia đình ông mỗi năm thu nhập sau khi trừ chi phí, thu về khoản 500 triệu đồng. Cách làm của ông khác hơn những người nông dân trong thôn, sản phẩm làm ra ông trực tiếp chuyển cho chợ đầu mối ở thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh không thông qua thương lái nên tiền thu về gấp 3 lần người khác. Chia tay ông chúng tôi đến gia đình một anh nông dân trẻ, sản xuất giỏi. Đó là gia đình anh Phạm Văn Sơn ở tổ hai, năm nay 47 tuổi nhưng rất tiếc anh không có ở nhà. Việc chính của gia đình này là trồng rau, trồng hoa, thu mua hoa, đóng kiện chuyển đi chợ đầu mối. Anh đã tạo điều kiện cho hơn 10 công nhân lao động ở địa phương có công ăn việc làm thường xuyên, có thu nhập ổn định”.
Thôn Xuân Thành là lá cờ đầu trong toàn xã về xây dựng Nông thôn mới. Ông Ngô Văn Dũng bí thư, kiêm chủ tịch xã Xuân Thọ nhận xét: “Trước tiên là phải nói sự yểm trợ tối đa của hệ thống chính trị qua các nhiệm kỳ. Phát động phong trào từ tổ dân cư tiêu biểu, khu dân cư kiểu mẫu, xây dựng đời sống văn hóa nông thôn 10 năm liền được tỉnh công nhận là thôn văn hóa. Cơ sở hạ tầng nơi đây từng bước đổi thay, ngày nay áp dụng canh tác mới trong nông nghiệp tạo nên cuộc sống ổn định, mức sống ngày càng cao. Người ta thường nói: Có thực mới vực được đạo) nhờ có ăn nên làm ra nên người dân hưởng ứng mọi chính sách của Đảng và Nhà Nước, đồng thuận với chính quyền tạo nên sự cộng hưởng trong một thể thống nhất”.
Thôn Xuân Thành đang phấn đấu đạt 94 điểm trong thang điểm 80 về xây dựng mô hình khu dân cư kiểu mẫu. Tăng thu nhập từ 80-90 triệu đồng/ đầu người/ năm. Áp dụng khâu kỷ thuật vào sản xuất rau hoa, tạo nên những vườn hoa thông minh, vườn rau hữu cơ, tạo nên một làng hoa sạch, tạo nên một làng rau sạch theo nhu cầu của thị trường./.