Nam Ban thuở ấy - bây giờ
TRẦN NGỌC TRÁC
Nam Ban thuở ấy
Nam Ban là thủ phủ của Vùng Kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng một thuở. Trong tâm thức của nhiều người, Nam Ban là vùng đất dữ. “Kinh sợ”. Bởi vùng đất này người ta từng đồn rằng có cả gần 100 “tội phạm nguy hiểm” từ thủ đô “di lý” vào, bởi đây là vùng “rừng thiêng nước độc”, vì nhiều lần bị lực lượng Fulro đột kích gây rối, vì không ai hiểu về vùng đất này, bằng chính những người trong cuộc...
Vốn là phóng viên, ngay từ cuối năm 1982, tôi đã có mặt ở vùng đất này. Tôi có dịp đi nhiều, gặp gỡ không ít người lương thiện, cũng không thiếu những tội phạm, những trái tim rung cảm trước đời thực và cả sự tha hóa tận cùng của kẻ lưu lạc… Mọi ngọn nguồn đều có lý do của nó, và còn biết bao câu chuyện ly kỳ khác, như chuyện một chủ nhiệm hợp tác xã - được báo chí gắn cho biệt hiệu “Vua Mèo Vùng Kinh tế mới Hà Nội”; chuyện cúp điện cắt đài khi báo chí Lâm Đồng đề cập đến lãnh đạo công ty thương nghiệp của vùng tham ô tham nhũng… Số phận của nhiều con người một thời lầm lỡ vì những câu chuyện không đâu, rồi qua năm tháng trở thành những con người lương thiện, ăn nên làm ra, và giúp sức với đời. Tôi vẫn liên tưởng Vùng Kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng như vùng đất mới “Xibiri” của Georgi Markov; có lúc tôi nghĩ vùng đất này như “Đất vỡ hoang”, là “Sông Đông êm đềm” của Mikhail Aleksandrovich Sholokhov… mà tôi ao ước mong có nhiều thời gian hơn nữa tập trung để viết về vùng đất này. Những con người cụ thể, những câu chuyện cũng đủ tư liệu để phác thảo một cuốn tiểu thuyết đầy đặn, súc tích, phong phú mà không phải nơi nào cũng có được. Với nhiều góc khuất như thế, làm sao anh em bạn bè tôi không “kinh sợ” sao được.
Bên cạnh những câu chuyện xảy ra trên vùng đất mới bộn bề như vậy, vẫn còn nhiều điều rất cần được gợi mở công bằng. Đã nhiều lần, những chủ trương đưa dân thành phố Hà Nội, Sài Gòn lên miền ngược lao động sản xuất bằng hình thức giãn dân… không thành công. Số người bỏ quê mới về lại thành phố là điều hiển nhiên. Ngày càng nhiều người trở lại “nơi chốn xưa ngày cũ” để làm mọi ngành nghề miễn sao sống được qua ngày; sống vạ vật trên các đường phố, dưới gầm cầu, ngoài bãi rác, không hộ khẩu, không giấy tùy thân… Những năm tháng ấy, thiếu các loại giấy tờ này coi như “vô gia cư”, và sẽ trở thành nỗi ám ảnh của xã hội, cũng là miếng mồi ngon cho những kẻ gian ác muốn hoạnh họe, lợi dụng.
Sau tháng 4 năm 1976, cuộc di dân có tổ chức bắt đầu hình thành của Hà Nội với sự phối kết hợp đồng bộ chặt chẽ của tỉnh Lâm Đồng, trực tiếp là cán bộ và bà con các dân tộc huyện Đức Trọng. Ảnh hưởng lý tưởng của chàng Pavel Korchagin trong tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy!”: “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người...” Anh chàng Pavel Korchagin đã trở thành biểu tượng cho nhiều thế hệ thanh niên lên đường. Không ai từ nan nhiệm vụ được giao. Chiến tranh vừa tạm lắng, thanh niên trẻ có nhiều hoài bão, vậy là tất cả lên đường không chút ngần ngại. Những chàng trai cô gái thủ đô vào Lâm Đồng khai hoang, mở lối cho một vùng đất mới.
Nhưng khi chạm vào thực tế, mọi thứ trở nên khó khăn hơn - nhất là trong những bước đi ban đầu. Một vùng rừng núi bao la, huyền bí. Đêm đêm nghe rõ từng tiếng gầm rú của cọp, tiếng chân đi của nai rừng, gầm gừ của gấu; tiếng kêu của cú vọ. Thỉnh thoảng còn có cả tiếng súng nổ từ rừng sâu vọng về. Những âm thanh rờn rợn trong đêm làm cho bao thanh niên nam nữ của Hà Nội nằm suy tư trong lán trại. Sau 10 giờ đêm, ánh đèn điện chạy bằng máy nổ cũng phải dừng, trả lại bóng tối cho đêm. Đêm giữa thinh không, giữa núi rừng Tây Nguyên càng linh thiêng, huyền bí. Tiếng khóc của các cô gái thủ đô bắt đầu âm ỉ, rồi to dần lên, dẫu tiếng đàn guitar bập bùng của các chàng trẻ hào hoa cũng không làm cho các cô gái thủ đô nguôi ngoai nỗi nhớ nhà… Những khó khăn đó đã được kịp thời phản ảnh về Hà Nội và được lãnh đạo các cấp, các ngành và Nhân dân Hà Nội kịp thời có biện pháp khắc phục, tăng cường lực lượng chi viện cả tinh thần và vật chất cho Vùng Kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng. Vùng đất mới bắt đầu được khai hoang mở đất. Những câu chuyện tình đã nảy sinh và biết bao câu chuyện đã trở thành kỷ niệm khó quên. Tôi và gia đình tôi là người trong cuộc. Chính trên mảnh đất này, tôi đã yêu “những người Bắc Kỳ” thật sự. Họ là những con người tình nghĩa, trước sau như một. Càng gần họ, càng hiểu họ hơn. Tấm lòng yêu thương ấy đã hình thành trong tôi một tình cảm đặc biệt và không dễ gì nơi nào cũng có. Tôi vốn là người viết báo, len lỏi vào từng ngóc ngách của thôn xóm, hợp tác xã, nông trường, trạm trại…; vào tận mỗi gia đình, được ra đồng ruộng cùng họ, từng leo lên máy kéo đi theo những đường cày đầu tiên để nghe họ kể về cuộc đời; đã từng đeo bám theo chiếc car trong vùng lên Đà Lạt; những đêm bên ngọn đèn dầu để nghe cô giáo xa Hà Nội đọc thơ cho nghe; chia sẻ những khó khăn cùng xã viên, công nhân nông trường… Họ để lại ấn tượng sâu đậm trong tôi. Đến ngày 28/7/1987, Vùng Kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng cùng 5 xã của huyện Đức Trọng hợp thành huyện mới Lâm Hà. Và thời gian cũng lắng đi, Vùng Kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng ngày nào bây giờ là thị tứ sầm uất, đời sống đã nâng dần lên, nhiều thế hệ con em sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này đã trở thành những công dân tốt và có ích cho xã hội. Một “Xibiri”, một “Sông Đông êm đềm”… của Việt Nam cũng oằn mình trỗi dậy. Và tôi tin, người Hà Nội trên quê mới Lâm Đồng mãi là những con người đáng yêu.
Nam Ban bây giờ
Trở lại Nam Ban những ngày này mới thấy hết sự đổi thay của một vùng đất xưa kia của người Hà Nội. Những con đường đất đỏ, bụi mù trời ngày nào, nay là những con đường nhựa phẳng lì, rộng thênh thang; những lối đi vào các thôn xóm được đổ bê tông dày 30cm. Những ngôi trường mái tôn, vách gỗ xưa kia, bây giờ là những dãy nhà dài, được xây dựng thành ba, bốn tầng khang trang, bề thế; có sân vườn rộng rãi cho thầy cô và các em học sinh học tập, sinh hoạt thuận lợi. Hàng trăm, hàng ngàn ngôi nhà mới xây, không phải vài ba trăm triệu mà cả vài tỷ, thậm chí hơn cả chục tỷ đồng, đẹp không thua gì những biệt thự trên thành phố. Người lao động nghèo một thời, nay là những ông chủ có cơ sở kinh doanh hoành tráng; thu nhập mỗi năm vài ba tỉ đồng không còn là ước mơ nữa. Nhiều hộ dân đã sắm ôtô bạc tỷ để đi lại, các cơ sở rửa xe ngày nào ngồi đếm lá cây, giờ không còn thời gian để ăn một tô phở cho ấm lòng, công việc từ mờ sáng đến khuya.
Ngôi chùa Linh Ẩn nằm bên cạnh Thác Voi với bức tượng Quan Thế Âm cao gần 71 mét sừng sững; tháp chuông nhà thờ Nam Ban giờ cững được nâng cấp oai nghiêm giữa trời xanh mây trắng. Được sự giúp đỡ của lãnh đạo Huyện, Ban Tuyên giáo, Trung tâm Văn hóa Thông tin, Phòng Văn hóa thông tin và các xã, thị trấn; 31 thành viên là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam đang dự Trại sáng tác tại Đà Lạt, Chi hội Văn học Nghệ thuật Lâm Hà… đã có một chuyến đi thực tế gặt hái những thành quả ngoài mong đợi. Đoàn được gặp gỡ ông Đặng Văn Cam - chủ nhân của trang trại ớt chuông, mỗi năm trừ chi phí cũng kiếm được 2 tỷ đồng; ông Hòa - người đầu tiên mạnh mẽ đưa cây mắc ca vào vườn trồng, nay có một cơ ngơi ai thấy cũng thích; thăm trang trại bò sữa Tân Hà; được lãnh đạo xã Đạ Đờn cho đi xem làng thổ cẩm và dự đêm múa hát cồng chiêng rất mộc mạc của bà con các dân tộc K’Ho ở thôn Dam Pao; cử tọa là văn nghệ sĩ ở xa đến thêm thích thú; được Trưởng phòng văn hóa thông tin Chế Phương Nam trực tiếp đưa đến cơ sở sản xuất chế biến và kinh doanh cà phê sạch Tám Trình ở xã Gia Lâm. Một khung cảnh nên thơ, được nhìn ngắm toàn cảnh thị trấn Nam Ban với Thác Voi hùng vĩ; được đón những hạt bụi sương từ thác bay lên nhè nhẹ và cả âm thanh ầm ào của mùa mưa thác đổ. Mục sở thị quá trình nuôi tằm ươm tơ lấy kén dệt lụa của cơ sở Cường Hoàn Sik nổi tiếng; được thưởng thức những món thịt gà béo, chắc của nông dân Nam Ban nuôi; được nghe lại những ca khúc viết về vùng đất mới Nam Ban do chính những người con của Nam Ban thể hiện. Mọi người cùng nhau đồng thanh ngân lên từng giai điệu một thời đi mở đất. Không dừng lại ở thị trấn Nam Ban, đoàn còn được đến thăm cơ sở sản xuất Phương Minh Farm ở xã Mê Linh, được tham quan Khu du lịch Cà phê Chuồn Chuồn ở trên cao…
Nam Ban bây giờ, Lâm Hà hôm nay đã trở mình mạnh mẽ. Những thay đổi từng ngày đang làm cho vùng đất này thêm khởi sắc và hứa hẹn nhiều mùa vàng bội thu mới trong tương lai!./.