Nam Hà đổi thay
VÕ TRẦN PHÚ
Năm mươi năm trước, tôi theo bước chân anh bộ đội tiến về thị xã Đà Lạt, làm nên cuộc tổng tiến công và nổi dậy thần kỳ. Những cánh rừng dầu, rừng thông lưa thưa che chở cho đoàn quân đi xuyên qua các buôn Pi Ông Tô, Bờ Xua, Nam Ban hoang tàn đổ nát. Địch tháo chạy, chúng lùa hết đồng bào vào khu tập trung để dễ bề kiểm soát. Tôi trở lại con đường này và chứng kiến biết bao điều đổi thay mới mẻ. Con đường 725B dài 22km chạy xuyên qua ba xã Đạ Đờn, Phi Tô, Nam Hà và thị trấn Nam Ban, đã được Nhà nước đầu tư, nâng cấp, mở rộng kinh phí lên đến 125 tỷ đồng. Dừng chân ở xã Nam Hà (Nam Ban - Lâm Hà) là một xã vùng kinh tế mới, được tách ra từ thị trấn Nam Ban. Với diện tích tự nhiên 2.345ha, đất sản xuất 1.850ha, trong đó cà phê là cây trồng chủ lực chiếm 1.500ha, phần diện tích còn lại bà con trồng cây dâu tằm và rau, hoa.
Theo chân người cán bộ Văn phòng Đảng ủy xã Nam Hà, tôi đến thăm một gia đình nông dân ở thôn Sóc Sơn. Điều trước tiên đập vào mắt tôi là chiếc cổng thôn được làm bằng sắt. Ban đêm cổng được khóa lại, mỗi hộ trong thôn giữ một chìa. Ngoài ra, còn có một camera an ninh theo dõi (Nhân dân tự đóng góp và trang bị). Lối đi đường vào thôn được thảm bê tông xi măng, hai bên đường nhà nhà trồng cà phê, dâu tằm và chăn nuôi. Đời sống của phần lớn bà con ở đây đã khá ổn định với nhà xây kiên cố, tường rào, sân phơi, trong nhà có nhiều xe máy, tivi, tủ lạnh…
Thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới, Nam Hà tập trung vào một trong những chỉ tiêu chính là xây dựng những tuyến đường bê tông nông thôn. Có đường lưu thông dễ dàng đã tạo thuận lợi cho bà con giao thương, vận chuyển nông sản phẩm nhanh chóng. Con em đến trường, người già đi trạm xá không phải khổ cực như trước đây. Từ đó, Nhân dân gắn bó với mảnh đất trên vùng cao Tây Nguyên đầy nắng bụi, mưa dầm. Người đi đầu trong việc vận động bà con hiến đất làm đường là gia đình anh Lương Văn Toàn và vợ là Lương Thị Vinh, hai vợ chồng đều là đảng viên. Chị Vinh nói với tôi: “Ngày chúng em vào đây (1996) vùng này còn hoang sơ, công việc kiếm sống là đi làm thuê cho bà con, nhiều đêm đi làm về trời mưa, đường trơn trượt, cuộc sống vô cùng khó khăn, vất vả”. Thời gian trôi đi, với lòng quyết tâm gắn bó với mảnh đất này, mảnh đất đã thấm đẫm mồ hôi, nước mắt bao năm qua, gia đình anh chị đã khai hoang trồng được 2,3ha cà phê, 2 sào dâu tằm. Cuộc sống ổn định, nhà xây kiên cố, trung bình mỗi năm thu nhập trên dưới 500 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lại 400 triệu đồng. Việc xây dựng tuyến đường bê tông trong thôn dài 3,5km do bà con tự đóng góp và Nhà nước hỗ trợ một phần. Gia đình anh chị đã góp 65 triệu đồng và ứng ra 70 triệu đồng cho bà con vay mượn, ngoài ra anh Dương và chị Vinh còn đi vận động, thuyết phục bà con hiến đất làm đường.
Ven tuyến Đường 725B còn có trang trại của anh Đặng Văn Mười ở thôn Nam Hà chuyên sản xuất rau hoa công nghệ cao. Trong nhà lồng rộng 4.000m2, anh đã trồng 1.000m2 cà giống sôcôla và 3.000m2 ớt , theo tiêu chuẩn rau sạch. Ngoài ra anh còn có 1ha cà phê robusta. Hàng năm, thu nhập sau khi đã trừ chi phí, thuê nhân công, vật tư; anh còn lãi 400 triệu đồng. Tôi hỏi vui: “Chừng nào anh xây nhà mới?”. Anh trả lời rất e dè “Dạ, chắc cũng phải một, hai năm nữa, chờ khi công việc sản xuất dần đi vào ổn định, em sẽ mời bác xuống mừng tân gia”.
Từ ngày được tách ra từ thị trấn Nam Ban, bộ mặt nông thôn ngày càng càng đổi thay. Những ngôi nhà đẹp nằm đan xen giữa đồi cà phê bạt ngàn, nằm ven trục lộ ở nơi đây không phải là hiếm. Ước tính sơ bộ cũng phải gần 150 ngôi nhà được xây kiên cố và trên 400 căn hộ có nhà cấp 4 trở lên. Những ngôi nhà gỗ rách cũ kỹ đã dần đi vào dĩ vãng. Thu nhập tính bình quân trên toàn xã năm qua đạt 41,5 triệu đồng/ đầu người. Tổng thu ngân sách Nhà nước trong năm qua là 2 tỷ 984 triệu đồng, đạt 174% kế hoạch huyện giao. Trên địa bàn toàn xã đã thực hiện chuyển đổi 45ha cây cà phê già cỗi, sâu bệnh, năng suất kém để thực hiện tái canh cây cà phê và trồng một số loại cây hoa màu khác như tiêu, rau, hoa. Năm nay, xã đăng ký tham gia dự án sản xuất cà phê bền vững VnSAT, bước đầu thực hiện tại hai thôn Hai Bà Trưng và Nam Hà. Dự án sản xuất cà phê công nghệ cao, thực hiện tại 2 thôn Hoàn Kiếm 2 và 3. Cuộc sống ở xã có nhiều đổi thay, tuy nhiên vẫn còn những hộ nghèo và cận nghèo, do hoàn cảnh khó khăn neo đơn, tật nguyền nên hàng năm xã phải hỗ trợ cho 43 hộ nghèo và 99 hộ cận nghèo.
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, xã Nam Hà được nhận tài trợ từ quận Hai Bà Trưng và quận Hoàng Mai - thành phố Hà Nội, với số tiền 20 tỷ đồng để xây dựng một ngôi nhà trẻ khang trang, tạo điều kiện cho các cháu có nơi học tập vui chơi thoáng mát, với đầy đủ tiện nghi. Nói đến công trình giao thông nông thôn không thể quên sự đóng góp của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do anh Vũ Thanh làm Giám đốc. Tổng chiều dài tuyến đường nông thôn trong toàn xã dài 27km, đều do đơn vị anh thi công. Đây là một “tỷ phú chân đất”. Vũ Thanh sau khi rời quân ngũ, là một thương binh, vào vùng này đã trên 20 năm. Ban đầu đi làm thuê, làm mướn và cũng đã một lần vấp ngã tiêu tan sản nghiệp. Nhưng với quyết tâm của người lính, anh đã tự đứng lên trên mảnh đất này để xây dựng lại cuộc sống mới. Hiện nay, anh là Ủy viên HĐND xã Nam Hà. Ngoài việc thi công các công trình xây dựng, gia đình anh còn trồng 6ha cà phê robusta, hàng năm thu nhập trên dưới một tỷ đồng. Anh là một trong những “mạnh thường quân” đi đầu trong toàn xã về việc đóng góp xây dựng công trình phúc lợi cho xã, thôn. Với những việc mang yếu tố tâm linh như xây dựng đền thờ thần làng, đền thờ dòng họ Vũ ở thôn, anh đã nhiệt tình hiến đất để xây dựng. Xã Nam Hà phát triển đi lên, từng bước thay da đổi thịt không thể không nhắc đến vai trò lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong xã. Với phương châm “Đoàn kết, nhất trí trong hệ thống Đảng, chính quyền trong toàn xã là tiền đề, và là chìa khóa mở ra những góc khuất, trong việc xây dựng Nông thôn mới, từ đó tạo nên diện mạo mới, bức tranh đa sắc trong cuộc sống nông thôn ở vùng sâu của tỉnh”./.