Ngày xuân nói chuyện Trường Sa

TAP CHÍ LANGBIAN|1/30/2023 3:36:05 PM

Ngày xuân nói chuyện Trường Sa

THANH NGUYÊN

 

Những ngày cuối năm, nhìn đồng nghiệp tất bật hành trang cho chuyến đi công tác Trường Sa, lòng tôi chợt bâng khuâng đến lạ. Với tôi, hình ảnh chuyến tàu chở mùa xuân ra đảo năm ấy cứ vận vào mình như một mối lương duyên tiền định. Lần ấy, đến với Trường Sa, tôi đã cảm nhận được sự thiêng liêng của lễ chào cờ trên đảo, cảm nhận được vị mặn mòi nhưng rất đỗi ân tình của biển, sự nồng ấm của tình quân - dân. Tất cả cứ hằn lên trong miền ký ức không thể nào quên…

Cuối năm 2013, khi phố núi rục rịch chuyển mùa, khi cánh phóng viên nhà báo chuẩn bị làm đề cương cho báo xuân, báo Tết thì tôi và phóng viên Văn Thế, Bùi Trung của Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng nhận nhiệm vụ đi công tác tại quần đảo Trường Sa. Khi nhận thông tin này, trong tôi trào dâng một cảm xúc rất lạ, vừa háo hức, lo lắng nhưng cũng cảm thấy tự hào vì không phải ai cũng được đi, đến Trường Sa - vùng đất rất thiêng liêng của Tổ quốc. Chờ đợi rồi cũng đến ngày xuất hành. Chia tay phố núi, chúng tôi được xe của nhà Đài chở đến Quân cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Lưu lại nhà khách của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân một đêm, sáng hôm sau, đoàn nhà báo khắp cả nước dự lễ giao quân đầy trang nghiêm và xúc động. Hình ảnh các anh bộ đội Hải quân áo mũ chỉnh tề, lòng đầy quyết tâm vẫy tay chào người thân, gia đình để nhận nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng biển đảo của Tổ quốc đã khiến nhiều người xúc động. Đã có giọt nước mắt của người thân, có sự ngậm ngùi trong giờ chia tay của những người mẹ, người chị, người vợ, em gái… nhưng đó chỉ là những cảm xúc nhất thời bởi họ hiểu rằng, tình cảm cá nhân chỉ trọn vẹn khi những người lính hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc, với biển đảo thiêng liêng.

 Ba anh em chúng tôi tranh thủ ghi hình, phỏng vấn để chuyển tải những hình ảnh của buổi lễ giao quân về để kịp phát chương trình thời sự trưa của Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng. Đến 10h trưa, buổi lễ kết thúc, con tàu HQ 996 của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân bắt đầu đạp sóng ra khơi. Ba anh em chúng tôi ở chung phòng với các anh Hữu Cầu, Quốc Phong là cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa, anh Lê Đức Quang, nhạc sĩ Huỳnh Liên hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa. Tàu chưa ra khỏi vịnh Cam Ranh, cánh phóng viên nhà báo ai cũng háo hức bởi trước mặt là khung cảnh sóng yên, biển lặng. Trong điều kiện, thiên thời, biển lợi này, anh em báo chí tranh thủ chụp hình, quay phim tác nghiệp càng nhiều tư liệu càng tốt. Tuy nhiên, khi tàu ra khỏi vịnh Cam Ranh, gió giật mạnh, sóng to, những cơn sóng liên tiếp vỗ vào hai bên mạn thuyền khiến con tàu HQ 996 chao đảo, lắc lư. Rất nhiều phóng viên nhà báo phải về phòng của mình không tác nghiệp được vì đã thấm mệt và say sóng. Một số ít anh em còn lại đi quanh hành lang của con tàu chụp hình sinh hoạt, nơi ăn ở của chiến sĩ, phóng viên. Tôi và phóng viên Văn Thế, Bùi Trung may mắn không bị say sóng nên vẫn còn có thể đi tác nghiệp trên tàu HQ 996. Tranh thủ phỏng vấn các đồng chí lãnh đạo Vùng 4 Hải quân, chiến sĩ lần đầu ra nhận nhiệm vụ tại Trường Sa, đặc biệt là ghi hình tại các phòng điều hành, chỉ huy tàu. Vừa làm phóng sự truyền hình nhưng tôi còn kết hợp với nhà báo Văn Thế cùng làm chương trình phát thanh trực tiếp bằng cách gọi điện thoại cho phòng thu của Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng. Những chương trình phát thanh được phát sóng một cách đều đặn hàng ngày trên sóng phát thanh của Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng đã giúp cho thính giả rõ hơn về chuyến hải trình đến với Trường Sa của anh em chúng tôi.

Hai ngày lênh đênh trên biển, những trải nghiệm thú vị cũng đã được nếm trải. Hồi hộp và nguy hiểm nhất đối với tôi có lẽ là những lần từ tàu HQ 996 xuống xuồng CQ để vào các điểm đảo. Chỉ một động tác đơn giản là bước từ tàu lớn xuống xuồng nhưng nếu thực hiện không dứt khoát thì chúng tôi sẽ gặp tai nạn do sóng đẩy xuồng va vào tàu lớn. Do đó, đối với những người đi Trường Sa lần đầu thì luôn phải tuân thủ hiệu lệnh của lực lượng bộ đội hướng dẫn trên tàu.

Đi Trường Sa với những người bị say sóng thì có lẽ đây là chuyến đi khó quên. Lênh đênh trên biển, khi xuồng CQ đưa bộ đội, phóng viên đến các đảo như Nam Yết, Sơn Ca, Đá Nam có nhiều phóng viên chưa thể tác nghiệp được bởi tình trạng say sóng vẫn cứ tiếp diễn. Tuy nhiên, vượt qua sự mệt mỏi có lẽ không ai có thể bỏ qua một nghi lễ thiêng liêng trang trọng nhất trên các đảo đó chính là lễ chào cờ. Dưới cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc, nghi thức duyệt binh mang khí thế oai hùng được tiến hành trang nghiêm thể hiện sức mạnh, khí phách của bộ đội Hải quân.

Đến Trường Sa, chúng tôi gom về cho mình một trời kỷ niệm. Nếu như lễ chào cờ trên đảo làm cho cánh phóng viên nhà báo thấy được sự trang nghiêm và thiêng liêng thì đời sống cán bộ chiến sĩ, những vườn rau xanh, những chú heo, bò mập ú trên đảo đã khiến chúng tôi ngạc nhiên, phấn khởi. Chúng tôi thật sự nể phục bởi dưới thời tiết khắc nghiệt của biển đảo, nơi đó nắng gió bủa vây, vậy mà bằng những nỗ lực của người lính đảo, những vườn rau xanh vẫn cứ đua nhau mọc lên như thách thức sự nghiệt ngã của thiên nhiên. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Nhà nước, đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội Trường Sa không ngừng được cải thiện. Ấn tượng nhất là khi đoàn đến với đảo Song Tử Tây. Nơi đây là địa điểm dừng chân lâu nhất của đoàn. Ngoài việc tạo điều kiện cho anh chị em phóng viên tác nghiệp, đội ngũ nhà báo còn được tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao với cán bộ chiến sĩ trên đảo. Những lời ca mộc mạc, bình dị, những trận giao hữu bóng đá, bóng chuyền giữa đoàn nhà báo với cán bộ chiến sĩ trên đảo đã diễn ra trong không khí vui tươi, cởi mở nhưng thắm tình đoàn kết.

Chuyến đi Trường Sa năm ấy với tôi là “mảnh đất màu mỡ” để tác nghiệp. Là người lần đầu đi Trường Sa nên thấy cái gì cũng hay, cái gì cũng muốn viết. Từ đời sống của người lính, những lá thư viết tay của bộ đội Hải quân, những hàng dừa trên đảo Nam Yết, không khí đón Tết ở các điểm đảo, cho đến những lớp học trên đảo đều để lại trong tôi niềm thương nhớ bâng khuâng. Kết thúc chuyến hải trình đến với Trường Sa, tôi đã “lận lưng” cho mình 9 phóng sự truyền hình và 12 phóng sự vộng với chương trình phát thanh tổng hợp. Điều tâm đắc nhất là sau chuyến đi này, lần đầu tiên tôi có bài viết về Trường Sa với tác phẩm Người thầy giáo 3 trong 1 đoạt Giải báo chí tỉnh Lâm Đồng.

Kết thúc hải trình đến với Trường Sa, chúng tôi về với phố núi Đà Lạt khi mùa xuân đã chạm ngõ yêu thương. Còn nhiều và nhiều lắm những kỷ niệm khó quên trong chuyến hải trình đến với Trường Sa lần này. 28 ngày đêm đến với Trường Sa là một chuyến hải trình đáng nhớ. Trong chuyến hành trình ấy, điều tôi luôn mang theo bên mình là mạch nguồn cảm xúc, là niềm tin, tự hào và lòng biết ơn vô hạn. Tôi tin rằng, với phương châm “Trường Sa vì cả nước, cả nước vì Trường Sa”, khoảng cách giữa đất liền và hải đảo sẽ thu hẹp, chủ quyền biển đảo sẽ được bảo vệ vững chắc. Đi Trường Sa là để tiếp thêm sức mạnh, niềm tin, để bồi đắp thêm nữa tình yêu biển đảo một cách trọn vẹn và nghĩa tình. Với tôi, Trường Sa là nơi đến, nơi tôi trải nghiệm và tôi sẽ nhớ mãi trong cuộc đời mình./.

 

 

 

 

Ngày xuân nói chuyện Trường Sa