Người “cãi mệnh trời”
THÀNH NAM
Không sinh ra ở Việt Nam, chẳng có một người thân thích ruột thịt trên mảnh đất hình chữ S; Chuẩn bị trở thành Phó Hiệu trưởng một trường đại học ở Hàn Quốc, nhưng tiến sĩ Choi Young Suk cùng chồng là ông Kwon Jang Soo - Giám đốc kinh doanh của một hãng ôtô, đã từ bỏ tất cả để đến Việt Nam giúp đỡ những đứa trẻ khiếm thính, thiểu năng bằng chương trình giáo dục đặc biệt. Câu nguyện của bà Choi và ông Kwon không chỉ vượt ra khỏi biên giới, lãnh thổ và sự tử tế bình thường mà còn thể hiện một ý chí, quyết tâm “cãi mệnh trời” cho trẻ khiếm thính, câu chuyện làm cho người nghe xốn xang cảm xúc và trĩu nặng những nhớ thương.
Quyết định "không bình thường"
Đà Lạt những ngày đầu tháng ba, xuân đã cạn ngày, hạ bắt đầu đã trở giấc. Trên những tuyến đường chưa đi đã mỏi, phượng tím cứ lả lơi theo chiều gió. Trong căn nhà thuê ở đường Nguyễn Khuyến, Phường 5, Đà Lạt; bà Choi và ông Kwon vẫn mải mê giúp đỡ những đứa trẻ khiếm thính bằng một tình cảm đong đầy khó lý giải. Với ngôn ngữ tiếng Việt chưa sành sõi, tiến sĩ Choi đã kể cho tôi nghe về câu chuyện đời mình với những tình tiết hấp dẫn “Đó là hành động xuất phát từ trái tim. Từ Hàn Quốc sang Việt Nam sinh sống, có người bảo vợ chồng tôi không bình thường. Nhưng không sao cả, chúng tôi biết mình đang làm gì”. Bà Choi nói về hành trình của mình bằng cảm xúc rất tự tin.
Cảm hứng từ một chuyến tu nghiệp
Năm 2006, lúc đó bà Choi có chuyến tu nghiệp về giáo dục đặc biệt tại Nhật Bản. Khóa học này do một giảng viên người Anh phụ trách. Kết thúc khóa học, vị giảng viên quyết định ở lại nước Nhật để giúp trẻ khiếm thính. Điều này đã gợi cho bà Choi nhiều suy nghĩ. Sau chuyến tu nghiệp, bà Choi bàn với chồng, hãy đến quốc gia nào đó để giúp đỡ họ. Và Việt Nam là điểm đến của bà Choi và ông Kwon.
Khi được sự đồng tình của chồng mình, năm 2009 tiến sĩ Choi đã liên hệ với Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Lâm Đồng, Trường Khiếm thính và Trường Thiểu năng Hoa phong lan Đà Lạt đến làm việc với Trường Đại học Daegu và ngành Giáo dục thành phố Busan - Hàn Quốc. Trong chuyến thăm và làm việc ấy, tiến sĩ Choi đã giới thiệu về chương trình giáo dục đặc biệt cho những vị khách mời đến từ Việt Nam. Vậy là đôi vợ chồng đến từ Hàn Quốc đã có mặt tại Việt Nam. Những câu chuyện về họ vẫn cứ lôi cuốn và khiến người nghe đậm đà cảm xúc. “Trước khi qua Việt Nam, tôi cùng vợ đến nhiều nơi ở Hàn Quốc và mang theo cuốn sổ. Chúng tôi gặp gỡ bạn bè, doanh nhân ở Hàn Quốc bảo họ ký tên vào đó với một đề nghị đặc biệt: Trong cuộc đời bạn hãy hứa rằng sẽ đến Việt Nam một lần và giúp đỡ trẻ khuyết tật ở đó”. - Ông Kwon Jang Soo trải lòng.
Đa dạng hóa hoạt động cho trẻ khiếm thính
Nam Tây Nguyên ngày gió lạnh, Trường Khiếm thính Lâm Đồng hôm ấy rộn ràng đón hai vị khách đặc biệt đến từ Hàn Quốc - tiến sĩ Choi Young Suk và ông Kwon Jang Soo. Điều thú vị là đi cùng ông bà, còn có cả 2 xe tải đồ dùng học tập dành cho trẻ thiểu năng, khiếm thính. Đồ dùng này được vợ chồng tiến sĩ Choi dùng tiền của mình để mua cho những đứa trẻ kém may mắn. Không có chỗ để, tiến sĩ Choi đã thuê một căn nhà tại Đà Lạt để vừa ở, vừa để dụng cụ học sinh.
Với mong muốn trẻ phản ứng với ngôn ngữ, các phương pháp kích thích cho trẻ giao tiếp được cô giáo Choi thực hiện ngày một nhiều hơn. Thay vì chỉ dạy bằng ký hiệu hoặc múa dấu thì tiến sĩ Choi cho học sinh trải nghiệm bằng nhiều hình thức. Ngoài ngôn ngữ của cơ thể, tiến sĩ choi cho trẻ khiếm thính được nghe nhạc, chơi game, làm đồ chơi, các món ăn mà trẻ khiếm thính được ăn hằng ngày. Chính sự chân thành của cô Choi đã chạm đến trái tim của học sinh và giáo viên Trường Khiếm thính Lâm Đồng. “Cô Choi đã dùng cả trái tim khối óc để làm việc và giúp đỡ cho Trường Khiếm thính Lâm Đồng. Là một người rất giỏi chuyên môn, ngoài việc tập huấn, cầm tay chỉ việc cho giáo viên, cô còn dạy cho học sinh kỹ năng giao tiếp, định hướng nghề nghiệp”. - Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Minh - Hiệu trưởng Trường Khiếm thính Lâm Đồng nhớ như in về các phương pháp và sự nhiệt tâm, nhiệt tình của tiến sĩ Choi.
Những hoạt động, những phương pháp mà tiến sĩ Choi dành cho trẻ khiếm thính ở Trường Khiếm thính Lâm Đồng đều hướng đến sự linh hoạt, đa dạng về hình thức nội dung, không bị gò ép trong không gian nhất định. Tiến sĩ Choi trao đổi với chúng tôi bằng tinh thần rất cởi mở: “Tôi đề nghị nhà trường tổ chức những chuyến đi dã ngoại cho trẻ khiếm thính. Trong chuyến đi này các em được ghi lại lại hình ảnh của mình. Khi về nhà, những hình ảnh này được cho trẻ khiếm thính xem lại. Nhìn thấy những hình ảnh của mình trong các bức ảnh, các clip sẽ kích thích trẻ bật thành lời nói. Đây là sự kích thích không ép buộc, điều này giúp trẻ khiếm thính mạnh dạn hơn, năng động hơn trong sinh hoạt hằng ngày”. Bên cạnh việc thêu tranh, tiến sĩ Choi hướng dẫn các em làm những cái buộc tóc nhỏ xinh, hay những bánh xà bông duyên dáng. Để cho học sinh Trường Khiếm thính Lâm Đồng thấy mình có ích, cô Choi mang những sản phẩm ấy đi bán cho bạn bè và đồng nghiệp của mình, sau đó dùng số tiền này mua thêm dụng cụ phục vụ học tập như bóng đèn, ghế tựa…
Nhận thấy điều kiện học tập của trẻ khiếm thính còn khó khăn, tiến sĩ Choi lập thư viện có tên Giấc mơ ngay tại trường để các học sinh có thêm điều kiện học. Nhận thấy sự khó khăn của Trường Khiếm thính Lâm Đồng, cô Choi đã đến nhà bạn bè của mình mượn các vật dụng như: Bàn, ghế, lò sấy hoa khô, trà, để giúp học sinh có thêm đồ dùng hướng nghiệp. Đích thân tiến sĩ Choi đi mua rèm cửa về tự may và trang trí cho trường, hàng quý, hỗ trợ kinh phí giúp học sinh tổ chức sinh nhật tập thể…
Câu chuyện về tiến sĩ Choi là câu chuyện gắn với giáo dục đặc biệt, nó làm cho người nghe đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Với sự đồng hành cùng với các tình nguyện viên từ Hàn Quốc, tiến sĩ Choi đã xây dựng Trung tâm Hỗ trợ giáo dục đặc biệt tại Đà Lạt với kinh phí trên 20 tỷ đồng. Tình yêu trẻ khiếm thính đã làm nên điều kỳ diệu trong hành trình của bà Choi và ông Kwon ở Việt Nam. Không chỉ riêng Đà Lạt, Lâm Đồng, bà Choi đã nhận lời đề nghị của một thầy giáo để hỗ trợ Trường Phổ thông Cơ sở xã Đàn ở Hà Nội trở thành một trung tâm về dạy trẻ khiếm thính tại các tỉnh phía Bắc. Vậy là bà Choi và ông Kwon lại có thêm một nơi nữa để đi, để đến và để giúp đỡ những phận đời nhiều trái ngang trên đất nước Việt Nam - nơi mà ông, bà xem như quê hương thứ hai của mình.
Thắp lên hy vọng
Hôm nay, bà Nguyễn Thị Phượng đến từ thôn Hương Thuận, xã Đạ Lây, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng cùng đứa cháu của mình khăn gói đến Đà Lạt. Gia đình bà có 7 người, mà 4 người bị khiếm thính, đứa cháu trai 5 tuổi Phạm Chí Tài cũng bị câm điếc sâu. Tưởng chừng như vô vọng, nhưng có một ngày cách đây chưa lâu, khi bà Phượng xem trên tivi, bà biết thông tin có người phụ nữ từ Hàn Quốc với chương trình Giáo dục đặc biệt có thể can thiệp cho người câm điếc như cháu Tài có thể nghe nói được. Một tin vui, dù chưa biết thực hư thế nào nhưng đã ánh lên hy vọng cho người phụ nữ trải qua muôn vàn đắng cay như bà Phượng. “Lúc đầu thì còn hoài nghi lắm, không biết có chữa được hay không, nhưng vì thương cháu nên cứ việc tìm tới cô Choi. Cháu học được hơn 2 tháng, đã tiến bộ hẳn. Đã biết đọc những từ quen thuộc như các loại trái cây, biết gọi mẹ, vòng tay chào người lớn...”
Mỗi tuần hai buổi bà Phượng dẫn cháu ngoại của mình vượt 200km từ Đạ Tẻh lên Đà Lạt nhờ tiến sĩ Choi dạy học. Vì thương hoàn cảnh khó khăn, tiến sĩ Choi đã cho 2 bà cháu ở lại nhà của mình để tiện cho việc học hành của Tài. Cháu Tài ngày càng nói nhiều hơn, nghe nhiều hơn. Vậy là bà Phượng có thêm hy vọng mới.
Nếu như cuộc đời bà Phượng đã lém màu cơ cực thì hoàn cảnh gia đình anh Hồ Tuấn Tràng ở Đà Lạt vẫn không khá hơn là mấy. Cháu Hồ Vũ Tuấn Anh - con trai anh Tràng sinh ra đã thiếu tháng, đi lại rất khó khăn, 4 tuổi nhưng chậm nói. Thương con, anh Tràng tìm đến tiến sĩ Choi nhờ can thiệp với chương trình giảng dạy dành cho trẻ khuyết tật. Giống như một người mẹ, tiến sĩ Choi đã đồng hành với cháu Vũ Tuấn Anh hơn 3 tháng nay. Vừa học, vừa chơi, vừa pha trò với sự đồng hành của ba mẹ, Tuấn Anh đã nói được những từ đơn giản, nhận biết được các loài vật. Điều này không chỉ tiến sĩ Choi vui mà anh Tràng như được tiếp thêm động lực, thắp lên hy vọng để đồng hành cùng con mình. “Cháu đến đây học với cô Choi thấy tiến bộ hơn. Nhận biết được nhiều thứ so với ở nhà. Bước đầu như vậy là vui lắm rồi”. Ánh mắt của anh Tràng rạng rỡ khi nói về con mình.
Không riêng gì gia đình bà Phượng, anh Tràng, hiện nay ở nhà ông Kwon Jang Soo và tiến sĩ Choi Young Suk đã có 4 cháu bị thiểu năng, khiếm thính đến theo học chương trình giáo dục đặc biệt của bà.
Những đứa trẻ khiếm thính, khuyết tật có thêm niềm vui mới. Và những người như bà Phượng, anh Tràng lại được tiếp thêm động lực từ người phụ nữ xa lạ đến từ đất nước Hàn Quốc xa xôi. Triển khai phương pháp giáo dục đặc biệt ở Việt Nam để đồng hành với trẻ khiếm thính, thiểu năng; đó là khoảng thời gian mà trái tim của tiến sĩ Choi “tung hành” điệp khúc yêu thương với những phận đời kém may mắn. Những việc làm của vợ chồng tiến sĩ Choi không bị bạc màu vì thời gian mà vẫn vẹn nguyên tính nhân văn cao cả, bởi trong cuộc đời này, như ai đã từng nói: Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình./.