Người có nghĩa với rừng xanh và đồng đội

TAP CHÍ LANGBIAN|1/30/2023 2:59:42 PM

Người có nghĩa với rừng xanh và đồng đội

                                                                        ĐỖ BÀN

 

Đã ở tuổi ngoài bảy mươi nhưng nhìn anh như chỉ khoảng lục tuần, dáng người thon nhỏ và nhanh nhẹn dễ cho ta lầm tưởng anh chỉ là một công chức hành chính hay một kỹ sư nằm ở Vụ, Viện nào đó.

Không! Xin đừng nhầm, anh là một người lính thật sự đã tham gia hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, lúc trực tiếp khi gián tiếp và chưa khi nào “bể bạc” (nghĩa là bể chiến đấu) nhiều người ít hiểu thì cho anh là lính quân tử, lính cậu vì ở trong rừng nhưng sáng ra vẫn cà phê bánh kẹo, vẫn nuôi chó nuôi khỉ, nhìn thật nhàn cư như không hề có chiến tranh bom đạn ở bên. Một con người sống rất tài tử lãng mạn nhưng chiến đấu thì rất dũng cảm, thương người thương rừng còn hơn cả bản thân mình, nhiều đồng đội của tôi khi nhắc đến anh Nguyễn Đức Phúc  thường nhắc Phúc chính trị viên tiểu đoàn, hay Phúc gái, khỉ,… dù gọi thế nào thì tôi cho rằng anh vẫn là một con người rất đáng quý trọng trong cuộc sống xưa kia hay hiện nay và mai sau. Tôi thích nhìn con người ở phương diện tích cực, ở những việc làm được, chứ không nhìn ở phía tiêu cực hạn hẹp hay nghe hơi nồi chõ để đưa ra những nhận xét vô bổ…

Sau thời gian ở quân ngũ, anh về làm thư ký nội chính kinh tế cho tỉnh rồi xin nghỉ hưu non về làm kinh tế tư nhân. Người khởi sướng mở cửa ra nền kinh tế du lịch rừng ở Lâm Đồng có lẽ là anh, rồi sau này người ta gọi là du lịch sinh thái… Công ty du lịch Phương Nam từ một khu rừng nhỏ nằm bên hồ Tuyền Lâm nay đã là một đơn vị kinh tế du lịch lớn có mặt trên nhiều tỉnh với số lao động lên đến hàng trăm người là lao động dài hạn, còn thời vụ thì không kể hết. Người lao động chỗ anh hầu hết là đồng bào dân tộc, những người đã cưu mang anh và đồng đội của anh trong những ngày chiến tranh gian khổ, nay anh muốn trả lại cho họ những công lao ngày xưa, hướng dẫn cho họ cách làm ăn sinh sống và bảo vệ tài nguyên môi trường của đất nước. Anh thường nói: “Mỗi cây rừng ở đây đều có xương máu hài cốt những người lính và biết bao kiếp người dân tộc thiểu số đã nằm xuống, xin chúng ta đừng đụng chạm vào mà hãy để chúng sinh sôi lớn lên rồi lại nằm xuống như một kiếp người. Biết bao nhiêu những tâm hồn trinh trắng, những nam thanh nữ tú chưa từng biết yêu đã phải nằm mãi ở nơi này, hãy để họ nhập vào thần cây để được yêu thương sinh nở như một con người…”

Mỗi năm cứ đến ngày giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc và ngày thành lập Quân đội Nhân dân là anh lại rủ đồng đội cùng đi viếng thăm chiến trường xưa, thăm lại nơi diễn ra những trận đánh ác liệt, các nghĩa trang liệt sĩ. Khi đi anh thường nhờ vợ chuẩn bị rất chu đáo: Nhang, hoa, bánh kẹo, nhưng không bao giờ quên những đòn bánh tét rất ngon để thắp nhang cho đồng đội. Ở những nơi có điều kiện, anh liên hệ với Phòng Thương binh Xã hội, Hội Cựu chiến binh, Ban quản trang, Đoàn Thanh niên cùng liên hoan họp mặt và ôn lại truyền thống đánh giặc cứu nước của cha anh, nhắc nhở mọi người đừng quên những người đã nằm xuống và cố gắng giữ gìn những phần mộ, những đài tưởng niệm hay nghĩa trang cho sạch đẹp, làm sao cho những nơi đó trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, nơi chúng ta đền ơn đáp nghĩa những người đã khuất.

Nói đến anh Nguyễn Đức Phúc là nói đến tình nghĩa, nói đến rừng, đến những người đã khuất, nhiều người vì làm giàu mà quên đi nghĩa tình đồng đội, quên đi cuộc sống của con cháu mai sau. Nhưng với anh thì khác anh làm để trả nghĩa đồng bào, để níu kéo tình đồng đội thêm gần và đặc biệt là làm để giữ gìn nguồn sống niềm tin yêu cho thế hệ mai sau…/.

Người có nghĩa với rừng xanh và đồng đội