Người nhặt “Ánh hoàng hôn” - Kỳ 2: Đánh thức hy vọng

TAP CHÍ LANGBIAN|4/22/2021 3:34:34 PM

Người nhặt “Ánh hoàng hôn”

Kỳ 2: Đánh thức hy vọng

                                                                                              THÀNH NAM

 

Ma túy, nghiện ngập từ lâu như một căn bệnh mà các địa phương chưa có thuốc để chữa trị dứt điểm. Thành phố Bảo Lộc cũng đang chịu chung căn bệnh này. Làm gì để giúp những người “đi chệch quỹ đạo yêu thương” tìm lại chính mình đang là niềm trăn trở của toàn xã hội trong đó có chị Nguyễn Thị Gạo - “người đàn bà điên” tại phố trà B’Lao.

Hòa đồng với… người nghiện

Trời Bảo Lộc những ngày cuối tuần như một sơn nữ đang say giấc, hiền hòa. Hôm nay, chị Nguyễn Thị Gạo lỉnh kỉnh đồ đạc chuẩn bị cho hành trình nhặt kim tiêm của mình. Nhấp ly nước, “người đàn bà điên” nói với tôi rằng: “Thông thường mình đi nhặt kim tiêm lúc chiều tối nhưng hôm nay là ngày nghỉ, con nghiện sẽ “tập kết” nhiều điểm nên chị cũng phải “tăng ca”. Nơi đến của chị Gạo hôm nay là những điểm vui chơi công cộng, xung quanh bờ hồ Bảo Lộc... Khác với những lần đầu, sau một thời gian “quen việc”, người dân xứ trà B’Lao cũng đã biết đến chị nhiều hơn và dần có thiện cảm đối với “ngưởi đàn bà điên” này. Để có được sự thiện cảm đối với người dân đặc biệt là những con nghiện không phải là điều dễ dàng. Bởi trước đó, đã không ít lần những con nghiện theo dõi việc làm của chị và dọa “dạy cho chị một bài học” vì cứ lo đo theo chúng. Những ngày mới vào nghề, cứ mỗi lần thấy chị đi nhặt kim tiêm thì con nghiện luôn dè chừng, nghi ngờ. Thế nhưng sau một thời gian, khi thấy kim tiêm con nghiện vứt ra được chị nhặt cẩn thận thì người nghiện trở nên thân thiện với chị. Có lần đang nhặt kim tiêm, thấy con nghiện, chị lân la đến làm quen. Thấy chị không làm gì ảnh hưởng đến họ, con nghiện đã chủ động mời chị uống nước. Thông qua những lần trò chuyện, chị đã biết được tên, tuổi, thậm chí là nơi ở và cả bố mẹ của những người đang làm bạn với “cái chết trắng”. Theo chia sẻ của chị Gạo, bản chất của người nghiện luôn thể hiện ở hai mặt: Lúc đủ thuốc, đủ liều thì họ đàng hoàng nhưng khi không có thuốc thì họ không làm chủ được bản thân mình, có thể làm bất cứ điều gì để thỏa mãn cơn ghiền thuốc. Kỷ niệm với người nghiện thì nhiều lắm nhưng chị nhớ nhất vẫn là ngày con nghiện khuyên chị không nên đeo vàng thật ở tay. Chị nhớ  lại: “Hôm đó ngồi trò chuyện với con nghiện, nhìn thấy tôi đeo trang sức trên tay, một người bảo: Chị không nên đeo vàng thật, có ngày sẽ bị bọn em cướp đấy. Thế là hôm sau chị đã đổi chiếc nhẫn mới nhưng bằng… vàng giả ”.

Những lời khuyên…

Phố trà B’Lao hôm nay trong xanh đến lạ, cái ủ dột của ngày mưa đã đi qua nhường chỗ cho sợi nắng hanh hao gọi mời. Trong câu chuyện về “người đàn bà điên” ấy, chúng tôi như “lặng” đi bởi những tình huống ly kỳ. Chị bảo, nhiều lúc thấy mình lọm khọm thu lượm kim tiêm, con nghiện trêu: “Chị nhặt kim tiêm ơi, hôm nay nhặt được nhiều kim chưa?”. Có hôm ra viếng nghĩa trang liệt sĩ, thấy con nghiện chích xong, bỏ kim tiêm tại khu vực này, lúc ấy chị khuyên họ: “ đây là nơi trang nghiêm, mấy đứa không nên chích ở đây nhé. Hôm trước mình nói vậy, hôm sau ra nghĩa trang thấy không có kim tiêm nữa. Vậy là vui rồi”. “Người đàn bà điên” kể với tôi bằng giọng điệu phấn khởi.

Chưa biết “uy tín” của “người đàn bà điên” ấy đối với người nghiện duy trì được bao lâu nhưng kể từ khi “hành nghề” nhặt kim tiêm cho đến giờ chị cũng đã khuyên được một số đối tượng đi cai nghiện. Mục đích của chị đơn giản lắm, khi tiếp xúc với người nghiện, nếu họ chích nhiều liều quá thì khuyên họ chích ít lại, nghiện nặng thì cần đi cai. “Đừng nhìn người nghiện bằng ánh mắt xa lánh, mình gần gũi hòa đồng thì mới khuyên họ được. Trường hợp em Nguyễn Phúc (đã thay tên) tại Phường 1, thành phố Bảo Lộc là một điển hình. Mới 21 tuổi nhưng Phúc có “thâm niên” 7 năm nghiện ma túy. Bỏ học dang dở, vướng vào ma túy rồi sau đó đi tù. Ra tù, bạn bè rủ rê, Phúc lại nghiện nặng hơn. Sau nhiều lần gặp Phúc chích ma túy, “người đàn bà điên” đã trò chuyện với Phúc. Chị Gạo kể cho tôi nghe với chất giọng trầm lắng: “Để khuyên Phúc đi cai nghiện, mình chơi với nó như bạn. Ban đầu thì nói sự  tác hại  của ma túy đối với chính nó, sau đó thì nói về nỗi khổ của gia đình, người thân”. Mưa dầm thấm lâu, được sự động viên của chị, sự hợp tác của gia đình, cuối cùng Phúc cũng đã đồng ý đi cai nghiện. Hoặc như trường hợp của em Nguyễn Minh Tiến ở Phường 2, thành phố Bảo Lộc cũng là một đối tượng bị nghiện nặng được chị Gạo vận động, thuyết phục gia đình đưa đi cai nghiện. Sự ngỡ ngàng, dị nghị, ánh mắt thiếu thiện cảm trước đây mà con nghiện, người dân dành cho “người đàn bà điên” ấy ngày càng ít đi mà thay vào đó là sự cởi mở, chân thành bởi chính việc làm của chị đã góp phần tái sinh những “mảnh đời vô vọng”.

        Chiều muộn nhưng nắng còn vương khắp núi đồi. Thú thật, trong từng câu chuyện kể của “người đàn bà điên” này có những chi tiết làm người nghe như tôi rùng mình, đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên kia. Có lần đi nhặt kim tiêm, khi nhặt được một ống tiêm còn dính máu, con nghiện thấy vậy hỏi: Chị nhặt hết kim tiêm thì mai bọn em phải mua cái mới để chích à? Từ câu hỏi của người nghiện, chị nghĩ, dùng chung kim tiêm như vậy thì khả năng bị nhiễm HIV là không thể tránh khỏi. Từ nỗi ám ảnh đó, chị ny ra ý tưởng hay là mình đến các trung tâm y tế xin bao cao su để phát cho các con nghiện. Thế là chị lại làm thêm một việc tốt nữa cho đời.

Bên cạnh việc tiếp cận con nghiện và khuyên nhủ họ hoàn lương, chị đã viết kiến nghị gửi đến Ủy ban Nhân dân thành phố Bảo Lộc, bàn biện pháp hạn chế điểm nóng về ma túy. Lắng nghe những ý kiến của chị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Bảo Lộc - Nguyễn Quốc Bắc đã chỉ đạo công an, chính quyền các phường phối hợp với chị trong công tác tuyên truyền, phòng chống ma túy. “Sắp tới, chính quyền Phường 2, thành phố Bảo Lộc sẽ giao đội tình nguyện của phường phối hợp với chị Gạo để đi nhặt kim tiêm và triển khai tuyên truyền phòng chống ma túy trên địa bàn”. Ông Hồ Huy Mậu - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Phường 2, thành phố Bảo Lộc khẳng định.

 Chiều  xuống khi nào không hay biết, ánh nắng đã tắt lịm. Những thảm cỏ ven hồ Bảo Lộc bắt đầu ngậm giọt sương đêm. Đôi chân “người đàn bà điên” ấy cứ r màn đêm mà đi tới. Những ống kim tiêm đã được chị nhặt một cách cẩn thận. Cách chị không xa, những đứa trẻ đang vui đùa với những trò chơi quần chúng. Cuộc sống phố trà bình yên. Nhìn hình ảnh này, có người bảo: Mầm sống đã hồi sinh, ngày mai rồi sẽ tươi sáng hơn./. 

 

 

Người nhặt “Ánh hoàng hôn” - Kỳ 2: Đánh thức hy vọng