Nhánh lan rừng
MA LA CHI
Từ xưa đến nay, phụ nữ bao giờ cũng là lực lượng quan trọng và đông đảo trong đội ngũ những người lao động tạo dựng nên xã hội. Nếu gia đình được coi là tế bào của xã hội thì người phụ nữ được coi là hạt nhân của tế bào này. Vượt qua những hạn chế về học thức, nhiều phụ nữ người dân tộc thiểu số Tây Nguyên ở Lâm Đồng theo chế độ mẫu hệ đã tự tin vươn lên, khẳng định khả năng, giữ vai trò trọng yếu trong việc sáng tạo, giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc. Họ có tính quyết định mọi việc trong gia đình, dòng họ. Dọc theo chiều dài của tỉnh, nơi đâu chúng ta cũng có thể bắt gặp những tấm gương người phụ nữ dân tộc thiểu số Tây Nguyên làm kinh tế giỏi, đưa gia đình từ chỗ nghèo khó đến thoát nghèo. Họ trở thành tấm gương sáng, những hộ giàu tiêu biểu của làng, thôn trong phong trào xây dựng Nông thôn mới, góp phần thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no trên địa bàn tỉnh.
Vai trò của phụ nữ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được chứng minh qua câu chuyện của chị MBon K’Nguyệt là người phụ nữ có uy tín trong gia đình, dòng họ ở xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông. Chị là người dân tộc thiểu số hiếm hoi của huyện được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tuyên dương là phụ nữ người dân tộc thiểu số có nhiều đóng góp trong xây dựng Nông thôn mới. Được biết người dân ở thôn Đạ K’Nàng thu nhập chính từ cây chủ lực cà phê và một ít diện tích trồng lúa, do kỹ thuật canh tác còn thấp nên đời sống bà con còn nhiều khó khăn. Khi làn sóng xây dựng Nông thôn mới lan rộng, chị K’Nguyệt là hạt nhân kết nối thường xuyên tuyên truyền, vận động để người dân hiểu: “Xây dựng Nông thôn mới có sự hỗ trợ của Nhà nước, nhưng chính bà con cũng cần góp sức, góp công. Vì thành quả Nông thôn mới là để chính bà con được hưởng. Chị phải chủ động vươn lên thay đổi cuộc sống, không thể chờ ai tới làm thay cho mình và chỉ có đầu tư sản xuất, chăm lo phát triển kinh tế mới là con đường nhanh nhất, vững chắc nhất để thoát nghèo” - đó là điều mà suốt nhiều năm qua chị K’Nguyệt vẫn luôn cố gắng tuyên truyền. Với phương thức "mưa dầm thấm lâu", chị đã vận động người thân, họ hàng cải tạo nâng năng suất cây cà phê và chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng. Để bà con tin tưởng, chị thực hành trước. Sự nỗ lực ấy không chỉ giúp gia đình chị phát triển kinh tế mà còn trở thành mô hình lan rộng ở thôn Đạ K’Nàng.
Chị Ka Tuyết ở xã Lộc Lâm, huyện Bảo Lâm là một tấm gương phụ nữ điển hình, vượt khó làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Với quyết tâm vượt khó vươn lên, không cam chịu cuộc sống nghèo khó, chị đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên cà phê của gia đình chị cho năng suất khá ổn định. Để cà phê của gia đình đạt năng suất ổn định, chị đã tìm mua chồi giống cà phê cao sản để ghép cải tạo vào những cây cho năng suất thấp, chất lượng kém và đến nay chị đã ghép được hơn 50% diện tích. Bình quân mỗi năm gia đình chị thu được 20 tấn cà phê nhân và khoảng 6 tấn chè búp tươi. Sau khi trừ chi phí, gia đình chị có tổng thu nhập hàng năm từ 500 - 600 triệu đồng. Ngoài phát triển kinh tế gia đình, chị Ka Tuyết còn tích cực hướng dẫn, chia sẻ những kinh nghiệm làm vườn với các gia đình trên địa bàn xã, đồng thời chị còn hỗ trợ vốn cho bà con có hoàn cảnh khó khăn để cùng nhau vươn lên phát triển kinh tế gia đình và sớm thoát cảnh nghèo khó. Với kinh tế gia đình phát triển vững vàng, chị là điểm tựa và hậu phương vững chắc giúp cho chồng con yên tâm tham gia tốt công tác xã hội ở địa phương. Với thành quả mà bản thân chị đạt được, chị Ka Tuyết vinh dự được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bảo Lâm bình chọn đi dự Hội nghị biểu dương phụ nữ tiêu biểu làm kinh tế giỏi tỉnh Lâm Đồng năm 2013.
Chị Ma Chương, Bí thư Đoàn xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương là 1 trong số 5 thanh niên Lâm Đồng được Trung ương Đoàn tuyên dương trong Ngày hội Tuổi trẻ các dân tộc Tây Nguyên. Bản thân là người dân tộc thiểu số trẻ hơn ai hết chị hiểu phong tục tập quán, tiếp cận nhanh chóng tâm lý lực lượng thanh niên thiểu số, thanh niên tôn giáo đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của địa phương. Bằng nhiều cách làm hay, chị Ma Chương đã tạo được nhiều hoạt động cho nhiều giải pháp đoàn kết, tập hợp thanh niên trong vùng; Tăng cường tuyên truyền các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thông qua các hoạt động phong trào đó đã xuất hiện những gương thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên tôn giáo tiêu biểu trong công tác Đoàn, Hội tham gia phát triển kinh tế, học tập, tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước. Nổi bật trong đó là các hoạt động tình nguyện, các hoạt động Tuổi trẻ chung tay xây dựng Nông thôn mới…
Cũng là một trong những người phụ nữ dân tộc thiểu số tiêu biểu, nghệ nhân Touneh Ma Bio, ở thôn Diom A, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương. Bà là người phụ nữ hiếm hoi của đồng bào đã dành cả cuộc đời của mình để lưu giữ và làm sống lại những nét văn hóa của đồng bào Chu Ru. Với ước vọng cháy bỏng phải khôi phục bản sắc văn hóa của dân tộc mình, nên hàng ngày bà Ma Bio cứ âm thầm lặng lẽ việc truyền dạy cho thế hệ sau và đến nay tất cả con cháu ở thôn Diom A đều thành thạo nhiều bài hát, bài múa và biết đánh chiêng, thổi khèn bầu. Ngoài ra, bà Ma Bio cũng là 1 trong những nghệ nhân còn lưu giữ khá nhiều những vật dụng hàng trăm năm đặc trưng của người Chu Ru và cả ngôi nhà sàn bà đang ở cũng trên 100 năm tuổi. Ghi nhận những công lao đóng góp của bà Touneh Ma Bio được phong danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú văn hóa của tỉnh Lâm Đồng.
Nằm trong số rất ít phụ nữ dân tộc thiểu số ở tỉnh Lâm Đồng làm nghề dệt thổ cẩm được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân là bà Bon Niêng K’Glòng ở xã Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương. Điều đặc biệt là bà còn giữ được phương pháp nhuộm màu bằng kho tàng tri thức dân gian đặc sắc của cư dân bản địa Tây Nguyên.
Chị Ro Da Nai Vi (hội viên Hội VHNT Lâm Đồng) - hiện đang công tác ở Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Lâm Đồng với chuyên môn là biểu diễn nhạc cụ dân tộc Tây Nguyên, khai thác, phát triển những chất liệu dân gian, dân tộc bản địa và diễn tấu trên nhạc cụ dân tộc được tín nhiệm lựa chọn, hiệp thương giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV được Hội đồng bầu cử Trung ương công bố danh sách chính thức những người ứng cử Đại biểu Quốc hội.
Người phụ nữ uy tín dân tộc thiểu số trong cộng đồng đóng góp trong công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến cộng đồng dân cư. Họ chính là cầu nối giữa chính quyền địa phương và Nhân dân thôn, làng gửi tâm tư nguyện vọng của người dân đến các cấp, các ngành./.