Nhớ giáo sư Trần Quốc Vượng

TAP CHÍ LANGBIAN|5/26/2022 3:47:02 PM

Nhớ giáo sư Trần Quốc Vượng

LÊ HỒNG PHONG

 

 Học ké giáo sư Trần Quốc Vượng tại Hà Nội

Năm 1980 tôi chỉ mới nghe danh chứ chưa hề biết giáo sư Trần Quốc Vượng. Một hôm, tại ký túc xá Mễ Trì (kiêm giảng đường Văn - Sử) của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, mấy anh lớp trên chỉ cho tôi: Người vừa đi xe máy vào, quần bò, áo ghi lê, sơ mi hoa... là giáo sư (GS) Vượng đấy!

Đầu những năm 80 thế kỷ XX, do quá chuyên sâu, ngoài khoa Lịch sử, các khoa khác chưa được học về văn hóa Việt Nam, tất nhiên là trừ Trường Đại học Văn hóa. Một hôm tình cờ đi ngang qua giảng đường, thấy sinh viên bu đen như kiến, chạy lại xem thì tôi cũng thành một con kiến. GS Trần Quốc Vượng đang giảng về diễn trình văn hóa Việt Nam cho ngành Lịch sử, xung quanh cả ba phía giảng đường là sinh viên các khoa Luật, Triết, Văn... Thầy hùng hổ đi lên đi xuống như đánh trận, tiếng nói sang sảng. Đôi khi vừa nói vừa xỉa tay vào cử tọa nhưng lời nói thì siêu nhún nhường: Thưa các ông các bà, nhà cháu là…

Trong bối cảnh ấy, GS Trần Quốc Vượng là một trong hai người đầu tiên nói về các hằng số văn hóa Việt Nam, đại khái gồm: Nhà (gia đình) - làng (làng xã) - nước (quốc gia) - lúa nước - đê điều… Cũng trong năm 1980, nhân kỷ niệm 600 năm sinh Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, chúng tôi cùng lúc được nghe ba quan điểm khác nhau về Nguyễn Trãi:

- GS Trần Đình Hượu nói rằng Nguyễn Trãi là nhà Nho, cống hiến lớn nhất là về văn hiến;

- GS Phan Ngọc cho rằng Nguyễn Trãi là Việt Nam, Nho chỉ là mượn cái vỏ ngôn ngữ;

- GS Đinh Gia Khánh khẳng định Nguyễn Trãi là nhà Nho yêu nước Việt Nam. Học đại học phải như thế và dân chủ học thuật là như thế! Người học tự chọn lấy một trong các quan điểm hoặc tích hợp những khía cạnh hợp lý nhất trong các quan điểm khác nhau ấy. GS Phan Ngọc đã dùng thao tác đối lập Việt - Trung để rút ra quan điểm của mình, trong đó những hằng số văn hóa Việt Nam được ông sử dụng nhằm minh chứng cho sự đối lập.

Gặp giáo sư Trần Quốc Vượng tại Đồng Nai, 1997

Năm 1997, GS Tô Ngọc Thanh và GS Trần Quốc Vượng đồng chủ trì Hội nghị khoa học ở Đồng Nai. Tôi tham gia với tư cách thành viên đoàn Lâm Đồng. Do bài viết quá dài (15 trang A4, sau này in sách là 23 trang), tôi gặp GS Vượng xin phép không báo cáo. Cụ bảo: Tôi không biết, ông đi mà hỏi ông Thanh ấy! Và lần đầu tiên tôi đã gặp GS TSKH Tô Ngọc Thanh - Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Trong giờ nghỉ trưa, khi mọi người tập trung, hát hò hoặc ngủ thì cụ Vượng rủ mấy đệ trèo núi thăm dò... Chiều hôm đó, trước khoảng 200 cử tọa, ông thả xuống bàn chủ tọa một đống cuội và tuyên bố đây là di vật đá mới, chủ nhân là người X…! Cả hội trường sững sờ, choáng váng, im phăng phắc, tỉnh ngủ hẳn. Thực chứng mạnh hơn mọi hùng biện! Có thể thầy đúng hoặc sai nhưng ai dám nghi, dám cãi? Cuốn hút và thu phục…

Gặp lại giáo sư Trần Quốc Vượng tại Kiên Giang, 2000

Tại Trại viết Văn nghệ Dân gian năm ấy, thầy góp ý cho tôi cái đề cương nghiên cứu những truyện kể về ma lai. Thầy cũng đã giảng cho lớp tập huấn nghe về Diễn trình văn hóa Việt Nam, GS Tô Ngọc Thanh giảng về Lập hồ sơ điền dã, GS Nguyễn Xuân Kính giảng về Thi pháp học và nghiên cứu văn học dân gian theo thi pháp...

Lần đầu tiên tôi được gặp GS Nguyễn Xuân Kính - Phó Tổng thư ký Hội, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Dân gian (sau này là Viện trưởng), dù hai anh em đã trao đổi thư tay từ những năm 1993-1995:

- Em chào anh Kính!

- Phong phải không?...

Cuối đợt nộp tiểu luận Trại viết và nhận Chứng chỉ Bồi dưỡng phương pháp sưu tầm nghiên cứu Văn hóa văn nghệ Dân gian. Cả ba vị GS khả kính đều nhắc tôi việc lập Chi hội VNDG Lâm Đồng.

Chúng tôi đi theoGS Trần Quốc Vượng đến thăm Trường Cao đẳng Sư phạm Kiên Giang. Cả buổi cụ vừa thuyết giảng cho giảng viên và sinh viên vừa uống 2 loong bia. Thầy nói: Bác sĩ  chỉ cho phép tôi được uống 2 loong thôi!. Thầy chỉ diễn tả quanh cái tên mình mà vẫn thấy cuốn hút: Vờ - ương - Vương - nặng - Vượng! Tuy nhiên không phải cái gì các cây đa cây đề nói ra cũng đúng, chẳng hạn, quan điểm về nhà Trần lấy nhau trong họ vì mẫu hệ hoặc cái gọi là Vương quốc Xi-tinh, Vương quốc Mạ... thì chưa thuyết phục...

Nhận lệnh của giáo sư Trần Quốc Vượng tại Đà Lạt, 2004

Không phải học trò thứ thiệt, càng không phải là đồ đệ nên quả là tôi có né thầy. Khoảng năm 2004, thầy Nguyễn Tuấn Tài (Trưởng khoa Công tác xã hội) nhắn tôi lên nhà khách A2 của Trường Đại học Đà Lạt để gặp GS Trần Quốc Vượng - Phó Tổng thư ký thứ nhất của Hội VNDG Việt Nam. Gặp GS, cụ chỉ tay giao việc:

  • Bằng mọi giá ông phải lập cho được chi hội! Thay mặt GS Tô Ngọc Thanh, tôi giao cho ông làm Trưởng ban vận động! Làm được không?
  • Dạ được!

Dạ vậy nhưng lúc này chỉ có một “nhúm” hội viên là Lê Hồng Phong, Nguyễn Đình Nghĩ, Phan Thị Hồng, Ngọc Lý Hiển, Nguyễn Vũ Hoàng nên việc lập chi hội cũng chậm. Về cơ chế chủ quan cũng không biết nên để nó ở đâu cho tiện: Sở Văn hóa, Trường Đại học Đà Lạt hay Hội Văn nghệ tỉnh? Trong năm 2005 nhìn thấy GS Trần Quốc Vượng trên ghế Chủ tịch đoàn Đại hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tại Hà Nội. Thầy mệt mỏi ngồi chủ tọa mà không nói câu nào. Đại hội vẫn bầu lại thầy vào Ban Chấp hành khóa mới. Mấy tháng sau thầy ra đi. Thầy đi xa rồi mà chúng tôi vẫn chưa có chi hội.

Mãi tới 2009 chúng tôi mới lập được chi hội đồng trực thuộc hai cấp: Hội VNDG Việt Nam và Hội VHNT Lâm Đồng. Nhà thơ Trần Ngọc Trác ký Quyết định thành lập Chi hội với 5 hội viên Hội VNDG Việt Nam và 10 hội viên cơ sở. GS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội VNDG Việt Nam trực tiếp vào Đà Lạt công bố Quyết định công nhận Chi hội và công nhận Lê Hồng Phong làm Chi hội trưởng. Hội VNDG Việt Nam đã làm được nhiều việc lớn, trong đó GS Tô Ngọc Thanh, GS Trần Quốc Vượng, GS Trần Xuân Kính là những rường cột. Hội đã khơi gợi, thúc đẩy được nhiều người, hình thành cả hệ thống chi hội phủ sóng khắp Việt Nam, trang bị phương pháp, kinh nghiệm qua nhiều Trại viết ở các vùng miền, nhiều lớp tập huấn, nhiều Giải thưởng. GS Tô Ngọc Thanh từng nói: Hội chúng tôi mang tiền đến để làm chứ không xin, không dám làm phiền các địa phương... 

Nhớ mãi cái tôi của một nhà khoa học liên ngành

Từ hướng tiếp cận liên ngành, trong bài viết “Bản ngã và cộng đồng trong và qua văn hóa, văn học dân gian”, đăng trên Tạp chí Văn học, GS đã rất bực bội: “Trong những năm ấy, tôi (Trần Quốc Vượng) tự viết, không nhờ ai viết hộ...”. GS nhắc lại kỷ niệm về một bài viết từng đăng trên tạp chí này mà Ban Biên tập sửa hết những chỗ tác giả viết “tôi” thành “chúng tôi”. Khi tác giả xưng “tôi” là hoàn toàn chịu trách nhiệm trước người đọc và xã hội. Nếu là “chúng tôi” thì bản quyền thuộc về ai và ai chịu trách nhiệm, nhất là những lĩnh vực và đề tài nhạy cảm về xã hội - nhân văn? 

Nhưng các giáo trình “Cơ sở văn hóa Việt Nam”, kể cả cuốn do GS Trần Quốc Vượng chủ biên thì cũng bắt đầu từ nhà - gia đình, không ai bắt đầu từ tôi - cá nhân - bản ngã, cái làm nên gia đình và xã hội, cái làm nên phong cách nghệ thuật và bản lĩnh khoa học! Và đến nay, nhiều giảng sư vẫn khó chịu khi học trò viết “tôi”, chứ trong giao tiếp thì họ vẫn xưng em, con, trò...

GS từng viết in hoa theo cách riêng: Tôi, dân vạn đại, còn dân còn dân gian, nguyên lý mẹ... Những từ ấy đập vào mắt người đọc và neo đậu bền lâu trong tâm trí. Người nghiên cứu, giảng dạy VHDG đọc bài GS viết về thành Cổ Loa cảm thấy rất khâm phục kiến thức lịch sử, địa lý, ngôn ngữ… Hướng nghiên cứu liên ngành các đại sư đã đi và cắm mốc, đã nêu gương sáng cho hậu thế.

Tôi cảm thấy hạnh phúc và vinh dự được làm người học trò nhỏ dự thính trong quãng đường đã qua. Thầy Trần Quốc Vượng đã đi xa, nhưng phong cách nói, phong cách viết, phong cách ứng xử của một bậc đại sư đã ảnh hưởng mạnh đến đời sau, cho dù là học chính tắc hay học ké, học mót. Viết về thầy đã có những đệ tử chân truyền hoặc học trò trực tiếp, có tác giả đã viết rất hay về một giáo sư bụi... Những gì tôi viết ở bài này là kỷ niệm và cảm nhận của chính tôi về những lần được học lỏm, học mót, học ké nơi này nơi kia, lỏm bõm nhưng rất đẹp và đáng trân quý.../. 

 

 

Nhớ giáo sư Trần Quốc Vượng