Nhớ mãi chuyến về nguồn
HẢI SƠN
Một ngày cách đây hơn 6 năm trước, Ban liên lạc cựu cán bộ chiến sĩ, nhân viên Văn phòng Khu 6 đã tổ chức chuyến đi về nguồn, thăm lại Khu Di tích lịch sử Khu 6 ở Cát Tiên nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, trong đó có tôi. Không thể tả được cảm giác bồi hồi xen lẫn sự háo hức mong chờ giây phút được trải nghiệm cùng các cô chú, anh chị khi đặt chân lên vùng đất Cát Tiên, nơi ba tôi đã từng hoạt động cách mạng trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
Ngày 10-4-2015 hôm đó, đúng 6 giờ chiếc ôtô 24 chỗ của Công an tỉnh đưa đoàn chúng tôi khởi hành. Có mặt trên xe là vợ chồng anh Ba Thắng chị Hương, anh Tư Khải, anh Thung, anh Thưởng… Họ là cựu cán bộ Ban An ninh Khu 6; anh Mỹ Sơn - cựu cán bộ quân bưu Khu 6 cùng 2 đồng chí nữa. Chiếc xe chở chúng tôi lướt đi êm ái trong làn gió nhẹ dưới ánh nắng ban mai, khi đến gần trạm thu phí đầu đường cao tốc thì điện thoại anh Tư Khải đổ chuông. Đầu dây bên kia anh Quán cho biết xe của Trung tâm bảo trợ chở 8 người đang trong hành trình chuyến đi về nguồn thì bị hư, nên đề nghị xe bên Công an giúp đỡ. Các anh chị bên xe Trung tâm bảo trợ dời qua xe của đoàn chúng tôi, vô tình được gặp chị Năm và chị Sáu An là cán bộ nhà khách Tỉnh ủy vừa nghỉ hưu cùng đi. Tất cả anh chị em ghép chung vào đoàn, trên xe lúc này có 16 người.
Chặng đường về nguồn của đoàn như ngắn lại. Những câu chuyện thời tham gia kháng chiến ngày xưa được các anh chị kể lại thật rôm rả, cuốn hút người nghe. Chị Sáu An nói: Những ngày chiến tranh, công tác trong rừng phấn đấu lên đến trung úy, đại úy đã là khó lắm rồi chứ không phải như bây giờ cấp tướng, tá nhiều. Anh Ba Thắng thì hài hước nói: Tướng sao ngon bằng tá được?... Chị Năm thì bảo: “Trong kháng chiến chống Mỹ, chuyện yêu đương nam nữ không được khuyến khích, nếu có lỡ phải lòng nhau thì cũng phải giấu,…” Những câu chuyện hài hước trên chuyến xe tạo ra những tiếng cười vui nhộn, ấm áp tình người. Sự rạng rỡ hiện lên trên những gương mặt đã sạm màu thời gian.
Trong chiến tranh gian khổ chỉ có củ mì, củ khoai, hạt muối nhưng tình đồng đội, đồng chí rất thiêng liêng, cao cả. Những người lính là con người bằng xương bằng thịt xuất thân ra đi từ làng quê hiền hòa. Họ không chỉ sống với nghị lực thép mà những con người đó còn có tâm hồn rất trẻ trung, yêu đời, vui vẻ.
Anh Tư Khải kể lại câu chuyện mà anh nhớ mãi về ba tôi - ông Phạm Thuần. Ngày ấy ba tôi đang là Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, anh Tư Khải là văn thư, cùng chung một chi bộ. “Trong một lần đoàn cán bộ đi công tác, anh em đi bộ đường dài mệt nhoài, ai cũng muốn dừng chân nghỉ thì đồng chí Phạm Thuần - bí danh là Chín Cán mới ra một câu đố nói ai giải được thì sẽ có thưởng: ″Gió đưa trái mít đưa qua, trái thơm đưa lại thành ba cái cùi. Đố là cái gì?”. Anh em ai cũng tập trung suy nghĩ mà đi đến nơi vẫn không tìm ra được lời giải. Thời gian sau anh Tư Khải được ra miền Bắc học văn hóa và ngành cơ yếu; sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất anh Khải tiếp tục công tác tại Công an tỉnh Lâm Đồng. Một lần anh Tư Khải đi tập huấn tại Trường Chính trị tỉnh gặp lại đồng chí Phạm Thuần, anh nhắc lại câu chuyện ngày trước và nhờ giải đáp câu đố. Lúc này ba tôi cười nói: Tớ cũng không biết nó là cái gì, thấy mọi người ai cũng mệt mà đường thì còn xa nên tự nhiên nghĩ ra rồi đọc lên cho vui với mục đích để anh em ai cũng phải tập trung suy nghĩ cốt quên đi cái mệt khi leo dốc…
Các anh Ba Thắng, anh Thung, anh Thưởng thì làm việc với ba tôi thời gian ông chuyển lên làm Trưởng ban An ninh Khu 6 - nơi từng bước chân của ba tôi đã lưu dấu từ Trung ương Cục miền Nam (gọi tắt R) vùng đất thánh cách mạng của những năm tháng không thể nào quên cho đến 6 tỉnh thuộc Khu 6 lúc bấy giờ là Tuyên Đức, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình thuận, Bình Tuy và Quảng Đức…
***
Xe đến Ủy ban Nhân dân huyện Cát Tiên lúc 11h. Một đồng chí còn trẻ tuổi -Phó Văn phòng Ủy ban huyện Cát Tiên ra đón đoàn chúng tôi. Đó là đồng chí Vương, đồng chí cho biết dự kiến ban đầu huyện đăng cai tổ chức cuộc gặp mặt truyền thống tại Khu Di tích lịch sử Khu 6 chỉ với 175 khách, nhưng bây giờ tăng lên gần 300 khách. Cát Tiên vẫn là huyện nghèo lúc bấy giờ, nên việc bố trí nơi ăn nghỉ gặp khó khăn. Đoàn 16 người trên xe chúng tôi phải tách ra nghỉ ở 3 nơi. 7 người trong đó có tôi được bố trí nghỉ ở nhà nghỉ tại xã Phước Cát 1, cách trung tâm huyện 12km. Nhưng ai cũng vui vì được về đây để chia sẻ niềm vui và tình cảm của những nhân chứng lịch sử một thời hào hùng của quân và dân Khu 6. Thiên nhiên nơi đây tuy còn hoang sơ nhưng rất nên thơ, có đồng ruộng, có đồi núi bạt ngàn… Trung tâm Ủy ban Nhân dân huyện nằm trên đường Phạm Văn Đồng, là nơi đối diện với quảng trường rộng lớn mang tên cố thủ tướng. Ngày đó ba huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên mới được thành lập 28 năm, dân cư chủ yếu từ Đức Phổ, Quảng Ngãi và Phù Mỹ, Bình Định vô đây lập nghiệp, xây dựng vùng kinh tế mới.
Buổi chiều hôm ấy, hàng chục chiếc xe chở các đoàn nối đuôi nhau hướng về dự án căn cứ Khu 6 đang được khởi công xây dựng từ tháng 5-2010 trên một diện tích 49,7ha. Tổng mức đầu tư dự án lên đến trên 200 tỷ, và chỉ mới đầu tư được 86,7 tỷ đồng với 8 hạng mục: Khu vực Tượng đài; các cơ quan trong khu ủy; 9 tuyến đường nội bộ rộng 3m với tổng chiều dài 3.347m; hệ thống điện và mương thoát nước; hồ cảnh quan trong khu di tích; trung tâm dịch vụ và trưng bày các hiện vật lịch sử; trồng 15ha rừng các loại cây nguyên bản trước đây… Đồng thời nơi đây trồng thêm các loại cây lim, sến, xà cừ… Phấn đấu trong Quý II-2015 huyện Cát Tiên sẽ hoàn thành 4 hồ, khu trung tâm dịch vụ sẽ hoàn thành trong Quý III -2015. Do chưa có mẫu phác thảo tượng đài nên chưa thực hiện được mà theo kế hoạch thì sẽ khởi công tượng đài vào cuối năm 2015 và hoàn thành trong năm 2016.
Các đoàn tiếp tục đến tham quan Khu Di tích khảo cổ Cát Tiên, đã được tiến hành khai quật từ giai đoạn 1994-2006. Phục hưng thành công thánh địa tôn giáo Bàlamôn ảnh hưởng của Ấn Độ giáo. Đó là một đền tháp được xây dựng bằng vật liệu gạch và đá cao 20m. Công trình này được xây dựng từ 1.300 năm trước, nằm trên một quả đồi cao 60m. Do thời gian và chiến tranh mà ngôi đền dã bị sụp đổ. Ngôi đền cổ được công nhận là di tích quốc gia. Bên dưới đền tháp được chôn vàng bạc đá quý. Ngày hôm sau, buổi gặp mặt truyền thống cựu cán bộ chiến sĩ Văn phòng Khu 6 bắt đầu diễn ra từ 8h đến 11h 15 phút tại hội trường Ủy ban Nhân dân huyện Cát Tiên. Gần 300 khách từ các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng đã có mặt ở hội trường từ rất sớm. Mọi người rất xúc động khi nghe bài phát biểu của ông Nguyễn Duy Anh - nguyên thư ký của chú Trần Lê - nguyên Bí thư Khu ủy Khu 6; bài phát biểu của ông Huỳnh Minh Xuyến. Mắt mọi người ngân ngấn lệ khi nghe nguyên Phó Văn phòng khu ủy khu 6 Vương Hồng Châu ôn lại những tháng ngày chiến đấu đầy oanh liệt, sự hy sinh gian khổ. Tên tuổi của những đồng đội đã nằm xuống ở chiến khu này được đời đời các thế hệ mai sau ghi nhớ công lao…
Mặc dù bận rất nhiều việc, nhất là trong giai đoạn chuẩn bị đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2021 nhưng đồng chí Nguyễn Xuân Tiến, Ủy viên Trung ương Đảng Khóa XII, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng và các anh trong Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng như đồng chí Phạm Kim Kha, Hà Phước Toản, Trần Đức Quận cũng đến dự. Trong buổi tiệc chia tay buổi trưa hôm đó, đồng chí Nguyễn Xuân Tiến đã nói: Chúng ta sẽ còn lại gặp nhau trong ngày khánh thành dự án Khu di tích lịch sử này và hàng năm mọi người sẽ có dịp về đây ôn lại truyền thống đáng tự hào của mảnh đất cực Nam Trung Bộ. Trên nét mặt mọi người tràn ngập niềm vui ngày hội tụ, ôn lại truyền thống chiến đấu hy sinh anh dũng của đồng đội, với hy vọng trong một ngày không xa mọi người lại có dịp hội tụ về đây.
Hàng năm, cứ vào dịp kỷ niệm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Ban liên lạc các cựu nhân viên chiến sĩ Văn phòng Khu ủy 6 đều tổ chức gặp mặt truyền thống cán bộ chiến sĩ, phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, thể hiện tình cảm thiêng liêng dành cho các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc. Thế hệ tương lai có dịp về với cội nguồn để bày tỏ lòng tri ân và khắc sâu vào ký ức mỗi người về mảnh đất cực Nam Trung Bộ những năm tháng hào hùng của cha anh./.