Núi Ông-Núi Bà - nơi khởi nguồn của bốn dòng sông
TRẦN ĐẠI
Quyến rủ Bidoup - Núi Bà
Tôi gần như có duyên nợ xa với khu bảo tồn Bidoup - Núi Bà, nơi khởi nguồn của 4 dòng sông, nên đã đến đây 3 lần trong thời điểm khác nhau. Lần thứ nhất tháp tùng với lãnh đạo, được đón tiếp nồng hậu, được đội tuần tra chở đi xuyên rừng già, lần hai tham gia cắm trại cùng với nhóm hướng đạo Bình Râu, và lần cuối cùng mượn quần áo dân bản địa, theo chân các anh em K’Ho ở xã Đạ Chais huyện Lạc Dương đi tìm nấm linh chi rồi ngủ lại giữa rừng hoang lạnh buốt.
Vườn Quốc gia mang tên Bidoup - Núi Bà nằm ở giữa Lâm Đồng và Đắk Lắk phía Đông Nam dãy Trường Sơn. Đây là một quần thể sinh vật rừng rộng 65.000ha ở bình độ 1.800 chưa tính của Bidoup 2.287m và Núi Bà 2.167m cao nhất Nam Tây Nguyên. Hiện nay ban lãnh đạo vườn đang hoàn tất hồ sơ để xin công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Được đi trong rừng nguyên sinh mới hiểu thế nào là khu bảo tồn thiên nhiên hay dự trữ sinh quyển. Theo Wikipedia tiếng Việt, khu dự trữ sinh quyển là vùng phát triển bền vững. Nơi ấy có thể tiến hành các hoạt động kinh tế, nghiên cứu, giáo dục giải trí… nhưng không được ảnh hưởng đến cảnh quan rừng.
Từ Đà Lạt về Núi Bà phải vượt qua 50km theo Tỉnh lộ 723, rẽ trái vào trung tâm điều hành gần cả 10km nữa. Khi chúng tôi đến, giám đốc - thạc sĩ Lê Văn Hương dự hội thảo với các chuyên gia rừng nhiệt đới của Nhật tại Đà Lạt, chỉ có kỹ sư Đỗ Mạnh Hùng - Phó Giám đốc tiếp chuyện. Ông Hùng tốt nghiệp Đại học Nông Lâm và gắn với nghề rừng từ năm 1994 đến nay. Có lẽ ông “phó” yêu thích nghề nghiệp của mình nên trong 30 phút, ông giới thiệu thế nào là đa dạng sinh học rồi đến việc giao rừng cho các hộ dân địa phương. Ông cho xem tấm ảnh ông K’Rcil một gia đình K’Ho tiêu biểu nhận 30 hecta rừng chăm sóc đạt tiêu chí quốc gia. Qua ông Hùng chúng tôi biết thêm, hiện nay có 1.178 hộ K’Ho của huyện Lạc Dương, nhận chăm sóc rừng với phụ cấp từ 300 đến 350 ngàn/ ha/ năm. Mỗi năm Bidoup - Núi Bà trả công cho bà con đến 12 tỷ đồng từ nguồn vốn bảo vệ tài nguyên rừng ở Tây Nguyên.
Tạm biệt ông Hùng, chúng tôi tìm đến Trung tâm nghiên cứu quốc tế rừng Nhiệt Đới tọa lạc trên đồi cao, trực thuộc vườn quốc gia. Ở đây hầu hết là lực lượng trí thức trẻ như thạc sĩ Tôn Thất Minh, thạc sĩ Trương Quang Cường… ngay cả đội tuần tra lưu động cũng có đến 3 thạc sĩ. Điều ấy đã minh chứng rằng việc bảo vệ rừng hiện nay không chỉ là: Cơm vắt, ngủ rừng và súng đạn cầm tay.
Theo chân thạc sĩ Cường đi dạo trong vườn rừng, tôi mới biết thế nào là thông lá kim, thông lá dẹt, rừng hỗn giao… và tính năm tuổi cho các loại cây đang đứng chênh vênh giữa triền núi. Trong khuôn viên bảo tồn này không chỉ nhìn thấy núi rừng mà còn nghe giới thiệu hơn 300 loại phong lan, hàng chục thác nước, ông Cường còn giải thích tiếng kêu vui buồn của các động vật hoang dã khi nghe tiếng kêu văng vẳng từ xa vọng về.
Lần cuối vào Núi Bà, theo nhóm thanh niên K’Ho của K’Sá Hà Rĩnh, lội rừng 3 ngày, được biết thêm về thảm thực vật, thung lũng thông đến dãy rừng lùn trên đỉnh Hòn Giao. Vẻ đẹp hoang dã còn nằm ở lưng chừng vách núi, ngóc ngách từ suối, thác. Điều đáng ngạc nhiên ở rừng xứ lạnh này còn có cây pơ mu 1.300 năm tuổi đại diện cho rừng già nguyên sinh kỳ bí.
Còn một điều lạ dành cho ai có tính tò mò khi nghe người xưa đặt tên cho sông núi bằng những danh từ như Ông, Bà, Cha, Mẹ… cũng đều phải trầm tư giữa người và đất. Có lần trong lúc vui, tôi gợi chuyện về truyền thuyết dẫn đến tên gọi dành cho một dòng sông, dãy núi, chỉ được các anh em trả lời theo phong cách gãi đầu và nụ cười. Là cư dân thích lặn lội, tìm tòi văn hóa rừng ở Nam Tây Nguyên, mỗi khi có dịp tôi thường lang thang trong các buôn làng vừa thư giãn vừa khám phá sự kỳ bí mà bà con dân tộc thường gửi gắm khát vọng của mình. Để biết được địa danh mang tên người, chúng tôi tìm đến ông Krajan Plin 54 tuổi, dân tộc K’Ho ở buôn Đăng Ya ngay tại chân núi. Ông Plin là một hình tượng già làng của thế kỷ XXI. Ngoài thân hình cao khỏe, tóc xoăn dài với nước da màu cà phê đậm, thổi tù và bằng sừng trâu mang phong thái núi rừng, ông còn là già làng nói thạo tiếng Anh, sử dụng vi tính kiêm pho tự điển sống về luật tục của bộ tộc mình. Ông cho tôi xem bộ sử thi dài 3.500 câu mà ông đã bỏ ra gần cả chục năm “cơm nhà áo vợ” ròng rã đi hỏi han, ghi chép từ các già làng có tuổi, với mục đích để sau này cháu con còn nhớ về dân tộc Lạch. Đối với già làng Plin, bất kỳ ai có ý định tìm hiểu về văn hóa người Lạch ông đều sẵn lòng trả lời. Vì thế khi được hỏi vì sao có tên Núi Ông, Núi Bà, sông Cha, sông Mẹ trong huyền thoại K’Ho ở Lạc Dương ông vui vẻ hẳn lên.
Trước khi bắt đầu câu chuyện, Ông Plin tự tay pha cà phê mời khách rồi chỉ vào ly thì thầm: “Người có tuổi, cái còn lại là sự tinh túy trải nghiệm như giọt cà phê. Cái hồn của người già ở đó, người già không giải thích được sự tương quan của đất và người thì chỉ là người trẻ.” Ông chỉ tay về dãy núi trước mặt mang tên Lang Biang chặc lưỡi: “Ngọn núi này mang câu chuyện buồn nhưng phần kết lại có hậu. Lang Biang là hai tên ghép của chàng K’Lang và nàng H'Biang theo truyền thuyết của người K’Ho cổ. Chuyện kể rằng: Ngày xưa tại vùng đất này không có núi, chỉ có bộ tộc K’Ho, nhưng K’Ho gồm hai nhánh là nhánh Chill và nhánh Lạch. K’Lang là tên của con trai của tù trưởng Lạch thương người con gái tên H’Biang, con tù trưởng Chill. Nàng H’Biang trong một chuyến đi rừng bị nạn được K’Lang cứu giúp cõng về tận buôn. Cảm động trước tấm lòng hào hiệp của người thanh niên đẹp trai khỏe mạnh nên nàng phải lòng. Tuy nhiên vì khác bộ tộc, cộng với sự hiểu lầm của thế hệ trước nên nàng H’Biang không được cha cho phép đi hỏi cưới K’Lang làm chồng. Vì vậy hai người hẹn hò gặp nhau rồi chọn lấy cái chết để trọn tình nhằm phản đối luật tục khắt khe. Khi Lang và Biang mất, cha của hai người hối hận nên đã thống nhất các bộ tộc người Lạch, Chill, Sré... thành chung một dân tộc K'Ho. Từ đó thanh niên nam nữ các bộ tộc dễ dàng yêu nhau, cưới nhau. Truyền thuyết còn nói: Sau khi thi thể K’Lang và H’Biang được chôn cất, hai ngôi mộ dần lớn lên trở thành hai ngọn núi cao nằm cạnh nhau, vì thế dân làng đặt tên Lang Biang hay còn gọi là Núi Ông- Núi Bà để minh chứng cho sự vĩnh hằng của tình yêu trai gái”.
Khi núi sông hóa thành hồn nước
Ngày còn bé cứ tưởng ở Tây Nguyên nơi nào xa nhất là nơi đó cao nhất nhưng khi lớn lên được đi, được đọc mới phát hiện sự thể không phải như mình nghỉ. Ở Nam Tây Nguyên, bình độ Đắk Nông cao trung bình từ 600 đến 700, Đắk Lắk từ 400 đến 800 và Lâm Đồng 800 đến 1000. Như vậy Lâm Đồng là vùng đất cao nhất, và theo quy luật vùng cao tại Bidoup - Núi Bà nơi phát sinh những con suối nhỏ, khởi nguồn của các con sông Đồng Nai, K’Rông Nô, K’Rông Ana và cuối cùng là Sêrêpốk con sông hợp nhất giữa hai dòng nước Đực - Cái.
Tôi nhớ có lần đứng ở Cù lao Biên Hòa, vàm sông Đồng Nai, nghe lóm được câu chuyện người cha dạy con gái 18 tuổi, khi hai cha con nhìn những chùm hoa lục bình bồng bềnh trôi. Tiếng người cha lúc được lúc mất, nhưng đại để là: “Con có biết con sông này phát nguyên từ đâu không? Nó từ cao nguyên Lâm Viên (Lang Biang) được hợp lưu từ ba con nước lớn là sông La Ngà, sông Đạ Đờn và sông Bé. Mỗi dòng sông lúc khởi nguồn đều hiền lành nhưng khi qua ghềnh thác, núi đá chúng trở nên dữ tợn gầm rú vượt lên phía trước như muốn chứng tỏ sức mạnh hoang dã của mình. Lúc ấy nó bất chấp đạo lý, lẽ phải chỉ biết có mình vì ở chốn rừng sâu nó tưởng mình là tất cả. Đến khi hội nhập, nó trở nên hiền lành và biết điều hơn, lúc đó nó hiểu thế nào là sự tồn tại cộng đồng. Sông Đồng Nai nơi cha con mình đứng đây con có thể cảm thấy thơ mộng, nhưng con có biết rằng được chất thơ nó phải tự mình tồn tại cả một lộ trình dài. Cũng giống như đời người, lúc tuổi trẻ nông nổi và tuổi già trải nghiệm, khi tìm ra được chân lý thì tóc đã hoa râm. Trong quá khứ mỗi dòng sông đều mang theo chứng tích tồn tại giữa người và sông nước mà người ta gọi là văn hóa ven sông. Nơi ấy con người phải đối mặt với những cơn giận dữ của sông nước từ đó hình thành tố chất con người tạo nên vùng địa linh nhân kiệt. Ven sông Đồng Nai cũng có nhiều anh hùng hào kiệt viết lên trang sử vẻ vang cho xứ sở gạo trắng nước trong của vùng Đông Nam Bộ một thời…” Nhìn người đàn ông mang khí phách của xứ Đồng Nai thời mở đất, tôi cảm thấy mừng nhưng cũng thấy lòng se lại, vì hiện nay nhiều ông bố bà mẹ dạy con theo tư duy vật chất mà quên đi phần giáo dục nhân cách cho lớp trẻ.
Năm trước, để đến được nơi gặp nhau của hai dòng sông Bố Mẹ khởi nguồn từ Núi Ông- Núi Bà. Từ buôn Trấp, chúng tôi phải mất cả tiếng đồng hồ đi xe ôm, có nơi phải lội bộ, có lúc đi nhờ ghe. Dọc theo bờ sông, lúc ấy đang là mùa bắp nghịch, những vườn bắp xanh đang thời trổ cờ, thỉnh thoảng xuất hiện vài nhà chòi giữ bắp tuềnh toàng không có người trông coi. Hai con sông mang tên Bố Mẹ này là K’Rông Ana, tiếng Ê Đê có nghĩa là dòng sông Mẹ, K’Rông Nô là dòng sông Cha. Còn người M’Nông gọi là sông Đực sông Cái. Điều lạ lùng về hai sông này, tuy có đoạn chảy song song nhưng dòng dòng K’Rông Nô thì quanh năm đục ngầu, còn K’Rông Ana lại trong veo.
Truyền thuyết của người Ê Đê kể lại rằng: Ngày xưa nơi đây chỉ có một dòng sông. Lúc ấy chàng trai ở buôn Kuôp đem lòng yêu một người con gái ở bên kia sông. Tình yêu mỗi ngày một lớn lên cho đến khi bị dòng tộc phát hiện. Khổ nỗi, hai dòng họ này vốn có hiềm khích từ hàng trăm năm trước nên không chấp nhận cho con cháu yêu nhau, tìm mọi cách ngăn cản và chia cắt tình yêu của họ. Nhưng vì quá yêu nhau nên cả hai quyết định tìm cái chết để suốt đời được ở bên nhau. Trong một đêm trăng thanh gió mát bên dòng Sêrêpôk, đôi uyên ương đã cùng nhau nắm tay nhảy xuống sông tự vẫn. Sau khi họ chết đi, bỗng nhiên mây đen từ đâu kéo đến vần vũ, trời đất tối đen, mưa thối đất thối cát, dòng sông cuồn cuộn nước chảy ầm ầm. Đến sáng mai, khi mọi người thức dậy thì con sông đã rẽ thành hai dòng, cô gái hóa thành dòng K’Rông Ana, chàng trai hóa thành dòng K’Rông Nô. Khi đến buôn Trấp hai dòng sông gom lại thành Sêrêpok, nơi ấy chính là sự hòa quyện vĩnh hằng của hai người yêu nhau không bao giờ tách biệt.
Trong truyền thuyết dân gian về tên gọi từ sông hồ đến núi rừng ở Tây Nguyên qua nhiều đời đều na ná giống nhau. Vì vậy hậu thế thường mô phỏng những chuyện tình ngang trái vì luật tục hay gia phận giàu nghèo, con gái không đủ trâu, chum chóe làm sính lễ cưới chồng, cả hai chọn cái chết để thực hiện lời thề của mình. Và ở tận trời Tây chuyện tình Romeo-Juliet cũng đã minh chứng điều đó. Tuy nhiên văn hóa những cuộc tình bi thảm dù ở Đông hay Tây cuối cùng đều có hậu. Đoạn kết không những là bản cáo trạng mang khát vọng của dân làng mà còn đánh thức những vị tù trưởng ngày ấy chỉ nhìn sự kiện không qua hết con núi.
Đêm không ngủ dưới chân Núi Bà
Nằm dưới chân núi Lang Biang hùng vĩ là dân tộc K’Ho Lạch, cư dân bản địa của Đà Lạt. Lạch theo tiếng địa phương có nghĩa là “rừng thưa” để chỉ vùng rừng thông và đồi trọc từ dãy Lang Biang trải dài xuống hướng Tây Nam. Ngày nay gọi là xã Lát, đây là một trong những buôn làng của bà con gốc Tây Nguyên còn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống. Tên xã Lát nổi tiếng hơn bất cứ địa danh nào ở Đà Lạt, vì người dân ở đây có một cuộc sống kinh tế khá cao bởi nguồn thu kiếm thêm từ văn hóa cồng chiêng, bán thổ cẩm phục vụ cho du khách. Hiện nay tại các buôn Đăng Ya, Đưng, BNeur của xã Lát có tới 12 đội cồng chiêng (mỗi đội có từ 16 đến 20 người) ngoài biểu diễn phục vụ du khách còn có mặt trong các lễ hội văn hóa của tỉnh hoặc tham dự các Festival khu vực, đó chính là niềm tự hào chung của người K’Ho dưới chân Núi Bà.
6 giờ chiều, chúng tôi theo chân hai nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Thương và Hà Hữu Nết đến thăm nhà anh K’Rajan Tham dân tộc Lạch 43 tuổi nằm ở buôn Đưng. Đó là một trong những gia đình người K’Ho ở chân núi sở hữu ngôi nhà hai tầng đồ sộ, xe hơi 7 chỗ và dàn vi tính 4 chiếc… Khi chúng tôi đến, đội cồng chiêng của anh đang chuẩn bị sô diễn 7 giờ đêm phục vụ cho khách cả tây lẫn ta. Nhìn các em nam đóng khố mình trần, đầu mang lông chim, các em nữ mặc váy vai mang gùi đầu kết hoa đi qua đi lại trong nhà diễn tư nhân bên cạnh đống củi khô dựng đứng bắt đầu nhóm. K’Tham nói với chúng tôi bằng tiếng phổ thông với chất giọng Tây Nguyên: “Mấy đứa này là con cháu mình mà, ban ngày đi làm rẫy, ban đêm đi múa hát. Tụi nó chẳng có đứa nào qua trường lớp âm nhạc hay múa hát gì đâu chỉ mời thầy tới nhà dạy thôi nhưng làm ăn được lắm, tí nữa mấy ông sẽ thấy”.
Còn 15 phút nữa khách đến, nguyên đội hình cồng chiêng nhóm K’Tham mặc quần áo trình diễn chạy ra vô, người chuẩn bị ánh sáng, người lo bưng bê rượu thịt. Dàn nhạc Tơ Rưng, Kơm puốt, xập xòe, trống đại đã bắt đầu khởi động. Trong khán phòng thực ra là ngôi nhà gỗ lợp tôn diện tích 20x60, phía trên đóng la phông giăng đầy hoa giả chi chít như đang đứng dưới một tán cây cổ thụ. Anh con rể K’Tham là K’Gout Huĩn 26 tuổi là nhân vật chính. Huĩn có gương mặt điển trai với thân hình như chắc gọn như cây xà nu, anh đóng khố mình trần lộ ra nước da màu cà phê đậm, đầu gắn 3 lông chim, trên cổ mang một sợi dây gắn vào đầy nanh heo rừng. Trông anh như một tù trưởng người da đỏ dũng cảm ở hạ nguồn sông Amazon. Đúng 7 giờ khách vào đông đủ ngọn lửa cũng bắt đầu bùng cháy, K’Huĩn cầm tù và hô bằng tiếng phổ thông: “Hỡi Núi Ông-Núi Bà, sông Cha-sông Mẹ! Hỡi các anh em buôn Đông, buôn Tây! Tối nay khách về buôn Đưng chúng ta, rượu cần 10 ché, thịt heo 50 xâu, lửa hồng cồng chiêng đầy đủ. Mọi thứ đã chuẩn bị xong, chỉ còn tình của chúng ta, tình của đội cồng chiêng K’ra Jan Tham dành cho khách tứ phương. Mời quý ông quý bà đụng tay vào cần rượu!” Là một MC chuyên nghiệp của buôn làng, K’Huĩn mang cần có gắn chùm chỉ đỏ cho mọi người sờ thay cho lời mời. Sau tiết mục đụng tay cần rượu, MC tuyên bố theo luật tục của đồng bào K’Ho, tay đã đụng cần rượu là trở thành anh em được thần linh làm chứng, chúng ta vui chơi đêm nay. Hỡi âm vang núi rừng cất cao tiếng hát phủ lên ba núi bốn đèo! Lời anh vừa dứt tiếng trống đại mở màn, xập xòe giựt ngang tiếng tù và vang lên được khuếch đại băng âm thanh điện tử vang lên như hồn của sông của gió núi vọng về. Trong khán phòng căn nhà gỗ, đèn điện vụt tắt chỉ còn ánh lửa hồng với tiếng nổ lép bép. Chúng tôi nhận thấy những gương mặt du khách chập chờn tối sáng ngoan ngoãn như giáo dân trước vị tu sĩ khả kính. Sau phần giới thiệu của MC K’Hũin là chương trình biểu diễn cộng đồng, nhóm cồng chiêng đi trước đội ca múa đi sau theo các điệu chào khách vòng quanh đống lửa trong tiếng vỗ tay tán thưởng của khách. Đến tiết mục sân khấu, hầu hết các em đều sử dụng âm hưởng núi rừng của nhạc sĩ Kra Jan Đick, Kra Jan Plin những cây đại thụ âm nhạc tại chân núi Lang Biang nhằm giới thiệu văn hóa buôn làng của mình, trong thời gian xem, khách tự nhiên uống rượu cần và ăn thịt nướng. Trong ẩm thực, những vị khách đều được các em các cháu nữ K’Ho xinh đẹp hướng dẫn cách sử dụng một cách chân tình.
Phải gần đến 10 giờ mới xong show diễn. Các nghệ sĩ chân đất ngày làm rẫy tối đi múa hát nhưng tất cả đều vui, Tôi hỏi Pangtin Sao Linh, một thiếu nữ nghệ sĩ K’Ho ở buôn Đưng là bông hoa của Lang Biang tối nay “Ban ngày cháu làm gì? - Dạ, trồng khoai tây và trồng cà rốt/- Một đêm cháu diễn như thế này kiếm được bao nhiêu tiền - Dạ từ 50 đến 70 ngàn còn được bao ăn cháo gà/- Thế cậu K’ Tham trả tiền luôn hay đợi cuối tháng. - Bà con mà, lúc nào cháu cần thì lấy, chưa cần thì để đó đâu có mất đâu/- Vậy quần áo diễn là của cháu sắm hay của cậu K’ Tham. Của cậu cũng có của cháu cũng có…” Cô gái đang còn mang gùi, mang thêm những giọt mồ hôi ràn rụa sau đêm diễn, nhưng vẫn còn tiếng cười đặc quánh dành cho chủ và khách.
Đêm cao nguyên lạnh buốt nhưng ông “bầu” K’ Tham mình trần trùng trục với thân hình vạm vỡ và màu da cà phê đậm, trên cổ vẫn lủng lẳng nanh heo rừng. Tối hôm ấy, bên thịt gà nướng, chóe rượu cần với ánh đèn cao áp sáng trưng, anh kể cho chúng tôi nghe về những bước đi của văn hóa cồng chiêng ở buôn Đưng và cộng đồng dân tộc K’Ho Lạch ở chân núi. Kéo thêm một hơi rượu cần anh cho biết: “Bây giờ bà con ở đây trở nên giàu có không phải chỉ đơn thuần ca múa phục vụ du khách mà còn phải làm vườn trồng rau. Các em, các cháu nghệ sĩ chân đất yêu nghề ca múa ở xã Lát phần lớn là muốn giữ văn hóa truyền thống K’Ho, giới thiệu quê hương người Lạch và giữ được cái hồn của Núi Ông - Núi Bà, sông Cha - sông Mẹ”./.