Thưởng trà kiểu Việt - đôi điều sẻ chia
NGUYỄN MẠNH QUÝ
Theo nhiều tài liệu về Trà sử và Trà sử Việt Nam, người Việt Nam và cư dân Đông Nam Á nói chung đã biết uống trà từ rất sớm, chắc chắn là từ trước Công nguyên. Trà được uống dưới dạng tươi (chè xanh) đến dạng khô (trà). Thói quen ấy đã trở thành một nét phong tục tập quán lâu đời, một nét đẹp trong văn hóa ẩm thực. Tuy chưa nâng lên thành tín ngưỡng cái Đẹp, thành Đạo một cách chính thống với nhiều nguyên tắc nghiêm ngặt, nhiều thao tác hành lễ nghiêm cẩn như Trà đạo Nhật Bản, nhưng rõ ràng phong tục uống trà đã bắt rễ rất sâu vào cội nguồn văn hóa và trên con đường sâu thẳm của đời trà.
Cũng không biết tự bao giờ thú thưởng trà cũng đã nâng dần lên thành một nghệ thuật sống của dân tộc, gắn bó với nhiều loại hình nghệ thuật khác của dân gian và chốn cung đình. Trong lịch sử văn học Việt Nam ta có nhiều tác giả với những tác phẩm độc đáo về Trà như Huyền Quang, Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát… bên cạnh những tên tuổi của Lục Vũ, Lô Đồng của Trung Quốc. Một trong những tác phẩm văn chương viết về thú uống trà kiểu Việt sâu sắc, thú vị nhất chính là Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân - người nghệ sĩ tài hoa mà đầy vẻ khinh bạc của nền văn học Việt Nam hiện đại. Những truyện ngắn Những chiếc ấm đất, Chén trà trong sương sớm, là một niềm hối tiếc không nguôi về cái đẹp một thời vang bóng, đã gần như trở thành những giai thoại, những Trà thoại được truyền đi theo làn hương của những cốc trà, thậm chí có khi cả trong những câu chuyện phiếm sau những cuộc “Trà dư” (nhưng không phải là “Tửu hậu”!).
Một thời chiến tranh, một thời đói nghèo và gian khổ, số phận của nghệ thuật uống trà cũng thăng trầm theo vận mệnh, theo thịnh suy của đất nước. Từ khi đất nước hòa bình mở cửa hội nhập, đời sống kinh tế thay đổi như trong cổ tích, thì đời sống văn hóa cũng được phục hưng như có một phép mầu. Cùng với nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật, nhiều thú tiêu khiển tao nhã khác, việc thưởng trà trong gia đình và ngoài xã hội ngày càng phát triển theo hướng tích cực, phong phú hơn, tinh tế hơn, có chiều sâu văn hóa hơn; nhưng tất nhiên, cũng cầu kỳ và tốn kém hơn!
Tự ngàn xưa, trà vốn là quà tặng của thiên nhiên cho mọi người, cho mọi nhà, cho mọi giới, mọi thành phần xã hội. Nhưng dần dần trong lịch sử phát triển của trà, khi được nâng từ việc giải khát thuần túy lên thành cái Đẹp, và cao hơn nữa là một tín ngưỡng cái Đẹp gắn với triết lý Thiền Tông, lại kết hợp với nghi thức trình diễn và hành lễ trong các công đoạn pha trà, mời trà, thưởng trà, thì sự phân hóa đối tượng thưởng trà và mục đích dùng trà đã bắt đầu xuất hiện. Đã có lúc trà là phương tiện của chính khách với những mưu đồ vương bá (Trà trị), cũng có khi trà bị lạm dụng vào những lạc thú thấp hèn (Trà hoa)… nhưng may thay, cái thanh cao bao giờ cũng trở về với bản chất thuần khiết! Với người Việt Nam, trà lại trở về với nhu cầu giải khát trong chuyện ẩm thực hằng ngày, về với nghi lễ cúng tế ông bà tổ tiên, thổ thần đất đai, về với những buổi tiếp tân, nghinh khách trang trọng, những buổi họp mặt bạn bè, người thân hay trong những đêm trăng thanh gió mát chờ một đóa quỳnh nở muộn, một giò thủy tiên nức nụ sớm, một đóa mai nhiều cánh kịp báo xuân về hay mời một mảnh trăng treo nghiêng trên bầu trời đêm vào đáy cốc…
***
Nếu làm được một hành trình xuyên Việt để viết nên một du ký thưởng trà, ta có thể ghé thăm đến hàng chục, hàng trăm địa chỉ uống trà cho thực khách trên đất nước. Hầu như tỉnh, thành nào cũng có, dù chưa nhiều và đều khắp, nhưng tập trung nhất vẫn ở các trung tâm văn hóa như Hà Nội, Sài Gòn, Hội An, Huế… Có một không gian uống trà rất thanh khiết, rất thú vị và thấm đẫm vị Thiền đó là không gian trà thất trong các ngôi chùa. Ở Huế, chùa nào cũng có một không gian ẩm trà dành cho nhà chùa, cho tăng ni phật tử, cho khách thập phương, khách vãn lai du lịch, đặc biệt là những ngôi chùa nổi tiếng lâu đời và ở xa trung tâm như Từ Hiếu, Linh Mụ, Huyền Không Sơn Thượng… Đó chính là những không gian Trà gần gũi với Trà đạo của Nhật Bản nhất. Tuy nhiên, không phải ai ai cũng biết và ghé lại thường xuyên, vì chùa là nơi tôn kính không phải chốn ta bà, mà kẻ phàm phu tục tử lại không thuộc về thế giới của trà, của miền tao nhã, thanh khiết và u tịch đó.
Phổ biến hơn hết vẫn là thú uống trà ngoài xã hội. Cùng với vũ trường, karaoke, quán bar, café… các quán trà cũng xuất hiện ngày càng nhiều trên các dãy phố. Đó là dấu hiệu vừa đáng mừng vừa đáng lo. Mừng vì thấy rằng thú tiêu khiển tao nhã này không những chỉ phục sinh mà còn thêm phần hưng thịnh. Nhưng mừng thì ít mà lo thì nhiều. Tuy không đến nỗi trở thành tệ nạn như một số vũ trường, quán bar, bia ôm, café đèn mờ… nhưng dấu hiệu của sự thiếu hiểu biết về văn hóa Trà và sự lạm dụng nghệ thuật uống trà đang thể hiện rất rõ ở nhiều nơi. Tất nhiên vẫn còn rất nhiều địa chỉ đẹp của nghệ thuật thưởng trà như Kissaten ở thành phố Hồ Chí Minh, Trà Đình Liễu Thượng (Bảo Lộc, Lâm Đồng), Trà đình Vũ Di ở Cố đô Huế, Thẩm Hương Trà ở Phố cổ Hội An, Trà hoa ở Hà Nội… nhưng rất tiếc, vẫn còn quá nhiều điều cần phải thấy và cần phải nói ra cùng nhau.
Nếu trong Ngàn cánh hạc cùng những tiểu thuyết khác như Cố đô, Xứ tuyết, Người đẹp say ngủ… Kawabata (1899-1872), người đầu tiên đem lại Giải Nobel văn chương cho xứ sở Phù Tang đã thể hiện niềm hối tiếc sâu sắc và lời cảnh báo nghiêm khắc về nguy cơ suy vi và tàn phai của Trà đạo Nhật Bản, thì ở Việt Nam đã mấy ai lên tiếng về thực tế này?
***
Nguyên nhân đầu tiên và cơ bản nhất chi phối và làm băng hoại giá trị thanh khiết của thú uống trà thuần Việt của chúng ta là do sự chi phối của cơ chế thị trường, sự thương mại hóa loại hình nghệ thuật thanh cao này. Đồng tiền ảnh hưởng nhiều thứ mà trà cũng cùng chung số phận. Trước đây, ngoài những cốc chè, cốc vối đầu chợ, đầu ngõ của những người già em bé kiếm sống như một phương tiện mưu sinh, một hình ảnh ấm áp của quê hương, làng xóm, thì nghệ thuật thưởng Trà chưa bao giờ là phương tiện để kinh doanh làm giàu cả. Người ta chỉ pha trà để uống trong gia đình, để tế lễ, để mời khách, để đồng ẩm cùng bè bạn… và chưa ai bỏ tiền ra để đi uống trà! Nay thì đã quá khác xưa rồi. Phải chăng đất nước khác xưa rồi, trà cũng khác xưa theo? Bây giờ những địa chỉ uống trà trở thành những điểm đến, những điểm hẹn cho nhiều đối tượng, trong đó không ít người đến đây không phải vì trà và nghệ thuật thưởng trà. Cuối cùng chỉ còn có nhà chùa cùng gia đình còn tồn tại như những không gian Trà đúng nghĩa và không có sự len lỏi của đồng tiền. Năm xưa, ở B’Lao đã có một địa chỉ uống trà đúng tinh thần của lễ trà truyền thống, đó là Trà thất Liễu Thượng. Hãy đến đó một lần để thưởng thức hương trà xứ lạnh. Đừng ngần ngại vì nghĩ rằng mình không quen biết ai, lại… không một xu dính túi. Đừng băn khoăn nếu bạn biết rằng đó là nơi mà bốn chữ Hòa (Wa) - Kính (Kei) - Thanh (Sei) - Tịch (Jaku), nguyên tắc cao quý của Trà đạo Nhật Bản được tuân thủ nhất! Liễu Thượng là trà thất đúng nghĩa và không nhằm mục đích kinh doanh - một trà thất đẹp, u nhã, thanh khiết, tịch liêu hiếm hoi giữa thời buổi “đại trà” này. Liễu Thượng Trà thất khá tách biệt với không gian đô hội. Qua một lối trúc quanh co, bạn sẽ đến một không gian vườn cảnh được xây dựng và mang vẻ đẹp của dấu ấn thời gian gần với không gian vườn cảnh Nhật Bản. Bạn sẽ được mời ẩm trà trong một trà thất đơn sơ được thiết kế và trang trí giản dị theo kiểu Nhật. Trà ngon luôn luôn sẵn có để đãi bạn hiền và chủ nhân sẽ niềm nở đón tiếp bạn cho dù chỉ mới lần đầu góp mặt. “Trà nô, tửu tướng”! Chính tay chủ nhân sẽ pha trà, rót trà đãi bạn với những thao tác thật điệu nghệ và trang nghiêm. Sự am hiểu về văn hóa và sự tài hoa của chủ nhân chắc chắn sẽ làm bạn cảm phục và mến mộ, hạnh phúc vì tương ngộ và mong có lần tái ngộ.
Phần lớn các địa chỉ Trà trên đất nước ta hiện nay đều là Trà kinh doanh dịch vụ. Đó không phải là lỗi của các chủ nhân. Họ vẫn cần phải sống, phải nuôi gia đình, phải làm giàu nữa chứ. Mọi lý do đó đều chính đáng! Nhất là khi làm giàu mà vẫn được gắn bó với loại hình nghệ thuật tao nhã thanh cao là thưởng Trà, mà đi với Trà là biết bao thành tựu văn hóa khác như kiến trúc, nhà vườn, cây cảnh, gốm sứ, cắm hoa, thư pháp, âm nhạc, hội họa, ánh sáng đèn màu…
Dù sao đó vẫn là những địa chỉ thanh cao đáng tin cậy giữa muôn vàn địa chỉ mờ ám khác của nhịp sống thời hiện đại này. Cũng vì được thiết kế để kinh doanh nên các địa chỉ này đều có nhiều đầu tư tốn kém từ vườn cảnh, cây cảnh, nội thất, dụng cụ pha trà, nguyên vật liệu, và người phục vụ… Và tất nhiên, giá cả của mỗi cốc trà, mỗi tuần trà phải tương xứng với những vất vả mà chủ nhân đã bỏ ra. Nhìn chung các nơi uống trà này đều có không gian đẹp, nhưng chỉ ở những nơi còn đất rộng người thưa như phố cổ, cố đô, Bảo Lộc, Đà Lạt… thì không gian Trà mới thật sự khoáng đãng, còn phần lớn ở Hà Nội, Sài Gòn “tấc đất tấc vàng” thì vẫn xô bồ chật hẹp giữa muôn vàn âm thanh cuộc sống. Phần lớn các điểm trà này đều muốn vươn đến sự sang trọng, tinh tế của Trà cung đình nên đầu tư quá tốn kém, mà quên rằng trong Trà đạo Nhật Bản - đỉnh cao của nghệ thuật Trà thì cái Đẹp không phải ở sự xa hoa, sự giàu có, sự phô trương, mà ở sự giải dị đơn sơ nhất trong hai chữ, Sabi - vẻ đẹp tự nhiên, cổ sơ mang dấu ấn của thời gian, và Vabi - vẻ đẹp thường ngày, nguyên sơ giản dị và hữu dụng.
Cho nên ngay tên gọi cũng cho thấy sự khác biệt lớn trong quan niệm và sự hiểu biết về văn hóa Trà. Người Nhật gọi nơi uống trà bằng tre nứa đơn sơ của mình là túp lều (Tokonoma), ta dịch là Trà thất, còn ở Việt Nam đều gọi những cái tên thật sang trọng gắn với các không gian thật cầu kỳ và tốn kém trong kiến trúc: Trà Cung đình, Trà Hoàng cung, Trà đình và bình dân hơn thì gọi là Trà quán. Định danh một sự vật, hiện tượng chính là cách thể hiện quan niệm của ta về nó. Vật dụng pha trà (Trà cụ) thì phần lớn hiện đại quá. Ta cũng thông cảm cho Trà chủ, vì giữa một không gian chật hẹp, đông khách ra vào, việc hiện diện những bếp lò than củi thật là bất tiện. Trang trí Trà thất phần lớn quá cầu kỳ với quá nhiều đèn lồng, tranh, hoa, thư pháp… rõ ràng đó là thiện ý và nhiệt tình của chủ nhân, nhưng nó làm cho không gian trà trở nên nặng nề, phô trương. Đối với Trà đạo Nhật Bản, đó là một điều tối kỵ. Ta cứ ghi nhận ở đây một tấm lòng của chủ nhân, nhưng vẫn phải từ chối một thị hiếu thẩm mĩ kiểu ấy.
Tiếp ta ở những điểm trà này là những người phục vụ phần lớn là các cô gái tiếp viên trẻ đẹp trong những trang phục truyền thống đã được đào tạo cấp tốc một khóa pha trà nên ít nhiều cũng đã điêu luyện, không còn vụng về, ngượng nghịu. Nhưng cũng vì chỉ là người làm thuê, nên họ chỉ biết pha trà như một người phục vụ chu đáo lặp đi lặp lại cái công việc đó hàng ngày, hàng đêm chứ không có cái hồn của người pha trà gửi vào trong từng động tác, trong mỗi làn hương. Đó chính là điều mà khách trà luôn cảm thấy như thiêu thiếu, trống vắng một cái gì khó gọi tên. Còn chủ nhân các phòng trà này thì rất ít khi xuất hiện, vì nhiều khi họ còn bận túi bụi dưới bếp, bên quầy thu ngân hay đang chạy qua chạy về giữa các cơ sở trà khác… Làm gì còn chuyện đàm đạo giữa chủ và khách về văn chương, nghệ thuật trong một làn hương trà thanh khiết. Trà để pha mời khách thì thật nhiều loại, nhiều hạng, nhiều giá để lựa chọn dưới nhiều cái tên thật ấn tượng… nhưng nhiều quá đến chóng mặt. Và trong đó một số không ít tiếc thay đều ở dạng trà túi lọc, mà những hóa chất của một nền công nghệ trà hiện đại đã làm phai nhạt hương xưa ngày cũ mất rồi. Trà cũng như cách pha trà và cách thưởng trà thì hòa lẫn đủ mọi phong cách từ Trà Nhật đến Trà Hoa qua Trà Việt. Thôi thì miễn sao để được thư giãn tâm hồn, ta cũng không câu nệ làm chi.
Còn Trà khách thì sao? Một khi đã trở thành dịch vụ Trà cũng phải chịu sự trầm luân dưới sức nặng của đồng tiền và sự thô thiển, tục lụy của cuộc đời. Tìm đâu được thật nhiều những con người tao nhã, những kẻ “Trà si” bước ra từ những trang sách mang tính sử thi, hay trong các Trà thoại ngày xưa. Khách trà ngày nay người cao niên vẫn rất nhiều nhưng giới trẻ cũng không ít. Người già đến với Trà chắc chắn vì họ đã yêu và gắn bó với Trà bằng cả cuộc đời, nhưng giới trẻ thì ta chưa thật sự yên tâm. Nhiều đôi chỉ đến quán trà vì đơn giản ở đó có những căn phòng ấm áp, kín đáo, ánh sáng bạch lạp lại mờ ảo (họ đâu biết rằng ánh sáng mờ ảo là quy định của Trà đạo Nhật Bản mà người Việt tiếp thu chứ không phải để khách Trà tình tự. Hoặc là họ quá ồn ào ầm ĩ, một điều tối kỵ trong nghi lễ uống trà, hoặc là họ biến Trà thất thành nơi âu yếm tự tình, coi những người xung quanh như không tồn tại. Trên căn gác chật hẹp của một quán Trà đạo kiêm cà phê và giải khát của một quán Trà ở Hà Nội, giữa ngổn ngang những chiếc nệm bằng vải chứ không phải bằng cói như Tatami của Nhật Bản, nhỏ đến nỗi chỉ đủ để kê lên ngồi chứ không đủ để quỳ gối kiểu Nhật, tôi đọc được ba tờ giấy dán lên tường nham nhở dòng chữ: “Xin quý khách vui lòng không nằm ra sàn nhà”. Thật là ngao ngán cho sự băng hoại của một nét văn hóa đẹp của ngàn xưa đã trở thành thuần phong mỹ tục của người Việt. Giữa hàng ngàn hàng vạn người vẫn khao khát được học Trà đạo, được dự lễ trà để tầm sư học đạo, để hoàn thiện bản thân, vẫn còn quá nhiều người lạm dụng văn hóa, giết chết văn hóa bằng một kiểu thưởng trà thật là kinh khủng! Một vài lời mạn đàm trên đây không thể nói hết thực trạng uống trà và tấm lòng người viết, cũng không phải là để chê bai kiểu uống trà của người Việt mình, mà đề cao nghệ thuật Trà Nhật, Trà Hoa hay Trà Tây. Dù giàu sang hay nghèo hàn, phong lưu hay đạm bạc, vẫn cần phải giữ gìn cho được những nét đẹp trong văn hóa thưởng trà của người Việt Nam ta với cái đẹp dung dị, tự nhiên mà không kém chiều sâu trí tuệ và vẻ đẹp nhân văn. Dân mê trà chắc không ai không biết giai thoại về tên ăn mày - một kẻ trà si chính hiệu thất cơ lỡ vận trong tác phẩm của Nguyễn Tuân, tinh tế nhận ra được mùi vải trấu lẫn trong búp trà, trong làn hương và vị nước của một cốc trà ăn xin. Nét đẹp văn hóa phải thuộc về ý thức của cộng đồng với sự góp sức của bao người qua bao thế hệ. Việc tiếp thu nét đẹp văn hóa của bạn bè trên thế giới để không ngừng làm phong phú, tự hoàn thiện văn hóa quê nhà, là một quy luật sống còn của mọi nền văn hóa, phải trở thành một ý thức sâu sắc và thường trực trong chúng ta.
***
Rất hy vọng rằng những Festival Lễ hội Trà từ 2006 rồi những lễ hội tiếp theo nữa sẽ thiết thực góp phần giới thiệu, quảng bá và nhất là nâng cao hiểu biết và đáp ứng nhu cầu thưởng trà, một nét nghệ thuật thanh cao, một thú vui tao nhã lâu đời của người Việt, người Á Đông và cả nhân loại. Cũng mong rằng, mỗi lễ hội là một dịp để công chúng hiểu biết hơn về văn hóa Trà và Trà Việt, và ngày càng có nhiều hơn những du khách Trà nhân đến với nghệ thuật thưởng Trà. Mong các bạn sẽ đến với Lễ hội Trà không phải chỉ là trách nhiệm tham gia, hay một kẻ hiếu kỳ trong một sự tình cờ hay lúc nhàn tản, mà thật sự với tư cách một thành viên văn hóa Trà của cộng đồng những kẻ Trà Si./.