Tôi và Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng

TAP CHÍ LANGBIAN|5/25/2022 3:44:54 PM

Tôi và Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng

                                                 BÙI THANH LONG

 

Đầu năm 2010, khi chuyển về công tác tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, tôi được phân công theo dõi một số lĩnh vực trong đó có mảng văn hóa văn nghệ. Phải nói là bước đầu rất bỡ ngỡ nhưng vốn yêu thích lĩnh vực văn chương, tôi đã bắt tay ngay vào việc tìm hiểu về những công việc này trong đó có hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh nhà.    

Những năm còn công tác bên ngành tư pháp -  một lĩnh vực mà ai nấy đều cho là khô khan, cứng nhắc nhưng tôi lại có điều kiện tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, nên đã được tiếp xúc với các bác, cô chú, anh chị em bên Hội. Có thể nói đầu tiên là nhạc sĩ Đình Nghĩ, vì đã trót say mê các bài hát của anh mà đặc biệt là bài “Say trăng” và đã từng chọn tác phẩm “Hoa Lang Biang” của anh để dàn dựng tiết mục song ca nữ tham gia Hội diễn ngành Tư pháp toàn quốc lần thứ nhất năm 2001, đạt Huy chương Bạc. Cùng với đó là tiết mục đơn ca nam có múa phụ họa với phần nhạc đệm của Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Lâm Đồng và ca sĩ Kra Jan Dick dịch sang tiếng dân tộc của anh và kỳ công tập bài hát “Nhân dân Nam Tây nguyên nhớ Bác” của Nhạc sĩ Hà Huy Hiền (mà mãi sau này tôi mới gặp được tác giả nên có viết bài “Ký ức về một bài hát”, đăng trong ấn phẩm Đạ Huoai - 30 năm hình thành và phát triển năm 2016)…

         Ngày đầu tiên đến thăm Hội VHNT, tôi được gặp gỡ và làm việc với nhà văn Lê Công - Phó Chủ tịch Hội và nhiếp ảnh gia Hà Hữu Nết (lúc này là Chánh Văn phòng). Các anh niềm nở trao đổi công việc của Hội và đề nghị cần quan tâm đến các hoạt động của Hội trong thời gian tới, trong đó có việc chuẩn bị cho Đại hội lần thứ V nhiệm kỳ 2012-2017… Với tấm lòng và tình cảm của mình đối với Hội VHNT, tôi đã tham gia nhiều ý kiến, đặc biệt là đề nghị các anh quan tâm đến việc tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết có liên quan đến lĩnh vực văn học nghệ thuật, nhằm góp phần định hướng cho các văn nghệ sĩ sáng tác, biểu diễn. Nhất là tiếp tục đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị mà sau này tôi đã viết bài về kết quả Học tập và Làm theo Bác của các văn nghệ sĩ Lâm Đồng trong 3 năm 2011-2013. Tôi gặp lại nhạc sĩ Trần Hữu Đông - chàng cán bộ Đoàn một thời tuổi trẻ sôi nỗi, nay có những bài hát sâu lắng về thành phố trẻ Bảo Lộc quê anh mà tôi rất tâm đắc…

Cũng chính từ đó, tôi bắt đầu dành thời gian tham gia các hoạt động của Hội VHNT; mang tiếng là chỉ đạo, nhưng thực chất là tiếp cận để học hỏi thêm và tôi cũng đã được tiếp thu nhiều kiến thức rất bổ ích của một lĩnh vực vô cùng phong phú này. Trước tiên là tại những buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Thơ Lâm Đồng, tôi được gặp nhà thơ Hoàng Mai, trước đây tôi đã biết chị vì có lần làm việc với Sở Văn hóa Thông tin của tỉnh - cùng với các nhà thơ khác như chị Thanh Toàn, anh Vi Quốc Hiệp, anh Hà Đức Ái… và còn được các anh chị tặng những tuyển tập thơ hay. Có lẽ những vần thơ của các anh, các chị đã làm tôi yêu thích đến nỗi cũng tập tành viết lên những câu nhân Ngày Thơ lần thứ 8 năm 2010, để tặng Câu lạc bộ Thơ Lâm Đồng nhân Kỷ niệm 10 năm thành lập:

                       “Mười năm câu lạc bộ vẫn xuân;

                         Tuổi cao, sức yếu vẫn “gian truân”

                         Tìm chữ, gieo vần cho thơ mới

                         Để đời thêm thấm nét Thơ Thần!

Lúc bấy giờ tôi rất ngưỡng mộ các anh Phan Hữu Giản, Trần Sỹ Thứ, Phạm Vũ, Nguyễn Trọng Hoàng… với suy nghĩ là làm sao mà các anh lãnh đạo, quản lý có thể viết văn, làm thơ hay như vậy?  Có một dịp tôi gặp lại nghệ sĩ điêu khắc Đinh Thanh để cùng nhau nhắc lại những ngày miệt mài trang trí chiếc xe hoa tươi của Hội Nông dân tỉnh tham gia diễu hành nhân Kỷ niệm 30 năm Ngày Giải phóng Đà Lạt - Lâm Đồng (03-4-1975 – 03-4-2005). Rồi nhớ lần được nhà thơ Đinh Ly và kiến trúc sư Việt Nga mời đến dự liên hoan ra mắt tác phẩm mới tại quán cà phê Nhật Nguyên bên bờ hồ Xuân Hương thơ mộng. Tôi không quên tặng anh chị những đóa hoa tươi thắm để chúc mừng. Tôi luôn nhớ đến nhà văn Nguyễn Thái Huyền, người mà tôi đã từng quen biết khi ông còn làm bên Bưu điện tỉnh và là người đã tặng tôi nhiều cuốn sách hay như Mai Anh Đào, Nội tuyến A3, Thám tử đội Hướng Dương. Hôm ra mắt tác phẩm Đội K32 đường Tây Trường Sơn của ông tại Thư viện tỉnh, tôi cũng đã được mời đến dự với một lẵng hoa nhỏ cốt để đổi cho bằng được cuốn sách hấp dẫn của ông. Và còn nhiều văn nghệ sĩ khác mà tôi đã được gặp, được trực tiếp trò chuyện, được xin chữ, được cùng hát, được cùng say… mà có thể nói là tất cả các anh, các chị đã để lại trong tôi rất nhiều ấn tượng đẹp.

 Tôi được tham gia nhiều hoạt động khác có ý nghĩa của Hội VHNT như trực tiếp truyền đạt các Nghị quyết của Đảng, trong đó có Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới cho các văn nghệ sĩ tại Nhà Sáng tác Đà Lạt; tham dự các hoạt động khác như Ngày Thơ Việt Nam được tổ chức vào rằm tháng Giêng hàng năm; hội thảo nâng cao chất lượng sáng tác do Hội tổ chức và các cuộc triển lãm của Hội tại Nhà Thông tin - Triển lãm Đà Lạt;  đến chúc mừng và giao lưu với các Trại sáng tác của các Hội ở Trung ương và Hội Văn học Nghệ thuật các tỉnh bạn và còn tham gia Ban Chỉ đạo tổ chức Liên hoan ảnh nghệ thuật Đông Nam Bộ lần thứ 21 được tổ chức tại Đà Lạt tháng 9 năm 2013, góp phần vào thành công của việc nhiệt tình đăng cai của tỉnh Lâm Đồng vào năm đó…

Điều làm tôi nhớ nhất là khi Hội VHNT tiến hành Đại hội lần thứ V nhiệm kỳ 2012-2017 vào cuối tháng 12-2012 đúng vào lúc đang phải giải quyết một số vấn đề về nhân sự khi nhà văn Lê Công - Phó Chủ tịch Hội được điều động sang công tác khác. Cũng có những diễn biến căng thẳng trong và ngoài Đại hội, nhưng sau đó Đại hội đã thành công tốt đẹp và nhà thơ Phạm Quốc Ca về làm Chủ tịch Hội.  

Lúc bấy giờ ngoài những bài viết mang tính chính trị viết theo yêu cầu của Hội thì Tạp chí Lang Bian của Hội cũng đã đăng một số bút ký, truyện ngắn, ký sự… của tôi, trong đó có bài “Cuộc chiến đấu trên đường phố” nói về Cao trào đấu tranh chính trị của Nhân dân, thanh niên, sinh viên và học sinh thành phố anh hùng Đà Lạt vào năm 1966. Đây chính là một trong những tư liệu để sau này tôi tham khảo thêm khi tham gia biên soạn Lịch sử Thành Đoàn và phong trào Thanh thiếu nhi thành phố Đà Lạt từ năm 1930 đến năm 2015.

Những năm trước khi tôi còn đang công tác thì anh Nguyễn Chí Long và sau này là anh Hà Hữu Nết có nói tôi nên vào Hội, vì đã rất nhiều tác phẩm được đăng trên Tạp chí Lang Bian và cũng nên tham gia sinh hoạt với các anh chị em văn nghệ sĩ. Họ là những người mà tôi đã từng quen biết và cả thân thiết nhưng tôi cũng tự nhận thấy mình vốn “phận mỏng cánh chuồn” trong một lĩnh vực quá rộng lớn này, nên tôi cứ cười và nói cho tôi ở ngoài để tôi ngắm Hội mình phát triển ngày càng đi lên là hay nhất.

Và lẽ tất nhiên là tôi sẽ luôn dõi theo Hội, ủng hộ Hội VHNT tỉnh nhà và tham gia một số hoạt động của Hội như tôi đã từng làm trước đây, để mãi xứng đáng với Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật mà Hội đã trao tặng cho tôi./.

     

Tôi và Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng