Tưởng niệm 50 năm ngày mất của Nguyễn Vỹ

TAP CHÍ LANGBIAN|2/10/2022 10:36:16 AM

Tưởng niệm 50 năm ngày mất của Nguyễn Vỹ

BẠCH NGỌC ANH

 

Thật xúc động khi ngồi viết những dòng này về ông Nguyễn Vỹ - một nhà báo, nhà thơ, nhà văn, nhà biên khảo, nhà văn hóa và nhà hoạt động xã hội nổi tiếng ở miền Nam trước năm 1975. Người đã rời xa cõi tạm cách đây tròn nửa thế kỷ.

Nguyễn Vỹ (1912-1971)­­­ sinh ra ở làng Tân Hội (nay là xã Phổ Phong), huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi trong một dòng tộc có truyền thống cách mạng và yêu nước. Cha là Nguyễn Thuyên từng làm quan ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định dưới thời vua Thành Thái, nhưng vì ông chống Pháp nên đã cởi áo từ quan về quê dạy học. Mẹ là bà Trần Thị Luyến. Nguyễn Vỹ còn có người bác ruột là tú tài Nguyễn Tuyên từng bị Pháp đày ra Côn Đảo 9 năm vì tham gia Duy Tân khởi nghĩa năm 1908. Anh họ là Nguyễn Nghiêm, người lãnh đạo phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh và là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi (1930). Thời trẻ, Nguyễn Vỹ theo học tại Trường Trung học Pháp - Việt ở Quy Nhơn (1927), bị gián đoạn do tham gia các cuộc vận động và biểu tình bãi khóa chống Pháp, sau đó ông ra Hà Nội học tiếp ban tú tài (1932). Nguyễn Vỹ đã khẳng định tên tuổi của mình trên các diễn đàn báo chí và văn nghệ từ trước năm 1945 và sau đó nữa tại miền Nam cho đến khi ông đi vào cõi vĩnh hằng.

Hội thảo khoa học toàn quốc đầu tiên về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Vỹ được sự đồng ý và cho phép của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Ngãi, với sự tham gia của  nhiều nhà khoa học và giảng viên các trường đại học trên cả nước đã tổ chức thành công tại Quảng Ngãi vào cuối năm 2017, nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh của ông. Đây là kết quả của sự nổ lực rất lớn của Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ngãi, tiêu biểu là Chủ tịch Lê Văn Sơn, người đã phối hợp chặc chẽ với Viện Văn học; Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, cùng với con cháu của ông Nguyễn Vỹ. Sau sự kiện trọng đại này, Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ngãi đã cho ra đời tập sách “Nguyễn Vỹ và quá trình tiếp nhận” nhằm giúp người đọc nhìn nhận rõ nét và khách quan hơn về cuộc đời và sự nghiệp của ông cũng như có cái nhìn chuyên sâu hơn trong từng lĩnh vực sáng tác của nhà báo, nhà thơ, nhà văn, nhà biên khảo, nhà văn hóa và nhà hoạt động xã hội Nguyễn Vỹ. Ông đã được công nhận là người đa tài ở nhiều lĩnh vực. Lĩnh vực nào ông cũng đều để lại những dấu ấn sâu sắc trong lịch sử phát triển báo chí và văn học nước nhà. Là một trong những người đi đầu trong phong trào Thơ Mới (1932-1945), ông đã nổi tiếng với những bài thơ độc đáo như “Sương rơi” (1935) và tuyệt tác “Gửi Trương Tửu” (1937). Nguyễn Vỹ còn là một nhà văn với một khối lượng văn xuôi khá đồ sộ, tiêu biểu là tiểu thuyết “Tuấn, chàng trai nước Việt” (1970) và được giới văn học đánh giá chung là có giá trị về mặt  “chứng nhân lịch sử “hơn là nghệ thuật văn xuôi. Về biên khảo, có thể nói “Văn thi sĩ tiền chiến” (1970) là bút ký chân dung văn học nửa đầu thế kỷ XX rất sinh động và xác thực, khách quan và rành mạch, sâu sắc và tinh tế. Thế nhưng gia tài đồ sộ nhất đã tạo nên uy tín lớn của Nguyễn Vỹ trong báo giới và văn nghệ , đặc biệt là ở miền Nam (1954-1975) là hoạt động và sáng tác báo chí dưới nhiều bút hiệu như : Cô Diệu Huyền, Tân Phong, Tâm Trí, Lệ Chi... Ông đã tự sáng lập ra và quản lý nhiều tờ báo khác nhau, viết những bài chính luận sắc sảo chống lại thực dân Pháp, phát xít Nhật, vương triều Bảo Đại, chế độ Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu. Cũng chính vì vậy mà cuộc đời hoạt động báo chí của Nguyễn Vỹ là cả một quãng đời vào tù ra tội. Nhưng ông luôn giữ vững khí tiết của một nhà báo chân chính,  bênh vực, bảo vệ quyền lợi của đại đa số quần chúng Nhân dân, ông dấn thân đấu tranh cho lẽ phải, cho tự do, bình đẳng và bác ái. Một số tờ báo mà Nguyễn Vỹ đã sáng lập ra và số phận của nó:

Chủ bút nhựt báo Tổ quốc dưới thời Việt Minh, Sài gòn và  bị đóng cửa tháng 9-1949. Chủ nhiệm, chủ bút tuần báo Dân chủ tại Đà Lạt từ năm 1948 và bị Chính phủ Nguyễn Phan Long đóng cửa năm 1955. Chủ nhiệm, Chủ bút nhựt báo Dân ta và Tạp chí Phổ thông 1948.  Báo Dân ta bị chính phủ Ngô Đình Diệm đóng cửa năm 1955.Tái bản nhựt báo Dân ta lần thứ nhất tháng 2-1964 và bị Chính phủ Nguyễn Ngọc Thơ đóng cửa tháng 6 -1964. Tái bản nhựt báo Dân ta lần thứ hai năm 1965 và bị Chính phủ Nguyễn Cao Kỳ đóng cửa vào tháng 7-1966. Báo Dân ta lại được tái bản lần thứ 3-1971. Chủ nhiệm, Chủ bút Tạp chí Phổ thông, tuần báo Thằng Bờm.

Cuộc đời làm báo của Nguyễn Vỹ cũng lắm gian truân, nhưng vì niềm đam mê, sự dấn thân và ý chí đấu tranh kiên cường cho lẽ phải, tự do, bình đẳng, bác ái nên thua keo này, ông lại bày keo khác  để thực hiện cho bằng được ý nguyện, tôn chỉ và mục đích vì Tổ quốc và hạnh phúc của Nhân dân mà phục vụ. Nguyễn Vỹ làm báo không vì mục đích để làm giàu và lo cho gia đình sung túc; ngược lại ông còn làm cho vợ con rơi vào cảnh “tan gia, bại sản” theo lời kể lại. Biết nói thế nào được khi đang ở lứa tuổi sung mãn nhất của sự nghiệp văn chương, ông đột ngột ra đi, bỏ lại những dự định, ước mơ dang dở, để lại bao tiếc thương khôn nguôi cho gia đình, người thân, bạn bè đồng nghiệp và hàng triệu người hâm mộ của nhiều thế hệ.

Đây chỉ là những nét khái quát về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Vỹ, mà người, viết chắc lọc từ những điều đã đọc, nghiên cứu, kết hợp với những tư liệu riêng của gia đình. Bài viết chỉ là một sự gợi mở thay lời muốn nói “Ôn cố, tri tân”, thắp một nén tâm hương dâng lên Nguyễn Vỹ nhân dịp tưởng niệm 50 năm ngày ông mất với tấm lòng ngưỡng mộ, biết ơn và kính yêu một nhà báo chân chính, một người con ưu tú và đa tài của quê hương đất nước. Hy vọng rằng, sắp tới đây sẽ có nhiều bài viết chuyên sâu về Nguyễn Vỹ của các học giả, các nhà nghiên cứu khoa học, các nhà biên khảo nhằm đáp ứng nguyện vọng người đọc của nhiều thế hệ./.

 

Tưởng niệm 50 năm ngày mất của Nguyễn Vỹ