Văn học nghệ thuật với công tác xây dựng Đảng
NGUYỄN THANH HƯƠNG
Nói đến văn học - nghệ thuật là bao hàm các chuyên ngành ở trong đó - gồm Văn học (Thơ, văn xuôi), lý luận phê bình, mỹ thuật (điêu khắc, hội họa), điện ảnh, nhiếp ảnh, ca múa, nhạc, sân khấu (kịch, nói, chèo, tuồng, dân ca ba miền).
Từ cách đặt vấn đề trên, chúng ta đã, đang và sẽ khẳng định là ở hành tinh này rất hiếm quốc gia có tổ chức các Hội Văn học Nghệ thuật từ Trung ương đến địa phương - một tổ chức do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý. Đảng định hướng cho đội ngũ văn nghệ sĩ tự do sáng tạo, Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nơi làm việc cho cán bộ nhân viên các cơ quan văn học nghệ thuật, đầu tư kinh phí cho các tạp chí văn học, cho các Hội Điện ảnh, sân khấu; Nhiếp ảnh, Hội Văn học Nghệ thuật… đều bằng ngân sách Nhà nước. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ xin đề cập đến chuyên ngành văn học (văn xuôi, thơ). Các chuyên ngành khác xin hẹn lần sau.
Quay ngược dòng thời gian, chúng ta thấy văn học nghệ thuật (trong đó chủ yếu là thơ, văn xuôi) đã đồng hành cùng dân tộc từ mấy ngàn năm. Từ khi Việt Nam ta chưa có chữ viết thì hàng ngàn câu ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích dân gian đã ra đời. Đó là kho trí tuệ vô giá của Nhân dân lao động được lưu truyền lại. Đến thời kỳ Lý - Trần - Lê - Nguyễn, văn học nghệ thuật đã phát triển mạnh mẽ. Những tác phẩm của: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trần Nhân Tông, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Hàm Ninh và rất nhiều tác phẩm của các danh sĩ khác… đã và còn sống mãi với thời gian. Nó góp phần cho nền văn hiến Việt Nam luôn bền vững và tỏa sáng. Khi người Tây xâm lược Việt Nam (1858), dù cho dân ta bị đàn áp, bóc lột, ngăn sông, cấm chợ, ngăn cản học hành nhưng văn học nghệ thuật vẫn như cây xanh vươn lên, không chịu khuất mình dưới bóng đen của cường quyền bạo lực. Nhiều tác phẩm thơ, văn của những nhân sĩ xuất hiện và quảng bá đã khơi dậy lòng yêu nước trong dân chúng, cổ vũ lòng tự hào dân tộc, kêu gọi toàn dân đoàn kết đứng lên chống ngoại xâm. Các tác phẩm của Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Đình Chiểu, Tú Xương, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Phan Điện… đã làm cho vườn hoa văn học nghệ thuật tiếp tục nở rộ. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3-2-1930) cho đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giai đoạn này, văn học nghệ thuật được tiếp thêm sức lực. Các nhà văn Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Tản Đà, Nguyễn Đình Thi, Lan Khai, Khái Hưng và các nhà văn của Đảng như lãnh tụ Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Tố Hữu, Xuân Thủy, Hồng Quang, Hoàng Văn Thụ… đã dùng thơ văn của mình tố cáo tội ác của thực dân đế quốc phong kiến, các tác phẩm của họ là vũ khí chĩa thẳng vào đế quốc thực dân, là hồi kèn xung trận giục giã toàn dân tộc vùng lên. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công rồi tiếp đến là hai cuộc kháng chiến giữ nước: Chống Pháp và chống Mỹ, văn học nghệ thuật cách mạng nở rộ như hoa mùa xuân. Các văn nghệ sĩ cũng cầm súng ra trận, và hai cuộc kháng chiến đã cho ra đời hàng ngàn tác phẩm (thơ ca kháng chiến, ca khúc hành quân, truyện ngắn tiểu thuyết, kịch, tranh cổ động,…) đây là nguồn dưỡng chất để làm nên sức mạnh triệu người như một, quyết giành độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc. Trong cuộc kháng chiến giữ nước, văn nghệ sĩ thật sự là chiến sĩ trên mặt trận chống đế quốc xâm lược được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận. Văn học nghệ thuật nuôi dưỡng tâm hồn người Việt từ bao thế hệ. Thiếu nó, chúng ta không đủ tự tin, vì vậy văn học nghệ thuật có thể coi là sức mạnh mềm. Trong sự nghiệp Đổi mới đất nước, Đảng lãnh đạo Nhân dân kiên định chủ nghĩa Mác - Lê nin và độc lập tự do phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội - đó là đường lối xuyên suốt của cách mạng Việt Nam, là điểm cốt lõi của hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, một hệ thống tư tưởng đặc trưng của Việt Nam.
Ba mươi lăm năm Đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu toàn diện, đã nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Hiện nay xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh là việc làm thường xuyên không phải của riêng tổ chức Đảng và đội ngũ Đảng mà là của toàn dân. Văn nghệ sĩ phải nhập cuộc bằng lương tâm, trách nhiệm của mình. Văn học nghệ thuật có tiếng nói riêng, nó phản ánh hiện thực cuộc sống qua tác phẩm do văn nghệ sĩ sáng tạo ra, trong đó, hàm chứa nội dung xây dựng Đảng, xây dựng Đảng chính là bảo vệ Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo lý, lối sống, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Thông qua tác phẩm, văn nghệ sĩ góp ý kiến với Đảng về công tác cán bộ, về phát triển kinh tế, giáo dục, giữ gìn di sản văn hóa dân tộc, biểu dương các Đảng viên, các tổ chức cơ sở Đảng tiêu biểu. Các hiện tượng tiêu cực cần được phê phán trên tinh thần vô tư, khách quan, nhìn thẳng vào sự thật, viết và nói đúng sự thật vì mục đích xây dựng, không cay cú hằn học… Văn học nghệ thuật giúp cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân nhận thức sâu sắc hơn nữa về sự lựa chọn đúng đắm của Đảng ta trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, từ đó để mọi người cùng nâng cao ý thức trách nhiệm đối với đất nước bằng việc làm cụ thể của mình. Văn nghệ sĩ cũng phải lưu ý đến việc sáng tạo những tác phẩm viết về Phong trào toàn dân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng.
Tóm lại, văn học nghệ thuật bắt nguồn từ đời sống, phản ánh hiện thực đời sống - đó là luận đề bất biến, văn nghệ sĩ cần gắn chặt với luận đề bất biến đó để rồi chính văn nghệ sĩ sẽ luôn có tác phẩm mới, làm phong phú đời sống tinh thần của Nhân dân và xã hội. Có thể nói rằng văn nghệ sĩ là người gieo hạt và người đọc (văn, thơ), người nghe (ca nhạc), người xem (sân khấu, phim, ảnh…) mới là người gặt hái. Hãy gieo những mùa vàng chắc hạt và bội thu./.