Về nguồn
VÕ TRẦN PHÚ
Cơn đại dịch Covid-19 đã tạm thời lắng xuống trên mảnh đất cao nguyên xanh. Đã qua hơn hai năm, chúng tôi những anh chị em là đồng đội của nhau trong kháng chiến đánh Mỹ, mới có dịp gặp lại nhau ở thôn Xuân Sơn, xã Xuân Trường, thành phố Đà Lạt. Hôm nay về đây để làm giỗ cúng tập thể cho những đồng đội chúng tôi đã ngã xuống trên mảnh đất này.
Hàng năm cứ vào ngày 26/7 bà con thôn Xuân Sơn, xã Xuân Trường tổ chức lễ giỗ tập thể cho chồng, con, em, cháu đã hy sinh cho quê hương. Năm nay có khác hơn, Ban tổ chức giỗ kết hợp với Công ty Viễn thông Lâm Đồng và Ban liên lạc những anh chị em kháng chiến trên đất Đà Lạt để tổ chức đi “Về nguồn”.
Từ quê hương xa xôi phía Bắc Hải Dương, Hải Phòng đến các chị miền Trung nắng cháy Quảng Ngãi, Đắk Lắk và số đông các anh, các chị ở đội công tác đô thị đóng quân trên địa bàn tam giác ngày xưa từ thành phố Hồ Chí Minh cũng về tham gia chuyến đi.
Những giọt sương mai lung linh còn vương trên ngọn cỏ, chúng tôi từ trụ sở thôn Xuân Sơn hành quân bằng xe máy - đoạn đường thảm bê tông xi măng trong thôn trải dài qua các vườn chè, cà phê lung linh trong nắng mai. Những rừng thông bạt ngàn hiện ra trước mắt. Càng đi xa hơn con đường trở nên nhỏ hẹp khó đi, cuối cùng là con đường đất, đường ướt trơn trượt, một vài xe ngã lăn quay, may quá không ai bị thương. Cứ thế, đoàn xe lần lượt leo lên dốc đứng, đổ xuống suối sâu đưa chúng tôi đến nơi đặt bia tưởng niệm các chiến sĩ giao liên Trạm T372.
Một dải rừng cây tạp mọc dài ven suối dưới chân những đồi thông lưa thưa. Suối ấy, những người chiến sĩ giải phóng nơi đây đặt tên là “Suối ca nhạc”. Sau những đêm đánh địch, đi vũ trang tuyên truyền, những người chiến sĩ ngày ấy tổ chức những đêm liên hoan ca hát bên bờ suối. Từ đó có tên là Suối ca nhạc. Nơi đây cũng là điểm nhấn đau thương, ác liệt diễn ra vào trung tuần tháng 11 năm 1970. Chị Lê Việt Lan nguyên là chiến sĩ đội công tác vũ trang, người con gái của thôn Xuân Sơn bồi hồi kể lại trong niềm ký ức nghẹn ngào: “Hôm ấy khoảng 5 giờ sáng, trời chưa sáng tỏ, sương mù còn che phủ cả lòng suối. Chúng tôi chợt bừng tỉnh khi nghe tiếng súng nổ vang, mọi người chỉ vớ được cây súng chạy dọc theo dòng suối thoát thân. Địch trên đồi cao xả đạn liên hồi, tiếng đạn AR.15, M.79 nghe điếc tai, nhức óc. Đi đầu là tên Hồng mặc đồ quân Giải phóng, đây là một tên quân y sĩ biến chất, chiêu hồi dẫn quân vào đánh úp những đơn vị công tác.
Chiều hôm ấy, 5 đơn vị công tác bắt liên lạc họp bàn và lên phương hướng cử 5 chiến sĩ về địa bàn để xem xét (lúc này tài liệu và tư trang mất hết). Trời chạng vạng tối, 5 anh em men theo bờ suối, lần từng bước theo dòng suối về nơi đóng quân, vấp phải mìn claymore địch gài hy sinh tại chỗ.
Trước bia tưởng niệm những người con của xã Xuân Trường và những đồng đội khác đã ngã xuống trên đất này. Những người đi viếng hôm nay xúc động, ngậm ngùi thắp những nén hương thơm kính cẩn nghiêng mình trước hương hồn những chiến sĩ đã hy sinh. Làn khói mong manh lan tỏa khắp rừng, tôi có linh cảm những linh hồn các anh còn vương vấn nơi này. Buổi lễ tưởng niệm bên tượng bia thật trang nghiêm. Thay mặt Ban tổ chức, anh Phạm Văn Nhường - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam thôn Xuân Sơn đọc lời tưởng niệm “… Các bác, các chú, các anh chị đã ngã xuống trên mảnh đất này để dành lại độc lập, tự do cho dân tộc, dành lại bình yên cho đất nước. Chúng tôi, những lớp con cháu thế hệ hôm nay nào dám tiếc mồ hôi, nguyện sống sao cho xứng đáng với những lớp người tiền bối đã đổ máu trên mảnh đất này”.
Suối ca nhạc nước vẫn chảy róc rách, đồi đánh Mỹ thông vẫn reo vi vu. Hơn 50 năm trước các anh, chị đã sống và chiến đấu, hy sinh anh dũng, dâng hiến tuổi 20 cho đất nước. Tôi lặng lẽ thả từng bước chân lên đồi gặp anh Trần Hoàng, hiện là cán bộ, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ chí Minh Công ty Viễn Thông Lâm Đồng, anh tâm sự:
“Qua chuyến đi thực tế lần này, cho cháu thêm bài học về lịch sử kháng chiến trên vùng đất Xuân Trường anh dũng. Đoàn Thanh niên bọn cháu hàng năm thường tổ chức về 4 bia tưởng niệm ở Lâm Hà - Lạc Dương - Núi Voi - Xuân Sơn để thắp hương, dọn vệ sinh, sửa lại những bờ taluy bị sạt lở… Lần này chúng cháu nghe và nhìn tận mắt, nơi các cô chú chiến đấu và hy sinh, chúng cháu rất kính phục lớp ông cha đã ngã xuống trên mảnh đất này”.
Trong chuyến đi về nguồn hôm nay, bà con Nhân dân xã Xuân Sơn còn cho tôi xem thùng đạn đại liên của Mỹ và 1 bọc quần áo bộ đội. Trong thùng đạn đại liên cất giấu toàn tài liệu, về công tác huấn luyện, công tác dân vận, nghị quyết chi bộ. Tuyệt nhiên không có một dòng nhật ký, một lá thư tỏ tình… (có lẽ người cất giấu tài liệu là một sĩ quan quân đội).
Nơi các anh nằm xuống, nơi bước chân chúng tôi đi qua dấu ấn một thời trai trẻ. Sao chúng tôi có thể quên được. Tưởng nhớ các anh chị, chúng tôi thắp nén hương với tấm lòng thành kính cảm xúc dâng trào./.