Vinh dự, tự hào là hội viên Hội VHNT Lâm Đồng
NGUYỄN THƯỢNG THIÊM
Hội Văn học Nghệ Thuật Lâm Đồng vừa tròn 35 tuổi 1987-2022, đang sôi sục trong mình nhiệt huyết của tuổi thanh xuân.
Còn tôi, người viết những dòng này mới chập chững ở tuổi lên năm. Tôi được kết nạp vào Hội VHNT tháng 10 năm 2017. Nhưng cái đáng nói lại là tuổi nghề còn ít - người ta hay gọi là người viết văn trẻ, nhà văn trẻ… thì đã ngoại thập tuần - bảy mươi tư tuổi.
Vì thế tôi không có “tuổi” để viết về lịch sử của ba mươi lăm năm hình thành và phát triển của một tổ chức “sinh ra tôi” - Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT), tôi chỉ xin kể về bước đường 5 năm qua, tôi vinh dự được là thành viên chính thức của Hội.
Tháng 10-2017, Chi hội VHNT Đạ Tẻh tổ chức Đại hội, tới dự và chỉ đạo có nhà thơ Phạm Quốc Ca - Chủ tịch Hội VHNT Lâm Đồng. Tôi biết ông đã lâu, từ những năm tám mươi của thế kỷ hai mươi, với cương vị là giảng viên Trường Đại học Đà Lạt, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, lần nào gặp nhau, ông cũng nói:
- Anh nên vào Hội. (Tôi hơn ông một tuổi, tôi hay gọi ông bằng thầy) Viết báo rồi thì giờ viết văn cũng tốt chứ sao. Nhưng này, văn không như báo đâu nhé…
Trước khi gặp ông, thời còn làm Đài Truyền thanh - Truyền hình, tôi cũng được gặp và thọ giáo từ một số cây viết kỳ cựu của Hội về thăm Đạ Tẻh như nhà văn Chu Bá Nam, nhạc sĩ Trọng Thủy, nhà thơ Phạm Vĩnh, họa sĩ Vi Quốc Hiệp, nhạc sĩ Đình Nghĩ… Tôi nhớ mãi nhà thơ Phạm Vĩnh, lúc trà dư tửu hậu đã “xuất khẩu thành thơ”, một câu vui về Đạ Tẻh: “Tôi về công tác Đạ Te (Tẻh)/ người thương thì ít, người… đe thì nhiều/ Đã liều ba bảy cũng liều/ Dẫu đe, dẫu búa càng yêu đất này”… Tiếng cười nghiêng ngả rừng chiều.
Các anh trao đổi về công việc viết văn, việc của Hội, người viết được đi đây đi đó, khám phá những con người, vùng đất, sự kiện… làm tôi cũng thấy hào hứng.
Được khuyến khích, động viên, nên tôi liều tập viết văn. Khóa trước, quy chế của Hội quy định, ai muốn được vào Hội phải có ít nhất bảy tác phẩm văn học được in, giới thiệu trên các báo, tạp chí từ cấp tỉnh trở lên. Tư liệu tích lũy từ bao năm trong cuộc sống ở một vùng đất lịch sử, giàu truyền thống cách mạng (Vùng III , Chiến khu D) - nay là khu vực Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, đã thôi thúc tôi viết về nơi ấy.
Và được sự hướng dẫn của nhà văn Thanh Hương, Chi hội trưởng Chi hội VHNT Đạ Tẻh, tôi đã viết một mạch hồi ký “Gặp những chứng nhân trên mảnh đất anh hùng”. Trong đó có đoạn viết về ông Trương Văn Sáu - cán bộ lão thành cách mạng, nguyên Bí thư Huyện ủy Đạ Tẻh. Vui thay, Báo Lâm Đồng đã in, có đoạn: “…Chuyện rằng, vào một đêm hành quân, khi xe xuống lưng chừng đèo, bỗng phát hiện giữa đường một vật gì rất to chắn ngang. Xuống xe, ông phát hiện, thì ra một con voi đang nằm. Đuổi nó không đi, có người đòi bắn, ông không cho. Rồi ông hô hào chiến sĩ xuống xe cùng nhau “đẩy” con voi vào vệ đường... Và xe tiếp tục lăn bánh an toàn. Không biết chuyện thật đến đâu, nhưng nó là tiếng cười của những người lính trận. Tiếng cười góp phần làm nên những chiến công to lớn của quân và dân Lâm Đồng nói chung và Vùng III nói riêng. Đó cũng là một nét văn hóa đánh giặc, đánh đâu thắng đấy của quân và dân ta”.
Như có trớn, trong hai năm 2016-2017, tôi viết thêm một truyện ngắn (Đóng hay mở) bốn ký (Giàu đôi con mắt, Bến bờ hạnh phúc, Đạ Tẻh - những mốc son trên chặng đường phát triển, Trọn đời theo Đảng) và hai bài thơ (Tứ quý, Bố và con gái). Tổng cộng bảy tác phẩm, đều được Tạp chí Lang Bian và Báo Lâm Đồng giới thiệu. Trong thời gian ấy, nhà văn Nguyễn Chí Long - Phó Chủ tịch Hội, Tổng Biên tập Tạp chí Lang Bian, vì thương “chàng sĩ tử” lều chõng đi ứng thí là tôi, nên luôn điện thoại giục:
- Này, cậu cố lên, còn thiếu… còn thiếu… còn thiếu. Ráng để cuối năm 2017, khi Hội bước sang nhiệm kỳ mới 2017-2022, có thể xem xét kếp nạp Hội.
Khi tôi chưa được vào Hội, Hội VHNT Lâm Đồng đã có bề dày 30 năm, như chàng thanh niên đã và đang trưởng thành. Tạp chí Lang Bian được bạn đọc trong và ngoài tỉnh đón nhận và cổ vũ. Số lượng in ngày càng tăng, hình thức được ưa chuộng, chất lượng các tác phẩm vừa có tính nghệ thuật cao, vừa giàu về nội dung tư tưởng. Dù tôi bận làm báo, nhưng tháng nào cũng mượn bằng được cuốn tạp chí của chú em để ngấu nghiến đọc. Nhiều bài tôi chọn giới thiệu trên sóng Phát thanh - Truyền hình của huyện. Có người nhận xét: Lang Bian như ngọn núi cao, không thua kém tạp chí của các Hội bạn trong khu vực cũng như trong nước.
Trong năm năm gần đây, là hội viên 2017-2022, tôi càng chứng kiến sự trưởng thành vượt bậc của Hội. Làm văn nghệ mà biết vận động, xây dựng quỹ ủng hộ cán bộ, hội viên khó khăn khi đại dịch covid đang hoành hành. Thật là thời sự, thật là nhân văn. Nhiều hội viên nhận được tình cảm từ tấm lòng thương yêu của toàn Hội, càng thêm gắn bó, có những đóng góp xây dựng Hội vững mạnh.
Một dấu ấn đáng ghi nhận nữa, ở đâu cũng thế, trụ sở làm việc là bộ mặt của cơ quan, đơn vị đó. Nó thể hiện vị thế trong xã hội. Bao năm mong ước, giờ đã thành hiện thực: Hội có trụ sở mới khang trang, bề thế, đầy đủ công năng, tiện ích giúp cho việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Hội trong những năm tiếp theo.
Còn tôi, nhờ có Hội, lại được sự giúp đỡ chí tình của đồng nghiệp, năm năm qua, tôi đã được Hội Nhà văn cho xuất bản tuyển tập truyện ngắn và ký. Về giải thưởng, các cụ vẫn nói “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp” nên tôi cứ “khoe” ra đây. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tặng hai Giấy khen vì: Đã có tác phẩm tham dự Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng mang tên “Búa liềm vàng” lần thứ III năm 2018” .
Đã có tác phẩm đạt chất lượng về sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật và báo chí với chủ đề: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2018-2020.
Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và Hội Cựu chiến binh tỉnh tặng hai Giải Khuyến khích cuộc thi viết về Lực lượng vũ trang. Hội VHNT Quảng Nam tặng Giải Ba (không có Giải Nhất và Nhì) cho Truyện ngắn: “Điều kỳ diệu”. Hội VHNT Lâm Đồng tặng Giải Khuyến khích Cuộc thi và Giải tác phẩm chất lượng cao.
Cũng như nhiều hội viên khác, năm năm là hội viên của Hội trong dòng chảy 35 năm hình thành và phát triển của Hội VHNT Lâm Đồng chỉ là một điểm nhấn, một viên gạch nhỏ, xây nên tòa tháp ngà của thượng tầng kiến trúc hôm nay.
Nhưng đó là một dấu ấn khó quên, một vinh dự và niềm tự hào, củng cố thêm tâm huyết của mình trên con đường còn thênh thênh phía trước của Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng./.