Võ Khắc Dũng - Lặng thầm trong mây khói
TRẦN NGỌC TRÁC
Tôi không sinh hoạt cùng cơ quan báo chí với Võ Khắc Dũng, nhưng Dũng là một trong những cộng tác viên tích cực trong một thời gian khá dài của giới văn nghệ chúng tôi.
Dũng đi nhiều, lăn lộn, nhập cuộc, khai thác thông tin nhanh nhạy, viết khỏe và cập nhật thời sự rất kịp thời. Nhiều bài báo, phóng sự, ký của Dũng có tính phát hiện và dự báo tốt. Mảng đề tài về dân tộc, Dũng viết đậm vì vốn dĩ là dân học sử, dân nhân chủng học, am hiểu các dân tộc bản địa và từng làm nhiều đề tài về dân tộc thiểu số. Biết nhiều, chưa chắc viết được, nhưng Dũng đã vượt qua giới hạn đó. Tác phẩm của Dũng ra đời kịp thời mang theo những thông tin cần thiết cho người đọc.
Chương trình văn nghệ phát thanh của Đài Lâm Đồng thường có bài viết của Dũng; có khi là phóng sự, bút ký, có khi là thơ; thậm chí có khi là bài hát. Anh là một người đa tài.
Năm 1979, Dũng 17 tuổi, khi nghe quân xâm lược bành trướng gây chiến tranh dọc theo biên giới các tỉnh phía Bắc, Dũng tình nguyện làm đơn lên đường. Sau 3 năm, Dũng rời quân ngũ với cấp bậc Trung sĩ và trở về nhà tiếp tục đi học. Những ngày theo học Trường Đại học Đà Lạt, Dũng được đánh giá là sinh viên học giỏi và được nhà trường giữ lại làm giảng viên một thời gian (1989-1991). Nhưng vốn dĩ là người thích đi đây, đi đó cho thỏa chí tang bồng, nên Dũng xin chuyển về cơ quan Báo Lâm Đồng để thỏa mãn sở thích của mình (từ năm 1991 cho đến ngày mất 16/1/2016). Một chặng đường hơn 1/4 thế kỷ, Dũng cũng như đồng nghiệp của mình xông pha vào những nơi khó khăn, vất vả, lăn lộn hòa nhập với cộng đồng để có những bài viết hay, những câu chuyện sinh động được gom nhặt, hun đúc từ thực tế cuộc sống.
Trong suốt chặng đường hơn 30 năm gắn bó với Báo Lâm Đồng, anh được phân công làm phó thư ký tòa soạn một thời gian, nhưng vốn là người thích đi, nên Dũng lại tiếp tục con đường mà mình đã chọn. Dũng tham gia cộng tác thường xuyên, thậm chí là đại diện của các tờ báo lớn như Lao Động, Nông thôn ngày nay, Nông Nghiệp… Ở bất cứ công việc gì liên quan đến báo chí, Dũng đều có mặt.
Khi Tạp chí Lang Bian muốn đổi mới, Dũng cũng sẵn sàng cộng tác và góp ý. Năm 1995, Dũng được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng, chuyên ngành Âm nhạc bằng những ca khúc in trên báo, và sử dụng trên sóng phát thanh truyền hình. Năm 2005, Dũng đã cho in tập ca khúc “Rong rêu tìm nhau” của riêng mình. Không chỉ âm nhạc, mà các thể loại khác của báo chí, văn học như, ký, ghi chép, tiểu thuyết, phóng sự… anh đều tham gia với bút lực mạnh mẽ. Võ Khắc Dũng đi nhiều, viết khỏe và xuất bản nhanh, như sợ thời gian kéo ngắn sự sống của mình. Vừa “lôi” 5 cuốn sách mới in xong ở Công ty In - Phát hành sách Lâm Đồng, Dũng tạt sang văn phòng Hội văn nghệ ký tặng ngay cho tôi 5 cuốn. Tôi có cảm giác như Dũng sợ một điều gì đó không may đến sớm với mình, thì những tập bản thảo kia sẽ không bao giờ được ra đời.
“Những nhân vật của tôi” - là cuốn sách tổng hợp gần ba mươi con người mà Dũng có dịp gặp gỡ, tìm hiểu và viết về họ; là những những nhân vật mà Dũng quá đỗi thân thương. Ở đó, người đọc bắt gặp hình ảnh của “đệ nhất thủ tướng Fulro” Ya Duck; là câu chuyện của kẻ “dở hơi” - nhà thơ Nguyễn Đức Sơn ở Phương Bối Am (B’Lao); là sĩ quan Fulro “Liêng Bang” từng có 7 năm sống trong rừng, đeo lon “trung tá” là tham mưu trưởng cho Tư lệnh Quân khu 4 của Fulro - rồi trở về với buôn làng, trở thành “Vua” cà phê ở xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà…; là chân dung ông Chế Đặng từng dọc ngang núi rừng Lâm Đồng, Nam Trung Bộ, Tuyên Đức một thuở; là người dám mổ bụng mình để phản đối sự đàn áp khốc liệt của cảnh sát phía “bên kia”; là chuyện của một vị sư làm trang trại trồng lan, làm nấm linh chi ở hồ Tuyền Lâm…
Một cuốn sách đoạt Giải B (không có Giải nhất) của Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng lần thứ nhất, cuốn “Nam Tây Nguyên - những điều kỳ thú” của Võ Khắc Dũng. Ngay từ trang mở đầu, Võ Khắc Dũng đã chia sẻ: “Cuốn sách nói đến vùng đất Lâm Đồng - Nam Tây Nguyên là nói đến vùng văn hóa đa bản sắc của nhiều tộc người với những yếu tố đan xen và giao hòa giữa văn hóa bản địa truyền thống với văn hóa hiện đại của Việt Nam và thế giới. Từ buổi bình minh của lịch sử, văn hóa của vùng đất Lâm Đồng là một bộ phận khăng khít và cùng tiến triển với văn hóa Việt Nam”.
Xuyên suốt của cuốn sách, người đọc hiểu rõ hơn về âm nhạc trong đời sống cộng đồng của các dân Mạ, K’Ho, Chu Ru… của Nam Tây Nguyên; là hồn thiêng và những giá trị tâm linh mà bao đời, bao thế hệ gìn giữ tạo nên bản sắc riêng của các dân tộc bản địa; là tiếng cồng, tiếng chiêng ngân lên. Ở đó, người đọc tiếp cận với những sắc màu của buôn làng, qua văn hóa tộc người, về sử thi Tây Nguyên, về lửa và rượu, về cách giải mã tâm thức cổ dân Nam Tây Nguyên, là dòng chảy bất tận văn hóa của một vùng đất… Đây là cuốn sách ghi nhận những cố gắng của Võ Khắc Dũng khi hòa mình cùng với bà con dân bản, cùng với già làng, trưởng bản, với các nghệ nhân của các dân tộc Nam Tây Nguyên… để trang bị cho mình vốn văn hóa cần thiết, ngay tại vùng đất này.
Với “Gió se lạnh cho bạc đầu sương núi”, Dũng mang đến cho người đọc những mẫu chuyện gắn kết với quá trình lịch sử xuyên suốt ở Lâm Đồng - Tuyên Đức, là những vụ việc ít ai ngờ tới, và tản mạn những câu chuyện gần gũi với đất nước, con người ở Đà Lạt, Lâm Đồng mà Dũng rất đỗi tin yêu.
Mang trong mình nhiều căn bệnh quái ác, nhưng nghe tin đi Trường Sa, Dũng vẫn xin đi cho bằng được. Kết quả là sự ra đời một tác phẩm dành riêng cho Trường Sa “Nhật ký Trường Sa Vạn lý nơi đầu sóng” do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2012. Ngay từ lời ngỏ của cuốn sách, Võ Khắc Dũng đã tâm sự “Một tháng cũng là thời gian quá ngắn để một người cầm bút hoàn thành cuốn “nhật ký” xem ra cũng khá… dày dặn như thế này. Đặc biệt là phải viết trong điều kiện sóng to, gió lớn nơi Biển Đông trên một con tàu “xuyên bão” và cả… “xuyên năm”. Cuốn sách là những cảm xúc rất thật được viết “ngay tại chỗ” mà chúng tôi kỳ vọng chuyển tải được một vài điều gì đó để bạn đọc quan tâm. Nhất là phần nào hiểu thêm về vấn đề biển đảo và về các chiến sĩ Trường Sa”…
Và có một điều gì đó len lỏi trong suy nghĩ của Dũng những ngày tưởng chừng sẽ “đoạn tuyệt” với cõi đời này. Dũng viết “Phù du trần thế” bằng những tản văn gợi lên biết bao điều. Tả thật để ngẫm nghĩ. Nêu người thật việc thật để luận. Mọi điều tưởng chừng như vô vi, tự tại. Dũng tự vấn và tự giải thích. Có phải cuộc đời là hư vô, có phải… Thế rồi, Dũng cũng không dễ gì xa rời cõi thế ngay tức thì. Và phải mười năm sau, Dũng mới đành đoạn ra đi.
Không những có những đầu sách riêng đã in, Dũng rất quan tâm đến anh em bạn bè văn nghệ. Khi có một tập sách, tập thơ, tập huyền thoại ra đời của văn nghệ sĩ tỉnh nhà, Dũng bao giờ cũng dành những dòng chia sẻ ân tình.
Khi đọc tập thơ “Thơ tặng Người” (Nhà xuất bản Văn nghệ TP HCM - 2000) của nhà thơ Nguyễn Tấn On, Dũng viết bài “Ghi nhận một tấm lòng”; khi cầm trên tay cuốn thơ “Huyền thoại Phong Nha” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2007) của nhà thơ Lê Bá Cảnh ký tặng, Dũng bảo “tôi một lần xin được nói rằng, ông đích thực là “Nhà thơ Lê Bá Cảnh của những huyền thoại”; đọc “Đà Lạt trong tôi” của Trần Đức Lộc (Nhà xuất bản Trẻ năm 2000), Dũng đã dành nhiều trang viết ngợi ca cuốn sách này, và Dũng đã có lời kết thật ân tình “Đúng là kiến trúc sư, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam Trần Đức Lộc đã dành nhiều thời gian để chiêm nghiệm về Đà Lạt, một thành phố được mệnh danh là Paris thu nhỏ, dưới cái nhìn của một kiến trúc sư và tấm lòng của một người viết báo. Mười lăm năm nung nấu để cho ra đời một cuốn sách dày chỉ trên 110 trang khổ nhỏ viết về kiến trúc Đà Lạt hẳn không chỉ là “món quà nhỏ” như cách nói khiêm tốn của tác giả”. Với các bậc đàn anh trong âm nhạc ở Đà Lạt, như nhạc sĩ Mạnh Đạt, Hà Huy Hiền, Thạc Nhơn, Dương Toàn Thiên, Trọng Thủy… Dũng đều dành những tình cảm đặc biệt khi viết về họ.
***
Buổi sáng nghe tin Võ Khắc Dũng vừa ra đi, sau hai ngày về bên mẹ, cũng là lúc tôi và gia đình rời Sài Gòn về Huế chịu tang mẹ nên tôi không có cơ hội về Đạ Tẻh nhìn anh lần cuối.
Trước khi Dũng rời Đà Lạt về Đạ Tẻh, trong một chuyến đi làm phim ở huyện về; tôi, nhạc sĩ Dương Toàn Thiên, Biên tập viên văn nghệ Trần Hoàng Vũ Nguyên, Nhà thơ H’Man, nhạc sĩ Nguyễn Thị Thủy (Đà Nẵng) đã ghé thăm Dũng ở căn nhà trọ gần Ủy ban Nhân dân tỉnh. Dũng gầy, nhìn thương lắm, không biết nói gì, chỉ cầu mong Dũng mau lành bệnh. Những căn bệnh quái ác đang tiêu hủy Dũng. Dũng vẫn vui, nhưng ít nói hơn. Vốn dĩ Dũng là người cô độc và thích lặng lẽ một mình. Vốn làm một người lính, từng ra trận mạc, Dũng hiểu ý nghĩa của sự tồn tại; hiểu được bạn bè tâm giao, hiểu được nỗi đau thể xác và sự vượt lên như thế nào.
Anh em với nhau cũng hơn ba mươi năm gắn bó; biết bao buồn vui đều đã sẻ chia. Sáng nay, ngồi đây một mình với ly cà phê, không có gạt tàn, chỉ có hoa Đà Lạt, tôi nghĩ về Dũng, nghĩ về ca từ mà Võ Khắc Dũng từng thốt lên trong một ca khúc của mình: Lặng thầm trong mây khói…
Vâng, Dũng đang đi vào cõi mờ xa để lắng nghe tiếng lòng mình, để nghe hơi thở của mình, nhịp đập của trái tim…/.