Yêu say đắm nồng nàn Đà Lạt

TAP CHÍ LANGBIAN|5/26/2022 3:55:13 PM

Yêu say đắm nồng nàn Đà Lạt

TRỌNG VĂN

 

Thiên nhiên, đất trời, con người của Đà Lạt có sức quyến rũ đặc biệt. Ai đã một lần đến với Đà Lạt cũng dễ tức cảnh thành thơ. Đà Lạt trở thành nơi quy tụ nhiều văn nghệ sĩ, du khách trong và ngoài nước đến đây và đã để lại hàng ngàn tác phẩm làm xao xuyến lòng người.

Với một giọng thơ gần gũi, dung dị, nhà thơ Đăng Sương ở Hà Nội đã nhiều lần đến với Đà Lạt, và lần nào anh cũng có thơ viết về vùng đất này. Anh yêu Đà Lạt say đắm nồng nàn. Anh nhận ra một thành phố trong sương lãng đãng; cảm thấy tâm hồn trẻ trung khi hòa mình trong không gian yên lắng, một chút hoài niệm ưu tư và lòng như tĩnh lặng: Với Đà Lạt tôi là người lữ khách/ Theo mông lung, lãng đãng đồi Cù/ Đến Thung lũng Tình yêu, hồn còn để lại/ Chút mủi lòng hoang hoải, chút ưu tư (Đà Lạt).

Dù cho đến Đà Lạt biết bao lần, nhưng lần nào vùng đất nên thơ này cũng làm anh xao xuyến. Anh hòa mình nhanh trong trái tim Đà Lạt. Và Đà Lạt cũng hòa trong thơ anh một cách tự nhiên, nhẹ nhàng: Em đắm chìm trong sâu thẳm hồn anh/ Dìu nhau lên đỉnh trời đầy gió/ Chan chứa ngọt ngào như điệu múa/ Dập dồn, xao động cồng chiêng! (Đà Lạt một lần thương). Bắt gặp bất cứ hiện tượng như thế nào, hoàn cảnh ra sao, anh cũng dễ chuyển nó thành thơ. Đó là lúc anh nhận ra: Mưa xối xả cho con đường thêm vắng/ Gió, lay cành hoa rụng mà thươn / Ai len lén ướt đầm tà áo mỏng/ Hay là em dầm dãi tha phương?/ Mưa và nắng vẫn vô tình vậy đó/ Còn anh thì trăm nhớ, ngàn thương/ Em cũng đến ầm ào như gió/ Để lòng anh bao nỗi vấn vương! (Mưa). Đó là lúc anh xúc cảm trước một mùa thu: Miết man chi lắm mưa ơi!/ Phong phanh đêm lạnh đổi lời liêu phiêu/ Khấp khểnh đan giữa chín chiều/ Khúc xưa còn đọng rất nhiều dở dang/ Đã từng khô khát lá vàng/ Thu về/ Thêm những ngỡ ngàng/ Thu ơi! (Lại thu).

Bằng cách cảm nhận của riêng mình, anh nghĩ về một cõi tiên trên trần thế, đó là Đà Lạt. Đà Lạt gợi nhớ biết bao điều cho lữ khách và chính Đà Lạt là hồn cốt cho những vần thơ hay xưa nay. Nhà thơ, họa sĩ Đăng Sương cũng đắm mình trong niềm tin yêu ấy: Với tay chạm dải voan mây/ Bâng khuâng tưởng đã nơi đây cửu trùng/… Tưởng mình lên được tầng cao/ Mà nghe tâm tưởng chênh chao cõi thiền/ Đây rồi Đà Lạt cõi tiên/ Hoa thơm, cỏ lạ ưu phiền tiêu tan (Ưu tư). Phải yêu lắm, thương lắm, nhà thơ mới viết được nên hai câu thơ gợi cảm: Đà Lạt mưa. Đà Lạt mưa/ Em tôi ướt áo mà chưa ráo buồn/ Và, rồi: Ước ao anh được ở gần/ Để hong khô áo, để cầm tay tiên (Đà Lạt mưa).

Khi gặp rừng thông Đà Lạt, khi gặp mây bay dưới bầu trời xanh Đà Lạt cũng làm cho trái tim anh rung động: Đà Lạt thông, Đà Lạt mây/ Không dưng đến cả cỏ cây cũng tình/ Phố thương ai chỉ một mình/ Lặng thầm nghe tiếng thậm thình con tim/ Ôi cô liêu, hỡi cô liêu/ Đơn côi dồn nén những điều thắm xa/ Chuốt từng sợi gió quanh ta/ Se săn sợi nắng giữa tà dương… say… (Tương tư chiều).

Trong các tập thơ của anh, hoàng hôn, chiều… thường được anh quan tâm và đưa vào thi ca. Anh viết: Hoàng hôn đâu phải là chiều/ Mình em đâu phải cô liêu dặm dài (Đâu phải là chiều);  hay: Chiều nào tay lại cầm tay/ Niềm vui chen lẫn tình say đượm buồn (Chiều ).

Đến với thành phố muôn sắc hoa, anh cũng có nhiều bài thơ viết về hoa. Với “hoa bất tử”, anh vẫn tìm cho mình một cách viết riêng: Rồi một ngày kia người sẽ bỏ ta đi/ Không thể kiên gan như hoa bất tử/ Ta lục tìm những điều trong quá khứ/ Hẳn bàng hoàng - hoa vẫn còn đây/ Cũng một thời hương sắc mê say/ Phảng phất những tinh anh nhập nhòa lan tỏa/ Cũng có một thời sắc hoa hòa sắc lá/ Tưởng đời mình cây mãi ẫn thường xanh. (Chồi nụ thời gian).

Những ngày ở Đà Lạt anh lại nhớ về Hà Nội, nhớ về Thăng Long, nhớ về những tháng ngày đầy kỷ niệm và tự vấn: Hà Nội ơi! Đà Lạt vẫn mộng mơ/ Và nắng vàng ru đồi thông xanh biếc/ Nhớ Hà Nội chìm trong giá rét/ Thương đến nghẹn ngào những tiếng rao đêm/ Đêm về thầm thào nghe gió chung chiêng/ Tiếng đất thở thấy lòng nôn nao lạ/ Có phải giờ ta xa cách quá/ Mà nỗi niềm day dứt với Thăng Long (Nhớ về Hà Nội). Nhớ Hà Nội là thế, nhưng anh vẫn dành cho Đà Lạt một tình cảm đặc biệt: Sau những phút ngỡ ngàng bất chợt/ Là dâng trào cảm xúc ngày xanh/ Chìm đắm, sẻ chia ngập hồn yêu mến/ Em hòa mình vào sâu thẳm lòng anh!/ Đêm lành lạnh thông vươn mình che chở/ Cho mây nương, cho hoa đỡ lạnh lùng/ Nghe đất thở dồn nén niều cảm xúc/ Mơn man hương đời, Đà Lạt mãi chờ mong! (Chờ mong). Khi đến với Sapa hữu tình, anh cũng nhớ về Đà Lạt: “Chiều nay ta đến Sapa/ Thương sao Đà Lạt ngàn hoa đợi người/ Bắc thang lên tận cõi trời/ Để xem hương sắc hai nơi đượm tình!/ Cũng là mây phủ bồng bềnh/ Cũng xanh xa núi nông nênh tím mờ/ Ngọt ngào hương sắc nên thơ/ Xưa ai thương nhớ? Bây giờ nhớ ai?”  (Hai miền thương nhớ)…

Tuy là lữ khách, nhưng anh tự nhận mình là người Đà Lạt: Em sẽ đến, thế nào em cũng đến/ Như ngày nơi đây vẫn cứ bốn mùa/ Trong giá lạnh mà hoa kia vẫn nở/ Em dịu dàng như thể ngày chưa… (Đợi em về Đà Lạt).

Một điều rất dễ nhận thấy trong thơ anh, là dẫu ở nơi nao, anh vẫn nghĩ về Đà Lạt. Trong bài thơ “Em yêu Đà Lạt”, anh thổ lộ: “Em sẽ trở về Đà Lạt cùng anh/ Thung lũng Tình yêu vẫn chờ ta đó/ Ta cùng lên Lang Biang đầy gió/ Thăm đồi thông Hai Mộ nặng tình!/ Thác Prenn trắng xóa lung linh/ Nghe tiếng chuông nhà thờ Con Gà vang trong sương sớm/ Xem đàn bướm dập dìu bay lượn/ Giữa vườn hoa thành phố đẹp như mơ…”.

Đà Lạt có một sức hút đặc biệt, quyến rũ anh, hòa quyện hồn anh vào với thiên nhiên, đất trời, con người Đà Lạt; vắt kiệt sức anh để có những câu thơ cháy hết lòng. Không dừng lại với những bài thơ viết về Đà Lạt, anh sẽ tiếp tục cuộc hành trình “Bâng khuâng và ước vọng. Rung cảm và phiêu lãng. Thiết tha và mộng mơ. Lãng đãng và chân thực” mà nhà thơ Vương Anh từng viết về anh, về Đà Lạt mà anh vẫn tiếp tục khát tìm./.

 

Yêu say đắm nồng nàn Đà Lạt