“Chạm bờ cong nâng niu” nhạc sĩ Đình Nghĩ
LÊ TRỌNG
Một luồng điện sinh học cường độ mạnh chạy dọc sống lưng… lan tỏa khắp nơi… tạo nên những lát cắt sâu và ngọt lịm đến bất ngờ, đó là cảm nhận đầu tiên của tôi khi “Chạm bờ cong nâng niu” và “chạm” vào những khoảng lặng của tình khúc “Kìa, xuân Anh Đào!” - một sáng tác của NSƯT - nhạc sĩ Đình Nghĩ - hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Tôi là dân “ngoại đạo” về âm nhạc, nhất là đối với loại hình âm nhạc hàn lâm, bác học và cả mảng âm nhạc dân gian mang hồn cốt Việt. Ấy thế mà chẳng hiểu sao những ca từ và giai điệu của ca khúc “Kìa, xuân Anh Đào!”- một sáng tác mới toanh, chưa công bố của NSƯT - nhạc sĩ Đình Nghĩ - hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nguyên Trưởng đoàn Ca múa nhạc Dân tộc tỉnh Lâm Đồng lại cứ “vận” vào tôi đến nỗi không thể dứt ra được khi lần đầu tiên tình cờ được nghe chính anh say sưa “trình làng” ca khúc này, cùng với những âm thanh trong vắt của cây đàn guitar tại Đỗ Gia quán - một không gian yên bình, nên thơ giữa lòng phố hoa Đà Lạt vào một đêm chớm đông.
Vậy là “thai nghén” sau mấy mùa hoa anh đào, một ngày đầu đông 2016, “đứa con tinh thần” mà nhạc sĩ Đình Nghĩ “rút ruột sinh ra” đã được cánh nhà báo chúng tôi và một vài anh em văn nghệ sĩ thân hữu ở phố núi Đà Lạt đón nhận một cách tình cờ. Gặp lại anh sau cuộc “đại sinh nở” này, tôi có cảm giác như thể anh vừa trải qua một cuộc “vượt cạn” đầy ngoạn mục để rồi vỡ òa trong niềm hạnh phúc bất tận. Một luồng điện sinh học cường độ mạnh chạy dọc sống lưng… lan tỏa khắp nơi tạo nên những lát cắt sâu và ngọt lịm đến bất ngờ. - Đó là cảm nhận đầu tiên của tôi khi “chạm” vào “bờ cong nâng niu” và “chạm” vào những khoảng lặng của tình khúc “Kìa, xuân Anh Đào!” của nhạc sĩ Đình Nghĩ: “Từng giọt lung linh trôi (Từng giọt long lanh rơi)/ Ôi, nụ hoa đào nguyên (Ơi, màu hoa đào nguyên)…/ Chạm bờ non liêu xiêu (Chạm bờ cong nâng niu)/ Say tình yêu đường hoa (Ru tình phiêu đường hoa)/ Anh đưa em qua phố hồng phất phơ/ Qua cõi hồng muôn phương”. Không chỉ cảm nhận sự vật, hiện tượng mà tạo hóa đã ban tặng qua lăng kính của người nghệ sĩ, mà Đình Nghĩ còn rất tinh tế khi “Chạm bờ non liêu xiêu” để rồi say men tình, để rồi “Đưa em qua phố hồng/ Cõi hồng muôn phương” đầy ẩn ý với một tình yêu thật đẹp. Độc đáo hơn, ám ảnh hơn là hình ảnh “Ngực đồi miền cheo leo gieo neo/ Nơi đây trong veo reo ca/ Phong ba đào nguyên hồn nhiên mỉm cười (Trăm năm đào nguyên bình yên vực thiền)”. Vâng, dù cho bão tố phong ba - mai anh đào - một loài hoa đặc trưng của phố núi Đà Lạt - nhân vật trữ tình thoát ẩn, thoát hiện trong ca khúc của nhạc sĩ Đình Nghĩ vẫn “hồn nhiên mỉm cười, hồn nhiên reo ca và bình yên vực thiền” như muốn minh chứng cho một sức sống, một tình yêu vĩnh cửu với Đà Lạt. Hay như hình ảnh “Người người về ríu rít níu phố/ Lốc cốc dốc đá cuối nắng… (Rót xuống tím phố nhấm nháp/ Nhấm nháp khúc hát mơ) đã làm thổn thức trái tim bao người khi “nhấm nháp” tình khúc “Kìa, xuân Anh Đào!”. Với tôi, được may mắn “nhấm nháp” những ca từ, những giai điệu ngọt ngào, sâu lắng như rượu mai anh đào được chưng cất trong thẳm sâu của ký ức - vừa mới “ra lò” của anh, nhất là vào thời khắc trời đất giao mùa và xuân mới đang đến rất gần là một niềm hạnh phúc thực sự.
“Kìa, xuân Anh Đào!” là ca khúc được viết theo thể loại “Pop đồng quê” thuần túy, nhẹ nhàng, lột tả chiều sâu nội tâm và vì thế dễ đi vào lòng người, phù hợp với mọi đối tượng thưởng thức âm nhạc, nhất là giới trẻ. Điều đáng trân quý đó là từ câu chuyện mang màu sắc riêng tư, nồng nàn, thấm đẫm tình nghĩa vợ chồng, qua lăng kính nghệ thuật tác giả đã thổi bùng lên ngọn lửa chung cho tất cả, sưởi ấm mọi người. Nhạc sĩ đã biến hạnh phúc riêng tư thành hạnh phúc chung của mọi người và cả những ai đã lỡ trót yêu phố núi Đà Lạt, yêu những mùa hoa đào đi qua, tất cả đều được anh lưu giữ trong ký ức để rồi bật lên những giai điệu đẹp, giàu tính triết lý và thấm đẫm tính nhân văn với một nội lực hiếm có. Vẻ đẹp trong ca khúc của Đình Nghĩ là vẻ đẹp lấp lánh của thơ và nhạc, của tĩnh và động, tạo nên những giai điệu sang trọng, quý phái mà gần gũi, nhưng cũng “dễ vỡ” mỗi khi ta bất giác “chạm” vào…
Nếu như cố đô Huế - “chiếc nôi” của âm nhạc cung đình là nơi Đình Nghĩ sinh ra thì phố núi Đà Lạt - nơi như anh nói là “Có một điều gì đó rất kỳ lạ”, không thể nào giải thích được lại chính là nơi nuôi dưỡng và chắp cánh cho tài năng âm nhạc của anh thăng hoa, bay bổng và lan tỏa đến đông đảo công chúng yêu âm nhạc trong cả nước. Vì thế anh luôn đau đáu một tình yêu với phố núi Đà Lạt. Hơn 40 năm gắn bó với âm nhạc, với nghệ thuật, nhạc sĩ Đình Nghĩ đã sáng tạo hàng trăm tác phẩm, trong số đó có nhiều ca khúc đi vào lòng người như: “Hoa Lang Bian”, “Say Trăng”, “Lời ru trong mưa”, “Ru tình Đà Lạt”… và dàn dựng nhiều tác phẩm nghệ thuật để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng yêu nhạc. Khai thác gần như tối đa mảng âm nhạc dân gian của dân tộc bản địa và hòa quyện nó với mảng âm nhạc kinh điển của châu Âu đã làm cho từng ca khúc của anh mang một giọng điệu riêng, một phong cách sáng tạo rất riêng - rất Đình Nghĩ. Đây chính là nấc thang giá trị giúp anh thăng hoa và đoạt nhiều Giải thưởng trên lĩnh vực âm nhạc, nhiều Huy chương Vàng, Huy chương Bạc trong các kỳ Liên hoan ca múa nhạc dân tộc toàn quốc.
Một khi những “bản tình ca phố núi” của nhạc sĩ Đình Nghĩ bật lên những thanh âm, chúng ta lại tìm thấy ở anh một mối tình sâu nặng với Đà Lạt, với thành phố Festival Hoa - một nội lực lao động sáng tạo nghệ thuật bền bỉ để mùa xuân ở mãi nơi này. Đà Lạt đã cho nhạc sĩ Đình Nghĩ rất nhiều. Đáp lại, anh cũng trả ơn Đà Lạt bằng những ca từ, giai điệu thật đẹp. Và “Kìa, xuân Anh Đào!” là một món quà đầy thi vị, một lời tri ân của anh với phố đào nguyên./.