Những vần thơ sâu lắng của nhà thơ Phạm Quốc Ca

TAP CHÍ LANGBIAN|6/24/2022 10:20:57 AM

Những vần thơ sâu lắng của nhà thơ Phạm Quốc Ca

LÊ BÁ CẢNH

 

Những người lính đã đi qua cuộc chiến trở về với đời thường, được theo học ở các trường đại học, ra làm việc và làm thơ trên đất nước ta thì rất nhiều. Những người như thế ở Đà Lạt - Lâm Đồng thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Trong đó đáng kể nhất là anh Phạm Vũ, Phạm Quốc Ca, Phú Đại Tiềm và một số đồng chí khác nữa. Điều may mắn cho anh em làm thơ của mình là thơ làm ra vẫn được bạn đọc yêu thíchkhi họ đọc xong thì có người nhớ được bài này, bài kia hoặc một số câu tâm đắc, để mà suy ngẫm về thế thái nhân tình. Những bài, những câu thơ đó lắng đọng mãi trong lòng đc giả.

Hiện nay, người làm thơ rất nhiều. Nhà thơ nhiều như thế nhưng lại có rất ít tác giả và tác phẩm ở lại được với người đọc. Có lẽ vì họ chưa từng trải, ít vốn sống nên viết lách hời hợt. Một số chạy theo trào lưu đổi mới, cách tân được các nhà thơ trải nghiệm, thơ và người đọc đang xa dần nhau. Người viết thoát ly hẳn cuộc sống và hồn thơ của dân tộc.

Nhưng nhà giáo, nhà thơ Phạm Quốc Ca là một người lính đã có sáu năm lăn lộn trên chiến trường miền Nam khốc liệt, sau đó về học đại học ra trường đi dạy học. Anh có bề dày cống hiến, đã trải qua thực tiễn chiến đấu và được học hành đến nơi đến chốn, có kiến thức rộng, uyên thâm với bao năm đứng trên giảng đường, giảng dạy cho bao thế hệ sinh viên, anh làm thơ rất có nghề. Câu chữ chắt lọc cô đọng, gợi mở rất nhiều vấn đề, có chỗ đứng trong lòng đc giả.

Mảng thơ về chiến tranh, anh viết không nhiều nhưng những bài, những câu anh viết đều rất điển hình:“Tôi lạc hồn đi/ Nhốn nháo chợ đời/ Mây xứ sở đen màu khói đạn”.

Chiến tranh không chỉ xảy ra trên chiến trường khốc liệt, mà chiến tranh len tận hang cùng ngõ hẻm của đất nước:“Mẹ cúi nhặt đau lòng những mảnh vỡ bình yên/ Gió thổi tàn tro siêu thực, hiện sinh/ Trắng lạnh vành tang mái đầu em nhỏ!”

(Tự bạch)

Chiến tranh trên đất nước ta, các thế hệ ông cha, con cháu nối tiếp nhau ra trận, những người mẹ thay con nuôi cháu trưởng thành làm lực lượng kế tiếp lên đường đi chiến đấu nếu còn bóng quân thù xâm lược:“Sáu năm con ở chiến trường/ Sáu năm lòng mẹ cháy vùng lửa bom/ Nhà hầm nuôi cháu, thương con/ Mẹ ươm mầm giống giữ còn mùa sau”.

(Đêm lời mẹ ru)

Anh cũng là người đã từng chứng kiến biết bao đồng chí, đồng đội hy sinh trên chiến trường, được nghe những lời trăn trối cuối cùng của họ:“Bạn xuôi tay lạnh ướt khoang đò/ Tiếng vượn hú, tiếng gió rừng than thở/ Giọng nuối thương còn nhớ đến giờ!”

(Ráng đỏ hoàng hôn)

Cuộc đời của con người rất ngắn ngủi, chỉ bằng một gang tay. Những người bạn của chúng ta đã nằm lại ở chiến trường còn ngắn hơn nhiều. Nhiều người trong số họ chưa được biết thế nào là hạnh phúc lứa đôi. Thế nhưng họ mãi là những người bất tử, tươi mãi tuổi hai mươi:“Ảnh thờ tóc mướt mắt trong/ Câu hỏi thơ ngây chạm buốt lòng/ Trẻ hơn bố sao con gọi bác?”

(Di ảnh anh tôi)

Đc giả sẽ rất tâm đắc với những câu thơ trong bài Thời gian của anh:“Ngày cứ mỏng dần như bóc lịch/ Mây trắng ngang trời lại sắp xuân sang”.

Thế nhưng rất nhiều người đang chạy theo lối sống hiện sinh sống gấp, hoang phí thời gian. Cuộc đời của họ đã tiêu hoang vào những chuyện vô bổ:“Mộng ước cao xa/ Ngày thường giăng lưới/ Vốn đời mình tôi đã tiêu hoang/ Những hội họp, hoan hô/ Những cuộc vui vô vị/ Tỉnh cơn say chiều đã úa vàng!”

Còn những người lính như chúng ta thì:“Đã say hát nửa đời cay cực/ Chớm tuổi bốn mươi đã bạc đầu!”

(Đối ẩm với người xa)

Có rất nhiều người đã hoang phí thời gian, hoang phí cuộc đời để rồi có lúc phải giật mình tỉnh trí:“Ngày tươi trẻ/ Ngỡ cuộc đời là vĩnh viễn/ Chợt nao lòng: Sợi tóc trắng trong tay!”

(Thời gian)

Những câu thơ đầy trăn trở, chứa chất tâm trạng, lắng đọng mãi trong lòng người đọc, làm cho người đọc không khỏi suy ngẫm, thảng thốt, giật mình vì đã để những thứ quý giá nhất tuột khỏi tầm tay: Thời gian! Thế mà những người lính như chúng ta đã phải mất một thời gian dài cho cuộc chiến:“Sáng nay buổi đầu tiên lên lớp/ Đường đời tôi đến bục giảng đi vòng.”

Thế nhưng: “Mỗi cuộc đời riêng có thể đi vòng/ Lịch sử vặn mình tìm đường đi thẳng.” Và rồi: “Đất nước sẽ có ngày tươi sáng/ Các em nói được gì với những lứa em sau/ Như sáng nay tôi lên lớp buổi đầu”.

Những câu thơ đó tựu trung đều xoay quanh trục của thời gian.

Về mảng thơ tình của Phạm Quốc Ca cũng có những bài, những câu đáng nhớ. Trong bài Phan Rang của anh: “Nho đầu mùa/ Ngọt liệm môi em/ Biển Ninh Chữ một chiều sóng trắng/ Đã hớp hồn anh/ Cặp mắt đen.”

Tâm hồn của nhà thơ đôi lúc cũng lãng đãng mây ngàn với những phút giây riêng, tư lự như trong bài: “Gửi”:“Dịu dàng ơi, giờ em ở đâu?/ Anh ngóng tím một phương trời nhớ/ Chiều đang tắt/ Hoàng hôn màu lửa/ Đêm trăng này lại chỉ bóng và anh”.

Trong những bài thơ anh viết về quê hương với những tình cảm nồng hậu. Anh hay nói về những nỗi cực nhọc, về cái nóng, cái lạnh ở làng quê đầy khắc khoải với hình dáng của mẹ già:“Rặng tre làng hiu hiu xác bạc/ Bóng mỏng che người lây lất mồ hôi/ Cây rơm ướt bên hàng xoan trụi lá/ Con bò gầy rút từng sợi mùa đông”.

(Nhớ quê)

Và đây nữa: “Cây đa đơn côi/ Cánh đồng nước trắng/ Tha thẩn kiếm ăn cò đẫm bóng mình/ Gió lạnh thổi cùn áo tơi, nón lá/ Mẹ cắm xuống bùn dảnh mạ mong manh.” Đúng là thi trung hữu họa”. Đây thực sự là những bức tranh của làng quê Việt Nam.

Thơ của nhà thơ Phạm Quốc Ca thường dùng thể thơ tự do cách tân, phần lớn là loại bảy, tám chữ để tải tâm trạng nhưng cũng chứa đựng nhiều hình ảnh, âm điệu nhạc tính trong thơ, dễ rung cảm và lắng đọng trong lòng người đọc./.

 

 

Những vần thơ sâu lắng của nhà thơ Phạm Quốc Ca