Nhà văn đối thoại với lịch sử
(Nhân đọc các tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Thế Quang)
UÔNG THÁI BIỂU
Có nhiều cách để giải mã những bí ẩn, số phận của những nhân vật kiệt xuất, những thời đại đã lùi về quá khứ. Nhà văn Nguyễn Thế Quang, với niềm đam mê lịch sử và năng lực tái hiện những dòng ký ức dân tộc bằng ngôn ngữ văn chương, đã gặt hái liên tục thành công với thể loại tiểu thuyết. Từ tâm thế của một trí thức đau đáu với thời cuộc và trách nhiệm của một nhà văn với vận mệnh đất nước, Nguyễn Thế Quang đã viết, chia sẻ, tìm sự đồng điệu với người đọc của mình qua những hình tượng danh nhân nước Việt mà bản thân ông đã dành cả cuộc đời kiếm tìm, nhận thức và kính trọng…
Mượn chuyện xưa, người cũ
Tôi đã đọc “Thông reo Ngàn Hống”, cuốn tiểu thuyết lịch sử mà nhân vật trung tâm là Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ, của Nguyễn Thế Quang với một cảm xúc đặc biệt. Khi gấp lại trang sách cuối cùng, ngước nhìn ra rừng thông Đà Lạt, tôi ngắm những thân cây vươn mình mọc thẳng dáng tạc vào trời xanh với lòng kính vọng bậc đại trượng phu mà nhà văn đã thổi hồn vào bằng một khả năng đồng hiện, tái tạo thành công. Ngẫm nghĩ những lời thơ chứa nỗi đau đời của danh nhân mà càng thêm quý trọng tác giả, một nhà văn đương đại với lòng tôn kính nhân vật, đã cho ngòi bút quặn lòng trải theo cuộc đời dâu bể nhưng thể phách hiên ngang, khí chất ngạo nghễ của Nguyễn Công Trứ. Để có được “Thông reo Ngàn Hống”, Nguyễn Thế Quang đã phải vượt qua không ít khó khăn khi kiếm tìm, khai thác tư liệu và dùng ngôn ngữ hình tượng để dựng lên cốt cách lẫm liệt của quan Dinh điền sứ. Hình ảnh một bầy tôi đặc biệt thời Nguyễn, người trải qua ba triều vua Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức; cuộc đời hoạt động trải suốt từ vùng đất duyên hải Bắc Bộ đến tận miền Tây Nam Tổ quốc; số phận ba đào chìm nổi, có lúc giữ vai trò một đại quan ở kinh thành và từng bị đày làm một lính thú giữa núi rừng Quảng Ngãi… đã hiện lên sinh động qua ngòi bút biến ảo của Nguyễn Thế Quang.
Ngoài “Khúc hát những dòng sông”, bộ tiểu thuyết lịch sử mà Nguyễn Thế Quang đã dựng mạch chuyện và viết theo một giọng văn khác, bộ ba tiểu thuyết khác của ông là “Nguyễn Du”, “Thông reo Ngàn Hống” và “Đường về Thăng Long” đề cập và thể hiện rõ nét mối quan hệ giữa quân vương và kẻ sĩ, hay nói cách khác là giữa quyền lực và trí thức. Nguyễn Thế Quang bày tỏ: “Mối quan hệ giữa quyền lực và trí thức từ xưa, có những lúc cộng tác với nhau mang lại những thành quả lớn nhưng nhiều lúc đối nhau, loại trừ nhau lại dẫn đến thảm họa. Sự không gặp nhau đó đã trở thành vấn nạn nhức nhối tạo nên những hệ lụy lớn. Tôi tập trung vào các danh nhân, đề cập vấn đề trách nhiệm của kẻ sĩ, hầu mong bạn đọc hiểu được bản chất của lịch sử, thấy được sự “cao đẹp” để sống, để hành xử tốt hơn…” Các nhân vật trí thức trong tác phẩm của Nguyễn Thế Quang đã thể hiện rõ nét bản lĩnh, tư thế, lối hành xử và những khát vọng cao đẹp. Ở tiểu thuyết “Nguyễn Du”, ông tập trung vào nhân vật Nguyễn Du và khẳng định, người trí thức có hoài bão lớn, biết tình thế, biết lựa chọn cách hành xử thích hợp, giữ được nhân cách, có bản lĩnh sẽ thực hiện được khát vọng cao đẹp. Trong “Thông reo Ngàn Hống”, Nguyễn Thế Quang đưa vào tác phẩm nhiều dạng: Có kẻ bảo thủ, được trao quyền lực lớn đã kéo lùi lịch sử, kìm hãm sự phát triển như Trương Đăng Quế; có người tài năng mà chịu mòn gối nơi triều đường phải ngồi chữa văn hay viết biểu, sớ ca ngợi quân vương như Nguyễn Văn Siêu; có kẻ xu nịnh để vinh thân phì gia như Hồ Tôn Quyền; có kẻ tài cao nhưng chán nản bỏ chốn quan trường ngao du thiên hạ như Nguyễn Quý Tân hay Nguyễn Hàm Ninh; có kẻ mang hoài bão lớn vì dân vì nước muốn làm tôi trung nhưng bị xô đẩy phải “làm giặc” chống lại triều đình như Cao Bá Quát. Giữa những con người ấy sừng sững một Nguyễn Công Trứ tài cao, chí lớn, biết đứng vững giữa bao nghịch cảnh, luôn hành động mang lại lợi ích lớn lao cho dân tộc…
Mối quan hệ giữa quân vương và trí thức là mối quan hệ cốt lõi khi xử lý quyền lực cai trị. Trong xã hội phong kiến thì kẻ sĩ cũng khó thoát ra ngoài ý thức hệ đương thời, họ phải thờ đạo “quân - thần” như một định mệnh. Phải chăng, chính điều đó đã tạo nên bi kịch, dẫn đến nhiều đại thức giả trong lịch sử đã phải chịu số phận nghiệt ngã. Trong tiểu thuyết “Nguyễn Du”, khi phản ánh bi kịch của kẻ sĩ, Nguyễn Thế Quang đã tập trung làm rõ cốt cách của Đại thi hào, làm rõ cách mà Nguyễn Du hành xử và tìm cho mình con đường đắc dụng giữa buổi hỗn trào. Theo nhà văn, cùng với tài năng và nhân cách, người trí thức phải có bản lĩnh cứng cỏi và lối đi thích hợp mới thực hiện được hoài bão lớn. Ví như, diễn đạt về sức mạnh kẻ sĩ đối diện với quyền lực, Nguyễn Thế Quang đã xây dựng một đoạn đối thoại giữa Nguyễn Du và vua Gia Long rất sâu sắc. Vua hỏi: “Thơ khanh viết hay lắm. Sao khanh không có bài nào ca ngợi ta nhỉ?” Nguyễn trả lời: “Xin bệ hạ cho thần được làm điều thần nghĩ!” Gia Long: “Khá lắm! Thế mới là Nguyễn Du của ta chứ. Ta có cần gì ngợi ca. Ta chỉ cần những bề tôi có tài, có cốt cách như khanh. Xung quanh ta có biết bao kẻ xu nịnh nhưng nhà thơ đích thực thì không được xu nịnh bất kỳ ai kể cả quyền lực và mĩ nữ.” Trở về một mình sau cuộc đối diện với Gia Long, tác giả cũng đã cho Nguyễn Du thốt lên lời cảm thán: “Hoàng thượng ơi! Người ban cho thần cơm trắng, giấy thơm, bút quý, nghiên báu nhưng không ban cho thần tự do thì làm sao thần có thơ văn hay được?”
Trong “Thông reo Ngàn Hống” vấn đề quyền lực và trí thức được Nguyễn Thế Quang mở rộng hơn; ông đã dựng lại nhiều danh thần với nhiều dạng vẻ, để đi đến một luận điểm: Cùng với quân vương, trí thức phải chịu trách nhiệm về sự hưng vong của quốc gia. Đến “Đường về Thăng Long”, qua số phận các nhân vật đương thời như Võ Nguyên Giáp, Trần Trọng Kim, Nguyễn Tường Tam, nhà văn muốn khẳng định: Người trí thức chỉ có thể đạt được chí nguyện của mình khi biết đứng về phía Nhân dân.
Tâm thế và trách nhiệm nhà văn
Nguyễn Thế Quang quan niệm, tiểu thuyết lịch sử là sự khám phá bản chất, là cuộc đối thoại với Lịch sử. Ông cho rằng, tiểu thuyết là hư cấu, nhưng phải bám vào hiện thực thời bấy giờ, từ đó gửi vào cái nhìn, cách nghĩ của mình thì càng có sức thuyết phục bởi tính chân thật cao. Nguyễn Thế Quang cũng nhất trí với cách nghĩ của Nhị Nguyệt Hà, một nhà văn chuyên viết tiểu thuyết lịch sử Trung Quốc: “Bất cầu chân hữu, đản cầu hội hữu” (Không cần có thật, chỉ cần có thể thật). Ông đã xử lý tư liệu nhuần nhuyễn, tạo nên những lát cắt phù hợp và diễn đạt những tư tưởng lớn bằng lối viết đồng hiện, tái hiện một cách hấp dẫn và lôi cuốn. Nhà văn nói, viết tiểu thuyết lịch sử là đi sâu vào khám phá số phận con người, viết là để hiểu được bản chất đời sống của những thời đã qua nhằm đối thoại với thực tại, hướng đến sự tiến bộ, cao đẹp.
Khi tôi hỏi, ông có đồng ý với quan điểm, lịch sử là sự tiếp nối các chuỗi bi kịch theo dòng thời gian? Nguyễn Thế Quang lý giải: Nếu quan niệm bi kịch là sự mâu thuẫn giữa khát vọng của con người và sự kìm hãm của hiện thực mà con người phải đứng lên chống lại, có khi phải trả giá bằng cái chết, thì đúng là lịch sử nhân loại là những bi kịch kế tiếp. Nhưng, cũng cần hiểu: “Nếu lịch sử nhân loại là bi kịch tiếp bi kịch thì lịch sử nhân loại cũng là sự trỗi dậy của con người luôn đứng lên phá vỡ hết bi kịch này đến bi kịch khác để tồn tại và phát triển.” (Lời của Võ Nguyên Giáp trong “Đường về Thăng Long”). Đó là quan điểm tích cực, đúng đắn, vừa có giá trị thực tiễn vừa có giá trị triết học và thẩm mĩ.
Hàng trăm năm trước, các nhân vật trong tác phẩm của Nguyễn Thế Quang sống giữa muôn trùng vây hãm của những quan niệm, của những biến động xã hội, những nỗi điên đảo thế thái nhân tình, nhưng đã tìm cách thể hiện những khát vọng cao đẹp, tìm những lối hành xử đắc dụng giữa cõi nhân sinh. Còn ông, Nguyễn Thế Quang, ông cũng đã cố gắng hết sức với vai trò của một nhà văn, dựng lên chân dung và cốt cách của họ; thông qua sự kính vọng tâm tưởng và thổi hồn sinh động của văn chương, ông muốn gửi gắm những thông điệp ý nghĩa. Ông nói, viết là chia sẻ, là tìm sự đồng điệu trong cuộc đời. Tôi biết tính ông vốn khiêm nhường, nhưng có lẽ Nguyễn Thế Quang cũng đã định lượng và định tính được công chúng của mình với những tác phẩm liên tục được tái bản, được vinh danh, đựợc nhận sự đánh giá tích cực của đồng nghiệp và công chúng.
Nhà văn Abutalip Gafurov (Đaghextan, Nga), từng nói: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ nã vào anh bằng đại bác.” Là một tiểu thuyết gia chọn lịch sử làm chất liệu cho tác phẩm, Nguyễn Thế Quang tán đồng với mệnh đề này. Không ai có thể làm lại được lịch sử nhưng những bài học của nó thì không bao giờ cũ. Đồng thời, để nhìn nhận lịch sử một cách khách quan, công bằng là điều không dễ. Cần một tâm thế tự tin, vững vàng trong không gian của cuộc đối thoại bằng cả tâm hồn và trí tuệ của nhà văn đối với người xưa, chuyện cũ. Viết về lịch sử là mang đến những giá trị nhận thức và mỹ cảm cao đẹp cho thời đương đại và tương lai; là một cuộc hạnh ngộ đầy cảm hứng, thú vị nhưng cũng rất gian nan. Trong quá trình sáng tạo, Nguyễn Thế Quang không chỉ vẽ lại chân dung các nhân vật mà dựng nên cả bối cảnh mà nhân vật xuất hiện trong thời đại của họ. Nhà văn nói: “Cái khó đầu tiên là sử liệu. Việt Nam ta trải qua bao thăng trầm, bao cuộc chiến tranh, tư liệu còn lại rất ít. Không có tư liệu, người cầm bút không thể hiểu đúng lịch sử, hiểu đúng con người, không thể sáng tạo được những nhân vật chân thực cùng với thời đại của họ. Thế nhưng, sử liệu chỉ là một phần. Cái khó nhất là phải tái hiện được bối cảnh lịch sử một cách sinh động về thời đại nhân vật đã sống. Viết tiểu thuyết lịch sử về các danh nhân thì điều cần nhất, khó nhất là phải dựng được nhân vật xứng với tầm vóc của họ. Nếu không làm nổi điều đó thì sẽ gây méo mó, biến dạng hoặc hạ thấp nhân vật, có tội với lịch sử và bạn đọc cũng khó chấp nhận. Đó là một hành trình gian nan trong việc xử lý tư liệu, sử dụng thi pháp, xây dựng cấu trúc và lựa chọn ngôn ngữ. Đó còn là quá trình tạo nên những lát cắt làm bật nổi hình tượng và cốt cách của các danh nhân. Chủ thể sáng tạo văn chương cũng hóa thân đồng hiện trong quá trình thấu hiểu, thấu cảm với các nhân vật nhằm trả đúng bản chất của nhân vật trong thời đại mà họ từng sống.
Trò chuyện cùng Nguyễn Thế Quang, tôi nhận thấy trong ông vẫn tràn trề năng lượng sáng tạo. Đã cận kề tuổi bát tuần, xin hỏi nhà văn còn dự định sáng tác nữa không? Ông đáp lời tôi: “Còn sống, còn tỉnh táo, tôi còn viết. Tôi vẫn tiếp tục khai thác đề tài lịch sử, viết về những danh nhân nước Việt. Lần này, tôi tập trung tái hiện một nhân vật phụ nữ tài năng độc đáo, cá tính mạnh mẽ bậc nhất của văn học Việt Nam…”. Vẫn là tâm thế đầy trách nhiệm của một nhà văn trước thời cuộc, đau đáu với ký ức dân tộc, mượn chuyện về những thời đã qua, những người muôn năm cũ hòng suy ngẫm, tìm lời chia sẻ về thời cuộc hôm nay và gửi gắm những thông điệp nhân văn cao đẹp đến với mai sau…/.
--------------
* Nhà văn Nguyễn Thế Quang, sinh năm 1942 tại Nghệ An; hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Từ năm 2003, sau khi nghỉ hưu nghề giáo, ông trở thành nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử. Qua hơn mười năm, Nguyễn Thế Quang đã xuất bản bốn tác phẩm: Nguyễn Du (Giải A, Giải thưởng Hồ Xuân Hương - Nghệ An, 2005-2010); Thông reo Ngàn Hống (Giải thưởng Hội Nhà văn, năm 2015; Giải thưởng Văn học Asean, 2016); Khúc hát những dòng sông (Giải C, Cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm Văn học, Nghệ thuật, Báo chí về chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đợt 1, năm 2013); Đường về Thăng Long (Giải Tư, Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ V của Hội Nhà văn Việt Nam, 2016-2019).