Ký ức đời thường với cố nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu

TAP CHÍ LANGBIAN|4/22/2021 4:04:15 PM

Ký ức đời thường với cố nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu

TRẦN ĐỨC LỘC

Tôi đến Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Lâm Đồng sau ngày khai mạc triển lãm ảnh “Nguyễn Bá Mậu và tác phẩm” (do gia đình NSNA Nguyễn Bá Trung và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức tại thành phố Đà Lạt). Một mình trong không gian vắng lặng của gian phòng trưng bày ảnh vào buổi sớm mai, tôi không những tận hưởng các tuyệt tác để đời của một nhiếp ảnh gia (NAG) tài danh, đáng bậc thầy của nền nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam, mà có riêng một khoảng lặng để nhớ về “Chú Mậu” (như tôi thường gọi) với tất cả niềm thương nhớ và tri ân về những kỷ niệm ít ỏi đối với tác giả và nghề ảnh mà tôi có được đến ngày nay.

1. Thuở ấy, tháng 4-1979, sau khi tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TP.HCM, tôi lập nghiệp tại Đà Lạt - Lâm Đồng. Đầu năm 1980, ba tôi - NAG Trần Đức Cầu sống và làm việc tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định - lâm bệnh nặng, e không qua khỏi, nên vợ chồng tôi cấp tốc về quê. Trong những ngày cuối cùng, ba để lại cho tôi chiếc máy ảnh hiệu Minolta, kèm 2 bộ ống kính zoom gồm các tiêu cự từ 28-55mm và 35-200mm, với lời dặn: “Con đến gặp NAG Nguyễn Bá Mậu, nói con của ba và xin nhờ chú giúp, chỉ cách mưu sinh tại Đà Lạt”. Sau khi ba mất, chúng tôi trở về là con Đà Lạt. Cuộc sống của một thời bao cấp khá chật vật, khiến gia đình có thêm con nhỏ lại càng túng quẫn hơn. Chợt nhớ lời ba dặn, tôi hỏi thăm nhà chú Mậu với tâm trạng đầy e ngại. Tôi đến nhà chú ở hm đường Trương Công Định và xin gặp chú. Ngồi trong phòng khách, tôi choáng ngợp với nhiều bức ảnh khổ lớn, rất lạ, đẹp và treo trang trọng. Tôi mạn phép giới thiệu mình với chú và trình bày nỗi chật vật của cuộc sống, cùng những lời ba dặn trước lúc đi xa. Chú trầm ngâm, lắng nghe nở nụ cười hiền hòa. Chú nói: “Chú cho mượn phim, cháu đi chụp các đoàn khách du lịch, chiều đem phim đến chú rửa ảnh. Giao ảnh cho khách xong, hoàn tiền phim và tiền phóng ảnh cho chú, tiền lời cháu có thể đắp đổi qua ngày...”. Từ đó, tôi bước vào “nghề chụp ảnh cho khách du lịch”, để mưu sinh. Theo các đoàn khách vào những ngày nghỉ, cũng có thu nhập phụ vào tiền lương tháng để chi phí cho gia đình. Cả nhà tôi luôn luôn nhớ ơn chú.

2. Năm 1981, con trai tôi ốm. Thu nhập từ chụp ảnh cho khách du lịch không còn thuận lợi như trước, không xoay đủ tiền mua thuốc cho con. Ngày ấy, thuốc do Bệnh viện cấp thường không đủ cho bệnh nhân đau nặng, phải mua ngoài thị trường với giá rất cao. Chợt nhớ, tôi có hộp sơn dầu của Liên Xô sản xuất nhưng chưa dùng đến - là tặng phẩm Giải thưởng tôi nhận từ cuộc thi vẽ tranh cổ động do Ty Văn hóa và Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức. Đang lúc cần tiền, tôi mang hộp sơn dầu đến nhà chú Mậu vì thấy Cchú có vẽ tranh sơn dầu cho Công ty Du lịch - nơi chú đang làm việc. Tôi hỏi chú có cần hộp sơn dầu, mua giúp cháu để có tiền mua thuốc chữa bệnh cho con. Tôi nói gần như nghẹn lời. Chú thinh lặng, vào phía trong nhà một lát và ra nói với tôi: “Cháu cất hộp sơn dầu để dùng khi cần thiết, chú gửi cháu 50 đồng về mua thuốc cho con, khi nào có tính sau”. Tôi thật sự cảm ơn, xúc động và cảm kích tấm lòng nhân hậu của chú Mậu đối với gia đình tôi.

3. Tôi nhớ, trong một lần nói chuyện với chú khi đến nhận ảnh về giao cho khách, chú nói: “Phải tập sáng tác ảnh để không bỏ nghề truyền thống của gia đình”. Chú dạy tôi cách nối đầu phim để tiết kiệm phim và dành các kiểu cuối của cuộn phim cho sáng tác ảnh nghệ thuật. Hồi ấy, tôi luôn mang theo một túi vi trong xách máy ảnh đeo bên mình, mỗi khi khách có yêu cầu chụp ảnh màu, dù chỉ 1-2 kiểu thôi, tôi phải thay đổi cuốn phim (từ phim đen trắng sang phim màu) trong túi vi làm “buồng tối lưu động”. Chụp xong ảnh màu, tôi cuốn phim lại và tháo ra, để lắp phim đen trắng đang chụp d cho vào máy. Tôi sáng tác ảnh cũng theo cách như thế, từ ảnh đen trắng qua ảnh màu và ngược lại. Cứ mỗi tấm ảnh như vậy tôi đều hỏi ý kiến c Mậu và nhờ chú chỉ dạy thêm về độ sáng tối, bố cục... Có lần, chú nói tôi về nhà lấy đèn cầy, đèn hột vịt nhỏ, đèn dầu khổ lớn và đèn ngủ để bàn có bóng nung sáng (loại có chóa chụp) xếp thành hàng; chụp mỗi lần 4 kiểu ảnh, với tốc độ và khẩu độ khác nhau, sao cho mỗi kiểu ảnh phải lần lượt chụp rõ được ánh lửa của ngọn nến, ánh sáng từ ngọn đèn dầu và đèn điện (theo thứ tự có chủ đích). Chú còn nói: “Không phải lúc nào cũng có sn dụng cụ đo sáng, mà phải tự đo lượng bằng mắt thường trước các loại ánh sáng khác nhau”. Đây là bài học đầu tiên chú dạy tôi về cách cảm nhận nguồn sáng và chọn độ sáng khi sáng tác ảnh. Tôi tìm cách thực hành qua nhiều kiểu ảnh, nhiều lần chụp, với các nguồn sáng khác nhau (từ thiên nhiên đến nhân tạo, thuận sáng và ngược sáng...); chọn tốc độ và khẩu độ tương thích với vùng sáng tối, khoảng nét mờ được xác định trên đối tượng (lấy nét gần xa, xóa phông, tạo độ tương phản giữa các vùng sáng tối...) cho đến khi chú hài lòng, khích lệ và động viên tôi cố gắng. Tôi bắt đầu sáng tác ảnh nghệ thuật từ những tấm phim của đoạn cuối cuốn phim, sau mỗi lần đi chụp cho khách du lịch hoặc tiệc cưới.

 4. Khoảng năm 1982, tôi đọc tin trên Tạp chí Nhiếp ảnh thấy có cuộc thi ảnh chủ đề về “Hòa bình” được tổ chức tại Liên Xô. Tôi chọn một ảnh ưng ý nhất, phù hợp với chủ đề cuộc thi và mang ảnh mẫu cùng phim âm bản đến hỏi ý kiến chú Mậu. Chú xem mẫu, đồng ý và cho phép tôi cùng vào phòng tối bên trong nhà, xem chú phóng ảnh dự thi. Trong phòng tối, tôi chỉ nhìn thấy đôi tay của chú qua vùng sáng từ ống kính máy rọi, chiếu hình của tấm phim âm bản xuống tờ giấy ảnh khổ lớn 40x50 trên bàn rọi. Đôi tay chú bắt đầu múa may, vừa che chắn, nhằm làm tăng giảm độ sáng tối trên bề mặt của tờ giấy ảnh như một phù thủy làm phép vậy. Sau đó, chú đưa giấy ảnh đã phóng vào khay thuốc rửa, chăm chút nâng lên, đặt xuống, đến khi tấm ảnh dần hiện lên rõ nét dưới ánh sáng của ngọn đèn bọc giấy bóng kiếng đỏ. Xong việc, chú dừng tay, mở sáng đèn và hẹn tôi ngày mai đến lấy ảnh. Thế là tôi có bức ảnh dự thi quốc tế đầu tiên, đặt tên “Khi Hòa bình đến muộn”. Tôi nhờ một chị ở cơ quan dịch sang tiếng Nga và tự tay đóng gói cẩn thận, gửi ảnh đi Maxcơva, với cước phí bưu điện lúc bấy giờ. Kết quả cuộc thi, có 2 ảnh của Việt Nam được chọn triển lãm gồm: Ảnh của tôi và của một anh tên Linh, tại Hà Nội. Đây cũng là một điểm quan trọng để tôi được chọn kết nạp là hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam sau này. Có được vinh dự này, tôi càng nhớ kỷ niệm với chú Mậu trong lần phóng ảnh mà tôi được chứng kiến...

Tôi ghi lại những mẫu chuyện đời thường như một ký ức không bao giờ quên, để tưởng nhớ đến cố NAG Nguyễn Bá Mậu sau 30 năm vắng bóng (1990-2020). Một con người đầy tài năng, nhưng rất khiêm tốn, nhân hậu và nhân văn. Đối với tôi, chú không chỉ là một người thầy, còn là người ơn của gia đình tôi, trong cuộc sống và trong nghề nghiệp của những năm đầu tiên, của một thời tuổi trẻ khi đến lập nghiệp trên đất Đà Lạt - Lâm Đồng./.

 

 

Ký ức đời thường với cố nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu