Một vài cảm nhận khi đọc thơ Nguyễn Vĩnh
PHẠM QUANG TÂN (TP.HCM)
Tôi quen biết Nguyễn Vĩnh khi chị còn là sinh viên năm 3 Khoa Ngữ văn Trường Đại Học Tổng Hợp thành phố Hồ Chí Minh. Tôi rất vui khi gặp lại ngưòi bạn thời sinh viên ấy sau 30 năm dù chỉ trên Facebook. Vui hơn khi được biết chị là một nhà thơ sống ở xứ sở ngàn hoa - Đà Lạt. Đọc hai chữ Nguyễn Vĩnh trên đầu trang bìa của ba ấn phẩm Mái ấm, Lời ru đơn côi và Hoàng hôn lấp lánh; tôi rất cảm động và ngưỡng mộ.
Vì cuộc sống khó khăn, tôi phải từ giã mái trường, sách vở, giấy bút, từ giã những vần thơ,... để tha hương kiếm sống. Mãi hai mươi lăm năm sau, tôi mới có thời gian và điều kiện trở lại với văn chương. Kiến thức đã mai một, cảm xúc đã cạn kiệt, chai sạn.... Thật tình, đọc một tập thơ đối với tôi hiện nay là một việc khá vất vả. Thế nhưng tôi đã đọc ba tập thơ của Nguyễn Vĩnh một mạch, thơ của chị thôi thúc tôi đọc tiếp trang với nỗi niềm đong đầy cảm xúc.
Cảm nhận đầu tiên của người đọc dành cho thơ Nguyễn Vĩnh: Thơ thoát khỏi sự run rẩy, hời hợt, o ép. Trong bữa tiệc thưởng thức 244 bài trong 3 tập thơ, tôi không bị vướng phải một hạt "sạn" nào. Điều đó tạo sự hấp dẫn khi tôi đọc những vần thơ của chị. Tác giả có sở trường ở các thể thơ. Dù là thơ mới hay cổ điển đều đúng niêm luật, giàu hình ảnh, giàu cảm xúc, ngôn từ trong sáng, rõ ràng, bố cục khúc chiết… Với thể thơ mới, những ngắt nhịp, nhả chữ bất ngờ, rất nghệ thuật… “Thời gian cứ phũ phàng trôi/ Cuốn phăng một thời son trẻ/ Cái kiêu hãnh thuở nào còn đâu nữa/ Để mỗi độ đông về/ Mua áo ấm/ Rưng rưng. (Dấu hỏi).
Các bài lục bát ngọt ngào, mượt mà cũng tạo được hiệu quả biểu cảm không kém. "Yêu người, yêu khúc dân ca/ Chao nghiêng vành nón mượt mà lời ru... (Yêu từ giọng hát).
Tôi rất thích những tứ thơ đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật ngôn từ như: "Dấu chân lún vào tim người ở/ Tháng ngày trôi, dấu lún sâu dần" (Đà Lạt mùa vắng khách).
Từ sâu thẳm trái tim, tác giả thơ Nguyễn Vĩnh muốn bày tỏ: "Thơ tôi chẳng giúp được cho đời./ Tôi vẫn viết hoài như nhật ký đó thôi/ Những thủ thỉ cùng con, những buồn vui làm mẹ./ Những phút trải lòng, không khoác giáp vô tư..." Mục đích sáng tác chỉ đơn giản là "viết hoài như nhật ký thôi", tác giả không để ý lắm đến những điều lớn lao, những ý tưởng, những triết lý cao siêu. Cho nên thơ của Nguyễn Vĩnh dung dị, đời thường, gần gũi, nhẹ nhàng chạm đến cảm xúc và đọng lại trong tâm tưởng người đọc.
Mái ấm, Lời ru đơn côi và Hoàng hôn lấp lánh, cả ba tên gọi của ba tập thơ đều có sức gợi cảm mạnh mẽ khi người đọc vừa tiếp cận và nhiều ngẫm nghĩ, suy tư sau khi đọc qua những dòng thơ của chị. Vừa tiếp cận Mái ấm, tôi nghĩ đây là tập thơ nói về cuộc sống gia đình, nói đến niềm hạnh phúc khi được chung nhà với người mình yêu. Nhưng cái mái ấm bình thường đó đối với tác giả chỉ là những ước mơ, những dấu hỏi. "...Để tôi lại khóc cùng trăng/ Lại cười cùng gió, lại hờn cùng sao/ Phải đâu từ cõi chiêm bao?/ Này đây mái ấm, lẽ nào mình tôi?” (Hờn). Mái ấm trong tập thơ này là quê hương, là thành phố Đà Lạt nơi chôn nhau cắt rốn, là Tà Nung một thời thanh xuân của tác giả. "...Con đường không dấu dép/ Không một vệt bánh xe./ Bụi đỏ/ Mịt mùng/ Dấu chân/ Lõm khuyết,/ Mà sao thương mến quá Tà Nung (Những vết chân).
Mái ấm của tác giả là mái trường vang tiếng hát trẻ thơ có "Những cô giáo làng hiền như cô Tấm”. “Họ ngại ngùng và chẳng dám yêu/ Bởi tình yêu, họ đã dành cho trẻ,/ Có một người đàn ông họ phải đành san sẻ/ Lo toan, bổn phận, thời gian" (Anh dám yêu không).
Tôi cảm nhận được tình yêu vô hạn của tác giả đối với quê hương, với nghề giáo, đối với học trò, với đồng nghiệp, với bà con làng xóm… Sâu sắc, tha thiết nhất là tình yêu đối với hai đấng sinh thành: "Tôi cào nát tim mình/ Dồn ngàn cơn nhức nhối,/ Rúc vào lòng má tôi/ Nào ba đang mong đợi.../ Tôi đi tìm ba tôi/ Giữa mịt mùng bóng tối/ Ào ào cơn gió thổi/ Rét đêm dài cuối đông... (Tôi đi tìm). Trong tập thơ này, người đọc cảm nhận được những hoài vọng, ước mơ, những ngọt ngào và cả những trăn trở của tình yêu đôi lứa."Không! Quyết rồi, chẳng mộng, chẳng mơ/ Cũng chẳng nhớ về anh chi nữa/ Nhưng trời ơi, như dầu thêm vào lửa/ Càng nói không, càng nhớ mãi, anh ơi." (Không, em chẳng yêu anh).
Điều tôi cảm nhận và xúc động nhất ở Lời ru đơn côi không như tên của ấn phẩm mà là lời ru khát khao làm mẹ và hạnh phúc được làm mẹ. "Bốn mươi tuổi đầu/ Khát khao vòng tay trẻ/ Thèm nụ hôn thơm mùi sữa mẹ/ Mơ tiếng bi bô, tiếng khóc, tiếng cười ..." (Khát vọng). "Kìa ánh mắt trẻ thơ/ Nhìn ta cười xinh thế?/ Kìa ríu ran chim sẻ/ Rộn vui gì đầu hè?” (Lời yêu tỏa sáng)... Thơ trong đời thật là đây: Mũm mĩm, thơm lừng, êm ái một bàn tay/ Đêm trở giấc sờ tìm má mẹ/ Ôm ghì cổ thì thầm rất khẽ:/ Mẹ của con, mẹ của con.../ Có đề tài muôn thuở nào hơn?..." (Cối xay.)
Trong Lời ru đơn côi có rất nhiều bài ấm áp tình cảm của tác giả đối với người thân, với quê hương ngày ngày thay da đổi thịt. "Đường về Đức Trọng ban đêm/ Sáng trưng mặt đất ánh đèn vườn hoa/ Bon bon xe lướt nhẹ qua /Đường êm, nhựa láng, quê nhà đổi thay/ Hồn thơ chấp cánh từ đây/ Khi trong ta, thế gian này có nhau." (Đêm Đức Trọng). Tôi cũng cảm nhận được những nỗi niềm, những đau khổ của người con gái không trọn vẹn hạnh phúc lứa đôi, "nợ mẹ một cái đám hỏi", nhưng không ta thán, không oán trách cuộc đời, chấp nhận thực tại, bỏ qua thị phi, đấu tranh vươn lên vì hạnh phúc đáng có của mình là được làm mẹ. Để có được tinh thần ấy, ngoài lòng vị tha, tác giả còn có được nhân sinh quan tích cực. Chán chường tìm lại đam mê/ Chạnh lòng cố xứ tìm về cố hương./ Buồn vui tìm đến người thương/ Đắng cay khổ nhục tìm đường bước lên/ Vẫy vùng tìm giữa màn đêm/ Bình minh lóe sáng lại thêm ngày tìm." (Tìm). Từ những cảm nhận ấy, Lời ru đơn côi đối với tôi là tập thơ hay nhất trong nhiều tập thơ mà tôi được đọc trong thời gian gần đây.
Khác với hai tập thơ trước, nội dung chính của tập thơ thứ ba đúng với tên gọi của nó: Hoàng hôn lấp lánh. Đây là tập thơ của người đã thấu hiểu các quy luật nhân sinh, biết buông bỏ và luôn nhặt nhạnh những niềm vui nho nhỏ để tạo thành hạnh phúc lớn. "...Nhẹ nhõm rũ, không nặng lòng duyên nợ/ Vỏ sò tôi, và anh vẫn đường anh/ Trời tự do trước mắt vẫn thênh thang/ Thỏa sức sống bởi chưa hề trói buộc.” (Tình yêu đã chết). "...Ta lượm của đất trời tiếng chim hót/ Ta lượm sắc hương hoa/ Tưởng trời ban ban lộc biếc/ Ta nâng niu/ Ta tôn thờ..”. (Lượm mót).
Tình yêu dành cho con trẻ, hạnh phúc khi con ngày một lớn lên vẫn là mạch tình cảm chủ đạo. "...Em xót con bé con chín tuổi/ Đến bệnh viện một mình/ Lấy số/ Mua sổ/ Ngồi chờ đến lượt/ Khai bệnh /Nhận thuốc/ Ra về/ Em khen con giỏi/ Biết tự lo cho mình/ Mà nước mắt rưng rưng..." (Tạm bợ). “...Ôi mẹ yêu con gái/ Học giỏi và ngoan hiền/ Trên tất cả bạc tiền/ Con: Gia tài của mẹ” (Chia vui).
Ở Hoàng hôn lấp lánh rất ít những bài thơ về tình cảm riêng tư, những nỗi niềm, những tự vấn mà thay vào đó là những tác phẩm hướng tới tình yêu lớn hơn, tình yêu đối với vạn vật, với mọi người, tình yêu quê hương đất nước, yêu những điều tốt đẹp. “...Cho tôi gửi lời thăm những cánh đồng quê/ Lúa tiếp sóng hát xanh thì con gái/ Mồ hôi muối trắng áo người khô lại/ Nuôi trai tài gái sắc tỏa muôn nơi…” (Cám ơn đời). "...Lúc cơ hàn tình cảm đáng yêu sao/ Anh đi trước dắt chúng em từng bước/ Tập làm quen, tập yêu mến đồng bào./ Tập yêu người, yêu cuộc sống thanh cao..." (Về lại Tà Nung).
Sắp xếp Phép màu ở cuối tập thơ là chủ định rất khéo léo, làm nên một kết luận khái quát. Đọc đến bài thơ cuối, tôi có cảm giác như vỡ hòa. À đây! "Nỗ lực", " Kiên trì rèn luyện" chính là cái đã làm nên những "lấp lánh" trong thơ và đời thực của tác giả. "...Chấp nhận không mong cầu./ Tôi học thoát khổ đau/ Bằng quay về hơi thở/ Tôi học đừng trăn trở/ Và học đừng mong đâu đó một phép màu" (Phép màu)./.