Nhớ cái thời viết bằng cả trái tim rực lửa!
VĂN TÒA
.
Dòng văn học của thời tiền khởi nghĩa với tập thơ “Từ ấy” của Tố Hữu (1938): Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lý chói qua tim/ Hồn tôi là một vườn hoa lá/ Rất đậm hương và rộn tiếng chim... Hay tập thơ “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhiều ấn phẩm bất hủ của nhiều thể loại khác như chính luận của cố Tổng Bí thư Trường Chinh. Dòng văn học cách mạng thời đó đã góp phần quan trọng làm thay đổi nhận thức, tạo nên sức hút mạnh mẽ đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức yêu nước và cả những người cùng khổ khắp phố thị, làng quê; làm sống dậy tinh thần quật cường, chí khí Việt, vùng lên theo tiếng gọi non sông.
Nhiều ca khúc cách mạng lúc bấy giờ cũng đã lan tỏa rộng khắp, sục sôi hào khí Việt Nam, giục giã mọi người đứng lên chặt đứt gông xiềng, xua tan bóng đêm nô lệ. Trong đó, không ít ca khúc mà giờ đây dù đã đi qua thời gian, vẫn âm vang hào khí Việt: “Toàn dân Việt Nam đứng đều lên, góp sức một ngày/ Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai/ Mười chín tháng Tám, khi quốc dân căm hờn kêu thét/ Tiến lên cùng hô: “Mau diệt tan hết quân thù chung” (trích lời bài hát: Mười chín Tháng Tám của nhạc sĩ Xuân Oanh); “Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi/ Toàn thắng vinh quang ghi ngày trở về/ Ra đi, ra đi bảo tồn sông núi/ Ra đi ra đi thà chết chớ lui (bài hát: Đoàn Vệ quốc quân của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu). “Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng kiếm nguồn tươi sáng/ Ta nguyện đồng lòng điểm tô non sông, từ nay ra sức anh hào/ Đoàn ta chen vai nề chi chông gai lên đàng, ta người Việt Nam/ Nhìn tương lai huy hoàng/ Đoàn ta vươn lên đàng/ Cùng hiên ngang hát vang...” (bài hát: Lên đàng của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước)…
Bên cạnh đó các ca khúc: “Du kích ca” của Đỗ Nhuận, “Phất cờ Nam Tiến” của Hoàng Văn Thái, “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi, “Tiếng gọi Thanh niên” của Lưu Hữu Phước bừng bừng khí thế với ca từ sôi sục: “Cùng nhau đi Hồng binh/ Đồng tâm ta đều bước/ Đừng cho quân thù thoát/ Ta quyết chí hy sinh”… Đặc biệt bài hát “Tiến quân ca”, "Chiến sĩ Việt Nam" của cố nhạc sĩ Văn Cao đã hun đúc can trường, làm vững chí, khơi dậy lòng tự hào của bao người con đất Việt “...Đoàn quân Việt Nam đi, sao vàng phấp phới. Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than. Cùng chung sức phấn đấu xây đời mới. Đứng đều lên gông xích ta đập tan. Từ bao lâu ta nuốt căm hờn, quyết hy sinh đời ta tươi thắm hơn. Vì Nhân dân chiến đấu không ngừng. Tiến mau ra sa trường. Tiến lên cùng tiến lên. Nước non Việt Nam ta vững bền”(trích lời 2 bài Tiến quân ca)
Không quá lời khi nói rằng đó chính là những liều thuốc hồi sinh cho mọi giai tầng xã hội lúc bấy giờ. Những giai điệu, văn từ bừng bừng khí thế “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.
Rồi cái ngày “đứng dậy sáng lòa” cũng đã đến, khi Phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng Minh đã tạo nên thời cơ ngàn năm có một, để cả dân tộc “đem sức ta giải phóng cho ta”. Lúc này, hàng loạt các hình thức tuyên truyền mạnh mẽ với các cuộc diễn thuyết hùng hồn, truyền đơn, áp-phích giăng đầy, những biển người vùng lên như nước vỡ bờ. Ngày 19-8-1945, Hà Nội khởi nghĩa thành công; tiếp đó ngày 23-8 Huế giành thắng lợi; 25-8 Sài Gòn về tay Nhân dân. Những thắng lợi liên tiếp đó đã nhanh chóng loan truyền khắp mọi miền đất nước. Cờ Đảng, cờ Tổ quốc tung bay trải dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Cuộc Tổng khởi nghĩa mùa thu Tháng Tám 1945 đã thắng lợi hoàn toàn, đất nước Việt Nam đã độc lập; Nhân dân Việt Nam từ phận đời nô lệ, trở thành người tự do, làm chủ non sông.
Công tác tư tưởng mà bộ ba Văn hóa, thông tin, tuyên truyền đã gắn liền suốt chiều dài lịch sử đấu tranh giải phóng thống nhất đất nước. Sau năm 1945, khi mà nền độc lập chưa được bao lâu thì thực dân Pháp quay lại cướp nước ta một lần nữa. Non sông ngập màu binh đao, khói lửa. Cuộc sống yên bình của muôn dân thêm một lần ly loạn. Làng quê, phố thị lại oằn mình rên xiết. Cả đất nước đứng lên, cả dân tộc đứng lên, cuộc kháng chiến trường kỳ bắt đầu với những đoàn quân trùng điệp tạm rời xa làng quê, phố thị tiến bước lên ngàn, làm một cuộc trường chinh đánh giặc. Hình ảnh người lính oai hùng nhưng rất đỗi thân thương, bình dị; những nông dân chân lấm tay bùn đứng lên cầm súng; những người mẹ Việt Nam nuốt nước mắt tiễn đàn con ra trận mong ngày chiến thắng trở về; hình ảnh đoàn quân rầm rập ra sa trường mang theo cả tình thương của quê hương và của mẹ luôn là đề tài dạt dào cảm xúc trong các tác phẩm văn học, thơ ca, thẩm thấu vào đời sống kháng chiến, làm khắc khoải bao trái tim nhân nghĩa kể cả trái tim của những con người phía bên kia chiến tuyến. Hãy nghe lời kể của Nguyễn Đình Thi “Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về/ Ôi những cánh đồng quê chảy máu/ Dây thép gai đâm nát trời chiều”(Đất nước), hay cái khoảng trời hoang vu buồn đến tận cùng của đất nước thời loạn lạc trong bài thơ “Đèo Cả” của Hữu Loan mà có lần nhà thơ Xuân Diệu đã thốt lên thán phục “tôi yêu, tôi phục bài thơ hoang vu Đèo cả!”; trong trường ca “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm: Quê hương ta từ ngày khủng khiếp/ Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn; trong “Đôi mắt người Sơn Tây” của Quang Dũng: Từ độ thu về hoang bóng giặc/ Điêu tàn thôi lại nối điêu tàn/ Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ/ Em có bao giờ lệ chứa chan; và còn rất nhiều tác phẩm đã trường tồn cùng năm tháng...
Thời chống Mỹ, đã xuất hiện nhiều cây bút mới, nhiều nhà văn trẻ và họ cũng sớm khẳng định tên tuổi của mình với nhiều tác phẩm thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước, sự quặn thắt lòng đau trước cảnh nước nhà chia cắt. Và chính từ nỗi lòng đó, họ đã để lại cho đời sau những tuyệt phẩm về tinh thần cách mạng như: “Dấu chân người lính” của Nguyễn Minh Châu; “Người mẹ cầm súng” của Nguyễn Thi; “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành; “Hòn Đất” của Anh Đức; “Con đường xuyên rừng” của Lê Văn Thảo... Đặc biệt bộ tiểu thuyết “Đường thời đại” của nhà văn Đặng Đình Loan viết về đề tài chiến tranh Nhân dân; Trường ca “Bài ca chim Chơ Rao” của Thu Bồn được coi như sử thi hùng tráng của núi rừng Tây Nguyên. Và nhà thơ Thanh Thảo: Chúng con đi từng trận gió rừng/ Cả thế hệ xoay trần đánh giặc (Những người đi tới biển). Với Lê Thị Mây trong “Lửa mùa hong áo” thì: Xin các chị cho em nén giữ trong lòng/ Làn hương sả bắt đầu từ ký ức/ Mười sáu tuổi, mười bảy tuổi ai không náo nức/ Mong được rời nách áo mẹ ra đi/ Tiếng núi sông thăm thẳm rầm rì/ Phía mặt trận trai làng hành quân lũ lượt/ Mười sáu tuổi cởi khăn quàng mơ ước/ Mũ tai bèo đỏng đảnh bím đuôi sam.
Thời gian đã đi qua, hào khí Việt trong hùng ca Tháng Tám và trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp, chống Mỹ còn mãi âm vang trên con đường còn rất dài, rất dài phía trước, tiếp tục thôi thúc những người con “máu đỏ, da vàng” sẵn sàng dấn thân, hy sinh vì công cuộc dựng xây và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa như lời “Những trái tim Việt Nam” của nhạc sĩ Phương Uyên: Việt Nam mãi vững bền/ Bốn phương trời mình cùng dang tay gìn giữ núi sông/ Việt Nam tôi đứng lên/ Và thắp sáng niềm tin chiến thắng…/.