Tình yêu biển, đảo trong tranh Lương Nguyên Minh
LÊ TRỌNG
Sau khi bàn giao công tác quản lý di tích Cát Tiên về nghỉ hưu theo chế độ và trở thành “Tỷ phú thời gian”, họa sĩ Lương Nguyên Minh (sinh năm Canh Tý -1960) bắt tay vào công việc “múa cọ” nhằm thỏa niềm đam mê hội họa của mình. Không dừng lại ở dòng tranh phong cảnh, mà anh còn khai thác chuyên sâu mảng đề tài về dân tộc thiểu số, đặc biệt là đề tài về biển đảo quê hương với bút pháp tả thực, sinh động và giàu sức gợi. Bức tranh “Tuần tra trên đảo Thổ Chu” của họa sĩ Lương Nguyên Minh đã được Tạp chí Văn nghệ Quân đội chọn đăng trang trọng ngay trên bìa 1 số ra tháng 7-2019 là một minh chứng cụ thể cho lao động sáng tạo nghệ thuật nghiêm túc của người họa sĩ quê gốc Hưng Yên này.
Có dịp chứng kiến họa sĩ Lương Nguyên Minh say sưa “múa cọ” tại nhà riêng ở phố núi Đà Lạt, tôi mới hiểu phần nào công việc thầm lặng của anh. Những nét chấm phá đầu tiên cho phác thảo xoay quanh đề tài về biển, đảo - chủ quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm của Tổ quốc đã được định hình trên giá vẽ. Nét cọ phóng túng của người họa sĩ quê Hưng Yên như đang lướt trên những con sóng vô thường, phác họa nên hình hài biển đảo quê hương. Đề tài mà anh đã nhiều năm ấp ủ và thai nghén, nhất là sau chuyến thực tế sáng tác ở quần đảo Trường Sa cách đây chưa lâu. Có lẽ, tình yêu đối với biển đảo đủ lớn và chín muồi đã thôi thúc anh say sưa lao động sáng tạo nghệ thuật, một mặt là để kịp cho ra đời những tác phẩm hội họa mang tính thời sự và ngập tràn hơi thở, dư vị của cuộc sống, mặt khác là tìm niềm vui trong cuộc sống sau khi đã về nghỉ hưu và trở thành “Tỷ phú thời gian”.
Sinh năm Canh Tý, người họa sĩ quê Hưng Yên này chính thức trở thành công dân phố núi Đà Lạt từ những năm 89-90 của thế kỷ trước. Chẳng hiểu thế nào, chỉ biết rằng cơ duyên đã đưa đẩy họa sĩ Lương Nguyên Minh gắn bó và đảm trách nhiều công việc khác nhau trên lĩnh vực văn hóa ở mảnh đất Nam Tây Nguyên, để rồi giờ đây khi đã về nghỉ hưu theo chế độ - anh được trở về với chính mình, như một lẽ tự nhiên. Chính thức bắt tay vào công việc “múa cọ” từ năm 1982, thế nhưng có thể nói, hoạt động sáng tạo nghệ thuật của anh cũng chỉ mới hồi sinh trở lại trong thời gian gần đây. Thời điểm sáng tạo sung sức nhất là sau khi anh về nghỉ hưu từ đầu năm 2019 đến nay. Theo họa sĩ Lương Nguyên Minh, “gia tài” tranh vẽ của anh hiện cũng chỉ khoảng hơn 100 tác phẩm, chủ yếu là tranh sơn dầu và một ít tranh màu nước. Mảng đề tài chủ yếu anh tập trung khai thác trong thời gian gần đây là dòng tranh phong cảnh, đặc biệt dòng tranh chuyên sâu về đề tài dân tộc thiểu số, về biển đảo quê hương.
Cùng với đề tài về thiên nhiên, về kiến trúc Đà Lạt, về đời sống sinh hoạt của cư dân bản địa gốc Tây Nguyên, mảng đề tài về biển đảo thân yêu của Tổ quốc cũng luôn thường trực trong suy nghĩ của họa sĩ Lương Nguyên Minh, nhất là sau khi anh tham gia chuyến thực tế sáng tác ở quần đảo Trường Sa cùng với một số đồng nghiệp. Khắc họa bức tranh sống động, chân thực về biển, đảo quê hương; thể hiện tình yêu của người họa sĩ đối với biển, đảo đã khó, nhưng có lẽ khi chạm đến đề tài khá nhạy cảm, đến chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc đối với những người cầm cọ sáng tạo như anh lại càng không dễ dàng một chút nào. Sáu bức tranh về đề tài biển, đảo quê hương được họa sĩ hoàn tất trong thời gian gần đây là sáu không gian với những gam màu tươi mới, hàm chứa nhiều ý nghĩa và mang tính thẩm mĩ rất riêng. Ở đó, thông qua bút pháp nghệ thuật của mình, tác giả đã phản ánh một cách chân thực và sinh động công việc thầm lặng của các chiến sĩ hải quân đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, cũng như đời sống, sinh hoạt của những người dân trên đảo bằng tất cả sự cảm phục, trân trọng và tin yêu. Bức tranh “Tuần tra trên đảo Thổ Chu” của họa sĩ Lương Nguyên Minh đã được Tạp chí Văn nghệ Quân đội chọn đăng trang trọng ngay trên bìa 1 của tạp chí số ra tháng 7-2019 là một minh chứng cụ thể cho lao động sáng tạo nghệ thuật nghiêm túc đó.
Tình yêu biển, đảo của người họa sĩ phố núi không chỉ dừng lại ở những bức tranh được vẽ theo lối tả thực, mà nó còn được anh nung nấu bởi ý tưởng bắt tay thực hiện một bức phù điêu hoành tráng tại “Viên ngọc thô” Thổ Châu - xã đảo tiền tiêu phía Tây Nam Tổ quốc, thuộc huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang - nơi mà cách đây 45 năm hơn 500 dân thường bị quân Khmer Đỏ bắt cóc và sát hại. Hy vọng rằng, bức phù điêu đầy tâm huyết mà họa sĩ Lương Nguyên Minh - hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam cùng các đồng nghiệp đang đầu tư thiết kế sẽ sớm được hiện thực hóa trong thời gian tới. Một công trình được xem như là món quà đầy ý nghĩa từ đất liền dành tặng chính quyền và người dân nơi đảo xa./.