Viết về nữ sĩ Tương Phố (1896-1973)
NGUYỄN TIẾN QUỲNH
Năm 1915, một người con trai xứ Huế, y sĩ Thái Văn Du (em trai Thượng thư Thái Văn Toản) về thực tập ở Thất Khê. Nơi đây Du đã gặp Đàm, lúc cô thiếu nữ vừa mới bước vào tuổi đôi mươi. Cô Đàm đã yêu chàng thanh niên người kinh đô với tất cả sự say đắm của mối tình đầu. Rồi họ cưới nhau. Lễ cưới được cử hành, cũng vẫn tại Thất Khê xa xăm và thơ mộng.
Và ở nơi biên ải ấy, họ đã sống tuần trăng mật đầy ắp niềm vui. Lúc giận hờn vô cớ với vầng trăng, lúc lặng ngắm nhau, mê mải:
Yêu có lúc mắt nhìn chẳng chớp,
Trông nhau cùng muốn nuốt nhau đi.
Tuổi thơ cô Đàm gắn với Thất Khê (Lạng Sơn) và Hà Nội. Hà Nội có trường nữ học sư phạm Hà Nội, phố Hàng Cót, nơi Đàm theo đuổi những năm cuối cùng của bậc tiểu học. Còn Thất Khê, đó là chốn gia đình Đàm đã ở một thời gian dài, do người cha - một công chức - được bổ nhiệm đến làm việc. Thất Khê là nơi ấy mà nhờ đó, cô Đàm ngoài chữ quốc ngữ, chữ Hán, chữ Pháp, còn thông thạo cả tiếng Tày. Và rừng núi Thất Khê ấy còn là nơi chứng kiến niềm hạnh phúc và nỗi khổ đau lớn nhất của đời cô.
Tương Phố vốn có nghĩa là bến sông Tương. Sông Tương tục truyền là nơi hai bà vợ của vua Thuấn là Nga Hoàng và Nữ Anh thảm thiết khóc chồng, nước mắt rớt xuống thân cây trúc, thành một loài trúc lốm đốm đẹp mà người dân vùng đó vẫn gọi là trúc Tương phi. Từ ấy, sông Tương đã đi vào thơ văn truyền thống như dòng sông lệ, dòng sông của yêu đương và của nỗi nhớ nhung…
Con người lấy cái bến sông nước mắt kia làm bút hiệu cho mình vốn có tên là Đỗ Thị Đầm. Cái tên Đầm được cha mẹ đặt ra để ghi nhớ nơi sinh của cô con gái lớn: đồn Đầm, tỉnh Bắc Giang. Còn quê gốc của họ ở mãi làng Bái Kết, Khoái Châu (Hưng Yên). Đầm trong tiếng Hán đọc là Đàm.
Sau khi cưới xong, đôi uyên ương sống những ngày đẹp như giấc mộng, ở Thất Khê, rồi Phan Thiết, nơi chồng được bổ về làm thày thuốc. Nhưng, ngày vui ngắn chẳng đầy gang, họ chung sống không kéo dài hơn 10 tháng. Năm 1916, Thái Văn Du (khi ấy đã là Y sĩ Đông Dương) phải sang Pháp làm nhiệm vụ điều trị cho binh sĩ Việt bị đưa qua châu Âu trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất, đồng thời chuẩn bị thi lấy mảnh bằng bác sĩ. Lúc bấy giờ, đứa con trai của họ vừa mới chào đời tên Thái Văn Châu.
Quãng thời gian này, khi ở Phan Thiết, rồi về học Trường Sư phạm ở Hà Nội, Đỗ Thị Đàm sống trong nỗi nhớ chồng da diết. Bà gửi nỗi nhớ vào những vần thơ như được cắt ra từ trái tim rỉ máu trong lòng người thiếu phụ:
Đêm lạnh, anh ơi, em nhớ anh,
Đường xa bao ngả, bấy nhiêu tình.
Tai họa ập đến vào năm 1919, Thái Văn Du bị lao phổi, phải đưa về Huế để chữa trị. Ít lâu sau, hè 1920 căn bệnh quái ác đã vĩnh viễn cướp Du đi, để lại vợ góa, con côi.
Bao năm dài sau đó, nước mắt của người sương phụ ấy dường như không thể nào vơi cạn. Những Giọt lệ thu bà để tuôn dào dạt trong thi ca thực sự đã trở thành Mưa gió sông Tương. Tên tuổi bà xuất hiện dưới bút danh trở nên quen thuộc với mọi người, như là một thi sĩ khóc chồng nhiều nhất và cảm động nhất trong lịch sử văn học Việt Nam. Bà thuộc hàng nữ lưu tân tiến những năm 20 thế kỷ trước.
Nhưng phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí. Cuối những năm 20 thế kỷ trước, cha già, con côi cút, hoàn cảnh gieo neo về vật chất và bức bối về mặt tinh thần, cám cảnh làm vợ kế của một viên quan hơn mình nhiều tuổi. Năm 1925, bà tái giá với tuần phủ Phạm Khắc Khánh ở Phúc Yên (Vĩnh Phúc). Và nước mắt lại tuôn chảy, khúc Tái tiếu sầu ngâm trong ngày Bước chân ra lại càng thêm não nề.
Ngót 80 năm trước đây, Giọt lệ thu đã được dịch ra tiếng Pháp và có người trong cơn phấn hứng, đă dám so sánh nó với tác phẩm thơ lãng mạn nổi tiếng: Cái hồ (Le Lac) của thi hào Lamartine. Những câu hay nhất của Giọt lệ thu nằm trong tám đoạn thơ lục bát và song thất. Nhưng phần lớn hơn của giai phẩm này lại được viết theo một thể rất gần với lưu thủy phú, là thể đã được Nguyễn Hữu Chỉnh và Phạm Thái từng dùng để viết các bài văn tế Nôm bất hủ trước đấy.
Sáng tác nổi tiếng nhất của bà là Giọt lệ thu (viết năm 1923), đăng báo (1928 ). Sau đó bà tiếp tục làm thơ, viết bài cho các báo. Những tác phẩm đó sau này được tập hợp trong Giọt Lệ thu (1952), Mưa gió sông Tương (1960 ), Trúc Mai (1970). Tương Phố đã góp phần vào văn học đầu thế kỷ XX tiếng khóc than ảo não do hạnh phúc tan vỡ. Bà là nhà thơ nữ đầu tiên dám giãi bày hết đời mình, hết lòng mình, dám nâng mối tình của riêng mình thành cả một nguồn thơ. Cái tôi trong thơ ta đầu thế kỷ XX có lẽ không chỉ tìm thấy trong duy nhất một Tản Đà. Ít nhất, nó cũng còn tồn tại trong giọng thơ trữ tình Tương Phố. Bà cũng từng làm thơ xướng họa với nhà chí sĩ Phan Bội Châu, thi sĩ Đông Hồ.
Từ Giọt lệ thu tới nay, đã bao nước chảy qua cầu, nhưng Tương Phố và thơ Tương Phố vẫn còn đấy, để nhắc nhở chúng ta biết cảm động trước lòng người, tình người, biết đau nỗi đau người - cái phẩm chất mà bất cứ ai không muốn trở nên xa lạ với con người đều luôn luôn cần phải có… Ngày nay, trên ngọn đồi cao đường Mimosa, Phường 10, thành phố xinh đẹp Đà Lạt gần chùa Bửu Châu, có ngôi mộ là nơi yên nghỉ của bà, hướng về phía Tây, ngóng chờ chồng, về cõi vĩnh hằng của bầu trời, nơi ấy ngàn năm rực sáng những buổi hoàng hôn tuyệt vời mà nữ sĩ Tương Phố đã từng ngắm, qua những năm tháng trên cuộc đời này...”. Năm tháng mênh mông, một giọt nước mắt, một viên ngọc long lanh dưới trời xanh”./.