Gặp nhau đã khó xa nhau còn khó hơn! PHẠM XUÂN QUANG
VÔ ĐỀ Tương kiến thời nan biệt diệc nan Đông phong vô lực bách hoa tàn Xuân tầm đáo tử ty phương tận Lạp cự thành hôi lệ thủy can Hiểu kính đản sầu vân mấn cải Dạ ngâm ưng giác nguyệt quang hàn Bồng lai thử khứ vô đa lộ Thanh điểu ân cần vị thám khan Lý Thương Ẩn
Đã lâu, thật lâu rồi ta không làm thơ Đường luật, thậm chí cũng không đọc thơ Đường. Dẫu biết rằng thơ Đường luật không chỉ hay mà là rất hay, không chỉ thâm thúy mà là rất thâm thúy. Thế nhưng như một nàng mĩ nữ với vẻ diễm lệ tuyệt vời mà rất đoan trang quý phái, Đường thi đã khiến bao kẻ phàm phu tục tử tuy dạ đầy ngưỡng mộ mà nào dám lay động lòng trần, chỉ còn biết lui gót lấy câu: "Kính nhi viễn chi" làm mực thước. Và ta cũng chẳng thể đứng ngoài cái bọn người trần mắt thịt ấy. Đà Lạt đêm nay mưa thu thánh thót là mối duyên kỳ ngộ cho ta gặp gỡ bài cổ thi Đường luật của bậc thánh thi họ Lý đời vãn Đường với tiêu đề rất bình dị, đó là bài "Vô đề": "Tương kiến thời nan, biệt diệc nan". Ngay sau sự dung dị của tiêu đề là câu mở vô cùng triết lý rất súc tích về tình người ấy: "Gặp nhau đã khó nhưng xa nhau lại còn khó hơn". Vâng đó là một quy luật của tình cảm, "nhân duyên" đưa người ta đến với nhau cho nên mọi cuộc gặp gỡ dù vô tình hay hữu ý đều là duyên hội ngộ chứ đâu phải là sự giao thoa của dòng nước vô tình... Nhưng nếu gặp nhau là duyên thì xa nhau là phận, gặp gỡ là trùng phùng thì xa nhau là ly biệt mà có biệt ly nào không làm quặn thắt con tim; không làm cho hoa xuân rơi rụng, sen hạ úa tàn... Chính lẽ đó là nguyên nhân cho tác giả hạ bút tiếp câu: "Đông phong vô lực bách hoa tàn" Vâng "gió xuân không đủ sức níu giữ cho trăm hoa khỏi úa tàn", chẳng khác nào tình thương yêu của người quân tử không đủ sức chở che bảo vệ cho mĩ nữ của mình giữ mãi được dung nhan diễm lệ trước sự tàn phá của thời gian. "Xuân tầm đáo tử ty phương tận Lạp cự thành hôi lệ thủy can" Hai câu thực của bài thơ này mới thực sự tuyệt vời, với lối ví von so sánh cực kỳ độc đáo tác giả đã nói lên cái tình của con người thật sâu sắc, thủy chung còn hơn cả non cao, biển thẳm: "Con tằm đến chết tơ còn vướng Cây nến chưa tàn lệ vẫn vương" Hình ảnh con tằm vương tơ cho tới chết và cây nến trào lệ lúc cháy hết mình đã làm rung động bao trái tim người đọc từ cổ chí kim, thậm chí có người còn cho rằng nó là thi liệu cho đại thi hào Nguyễn Du của chúng ta hạ câu tuyệt bút trong Kim Vân Kiều truyện: "Dù cho sông cạn đá mòn Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ" ... Vâng, càng đọc càng suy ngẫm cảm xúc thẩm mĩ của bài thơ như suối nguồn vô hạn cứ mãi ngập tràn trong ta, nhưng như cổ nhân từng nói: Có những điều ta chỉ cảm được mà không thể diễn giải được vì ngôn ngữ và tự dạng nhiều khi bất lực trước cảm xúc của con tim, bởi lẽ cảm xúc mà thể hiện được qua hành vi biểu cảm thì đâu còn là chân cảm xúc? Ta đành làm kẻ câm điếc trước tuyệt tác của tiền nhân. Hai câu luận của bài cổ thi lại càng làm cho ta xúc động bồi hồi như thấy có bóng hình mình trong đó: "Hiểu kính đản sầu vân mấn cải Dạ ngâm ưng giác nguyệt quang hàn" (Buổi sáng soi gương đã thấy tóc mai bạc trắng Nửa đêm ngâm thơ cảm nhận ánh trăng đượm buồn) Vẫn biết sinh, trụ, dị, diệt là quy luật tất yếu của tạo hóa, nhưng trước sự đổi thay của cõi nhân sinh lòng ta sao khỏi vương vấn bùi ngùi... "Bồng lai thử khứ vô đa lộ Thanh điểu ân cần vị thám khan" (Vì không có nhiều lối đi tới Bồng Lai Nên phải ân cần nhờ chim xanh dẫn lộ) Đó là câu kết đầy ẩn ý mà tác giả muốn gửi gắm cho người trong cõi mộng của riêng mình. Ngoài kia gà đã sang canh, trăng nghiêng bán dạ, càng ngẫm nghĩ về bài tuyệt bút của bậc tiền nhân ta càng cảm phục tài năng xuất chúng... nét hào hoa lãng tử như còn phảng phất đâu đây đã gợi cảm hứng cho ta tìm về một dòng cổ thi tưởng như đã bị phủ lớp sương mờ quên lãng.../.
|